Tản mạn chuyện … mèo năm Mão

Cuối cùng thì bác Hổ-Canh-Dần hung hăng cũng phải rút lui để nhường chỗ cho cô Mèo - Tân Mão mỹ miều bước tới, mặc dù có ý kiến cho rằng vì cô Mèo còn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, nên đề nghị để bác Hổ làm thêm nửa nhiệm kì và cô Mèo làm… Phó.

Cái nguyên tắc “mỗi nhiệm kì chỉ đúng có một năm” này được thực hiện rất nghiêm ngặt, từ xưa tới nay không hề có ngoại lệ, và chắc là từ nay về sau cũng thế… Bởi vậy, mặc dầu chưa đến tuổi hưu và tiếng gầm còn to khỏe, nhưng bác Hổ không thể làm thêm một nhiệm kì như mong muốn. Đành phải chờ đúng 60 năm nữa, tức là đúng vào tháng giêng năm 2072, cố nhiên với điều kiện là tới lúc ấy cụ Hổ còn sống. Nhưng đã nói không được là không được, luật định như thế rồi. 

Cô Mèo và bác Hổ vốn không lạ gì nhau. Ông tổ của cô Mèo từng là thầy dạy võ cho ông tổ của bác Hổ. Là kẻ khôn ngoan và mưu lược, vị Mèo-Võ-Sư ấy đã không dạy hết bài, hết vở cho thằng Hổ-Đệ-Tử kia, vì nhìn qua cũng biết nó là kẻ phản trắc, không đáng tin. Phải đề phòng bất trắc chứ, con người còn lắm âm mưu nham hiểm nữa là con… hổ. Vì thế các anh chàng hổ hậu duệ ngày nay vẫn chịu chết không nắm được võ thuật leo cây, trèo tường là hai miếng võ độc của Mèo-Võ-Sư… Vì thế, bây giờ mỗi khi hổ hiếu chiến định gây sự, mèo chỉ việc leo tót lên ngọn cây là xong chuyện. 

Loài mèo là khắc tinh của giống chuột. Chẳng hiểu sao mèo (Mão) lại chịu đứng thứ tư trong danh sách 12 con giáp, mà anh chuột (Tí) thì lại được xếp thứ nhất. Tuy đứng số 1 nhưng nhác thấy số 4 là hồn vía chuột lên mây. 

Mèo vốn sinh ra là để bắt chuột, giúp cho Người khỏi bị loài gặm nhấm làm hại, nên loài người rất quý, rất yêu… Mấy thập niên gần đây mèo được hâm mộ và nổi tiếng hơn vì có một chính trị gia tầm cỡ đã tổng kết và phát biểu một triết lí rất hay, liên quan đến cách đánh giá loài mèo. Đó là: “Bất kể mèo trắng hay mèo đen, bắt được chuột chính là mèo tốt”… Thật là một triết lí sâu sắc về trò mèo chuột, và nghe nói chính cái triết lí “mèo chuột” đó (cũng còn được gọi là triết lí “hai con mèo”) đã làm cho đất nước của chính trị gia ấy trở nên hùng mạnh vào loại nhì ba thế giới. 

Như vậy là cũng có những con mèo không tốt, không bắt chuột ư? Có chứ, đó là những con mèo được nuôi làm cảnh, được chung sống cùng với ông bà chủ quý phái trong những ngôi biệt thự tiện nghi, sang trọng và… không có chuột. Chúng không bắt chuột vì không có chuột để bắt, nhưng không thể nói chúng là những con mèo không tốt. Không tốt mà sao lại được chủ của chúng quý như vàng?

Lại còn có những con mèo, không những không bắt chuột mà tệ hơn, còn ăn hối lộ của chuột một cách trắng trợn, công khai… Những con mèo như vậy hiện nay khá nhiều, nhưng ngày xưa cũng không phải là ít. Chứng cớ có thể tìm thấy ở bức tranh dân gian “Đám cưới chuột” nổi tiếng thế giới (còn gọi là “Trạng chuột vinh quy”) ra đời từ 500 năm trước đây. Bức tranh vẽ một lũ chuột ngang nhiên làm tiệc cưới xin rất đình đám trước mắt một con mèo to bự nằm chắn ngang đường đi. Hóa ra chúng đã cử một số chuột mang chim nướng, cá rán… đến khúm núm dâng lên, mèo chỉ việc xơi cho đẫy và nhắm mắt cho lũ chuột muốn làm gì thì làm… Có bức tranh còn đề thêm vế đối “Thử bối đệ ngư: chít, chít, chít. Miêu nhi thủ lệ: miu, miu, miu…”. 

Nhìn vào bức tranh thì thấy trong số vật phẩm cung tiến không có phong bì như bây giờ, chắc là hồi trước chưa có cái lệ ấy. Nhân đây, muốn góp ý cho các nghệ nhân Đông Hồ là nên thêm một chi tiết vào bức tranh “Đám cưới chuột”: vẽ thêm một chú chuột cõng cái phong bì to đi trước hai chú mang chim nướng và cá rán vốn đã có.

Không phải bao giờ người ta cũng quý mèo. Đã có một thời mèo được phong làm “tiểu hổ” và các món ăn chế biến từ thịt mèo trở thành đặc sản, thậm chí siêu đặc sản. Ở tỉnh Thái Bình, các quán nhậu “tiểu hổ” mọc lên như nấm, có những tiệc cưới sang trọng chỉ ăn toàn tiểu hổ. Tiếp theo đó là ở các tỉnh biên giới phía Bắc, dân ta thu mua tiểu hổ để xuất sang nước bạn Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Không hiểu do bên Trung Quốc giặc chuột hoành hành hay là cao tiểu hổ bỗng nhiên tăng giá? Chỉ biết rằng ở Thái Bình và các tỉnh biên giới, số cá thể mèo trở nên hiếm hoi và bè lũ chuột ăn tàn phá hại trở nên đông đúc…

Năm nay là năm con Mèo, sang năm là năm con Rồng, tự nhiên lại nhớ đến vợ chồng người bạn. Ông chồng cầm tinh con mèo, còn bà vợ cầm tinh con rồng. Không biết trời xui đất khiến thế nào mà bà vợ hơn chồng đến 11 tuổi. Nhưng không sao, hai người sống rất hòa thuận… Tất nhiên sự chênh lệch về tuổi tác càng ngày càng trở nên rõ nét. 

Rồi vào một năm Mèo đi, Rồng đến, anh bạn tuổi mèo bỗng ra cho tôi một vế đối và thách tôi đối lại. Anh đọc giọng tỉnh khô: “Rồng lộn mèo phải đá”. Tôi hơi hoảng vì cho rằng vợ chồng anh có chuyện rồi. “Mèo phải đá” là anh ta định bỏ vợ ư? Nhưng vì sao cơ chứ? Vì Rồng lộn, tức là vợ anh lộn, nhưng lộn nghĩa là gì? Thế rồi anh ta phá ra cười: “Tớ tưởng cậu biết nói lái”… Tôi chợt tỉnh và đọc lại vế ra theo kiểu nói lái, và rồi cũng phá ra cười. Vế ra rất hay mà lại rất hợp cảnh ngộ của vợ chồng anh. Cho đến nay tôi chưa tìm được vế đối.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)