Tâm hồn của chợ
Hàng thế kỷ đã trôi qua, mái chợ truyền thống, nơi góp phần nuôi dưỡng bao con người và vùng đất, giờ đang lặng lẽ tự vấn chính mình “tồn tại hay không tồn tại?”…
“Chàng buông vạt áo em ra
để em đi chợ kẻo mà chợ trưa…
Chợ trưa rau đã héo đi
lấy chi nuôi mẹ lấy gì nuôi em” (Dân ca quan họ)
“Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng” (Hoàng Cầm)
Tưởng chừng câu dằn vặt của chàng hoàng tử Đan Mạch chỉ vang lên ở thế kỷ 17, giữa nỗi đau và sự bất công mà mình phải chịu đựng; nhưng khi “vật đổi, sao dời”, đến lượt mình, các mái chợ cũng bàng hoàng trước nghịch lý: từ chỗ là vai chính trong mạng lưới giao thương buôn bán, vun đắp nên nền kinh tế làng xã bao đời, chợ vụt lui về vai phụ trước sự lấn lướt của những người họ hàng “sinh sau, đẻ muộn”, siêu thị/trung tâm thương mại/chuỗi cửa hàng tiện lợi… Và ngay cái tên gọi cũng bắt đầu được thay đổi: chợ truyền thống.
Chợ vốn dĩ chỉ là chợ thôi, như nước mắm vẫn là nước mắm thôi, nhưng khi có kẻ chen chân vào thì gánh thêm từ “truyền thống” để dễ bề phân biệt: chợ truyền thống – chợ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi), nước mắm truyền thống – nước chấm. Truyền thống có phải là thứ lỗi thời, “nhà quê ra tỉnh”, không hội nhập được với nếp sống văn minh đô thị ngày một đổi thay chóng mặt và thói quen tiêu dùng mới ồn ào nảy nở từ thành phố đến làng quê? Giờ đây, ngơ ngác giữa những nền tảng giao dịch mới, từ offline đến online, từ những tờ rơi quảng cáo đến các clip, livestream bán hàng ồn ã ngắn dài, chợ dường như thu mình lại, gánh lấy bao khuyết điểm “cũ kỹ”, “chậm đổi mới”, “không thức thời”, “xấu xí”, “nói thách”, “mất vệ sinh”, “không khuyến mãi”…
Vậy mà chính những mái chợ trù mật ấy, trong quá khứ, đã góp phần hình thành mạng lưới thương mại khắp mọi miền, đem lại miếng cơm, manh áo cho biết bao người nông dân, cung cấp cho bao gia đình những bữa ăn tươi ngon, thơm thảo “dĩ thực vi tiên”. Nếu chợ là đầu mối quan trọng của mạng lưới kinh tế làng xã thì những người nông dân là con thoi kết nối và tạo nên sức sống của mạng lưới ấy. Dẫu vị thế của người chạy chợ trong làng xã chỉ được xếp ở hạng bét “sĩ, nông, công, thương” nhưng chính họ lại thúc đẩy nền sản xuất và góp phần làm lan tỏa sự phồn thịnh cho cả vùng từ mái chợ, kể cả chợ phiên, không chỉ thông qua việc đóng thuế chợ theo quy định cho chính quyền. Có phải đây chính là hiệu ứng tràn (spillover effect) mà các nhà kinh tế thường nhắc đến khi chỉ một hoạt động kinh tế bất ngờ ảnh hưởng đến những hoạt động khác tưởng chừng không liên quan. “Sự sầm uất của một chợ lớn như chợ Cửa Nam đương nhiên có quan hệ với hàng loạt phố phường quanh đó (Hàng Lờ, Hàng Đẫy, Hàng Lọng). Đoạn từ chùa Tiên Tích đến khu phía Nam thành nội, có một số phố phường khá nổi tiếng mà tên gọi còn nhắc đến một quá khứ với những hoạt động thương mại phong phú”, giáo sư lịch sử kinh tế Đặng Phong nhận xét như vậy trong cuốn “Chuyện Thăng Long – Hà Nội qua một đường phố” và cho biết thêm là việc buôn bán da trâu, bò ở chợ Cửa Nam đã được chuyển về chợ khác, nằm giữa Cửa Đông và Cửa Nam, gọi là chợ Hàng Da.
Ở đây, việc lùi lại để nhìn về quá khứ không phải là một cái nhìn thừa thãi, ngược lại nó cho ta hiểu một cách đúng đắn hơn về khái niệm giá trị của chợ. Khi Việt Nam chưa có những trung tâm triển lãm, hội chợ, tổ chức sự kiện, chưa có bất cứ phương thức nào để marketing, quảng bá hàng hóa nông sản ngoài truyền miệng, chính các khu chợ là nơi duy nhất để người nông dân có thể tiêu thụ sản phẩm mình làm ra, mua lấy những sản vật cần thiết khác cho gia đình, nói cách khác là chốn để họ duy trì sinh kế, đắp đổi qua ngày. Bất kể người tham gia là những người buôn bán thời vụ, tự mang sản vật vườn nhà như con gà, quả trứng, mớ rau… hay những người buôn bán chuyên nghiệp, chủ yếu thu gom sản phẩm địa phương theo kiểu “buôn tận gốc, bán tận ngọn” …, các khu chợ vẫn là điểm hội tụ của các loại hàng hóa tươi ngon theo mùa – kể cả gánh hàng xáo cũng cố gắng bán loại gạo mới xát, mới giã. Thói quen của người Việt về tiêu thụ đồ tươi, thịt ‘nóng’ – loại thịt từ gà, lợn được giết mổ trong ngày, khác hẳn thịt ‘mát’ – loại thịt được bảo quản trong vài ngày và được bán ở siêu thị hay cửa hàng tiện lợi ngày nay, đã được hình thành từ những mái chợ này. Không riêng gì Việt Nam mà người dân nhiều quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… cũng có thói quen ẩm thực này.
Bao nhiêu lâu rồi, những mái chợ tồn tại để định hình thói quen ấy. Dù ghi chép sớm nhất trong lịch sử Việt Nam về chợ là vào khoảng năm 1293, một chợ cấp làng “Cứ hai ngày họp một phiên, hàng hóa trăm thứ bày la liệt. Hễ cách năm dặm thì dựng một ngôi nhà ba gian, bốn phía đặt chõng để làm nơi họp chợ” – nhưng chúng ta có thể suy luận là chợ, trên thực tế, còn xuất hiện sớm hơn thế và phải trải qua rất nhiều đổi thay thực hành để rồi đi đến đúc kết thành một mô hình mà cả người mua, người bán và nhà quản lý đều hài lòng tuân thủ. Vậy có lẽ, theo những nếp sóng thời gian, không gian chợ, bất kể quy mô làng xã hay vùng, đều cô nén trong lòng nó tầng tầng lớp lớp những giao tiếp văn hóa, ứng xử xã hội, những quan niệm sống, và cả những thân phận mà cuộc đời ít nhiều gắn bó với chợ. Những vỉa tầng trầm tích văn hóa ấy âm thầm tích tụ, không phải trong những phép tắc khuôn phép kinh viện nào mà từ các va vấp giữa người với người, sau trở thành những tri thức ứng xử dân gian truyền lại “thuận mua vừa bán”, “tiền trao, cháo múc”, “lọt sàng xuống nia”, “khôn nhà dại chợ”, “kẻ cắp bà già”, “mạt cưa, mướp đắng”, “lợi thì có lợi nhưng răng không còn”, “thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”… Bước vào một không gian chợ đã kinh qua hàng thế kỷ, do đó, đâu chỉ để thấy những quầy hàng đon đả bán mua hay thuần túy “buôn may bán đắt” mà còn để đón nhận những bài học làm người. Không phải ngẫu nhiên mà ở các chợ trước đây, thường có những người ăn xin nài nỉ khẩn cầu “con lạy ông đi qua, lạy bà đi lại”… Khi đó, cái đồng hào người ta rút từ hầu bao, ruột tượng ra nào phải là hành xử “rón tay làm phúc”, “tích phúc cho con cháu”, mà còn hàm ý tự nhắc nhở mình nhớ lời mẹ dạy “biết cách ăn ở” từ tấm bé bởi “ăn mày là ai, ăn mày là ta, đói cơm rách áo hóa ra ăn mày”…
Không gian chợ, giữa làng hay giữa phố thị, là một không gian mở của giao tiếp xã hội ở bất cứ nơi đâu. Chẳng thế mà hầu tước Hernan Cortes, một conquistador (người chinh phục) dẫn dắt đoàn thám hiểm chinh phục đế quốc Aztec ở thế kỷ 16 đã viết một bức thư báo cáo cho quốc vương Castilla, mở đầu bằng câu “thành phố này có nhiều quảng trường, trong đó có nhiều chợ và nhiều nơi để mua và bán”. Khi viết nên dòng này, Hernan Cortes không đơn thuần chỉ miêu tả sự tồn tại của những trung tâm thương mại địa phương như những đối tượng thu thuế tương lai mà còn muốn nhấn mạnh đến vai trò thiết yếu của không gian công cộng như chợ trong giao dịch kinh tế và thúc đẩy kết nối xã hội. Chợ truyền thống ở muôn nơi, cũng như Việt Nam, không chỉ là một điểm trao đổi bán mua hay làm giàu mà còn là nơi tương tác mang tính biểu tượng của đời sống con người. Những xã hội thu nhỏ ấy quy tụ đủ mọi hạng người, khốn khó đến sang giàu, từ học thức đến “đầu đường, xó chợ”, va chạm trong một không gian tương đối cởi mở và bình đẳng giữa người với người, điều vốn bị khuôn phép làng xã hay không gian tôn giáo linh thiêng như đình, chùa, miếu mạo kìm nén.
Có lẽ, sự bình đẳng từ không gian ấy đã góp phần giúp Phạm Đình Hồ và Nguyễn Án ghi lại chuyện Thần Tông hoàng đế, vừa kì bí vừa hài hước với người đời sau, về việc vua Lê Thần Tông thời Lê Trung Hưng là hậu thân của “ông lão ăn mày, tóc bạc phơ, tuổi chừng 81, 82, đương nằm ở mặt đất mà rên hừ hừ” ở chợ Báo Thiên, trong Tang thương ngẫu lục (Ghi chép tình cờ trong cuộc bể dâu). Một vòng giao tiếp tử sinh, từ một người có địa vị thấp kém bậc nhất xã hội giữa khuôn viên chợ đến một người có vị trí cao bậc nhất xã hội, sau vẫn được nhắc lại “hằng năm, đến ngày ấy (ngày sinh của vua), nhà chức trách dựng hành (nơi vua tạm trú) tại chợ Báo Thiên”.
Tuy quy tụ đủ hạng người, buôn bán đủ mọi sản vật nhưng chợ được vận hành theo một quy tắc kép, một của chính quyền thông qua thuế chợ và các quy định thành văn khác và một của chính sự phát triển nội tại của nó, “thuận mua vừa bán” – một dạng quy luật của thị trường tự do, khi nó có khả năng tự tổ chức và điều chỉnh để tối đa hóa nguồn thu cho cả người bán và kẻ mua. “Thị trường cần đạo đức”, cựu thủ tướng Anh Gordon Brown bình luận như vậy trong không gian hiện đại của một thế giới toàn cầu hóa nhưng không gian chợ truyền thống Việt Nam, điều đó đã tồn tại hàng trăm năm, tạo nên sự bền vững của hệ thống chợ từ cấp làng đến cấp vùng. Cái trọng chữ tín và sự tin tưởng bán mua ở chợ, giờ cũng phảng phất qua niềm tin của kẻ bán, người mua “Tôi mua rau cỏ ở chợ từ những người bán hàng quen thuộc. Họ cũng sống ở quanh đây và toàn bộ khu phố cũng mua hàng của họ. Nếu hàng của họ là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm hoặc tai nạn nào đấy thì toàn bộ khu phố sẽ biết ngay lập tức”, “Người bán hàng ở chợ không dám bán hàng rởm hoặc hàng kém chất lượng bởi vì mọi người sẽ quay lại chất vấn và tin truyền miệng sẽ lan đi nhanh chóng, họ sẽ mất cơ hội buôn bán”, những câu trả lời với các nhà nghiên cứu Wageningen hiển thị một niềm tin có phần ngây thơ nhưng lại logic với những gì diễn ra ở chợ từ ngàn đời.
Thật kỳ lạ là cái niềm tin ngây thơ ấy không chỉ tồn tại ở chợ Việt Nam mà còn mang tính phổ quát ở rất nhiều nơi, từ châu Phi đến châu Âu bởi một lẽ đơn giản “để hoạt động tốt, các loại thị trường cần một mức độ cơ bản của sự thật” như lời nhận xét của nhà báo New Yorker James Surowiecki. Và quả thật, khoa học đã giúp phần nào giải oan cho chợ. Trong một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Rau quả Việt Nam (FAVRI), trong số 25 mẫu rau lấy từ chợ cóc và 23 mẫu rau từ chợ truyền thống thì chỉ có một mẫu chợ cóc (0,4%) và hai từ chợ truyền thống (8%) là có tồn dư thuốc trừ sâu trong khi một mẫu ngẫu nhiên từ một siêu thị có tồn dư thuốc trừ sâu.
Giờ đây, không gian vật lý của chợ mà ngày nay người ta vẫn coi là chật chội ấy đã bao bọc biết bao con người, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Lâu rồi, người ta đã quen với những câu chuyện về các chị em tiểu thương chợ vùng này đến vùng khác quyên góp thiện nguyện cho người không may, vùng bị bão lụt, hỏa hoạn hay chuyện chị em tiểu thương mặc áo phông cờ đỏ sao vàng ủng hộ đội tuyển bóng đá Việt Nam tranh tài ở các giải đấu quốc tế… Cách đây chừng 10 năm, ở chợ Bà Hạt, quận 10, TP.HCM, người ta biết chuyện một bà cụ chuyên nghề quét chợ để kiếm sống, lấy mái chợ trú thân, không may bị bệnh, không thể đi lại. Bà không muốn rời nơi mình gắn bó cả cuộc đời, nên khi ấy, mái chợ và những người buôn bán lại chở che bà. Ừ câu “đầu đường xó chợ”, “mua tranh bán cướp”, “đồ chợ búa”, chuyện lừa lọc đảo điên chỉ phản ánh một phần bé tí trong không gian chợ chứ dưới mái chợ Bà Hạt cũng như hàng nghìn ngôi chợ khác ở Việt Nam này vẫn còn tồn tại những yêu thương, đùm bọc và sẻ chia. Cái lưỡng lự nhị phân về hai trạng thái biệt lập, được cái nọ mất cái kia khi hoặc chỉ có 0 hoặc chỉ có 1, đã được thay thế bằng sự rộng mở, dung chứa cả hai trạng thái 0 và 1 của hệ tính toán lượng tử, đủ để người ta chấp nhận chợ như nó vốn có, cả tốt và xấu, cả yêu và ghét, cả đơn giản lẫn phức tạp, cả tân tiến lẫn cổ hủ… Chợ, do con người và các mối quan hệ ứng xử giữa người với người thiết lập, cũng mang khuôn mặt người.
“Với tôi, đi tới chợ là cách tốt nhất để hiểu tâm hồn của một nơi chốn”, đầu bếp gốc Pháp Alain Ducasse, đầu bếp xếp thứ hai thế giới khi nắm giữ 21 sao Michelin vào năm 2012 (Gordon Ramsay có 17 sao) từng nói như vậy. Ừ nhỉ, vượt mọi hưng thịnh, trầm luân của thời gian và thời cuộc, chợ không chỉ là tâm điểm hoạt động xã hội ở mức cơ bản của con người về nhu cầu ăn uống, dinh dưỡng lành mạnh. Chợ còn có tâm hồn, tâm hồn của chợ, theo nghĩa này đem lại sự giàu có về văn hóa cho cả vùng đất mà nó cư ngụ.
Vậy mà trong thời hiện đại, thoắt cái chợ đã trở thành một kẻ lỗi thời, một nhân vật ngơ ngác bên lề sự phát triển để rồi một vài nơi không may mắn đã trở thành một phép thử cho một chính sách coi chợ chỉ là điểm bán mua. Sự tàn lụi của chợ trong những phép thử ấy có thể sửa chữa được chăng? Trên báo Lao động thủ đô, kiến trúc sư Trần Huy Ánh – Hội kiến trúc sư Việt Nam – cho rằng, trong thời kinh tế thị trường, những nhà đầu tư ngắn hạn với tầm nhìn tủn mủn người ta thấy những cái lợi có ngay, nên thay vì làm cho chợ trở nên tốt hơn, người ta coi nó là những bất động sản béo bở.
Chợ đâu có thiếu sức sống, điều nó đang thiếu là một cú hích để có thể hòa nhịp với những người họ hàng trường vốn, sành điệu và khôn ngoan của mình. Có thể, người ta cũng bắt đầu thấy được vai trò của nó trong việc thu hút khách du lịch, những người ở vùng đất khác háo hức khám phá cái văn hóa mới lạ, kỳ thú. Nhưng thật ra, một ngôi chợ mà chỉ có người bán đặc sản và khách du lịch giao tiếp chỉ là một ngôi chợ bảo tàng, một cánh đồng nằm sau bờ đê cạn kiệt phù sa do không nhận được bồi tích văn hóa của cuộc sống hằng ngày.
Chợ có những quy luật riêng của nó. Những ứng xử như cải tạo, nâng cấp hay trùng tu cần phải dựa trên những quy luật ấy, dựa trên những nguyện vọng của những người gắn bó với nó cả đời.
Xét cho cùng, có gì là mãi mãi. Hà Nội từng tự hào về “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần. Nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây”, rồi tất cả cũng trôi về quá vãng. Có thể chợ cũng thành như thế và người ta có thể “tham quan” những ngôi chợ lừng lẫy qua những nền tảng thực tế số. Công nghệ mới có thể tạo ra những phép màu như vậy, giúp phục chế cả những danh thắng tồn tại cách ngày nay cả ngàn năm có lẻ. Viễn cảnh ấy có thể sẽ xảy ra, ai mà biết trước được tương lai, bởi ai từng sống thời Thăng Long bát thị, niềm tự hào Kẻ Chợ ấy, lại có thể hình dung được sự mai một của chợ Cửa Nam thời hiện đại sau một chính sách…
Chẳng lẽ, những không gian đặc biệt ấy có thể sẽ vĩnh viễn mất đi để rồi thay vào đó là những chợ số 3 D kỳ thú? Ừ không còn chợ thật thì người ta sẽ đi chợ ảo.
Nhưng chẳng lẽ, người ta rồi sẽ quen với việc mất mát ký ức và văn hóa, để chấp nhận cả tâm hồn giả lập của cả một vùng đất?□
—————–
Tài liệu tham khảo:
“Sống đời của chợ”. Nguyễn Mạnh Tiến. NXB Hội Nhà văn