Tác giả chống diễn giải, hay quyền của người đọc

Sau khi viết The Satanic verses, Salman Rushdie liên tục đối diện với những tình thế phải tự diễn giải tác phẩm của mình trước văn giới, báo giới, kể cả nhà chức trách, một công việc mà ông cho rằng “nhà văn không bao giờ nên làm".

Năm 1988, cuốn The Satanic verses (Những vần thơ của quỷ Satan) của Salman Rushdie như một quả bom cay ném vào thế giới Hồi giáo. Lập tức, giáo chủ Iran Ruhollah Khomeini đã ra lệnh cho tín đồ trên toàn cầu thực thi lệnh fatwa (truy nã) nhà văn gốc Ấn này. Salman Rusdie chạy sang London, trải qua chín năm sống trong sự canh phòng bảo vệ cẩn mật của hàng rào cảnh sát Anh. Nhưng, đó chỉ là chuyện nhỏ, điều đau khổ nhất với ông là việc liên tục đối diện với những tình thế phải tự diễn giải tác phẩm của mình trước văn giới, báo giới, kể cả nhà chức trách.

Trong tiểu luận Tình thế “buộc phải diễn giải” của nhà văn, Salman Rushdie viết: “Thật sự, rất hiếm có một tác giả nào bị yêu cầu phải liên tục giải thích về cuốn sách của mình một cách chi tiết, tỉ mỉ và thường là trong tình thế luôn đối mặt với sự thù địch đến như vậy. Thái độ thù địch đối với cuốn sách lại dựa trên sự không thèm đọc hoặc đọc rất qua quýt (…) Để chống lại cuộc tấn công ồ ạt này, tôi nhất thiết phải nói, nói đi rồi nói lại, những điều tôi nghĩ về chính cuốn sách của mình, giải thích tại sao tôi viết nó và tại sao lại viết như vậy. Tôi luôn bị rơi vào tình thế buộc phải làm những thứ mà tôi cho là nhà văn không bao giờ nên làm: áp đặt cách đọc cuốn sách của chính mình lên độc giả, kể lại ý nghĩa của nó, giảng giải từng đoạn văn gây tranh cãi, cố gắng thuyết phục rằng nó nghiêm túc, hợp lý, tử tế và đáng đọc trước những lời buộc tội rằng nó thiếu nghiêm túc, không hợp đạo lý và không đáng đọc”.

Đến nay, hơn 22 năm sau cái án tử đến từ thế giới Hồi giáo, Salman Rushdie vẫn có lúc bị rơi vào thế phải “lải nhải giải thích” về các nguyên cớ, chi tiết, ẩn dụ, dụng ý của mình trong The Satanic verses để làm hài lòng một số người hỏi (vì câu trả lời “tôi không biết” sẽ không bao giờ được chấp nhận!)

Nhà ký hiệu học, phê bình văn học Roland Barthes trong tiểu luận Cái chết của tác giả thường được giới phê bình đương đại viện dẫn, cho rằng, “Sự sinh thành của người đọc phải được trả giá bởi cái chết của tác giả”, bởi ông quan niệm “Sự viết bản thân nó đã là một thứ tiếng nói đặc biệt, tổng hợp của nhiều giọng nói khó tách rời, và vì văn chương chính là quá trình sáng tạo ra tiếng nói này, một tiếng nói không thể xác định được nguồn gốc cụ thể cho nó: văn chương là thứ không gian trung tính, phức hợp, lạc hướng, trong đó mọi chủ thể đều mất hút, là hố đen nhấn chìm mọi bản thể, trước tiên là bản thể của con người cầm bút viết”.

Như vậy, trong quá trình viết, việc tác giả nhảy xổ vào văn bản để “múa minh hoạ”, tìm cách giải thích hay sau đó, anh ta như một kẻ lắm mồm luôn sẵn sàng làm cái việc của Tôn Ngộ Không, tự biến mình thành nhiều thân hình bay đến bên tai mỗi độc giả để nói với từng người rằng, tôi viết sự kia để chỉ trích về điều nọ, tôi viết câu chuyện nọ để ca tụng sự kia… đó là một chuyện hoang tưởng, đáng mỉa mai và bất khả.

Trong một cuộc trao đổi với ký giả văn học Lévai Balázs, nhà văn, triết gia Umberto Eco (Ý), tác giả của những tiểu thuyết uyên bác, đa nghĩa và khó đọc, đã nói về sự “chống diễn giải”: “Nếu ta bình về sáng tác của bản thân, điều đó có nghĩa là ta tuyên bố: tác phẩm của tôi nói về điều này điều nọ. Tôi nghĩ không một tác giả nào có thể làm như thế. Một tác giả không làm gì khác là gửi đi một thông điệp, để sau đó người ta đọc tác phẩm của anh theo nhiều cách khác nhau. Nhưng tôi không khẳng định tất cả cách đọc đều đúng. Tác giả có thể nhận biết, nếu một người nào đó đã hiểu hoàn toàn sai tiểu thuyết của mình. Tất nhiên, độc lập với chuyện ấy, một người khác có thể thấy trong sách cái mà tác giả không hề biết mình đã đưa vào. Khi đó thì việc của tác giả là phải công nhận người đọc đúng. Chính vì vậy mà tác giả không nên giải thích tác phẩm của mình. Nhưng mặt khác, anh ta có thể nói về phương pháp, về cách anh làm việc, điều đó hoàn toàn khác” (Thế giới như là một cuốn sách mở, Lévai Balázs, Nhã Nam và NXB Văn Học, 2010).

“Khi tôi xuất bản một cuốn sách, tôi muốn hoàn toàn tránh mặt đi. Bởi, ở đúng vào thời điểm cuốn sách ra mắt, trách nhiệm của nhà văn đối với nó đã hết, phần còn lại là dành cho độc giả” – Salman Rushdie nghiệm thấy. Nhưng Roland Barthes thì cho rằng, “Cái chết của tác giả” còn xa hơn thế: “Tác giả thực sự chết, và sự viết bắt đầu”.

Còn lại, là “quyền sống” của độc giả trên văn bản, thứ quyền lực tuyệt đối. Và, thông qua hồi đáp sáng tạo trong việc đọc, mỗi độc giả sẽ “viết” (hoàn thiện tác phẩm) theo cách của mình.

Tác giả

(Visited 19 times, 1 visits today)