Tái khám phá tổ khúc “Những hành tinh”
Các cuộc dạo chơi trên sao Hỏa, hoàng hôn ở sao Uranus, các bức tượng điêu khắc trên sao Kim… 100 năm sau khi nhà soạn nhạc Gustav Holst cho ra mắt "Những hành tinh" – một kiệt tác mang tính sử thi, các nghệ sỹ đang tái hình dung nó với việc bổ sung những khám phá khoa học mới nhất.
Nhà soạn nhạc Gustav Holst
Từ lâu, người ta biết tới việc các nhà soạn nhạc tìm cảm hứng sáng tác thông qua những chuyến đi xa. Mendelssohn tới tận hòn đảo nhỏ yên tĩnh Staffa của người Scotland để viết khúc overture Hebrides nổi tiếng của mình, hay Messiaen tìm thấy những nét âm nhạc mới mẻ ở tận những rặng núi Utah. Deborah Pritchard thì quyết định làm một chuyến viễn du tới sao Hỏa. Nhà soạn nhạc nữ kiêm nghệ sỹ double bass người Anh nói về chuyến đi của mình: “Nó thật huy hoàng với những ngọn đồi và thung lũng đỏ tương tự như những ngọn đồi và thung lũng trên Trái đất. Việc có thể nhìn thấy quang cảnh này thật khác thường.”
Phải nói rõ là chuyến đi tới sao Hỏa của Pritchard chỉ là một chuyến tới Đài quan sát dữ liệu tại trường Đại học Hoàng gia London. Đây là nơi những hình ảnh từ cỗ xe Curiosity (Trí tò mò) – một thiết bị có kích cỡ tương đương một cái xe ô tô đi lang thang trên khu vực Gale Crater của hành tinh Đỏ với cánh tay gắn một chiếc camera, mũi khoan và thậm chí là một kiểu gậy selfie – được chiếu lên trên các bức tường xung quanh, đem lại một trải nghiệm ảo ba chiều về hành tinh này cho những vị khách tới đài quan sát. Với Pritchard, tất cả những điều đó đã đủ truyền cảm hứng sáng tác. Cùng với 7 nhạc sĩ khác, nhiệm vụ của cô là bằng những hiểu biết khoa học mới của thế kỷ 21, viết thêm vào tổ khúc Những hành tinh của Holst.
Trong lịch sử âm nhạc, kiệt tác của Holst đóng vai trò quan trọng như một tác phẩm âm nhạc cổ điển thời kỳ hiện đại. Có nguyên cớ đưa nó trở lại với đời sống âm nhạc ngày nay. Ít nhất là vì Host đã bắt đầu viết tác phẩm này vào năm 1914, khi đó hiểu biết của chúng ta về Hệ Mặt trời vẫn còn quá ít ỏi, ví dụ như trong một bài báo trên New York Times vào thời điểm đó đã nêu những kết quả quan sát của nhà thiên văn học Percival Lowell: “Người Hỏa tinh đã xây dựng thêm hai kênh đào trong hai năm”.
Niềm tin vào người Hỏa tinh siêu việt của Holst (như dư luận đã tin tưởng) liên quan đến những hiểu biết này bởi tổ khúc Những hành tinh của ông được sáng tác trên những đặc điểm về chiêm tinh học của mỗi hành tinh hơn là khoa học. Do đó Hỏa tinh là kẻ mang đến chiến tranh, Kim tinh đại diện cho hòa bình, Uranus là bậc thầy pháp sư… Chính điều đó tạo ra đặc điểm của tác phẩm – nhưng những đặc điểm riêng biệt của các hành tinh này có chút cơ sở thực tế nào?
“Không hề”, TS. Philippa Mason – một nhà địa chất tại đại học Hoàng gia London và là một trong số 6 nhà khoa học được chọn để cố vấn cho các nhạc sỹ trong suốt quá trình sáng tác, nói. “Ví dụ, Hỏa tinh thì thực sự là nơi rất lạnh, yên tĩnh, ôn hòa trong khi Kim tinh lại là một nơi tận cùng địa ngục – nóng, nặng nề và nhiệt độ cao đủ để chì tan chảy”. Theo đó thì Holst dường như đã có cái nhìn hoàn toàn sai lầm về hai người hàng xóm của trái đất.
Ý tưởng tái hiện Những hành tinh bằng những kiến thức khoa học hiện đại do nhà soạn nhạc trẻ người Anh Samuel Bordoli nêu ra. Anh đã cùng với các nhà sản xuất của tổ chức âm nhạc Sound UK lựa chọn mỗi nhà soạn nhạc đảm trách một hành tinh với sự cố vấn của một nhà khoa học và đề nghị họ sáng tác một tiểu khúc cho tứ tấu đàn dây trong vòng 5 phút. Với tên gọi chung Những hành tinh 2018, chùm tác phẩm này được nhóm tứ tấu Ligeti trình diễn trong các đài thiên văn trên khắp nước Anh.
Thời gian đã được ấn định, không chỉ vì là buổi hòa nhạc đầu tiên kỷ niệm 100 năm ngày Holst cho ra mắt lần đầu tổ khúc Những hành tinh của mình mà còn vì Greenwich – nơi đài thiên văn mà chuyến lưu diễn bắt đầu – là nơi các nhà thiên văn học quả quyết bác bỏ tuyên bố của Lowell về một đội quân Hỏa tinh xây dựng những đường hào nước dài 33,5 dặm.
Bordoli đã chọn người khổng lồ khí Diêm vương tinh cho sáng tác của mình và trao đổi qua email với David Rothery, giáo sư về khoa học địa hành tinh tại trường Đại học Mở. Có rất nhiều “câu hỏi ngây ngô” được đặt ra trước khi anh tìm thấy một cách thể hiện bằng âm nhạc phù hợp: Rothery giải thích việc có thể nhìn thấy một hoàng hôn từ hành tinh này như thế nào và đột nhiên cảm hứng tìm đến Bordoli.
“Nó hoàn toàn khác biệt với những gì chúng tôi có thể trải nghiệm. Mặt trời ở đó di chuyển theo hình xoắn ốc trong vòng 42 năm cho đến khi nó biến mất dưới đường chân trời. Và sau đó tất nhiên là tới 42 năm đen tối không ánh mặt trời”, Bordoli kể lại. Tác phẩm mới hoàn thành của anh được đặt hi vọng sẽ tái hiện chuyến du hành dài từ ánh sáng tới bóng tối này.
Bordoli chưa bao giờ “tới” hành tinh mình lựa chọn như cách Pritchard đã làm. Pritchard có nhiều chuyến đi tới phòng Hỏa tinh 3 D để ngạc nhiên trước quang cảnh kỳ thú, chụp những bức ảnh và đặt ra những câu hỏi với cố vấn của mình, Sanjeev Gupta – giáo sư khoa học trái đất ở trường Đại học Hoàng gia London. Khi tới đây, người ta có thể hiểu vì sao cô lại muốn trở lại nơi này. Phóng tầm mắt ngắm nhìn khung cảnh trống trải nhưng đẹp đẽ, trong vắt như pha lê của hành tinh này cũng đủ khiến người ta nghẹt thở. Gupta là một thầy giáo giỏi với một kho những chuyện kể tưởng chừng vặt vãnh nhưng nhiều thông tin quý giá. Ông giải thích Curiosity ở trên Hỏa tinh tới 6 năm để nghiên cứu về các khoáng chất và bầu khí quyển của nó như thế nào. Gupta cũng truyền thụ cho Pritchard những kiến thức về lịch sử Hỏa tinh: “Nơi đây từng có nước và một bầu khí quyển thân thiện cho một chuyến đi dạo cho đến chừng 3,5 tỷ năm trước, khi nước và khí quyển mất đi.”
Không giống như nguyên tác của Holst, Pritchard cho biết cô đặt mục tiêu viết một tác phẩm gợi lên sự yên tĩnh và thanh bình. Việc khám phá ra sự thực là bất chấp vẻ bề ngoài như sa mạc của nó, Hỏa tinh là một hành tinh rất lạnh khiến cô ghìm các hợp âm của mình xuống bằng việc sử dụng những quãng bốn. Nhưng vấn đề quan trọng nhất với âm nhạc là sự tương ứng về cảm xúc: việc hiểu được sao Hỏa có thể từng có khả năng có sự sống đã đem cho cô một tình yêu mới với những gì chúng ta có trên Trái đất. “Âm nhạc phản ánh rằng Mẹ Trái đất cần được bảo vệ”, cô nói.
Một cuộc đi dạo từ phòng Hỏa tinh tới một phòng đầy ắp những viên đá trái đất, trải rộng từ hóa thạch cổ xưa đến các viên pha lê. Gupta đến gặp Ayanna Witter-Johnson – một ca sỹ và nghệ sỹ cello đóng vai trò cầu nối giữa nhạc cổ điển và R&B alternative. Cô quyết định chọn Trái đất, hành tinh không có mặt trong tổ khúc của Holst. Gupta nghĩ cô chọn nhiệm vụ nặng nề nhất “bởi tất cả chúng ta đều biết rất rõ Trái đất.”
Vì cố vấn của As Witter-Johnson, Gupta quyết định tập trung vào câu chuyện nguồn gốc của Trái đất: có thể một cuộc va chạm xảy ra cách đây 4,6 tỷ năm với Theia, một hành tinh có kích thước tương tự Hỏa tinh, kết quả là bụi và mảnh vỡ có thể tái hình thành Trái đất và Mặt trăng. Câu chuyện mà Witter-Johnson chưa từng được nghe trước đây đã truyền cảm hứng cho cô. “Thật thú vị khi có một câu chuyện thần thoại, dù nó có thật hay không. Tôi thực sự thấy là mình không muốn đưa ra một câu định nghĩa Trái đất là gì… vì vậy tác phẩm của tôi gợi mở người nghe sự suy tưởng những gì họ nghĩ về trái đất.”
Khác với Gupta gặp thách thức khi chọn đề tài về trái đất, nơi chúng ta đều am hiểu khá nhiều, vấn đề của Shiva Feshareki hoàn toàn ngược lại. Nhạc sỹ và hòa âm người Anh gốc Iran chọn Kim tinh và nhanh chóng nhận ra là có quá ít thông tin về người hàng xóm gần nhất của Trái đất. “Bầu không khí đặc sệt đến mức ánh sáng không thể xuyên qua nổi”, Mason – cố vấn của Feshareki, cho biết. Bởi vậy, rất nhiều những gì chúng ta biết về Kim tinh đều dựa trên việc đọc các dữ liệu khác – chúng ta có thể dùng những gì chúng ta biết về Trái đất để ngoại suy thông tin. Quá trình khoa học này đã gợi ra suy nghĩ của Feshareki về một cách tiếp cận mới để sáng tác.
“Tôi bắt đầu nghĩ về những điều như cao độ, nhịp điệu, ký hiệu và các ý tưởng đó chỉ là điều kiện để các nhạc sỹ thể hiện ý đồ âm nhạc. Thay vào đó, tôi muốn màn trình diễn của nhóm tứ tấu được nghe một cách chăm chú để nghĩ sâu hơn về chuyển động cơ thể của các nghệ sỹ, của các cây vĩ và để tập trung thực sự vào tính vật chất của âm thanh và nghĩ về bản chất của âm thanh thực sự vốn là vật lý và toán học”, cô chia sẻ.
Tác phẩm của cô chỉ gồm vỏn vẹn 5 nốt nhạc nhưng bên trong những nốt đó là một “tác phẩm điêu khắc bằng âm thanh” được hình thành để nhóm tứ tấu có thể khám phá thế giới âm thanh của chúng. Nó cũng ẩn chứa nhiều tham vọng và sức sáng tạo như chính dự án này. Những âm thanh của Mason phức tạp một cách thú vị bởi nó bắt nguồn từ những gì cô thấy trong kiến thức mà Feshareki truyền thụ cho các nhạc sỹ. “Chị ấy gửi cho tôi sơ đồ này. Đó là một chuỗi các vòng tròn hầu hết như những quỹ đạo. Sau đó, cô chọn các nốt nhạc và vẽ sơ đồ chúng, những gì được điểm ra là một dạng cấu trúc hình sao có khả năng thể hiện được mục đích cuối cùng”, cô nói.
Đúng là những gì mà nhóm tứ tấu Ligeti trình tấu đều là phỏng đoán của mỗi người “thật thú vị khi biết điều đó!” Mason cười. Nhưng sự thật đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ cho mỗi người tham gia, ngay cả nhà khoa học lẫn nghệ sỹ.
“Nhóm tứ tấu ngạc nhiên trước số lượng lớn cuộc tranh luận nổ ra về việc khi nào thì những sự kiện trong quá khứ xảy ra với các hành tinh này”, Gupta nói. “Đây chỉ là cái nhìn của khoa học dựa trên dữ liệu, giải thích và sau đó là giải quyết vấn đề. Trong khi trên thực tế, chúng ta có những ý tưởng và giả thuyết và nó đòi hỏi nhiều sáng tạo, giống như với âm nhạc. Trong địa chất học, có một hố sâu lớn giữa những gì bạn thấy trong các tảng đá và những gì chúng có thể nói với bạn… rất nhiều công việc của chúng tôi nằm ở cách bạn giải thích nó như thế nào và những gì mà các câu chuyện chúng ta có thể kể. Đây không chỉ là khoa học thuần túy”.
Tôi nhận thấy cả các nhà khoa học và các nhạc sỹ đều là những người thích khám phá. Chúng ta đang đặt ra những câu hỏi, cố gắng tìm ra các giải pháp và tìm ra những điều mới. Đó cũng chính là điều có trong dự án âm nhạc này”, Witter-Johnson nói.
Thanh Nhàn dịch
Nguồn: https://www.theguardian.com/music/2018/sep/29/brian-cox-on-holsts-planets-then-and-now