Tài liệu lưu trữ quốc gia. Kỳ 2: Việc công bố trong hoàn cảnh hiện nay

Việc Chính phủ phê duyệt Chương trình Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia (CTCBTLLT) phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước mang giá trị như sự mở đầu cho một thay đổi to lớn và sâu sắc trong hoạt động lưu trữ nên cần được nhận thức một cách toàn diện và thực hiện một cách nghiêm túc, để nó có thể tác động tích cực không những tới quá trình hiện đại hóa của chính ngành lưu trữ mà còn tới công tác sử liệu vốn còn yếu kém suốt nhiều năm nay của nền sử học hiện đại Việt Nam.

Tòa nhà Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Nhìn chung, đến tháng 4/1975, hoạt động của các cơ quan lưu trữ cả ở hai miền Nam Bắc Việt Nam chủ yếu chỉ giới hạn trong phạm vi bảo quản và lưu giữ tài liệu. Trong một thời gian dài sau tháng 4/1975, tình hình nói trên cơ bản vẫn không thay đổi. Ngày 30/11/1982 Hội đồng Nhà nước ban bố Pháp lệnh 1982, chỉ nói về việc bảo vệ chứ không đề cập tới việc sử dụng. Ngày 4/4/2001 Quốc hội ban bố Pháp lệnh về lưu trữ quốc gia (trở xuống viết tắt là Pháp lệnh 2001) thay thế Pháp lệnh 1982, việc sử dụng đã bắt đầu được quan tâm với Chương 2 – Quản lý và sử dụng tài liệu lưu trữ. Ngày 11/11/2011 Quốc hội ban hành Luật Lưu trữ thay thế Pháp lệnh 2001 thì việc sử dụng tài liệu lưu trữ đã được quan tâm hơn với riêng Chương 4 – Sử dụng tài liệu lưu trữ. Tuy nhiên trong 20 năm qua, chỉ nói riêng số tài liệu xuất hiện trước Cách mạng Tháng Tám 1945 thì việc khai thác các tài liệu lưu trữ quốc gia cũng còn rất khiêm tốn. Việc thực hiện CTCBTLLT hiện nay vì thế không thể tách rời việc giải quyết một số vấn đề mà quá khứ để lại cho ngành lưu trữ Việt Nam.

Năm 2020 theo yêu cầu của Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, kẻ viết bài này tiến hành biên soạn quyển sách về Giáo sư Phạm Thiều (đã xuất bản năm 2021) nên tới Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tìm tư liệu về ông thời gian 1927 – 1945 nhưng không có, hỏi ra mới biết trung tâm ấy hiện còn khoảng 5 km tư liệu chưa kiểm kê và làm thư mục, có lẽ các hồ sơ thuộc Sở Học chính Nam Kỳ thời Pháp thuộc nằm trong số ấy, nên tài liệu về các nhà giáo như Phạm Thiều, Ca Văn Thỉnh ở đó đến nay vẫn chưa được biết tới! Tình hình này cho thấy trong gần 50 năm tính từ tháng 5/1975, cơ quan lưu trữ của chính quyền hiện nay vẫn chưa khắc phục được nhiều khiếm khuyết trong công tác lưu trữ mà các chính quyền cũ để lại từ các khâu phân loại tới thống kê, kiểm tra tình hình tài liệu, đây là một vấn đề cần đặt ra trong CTCBTLLT.

20 năm qua, chỉ nói riêng số tài liệu xuất hiện trước Cách mạng Tháng Tám 1945 thì việc khai thác các tài liệu lưu trữ quốc gia cũng còn rất khiêm tốn. Việc thực hiện CTCBTLLT hiện nay vì thế không thể tách rời việc giải quyết một số vấn đề mà quá khứ để lại cho ngành lưu trữ Việt Nam.

Bên cạnh đó, Luật Lưu trữ 2011, điều 29 khoản 3 qui định cơ quan, tổ chức có tài liệu lưu trữ có trách nhiệm “a. Chủ động giới thiệu tài liệu lưu trữ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng tài liệu lưu trữ đang trực tiếp quản lý, b. Hằng năm rà soát, thông báo tài liệu lưu trữ thuộc Danh mục tài liệu có đóng dấu chỉ các mức độ mật đã được giải mật”. Tuy nhiên lề lối hoạt động chủ yếu là lưu giữ, bảo quản tài liệu trong nhiều mươi năm đã khiến những công tác này ít nhiều bị xem nhẹ, đặc biệt là công tác được qui định ở mục b. Không nói tới những hồ sơ, tài liệu bị coi là “nhạy cảm” chẳng hạn về cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc sau 1954, cả nhiều hồ sơ, tài liệu trước tháng 5. 1975 hiện cũng chưa được giải mật và bị từ chối phục vụ hay hạn chế tham khảo.

Cách nay vài năm, kẻ viết bài này vâng lời các cựu học sinh Trường Học sinh miền Nam (Hsmn) Vĩnh Yên 1968 – 1972 làm Chủ biên tổ chức biên soạn hai quyển sách về Hsmn, phải đọc nhiều tư liệu ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. Trong các văn bản có liên quan tới Hsmn được lưu giữ ở đó có báo cáo của một trường Hsmn nói bị bom Mỹ đánh trúng khu nhà ăn nhưng chỉ hư hại tài sản chứ không có thiệt hại về người, góc trên trái trang đầu có đóng dấu “Mật”, xin sao chụp thì cán bộ phụ trách ở đó từ chối vì một lý do hợp pháp nhưng lãng xẹt là chưa được giải mật. Chuyện Hsmn bị không quân Mỹ truy sát từ 1965 cho thấy sự thù địch với Hsmn của đối phương lúc ấy, báo cáo ấy là một trong những bằng chứng, thời ấy có thể cần giữ bí mật để thầy cô, học sinh và phụ huynh học sinh các trường Hsmn khác không hoang mang, chứ đến nay thì còn bí mật gì mà không cho sao chép hay công bố? Hay ở Trung tâm Lưu trữ III hiện có một văn bản mang tên Phương châm và nguyên tắc chính sách Hoa vận miền Bắc Việt Nam của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành tháng 8/1958, nhưng hiện muốn đọc thì cán bộ Phòng đọc rút đi một tờ, cũng với lý do bảo mật. Sự thăng trầm của quan hệ Việt Trung từ 1950 trở đi là một thực tế lịch sử, thực tế ấy đã được chính quyền Việt Nam công khai nhìn nhận ít nhất từ Bị vong lục ngày 15/3/1979 rồi Sách trắng ngày 28/9/1979 của Bộ Ngoại giao Việt Nam, tư liệu kia có bí mật gì vào năm 1958 thì đến nay đó cũng chẳng còn đáng là điều phải giữ kín, nên việc hạn chế tư liệu như thế chỉ đưa tới một kết quả là hạn chế những thành tựu của việc nghiên cứu lịch sử người Hoa ở Việt Nam.

Ảnh 2: Trang đầu đơn khiếu nại Nguyễn Thân của Công nữ Thuần Mỹ, bản chữ quốc ngữ Latin hiện được lưu giữ tại Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại (ANOM) Cộng hòa Pháp ở Aix-en-Province, ký hiệu GGI, 5944 (Requêtes d’indigènes 1901-1907).


Từ góc độ nghiên cứu lịch sử và văn hóa mà nhìn, tài liệu lưu trữ cũng là một hệ thống sử liệu, chỗ khác biệt là có quan hệ trực tiếp với thời cuộc, chính sách hay bí mật riêng tư của các nhân vật lãnh đạo… nên cần được bảo quản và sử dụng một cách đặc biệt, nhưng cái đường ranh này không phải lúc nào cũng rạch ròi hay bất biến. Chẳng hạn các bộ Đại Nam Thực lục (Chính biên) từ Đệ nhất kỷ tới Đệ tứ kỷ viết về bốn vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều không ghi niên canh bát tự của họ, có lẽ vì sợ giới tử vi tướng số ở không nhiều chuyện phao tin thất thiệt dìm hàng lãnh đạo trù ẻo quân vương, nhưng qua thế kỷ XX thì các bộ Đệ lục kỷ Phụ biên viết về hai vua Thành Thái, Duy Tân và Đệ thất kỷ viết về vua Khải Định đều công khai giờ ngày tháng năm sinh của họ, tức ít nhất thì những thông tin ấy không còn được triều Nguyễn coi là có liên quan với việc họ ngồi trên ngai vàng. Cho nên nếu thừa nhận một trong những nhiệm vụ tiên quyết của CTCBTLLT hiện nay phải là đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng của hoạt động giải mật các tài liệu lưu trữ, thì tới lượt nó, hoạt động ấy cũng phải được tiến hành với một ý thức tích cực theo hướng nỗ lực mở rộng không gian thông tin, nâng cao nhận thức lịch sử của mọi người dân trong đất nước, tránh rơi vào lối mòn độc quyền giác ngộ, che giấu sử liệu để “quần chúng không hoang mang, kẻ thù khó xuyên tạc” như cách nói của những kẻ sợ ma.

Mặt khác, như đã nói ở trên, các tài liệu lịch sử trong đó có tài liệu lưu trữ ở Việt Nam đã bị hủy hoại và cướp bóc rất nhiều. Không nói tới các thế kỷ trước, chỉ từ thế kỷ XX trở đi cũng đã có rất nhiều tài liệu Việt Nam bị đưa ra nước ngoài. Luật Lưu trữ 2011, Điều 20 (Thu thập, tiếp nhận tài liệu vào Lưu trữ lịch sử), khoản 2 mục a qui định Lưu trữ lịch sử Nhà nước cấp trung ương có nhiệm vụ “thu thập, tiếp nhận tài liệu lưu trữ hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức trung ương của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cơ quan, tổ chức cấp bộ, liên khu, khu, đặc khu của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; các cơ quan, tổ chức trung ương của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và các tổ chức trung ương khác thuộc chính quyền cách mạng từ năm 1975 về trước; các doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và các tổ chức kinh tế khác theo quy định của pháp luật; các cơ quan, tổ chức của các chế độ xã hội tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam từ năm 1975 về trước”, hoàn toàn chưa đề cập tới các tài liệu lịch sử và lưu trữ hiện nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Từ góc độ thực hiện CTCBTLLT, có hai cách khác nhau để giải quyết vấn đề này. Một là chỉ phiên dịch, chỉnh lý để công bố những gì đang có, hai là chú ý đúng mức tới việc bổ sung, thu thập những gì đang rải rác trong nước và được lưu giữ ở nước ngoài. Sau đây nêu vài ví dụ về các tư liệu ấy.

1. Năm 1932 Bảo Đại về nước chấp chính có ban bố một tờ dụ viết bằng chữ Hán công bố chương trình hành động của Nam triều, nguyên bản tờ dụ ấy không còn trong Châu bản triều Nguyễn hiện được lưu giữ, nhưng một bản sao của nó với nhan đề Bảo Đại hoàng đế qui quốc thân chính dụ đã được đăng tải trong Phụ trương chữ Hán của báo Thanh Nghệ Tĩnh tân văn số ra ngày 14/10/1932.

2. Khi Tự Đức vừa lên ngôi, Vũ Xuân Cẩn dâng một tờ sớ xin khai phục cho một số công thần chẳng may bị triều Nguyễn xử trị như Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt. Tờ sớ này được các sử quan Quốc sử quán triều Nguyễn tóm lược đưa vào Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ tứ kỷ chứ nguyên bản không còn trong Châu bản triều Nguyễn hiện được lưu giữ, nhưng có thể đọc được toàn văn trong Việt Nam tập lược của Tri phủ Ngô Châu (sau là Bố chánh Quảng Tây) Từ Diên Húc in năm Quang Tự thứ 3 (1877).

Nói thêm thì hai tài liệu nói trên chỉ thuộc Châu bản triều Nguyễn, chứ còn nhiều tài liệu khác như hồ sơ Văn bản Hoàng gia Chăm trong đó có nhiều văn thư qua lại giữa Phiên vương Chiêm Thành với các tướng lĩnh của chính quyền Đàng Trong thế kỷ XVIII viết bằng hai loại chữ Hán và Chăm hiện được lưu giữ ở Nhật, thư từ của các chúa Nguyễn và chúa Trịnh thời Trịnh Nguyễn phân tranh với chính quyền Nhật Bản thế kỷ XVII được Cận Đằng Trọng Tàng sao lại trong Ngoại phiên thông thư (xem Biên tập quốc thư san hành hội, Cận Đằng Chính Trai toàn tập, Chiêu Hòa ngũ thập nhất niên (1977), tập I, Ngoại phiên thông thư). Hay ai cũng thấy các bộ thông sử Việt Nam hiện có đều viết về triều Mạc rất sơ lược, trong khi một số sử sách ở Trung Quốc như An Nam lai uy tập lược (Giang Mỹ Trung biên tập, chép trong Huyền Lãm đường tùng thư) đã sao lại nhiều văn kiện ngoại giao của triều đình nhà Mạc gởi cho nhà Minh. Không thể chê trách tác giả các bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục trước thế kỷ XX, nhưng điều đáng buồn là những tư liệu loại này căn bản vẫn chưa được giới sử học quan phương ở Việt Nam từ 1975 tìm tới. Có thể họ thấy không cần thiết nhưng những người quan tâm tới lịch sử Việt Nam nhất định phải biết, một bộ thông sử Việt Nam khả tín nhất định phải trích, vậy có nên kết hợp với việc thực hiện CTCBTLLT để thu thập không?

Trích một tấm bản đồ Việt Nam do người Trung Quốc vẽ, kích thước 98 x 152 cm, hiện được lưu giữ tại Thư viện Quốc hội Mỹ, ký hiệu Call Number/Physical Location, G8020 1890. Y8. Phần vẽ kinh đô Việt Nam thuộc “Phú Xuân tỉnh”, khu vực kinh thành Huế được ghi là “Việt Nam đô thành” (Kinh đô Việt Nam).

3. Ai đọc lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cũng thấy triều Nguyễn bị người Pháp chèn ép, nhưng ít người biết các vua từ Thành Thái, Duy Tân đến Khải Định cũng bị các nhân vật loại Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, Đoàn Đình Duyệt coi thường. Trong ý hướng cắt bớt khoản chi tiêu của ngân sách triều đình Đại Nam cuối thế kỷ XIX, chính quyền thuộc địa có chủ trương cho con em hoàng phái lãnh bổng một lần 5 năm rồi thôi, sau đó lại đặc biệt cấp bổng cho một số gia đình thêm 2 năm nữa. Trong lần sau Nguyễn Thân đã kiếm chác một cách tàn nhẫn, tức đòi các phủ phòng phải nộp lại 30% mới được nhận tiền, riêng với Yên Thành vương Miên Lịch lại đòi ông này phải để con gái là Công nữ Thuần Mỹ về làm hầu thiếp cho mình thì không phải nộp, nhưng sau đó không chịu cưới hỏi, cũng không cho lấy chồng. Lá đơn khiếu nại của bà này hiện được lưu giữ ở Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Cộng hòa Pháp (ảnh 2) có thể cung cấp một đầu mối để người ta nghĩ thêm không những về tình thế Đuôi to khó vẫy của các vua triều Nguyễn từ đời Đồng Khánh mà còn về cả số phận Tổ rơi trứng vỡ nơi các nhân vật hoàng phái ở Việt Nam trong hồi kết vương quyền.

4. Sau cùng, các tài liệu lịch sử về Việt Nam ở nước ngoài không phải chỉ có tư liệu của Việt Nam. Chẳng hạn ở Thư viện Quốc hội Mỹ hiện có một bản đồ Việt Nam ghi bằng chữ Hán, trên đó khu vực kinh đô Huế được ghi với bốn chữ “Việt Nam đô thành” (ảnh 3), rõ ràng do người Trung Quốc vẽ khoảng đầu thế kỷ XX, có những sai sót này khác nhưng bất kể thế nào cũng rất cần thiết cho việc tìm hiểu lịch sử Việt Nam. Tóm lại một nhiệm vụ cần cân nhắc để đưa thêm vào CTCBTLLT là bổ sung tài liệu, trong đó nổi bật là tài liệu của Việt Nam và về Việt Nam ở nước ngoài.

Trong kỳ họp Quốc hội tháng 5/2008 bàn về việc mở rộng Thủ đô Hà Nội, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc có nhận xét tờ trình của Chính phủ nêu ra ba chi tiết về lịch sử về Hà Nội thì đều sai cả ba! Thật ra ba chi tiết ấy đúng hay sai cũng không ảnh hưởng gì nhiều tới việc đúng sai của chủ trương mở rộng Hà Nội, nhưng nó cho thấy những người soạn thảo tờ trình ấy ít quan tâm tới sự hiểu biết của mình về lịch sử nước nhà.

Tuy nhiên không phải tất cả những nhà lãnh đạo hay những nhà lãnh đạo ở các thời kỳ đều như vậy. Khi đọc các văn bản có liên quan tới Hsmn ở Khu học xá Quế Lâm thời gian 1967 – 1975, kẻ viết bài này đã thấy một báo cáo đánh máy nói phía Trung Quốc đề nghị Việt Nam không cần chở sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy qua, họ sẽ in ấn cung cấp cho, xin lãnh đạo có ý kiến. Lời bút phê của Phó Thủ tướng Phạm Hùng trên văn bản ấy ghi rõ phải chở sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy in ở Việt Nam qua và ghi thêm hai chữ “bản đồ”, chỉ hai chữ ấy cũng đủ cho người ta thấy rõ hơn về ý thức chủ quyền rất minh bạch của các nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong hoàn cảnh đối ngoại thời bấy giờ. Nói thế để thấy rằng các tài liệu lưu trữ rất cần được công bố càng nhiều càng tốt càng nhanh càng tốt, vì nó góp phần bổ sung hiểu biết cho nhiều tầng lớp nhân dân về lịch sử của đất nước và kinh nghiệm của tiền nhân.

Từ trước tháng 4/1975, ở miền Nam đã lưu hành một ấn phẩm mang tên Chính đề Việt Nam ký tên tác giả là Tùng Phong mà nhiều người cho là một bút hiệu của Ngô Đình Nhu. Cuộc đời chính trị của Ngô Đình Nhu là một chuyện, nhưng ý kiến của ông ta về hoạt động hành chính của một chính quyền là chuyện khác, ở đây xin trích lại trước khi kết thúc bài viết đã quá dài này:

“… Như trên đã trình bày, sự lãnh đạo quốc gia được liên tục khi nào các điều kiện dưới đây được thỏa mãn:

1. Sự chuyển quyền được bình thường từ lớp người trước cho tới lớp người sau.

2. Các bí mật quốc gia được truyền lại.

3. Thuật lãnh đạo được truyền lại và được cải thiện càng ngày càng tinh vi.

4. Các kinh nghiệm của dĩ vãng được xếp vào văn khố, được truyền lại và có người biết sử dụng văn khố.

Trình độ gián đoạn trầm trọng nhất xảy ra khi sự chuyển quyền không thực hiện được giữa lớp người trước và lớp người sau. Bí mật lãnh đạo và bí mật quốc gia đều mất.

Thuật lãnh đạo không truyền lại được. Di sản dĩ vãng không người thừa nhận, văn khố thất lạc và bị cướp bóc. Đó là trường hợp của các nước bị chinh phục, mất chủ quyền. Và đó là trường hợp của Việt Nam chúng ta trong thời kỳ Pháp thuộc”.

***

Còn vài điều có thể nói thêm về CTCBTLLT vừa được phê duyệt. Chẳng hạn một trong những nhiệm vụ của Chương trình này là “Tổ chức biên dịch tài liệu Hán Nôm, tài liệu tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để phục vụ công bố”. Không cần chẻ tư sợi tóc bình luận về từ ngữ, chỉ nội dung mệnh đề trên đã làm người ta phải băn khoăn vì nó không nhắc tới các tài liệu viết bằng chữ quốc ngữ Latin. Nhưng những chi tiết ấy có thể là đề tài của một bài viết khác. Điều cần nhấn mạnh ở đây là việc Chính phủ phê duyệt Chương trình nói trên mang giá trị như sự mở đầu cho một thay đổi to lớn và sâu sắc trong hoạt động lưu trữ nên cần được nhận thức một cách toàn diện và thực hiện một cách nghiêm túc, để nó có thể tác động tích cực không những tới quá trình hiện đại hóa của chính ngành lưu trữ mà còn tới công tác sử liệu vốn còn yếu kém suốt nhiều năm nay của nền sử học hiện đại Việt Nam. □

Tác giả

(Visited 37 times, 1 visits today)