Tạm biệt nhé, lũ nhóc

Vì sao một số người, cho đến tận khi già, vẫn là tù nhân của một thời, của chỉ một năm trong đời họ [...]?”, Modiano viết, về một người chủ quán rượu thoáng lướt qua trong De si braves garçons (Những cậu bé can đảm thế, theo bản dịch của Lâm An). Người chủ quán ấy lướt qua trong đúng một trang, qua ánh mắt của một nhân vật phụ, và nhân vật phụ ấy lại được nhớ lại bởi nhân vật “tôi” – người kể chuyện. Điều đó có nghĩa là người chủ quán rượu là một cái bóng được nhìn qua một ảo ảnh trong một ký ức – ông ta mong manh và mơ hồ đến thế. Nhưng thật ra thì Modiano đang nói về cái bóng ấy ư, hay ông đang nói về chính ông, tù nhân của một thời đại đã qua?

Nhà văn Patrick Modiano, Giải Nobel Văn học năm 2014.

Đọc Modiano vì vậy là ghé thăm một người tù, những người bạn tù khác hẳn đã rời đi hết mà ông vẫn ngồi đó, cuộc sống ngoài kia thơ mộng và vui vẻ thế nhưng không hiểu sao vẫn có những người thích viếng thăm trại giam quá khứ, viếng thăm ông. Bạn luôn biết có thể chờ điều gì ở người tù ấy, bạn muốn gieo lên, lại là Modiano đây rồi, lại là danh sách những cái tên lẫn lộn vào nhau, lại là mùi của bóng tối, lại là những cuộc truy hồi vô vọng vào dấu vết của con người, lại là những bờ kè im lặng, nơi có những kẻ sắp biến mất vào trống rỗng. 

Những cậu bé can đảm thế kể về những kỷ niệm của nhân vật “tôi” về Válvert, một ngôi trường nằm trên khu đất mang tên một sĩ quan trong quân đội Nga. Ông tử trận ở Austerlitz, chỉ còn lại cái tên trên một hàng cột đá hoa cương điêu tàn trong ngôi trường. Nhưng đến lượt mình, ngôi trường, rồi cũng không còn tồn tại, bị bán đi và san bằng. Cuốn sách mỏng vừa giống một cuốn album ảnh kỷ yếu, lần giờ từng chương là lần giở từng gương mặt người, ta có thể tưởng tượng ra một ai đó mở lại tập hình cũ, và đến mỗi gương mặt họ lại nghĩ, à, người bạn này, mình còn nhớ…; đồng thời, nó cũng mang nỗi ngậm ngùi như khi chàng D’Artagnan gặp lại ba chàng lính ngự lâm kiêu hùng thuở nào và thấy họ giờ đây đã đổi thay thật nhiều, nhưng ít ra trong tiểu thuyết của Alexandre Dumas, họ còn tìm lại được bản ngã anh hùng, còn trong tác phẩm của Modiano, những con người chỉ ngày càng sụp đổ.

Cuốn sách thứ 9 của Modiano có chút gợi nhớ đến bộ phim Au revoir, les enfants – Tạm biệt nhé, lũ nhóc, cũng là tựa đề bài viết này. Bộ phim của Louis Malle, một người bạn, một người cộng sự của Modiano (họ từng cùng nhau viết một kịch bản phim). Au revoir, les enfants cũng kể về một ngôi trường nam sinh, ở đó, những cậu trai đã lớn lên bên nhau, đã can đảm đến tận phút cuối cùng khi bè lũ Gestapo xông vào, cho đóng cửa ngôi trường và bắt đi Cha Jean, người hiệu trưởng, người đã trấn an các học trò của mình rằng: “Tạm biệt nhé, lũ nhóc! Hẹn gặp lại!”, còn bọn chúng cũng không sợ hãi, vẫy tay ông: “Tạm biệt nhé, cha của chúng con”. Giờ phút ấy, chúng cũng là những cậu bé can đảm thế.

Cuốn “Những cậu bé can đảm thế” (Patrick Modiano), bản dịch của Lâm An, do NXB Hà Nội và Nhã Nam ấn hành.

Tiểu thuyết của Modiano lùi đến một quãng thời gian xa hơn, đầu những năm 1960, bầu không khí lúc này không còn tối tăm và hiểm nguy như trước, nhưng dường như những đứa trẻ, dù là thời đại nào, cũng luôn can đảm thế. 

Chúng can đảm đến nỗi có đứa đã từng bỏ trốn khỏi trường, lang thang tới tận Champs-Élysées mà chẳng vì điều gì cụ thể, chẳng phải vì bất hạnh, có lẽ là vì tò mò?, vì đã là học trò thì phải một lần trốn học?, không biết rằng rồi đây, khi trưởng thành lên, dù muốn hay không thì chúng cũng sẽ phải rời ngôi trường Valvert, rời khỏi “vương quốc” của thầy hiệu trưởng Pedro, rồi thì chúng sẽ bị buộc phải lang thang trong cuộc đời, không còn vòng tay che chở của thầy, không còn sự khoan ái của tuổi thơ nữa. 

Chúng can đảm đến nỗi vô tư chơi những trận khúc côn cầu trên cỏ, chơi trượt tuyết, tennis, bơi lội, chơi như thể không biết rằng tất cả những bộ môn thể thao đẹp đẽ ấy cũng không ngăn nổi chúng, một ngày nào đó, trở nên hoang tưởng, hay chết đi. Mới mười lăm tuổi, Mc Fowles đã làm đội trưởng tuyển khúc côn cầu. Nhưng nhiều năm sau khi gặp lại nhân vật “tôi”, Mc Fowles đã có dấu hiệu tâm thần, luôn luôn nhìn thấy biển dù ở bất cứ đâu, và rồi cậu qua đời trong một tai nạn khi tham gia một cuộc thi thể thao ở Thụy Sĩ. Nếu biết tất cả từ đầu, cậu có còn theo đuổi thể thao không?

Chúng can đảm đến mức đổ đốn và bị đuổi khỏi trường, lao vào những bữa tiệc tùng trong tiếng nhạc của Miles Davis, không biết rằng tiếng nhạc cũng không cứu chúng nổi khỏi đi quân dịch, tới Algeria, và khi bước ra khỏi cuộc chiến, họ thấy mình đã già, đã lỗi thời, đã bị vùi vào những hố chôn của các bữa tiệc cũ xưa.

Chúng can đảm đến mức tặng một người thầy dạy Hóa chiếc đài bán dẫn xịn nhất thời đó, như thể chúng nghĩ rằng những giai điệu mùa hè và tiếng nhạc lẫn giữa rừng cây sẽ còn lại mãi mãi, và cái đài cũng như chúng sẽ mãi mãi trẻ trung, sành điệu, tươi mới và quý giá.

Chúng can đảm đến mức học cách chiếu phim, và liệu nếu một mai chúng biết rằng những ngày tháng hạnh phúc thời thiếu niên ấy sẽ trở thành cái bẫy khiến chúng mãi mắc kẹt trong đó, với tâm trí mãi mãi không lớn nổi, thì chúng có muốn hạnh phúc như chúng đã từng?

Chỉ những đứa trẻ vì chưa bị nỗi buồn xâm lấn nên mới có thể hồn nhiên lao vào cuộc sống mà không hay cuộc đời sẽ chỉ trả lại cho lòng nhiệt thành của chúng những mất mát, những nỗi hổ thẹn, những sự rệu rã, những người bạn xưa giờ đã mỗi người một phương, không còn là bạn mà chỉ là một-nửa-bạn, một số đã đổi tên, một số ngoại hình đã khác, một số đã di cư, một số không còn liên lạc, một số dường như đã dấn thân vào thế giới tội phạm… Cuộc sống khiến họ giờ đây thật thảm hại, những cô gái bị lừa tình, những chàng trai đào ngũ hay bị bắn chết, một bà mẹ xinh đẹp như diễn viên trở nên không xu dính túi và buộc lòng lấy lão già hơn mình hai chục tuổi, những người thầy giáo với dáng đi của bóng ma… 

Modiano trong hành trình văn chương của mình luôn không ngừng đi tìm những danh tính đã nhòa lẫn vào đám đông, bởi ông tin Paris bằng cách thần kỳ nào đó có thể hút ông tới, để ông nhác thấy những kẻ thất lạc ấy một lần.

Những khúc quanh, những nhà ga, những quán xá, nhà hát của Paris của Modiano giống như một điệu waltz quay vòng, ở đó rồi ta cũng sẽ bắt gặp lại những người quen cũ, dù chỉ cùng nhau xoay vòng trong chốc lát rồi lại chia làm đôi ngả. Phải chăng vì điều đó mà Modiano trong hành trình văn chương của mình luôn không ngừng đi tìm những danh tính đã nhòa lẫn vào đám đông, bởi ông tin Paris bằng cách thần kỳ nào đó có thể hút ông tới, để ông nhác thấy những kẻ thất lạc ấy một lần.

Có lẽ người Pháp là những người tài tình nhất trong việc kể lại những câu chuyện thật bồi hồi, thật can đảm của các cậu bé tuổi thiếu niên. Ngoài Au revoir, les enfants, Những cậu bé can đảm thế cũng nhắc tôi nhớ về Les 400 coups của François Truffaut, tác phẩm điện ảnh kinh điển định hình Làn sóng Mới Pháp, với câu chuyện buồn bã một cách dịu dàng về Antoine Doinel, một cậu bé cũng sống vào cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60, một cậu bé mải miết chạy về phía tự do nhưng luôn bị ngáng chân bởi thế giới quanh mình, từ trường học, gia đình đến xã hội. Cậu can đảm trốn học đi xem phim, can đảm bỏ nhà đi khi không xu dính túi, can đảm ăn cắp một chiếc máy đánh chữ, như thể nếu làm vậy thì cậu sẽ giải được thế giới này. Cậu can đảm tới những phút cuối cùng của bộ phim ấy, ngay cả khi bị nhốt trong trại giáo dưỡng, vẫn tìm đường chạy trốn về phía đại dương, như thể khung cảnh ấy có thể cứu vớt một điều gì đó, chẳng hề hay biết những tươi đẹp ngắn ngủi chỉ là phút giải lao trước khi họ lại bị cuộc đời tóm bắt, trước khi lời tạm biệt tuổi thơ được thốt lên.

Một lời tạm biệt không hẹn ngày gặp lại. □

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)