Tản mạn về tính dân tộc và tính nhân loại trong nghệ thuật
Người ta vẫn thường cho rằng "tính dân tộc" và "tính nhân loại" là hai khái niệm đối lập nhau, mâu thuẫn với nhau, mặc dầu sự giao thoa giữa hai "đối cực" này vẫn diễn ra một cách tự nhiên, thoải mái, trong đời sống hàng ngày, cũng như trong văn học nghệ thuật, từ Đông sang Tây.
Điều đó đúng hay sai, và trong thực tiễn, mọi sự diễn ra có đúng như vậy hay không ?
Nhiều biểu hiện cho thấy rằng cả hai khái niệm “tính dân tộc” và “tính nhân loại” đều không phải là bất di bất dịch, mà luôn luôn biến động, linh hoạt, có lúc gần nhau, có lúc xa nhau, đôi khi gặp nhau. Chúng ta sẽ thấy rằng một tác phẩm nghệ thuật đích thực, thường là giao điểm của hai đối cực này. Một tác phẩm được một cộng đồng văn hóa yêu chuộng, thì gần như bao giờ cũng được thế giới biết đến. Chẳng thế, mà người ta đã lập ra những giải thưởng quốc tế, dành cho những nhà văn, nhà thơ, nhà nghệ sĩ tạo hình, nhà điện ảnh… đôi khi thuộc những nền văn hóa xa lạ mà ít ai biết đến.
Tranh của Nguyễn Gia Trí, 1944 |
Một điều chắc chắn là nghệ thuật, cũng như mọi hoạt động khác của con người, không thể không biến chuyển với thời gian, với những điều kiện xã hội luôn luôn thay đổi, và với cái gu của quần chúng ở mỗi thời. Do đó, “tính dân tộc”, hay “tính nhân loại” đều không thể nào “bất di bất dịch”, hoặc “dẫm chân tại chỗ” được. Tính dân tộc ở thời đại ngày nay không thể nào là một với tính dân tộc ở thời nhà Lê, nhà Lý được. Bởi vậy cho nên, trong nghệ thuật, nhất là ở thời đại chúng ta, cần có thêm một khái niệm khác – một vế thứ hai – bổ sung cho khái niệm trên, đó là “tính hiện đại”. Tác phẩm có tính dân tộc, là tác phẩm chứa đựng những yếu tố đặc trưng của một nền văn hóa. Trong khi tác phẩm được coi là hiện đại khi nào nó mang những nét nghệ thuật được thừa nhận là tiên tiến, là hợp với cái gu và tâm thức của thời đại.
Khái niệm “dân tộc” hoàn toàn không mâu thuẫn với khái niệm “hiện đại”. Ví dụ như, một ngôi nhà truyền thống của người Nhật Bản có thể có những yếu tố rất hiện đại, và đã từng là một bài học lớn cho kiến trúc hiện đại phương Tây về thẩm mỹ, và về nguyên tắc mô-đuyn hóa dựa trên cơ sở kích thước của con người (cái tatami), tiền thân của cái thang Modulor của Le Corbusier. Những bức tranh Gà, tranh Lợn, hay tranh Hổ… của dòng tranh Tết Việt Nam cũng là những tác phẩm nghệ thuật dân gian đáng để cho thế giới biết đến.
Mẫu số chung của sự đồng thuận, không chỉ nằm trong bản thân tác phẩm, nó không chỉ là những yếu tố nghệ thuật cụ thể hay trừu tượng, mà là con người. Đương nhiên, con người với một vốn sống và một vốn văn hoá, nghệ thuật tối thiểu.
Ngược lại, nếu một tác phẩm nghệ thuật được cộng đồng thế giới thừa nhận như một giá trị đích thực, thì nó cũng có nhiều khả năng chinh phục được sự nhạy cảm của bất cứ một cá nhân nào có đôi chút văn hóa, thuộc bất cứ một cộng đồng dân tộc nào.
|
Một thí dụ điển hình và nổi tiếng khác về sự giao thoa văn hóa Đông-Tây, đó là ảnh hưởng của tranh Phù thế Nhật Bản (Ukiyô-e) lên nền hội họa hiện đại phương Tây, đặc biệt là lên nền hội họa Ấn tượng, Dã thú, và ngay cả lên quan niệm thẩm mỹ của những danh họa như: Van Gogh, Gauguin, Matisse, Derain…, vào cuối thế kỷ XIX. Và như chúng ta biết, nền tranh Phù thế sở dĩ có được, ngoài những lý do lịch sử và tâm lý xã hội đương thời ra, còn là nhờ ở truyền thống tranh khắc gỗ dân gian và tranh Phật giáo của người Nhật Bản có từ rất lâu đời.
Một tác phẩm nghệ thuật “đậm đà bản sắc dân tộc” thường đồng thời bao gồm một số giá trị phổ quát, tức những giá trị nghệ thuật đã được thừa nhận ít ra của một phần lớn nhân loại. Chính cái mẫu số chung giữa “tính dân tộc” và “tính nhân loại” nằm ở chỗ đó.
Bởi vậy, cho nên người ta thường dễ dàng chấp nhận quan niệm cho rằng những “di sản văn hoá dân tộc” đôi khi cũng xứng đáng được coi là những “di sản văn hóa của nhân loại”.
Tuy nhiên, khi chúng ta nói “di sản văn hóa dân tộc” là nói di sản văn hoá của một dân tộc cụ thể, chứ không phải là di sản văn hóa của một quốc gia, vì một quốc gia có thể có nhiều cộng đồng dân tộc và nhiều nền văn hóa dân tộc khác nhau. Ví dụ như nền văn hoá nghệ thuật Chăm trong nền văn hóa Việt Nam nói chung.
Như vậy, nên hiểu khái niệm “tính dân tộc” hay “bản sắc dân tộc” trong nền “văn hoá, nghệ thuật Việt Nam” như thế nào? Không lẽ ta chỉ khuôn lại trong phạm vi văn hóa nghệ thuật của người Kinh, với các thời kỳ lịch sử Lý, Trần, Lê?… Hay ngược lại, ta coi văn hóa của các dân tộc ít người cũng là của ta? Ở đây rõ ràng có một sự lấn cấn, không chỉ về ngôn từ, mà chính là về nội dung? Mâu thuẫn nằm ở ngay trong bản thân các khái niệm mà chúng ta quen dùng một cách khá cứng nhắc: “dân tộc”, “bản sắc”… Nó nằm ở ngay trong cách phân biệt “ta và kẻ khác”. Kẻ khác có thể khác ta, nhưng cũng có thể giống ta. Đâu đó vẫn có một mẫu số chung, cho phép những con người thuộc những cộng đồng văn hóa khác nhau có thể hiểu nhau, thông cảm được với nhau, trên bình diện văn hóa. Có thể nghĩ rằng, một ngày nào đó, văn hóa sẽ không còn ranh giới rõ ràng nữa, và khi nói đến vấn đề “bản sắc” người ta cũng sẽ phải dè dặt, tế nhị hơn.
Trong những giá trị phổ quát mà nhân loại thừa nhận như những tiêu chuẩn dẫn đến một sự đồng thuận trong văn chương, nghệ thuật, tính truyền thống và tính dân gian giữ một địa vị quan trọng, vì chúng là tinh hoa của trí sáng tạo và óc thẩm mỹ của một dân tộc.
Cách đây vài tháng, tôi có được xem một cuộc triển lãm tranh thờ của người Dao ở ngay giữa Paris, thật là một sự bất ngờ, hãn hữu. Cũng như cách đây vài năm, người ta đã dành cho nghệ thuật tranh tượng thờ Nepal và Tây Tạng một cuộc triển lãm đồ sộ.
Nói đâu xa, Bob Dylan, người nghệ sĩ du ca nổi tiếng của những năm 1960-1970, được cả mấy thế hệ già trẻ yêu nhạc trên khắp thế giới ưa thích, cũng vì nhạc của anh mang đậm tính chất dân gian đầy sức sống của dòng nhạc dân gian Bắc Mỹ và dòng nhạc “blues” của người Mỹ đen.
Brahms, nhà soạn nhạc cổ điển người Đức, đã sáng tác ra những bản Danses hongroises tuyệt vời, một phần lớn là dựa trên những vũ khúc dân gian của người Hung.
Những giá trị truyền thống, hay những giá trị dân gian, chính là những giá trị phổ quát đã được nhiều thế hệ người chọn lọc và đã vượt thời gian để đến với chúng ta. Chúng có khả năng chinh phục được ngay cả những người đến từ những chân trời văn hóa hoàn toàn khác nhau.
Hiện tượng tiếp thu văn hóa ngoại lai, đặc biệt văn hóa của phương Tây, đối với một dân tộc như dân tộc Việt Nam, đã xảy ra ngay từ đầu thế kỷ XX, mặc dầu trong những điều kiện không mấy vẻ vang và thuận lợi của một nước thuộc địa. Trong hơn 80 năm bị đô hộ, nền văn hóa nghệ thuật của người Việt đã chịu khá nhiều ảnh hưởng của phương Tây, đặc biệt là của Pháp, mặc dầu đó cũng chỉ là những ảnh hưởng “nửa vời”. Tôi xin nêu lên một vài thí dụ.
Tranh Phù thế Nhật Bản, Kitao Manasobu, thế kỉ XVIII |
Ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước, dòng Tân nhạc của Việt Nam ra đời, bước đầu mò mẫm sáng tác bằng ngôn ngữ nhạc Tây phương, nhưng rồi cũng chỉ dừng lại ở đấy, và trong mấy thập kỷ tiếp theo không tiến thêm được một bước nào nữa, vì những lý do cũng dễ hiểu. Thuở đó, và ngay cả sau này, chưa có một nền giáo dục thật sự về âm nhạc trên đất nước Việt Nam. Khắp Đông Dương không có được một trường dạy nhạc chuyên nghiệp, không nói gì đến một nhạc viện ở cấp thành phố, hay ở cấp quốc gia. Các nhạc sĩ của phong trào Tân nhạc hầu hết là những người tự học. Căn bản về nhạc lý, cũng như những hiểu biết về nhạc phương Tây, đặc biệt là nhạc cổ điển, và nhạc truyền thống phương Đông, cần thiết cho người sáng tác nhạc, do đó cũng bị hạn chế. Rồi phong trào Thơ mới và văn xuôi, mang đậm ảnh hưởng của thơ Pháp và của văn xuôi Pháp. Rồi cả đến nền hội họa, điêu khắc và kiến trúc do trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương gây dựng nên.
Song, như tôi đã có dịp trình bày trong một bài viết về trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tất cả cái nền giáo dục thẩm mỹ ấy đều chỉ là nửa vời.
Mặc dầu vậy, phải công nhận rằng một ngành nghệ thuật như nghệ thuật sơn mài, chẳng hạn, tuy là một truyền thống lâu đời của người Việt Nam, có từ trước khi có trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng đã chỉ thực sự phát triển từ khi có trường này, và đặc biệt là với tài năng của riêng cá nhân họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Cũng như, tranh lụa hiện đại, sở dĩ có được là nhờ ở bản lĩnh của Nguyễn Phan Chánh, nhưng không thể nào có được những tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh, nếu không có sự khuyến khích của Tardieu, Giám đốc trường này. Và như chúng ta biết, tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí, cũng như tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh đều đã được các giới nghệ thuật ở phương Tây đánh giá cao ngay từ những năm 1930-1940. Đó là vì những tác phẩm của hai họa sĩ này, một mặt mang đậm tính chất dân tộc, nhưng mặt khác lại chứa đựng những giá trị phổ biến đã được thừa nhận trong những nền nghệ thuật của nhân loại, đặc biệt là những chất liệu mới mẻ, những yếu tố hiện đại trong phong cách vẽ.
Xem như vậy, nhìn vấn đề quan hệ giữa “tính dân tộc” và “tính nhân loại” qua lăng kính văn hóa nghệ thuật, ta thấy rõ là không có điều gì đáng gọi là mâu thuẫn đối kháng. Ngược lại, giữa hai khái niệm này có một mối quan hệ biện chứng, linh hoạt và thông suốt.
Một tác phẩm nghệ thuật, nếu khơi dậy được cảm xúc của những người trong cùng một cộng đồng văn hóa, thì nó cũng có khả năng chinh phục được tình cảm thẩm mỹ của những cộng đồng văn hóa khác.
Vì thực ra, mẫu số chung của sự đồng thuận, không chỉ nằm trong bản thân tác phẩm, nó không chỉ là những yếu tố nghệ thuật cụ thể hay trừu tượng, mà là con người. Đương nhiên, con người với một vốn sống và một vốn văn hóa, nghệ thuật tối thiểu.
Ngược lại, nếu một tác phẩm nghệ thuật được cộng đồng thế giới thừa nhận như một giá trị đích thực, thì nó cũng có nhiều khả năng chinh phục được sự nhạy cảm của bất cứ một cá nhân nào có đôi chút văn hóa, thuộc bất cứ một cộng đồng dân tộc nào.
Nếu những “tâm hồn Á Đông” có thể nhạy cảm và thích nghi được với những sản phẩm văn hóa nghệ thuật của phương Tây và của thế giới nói chung, thì ngược lại, người phương Tây, hay nói rộng ra, người của bất cứ nước nào, cũng đều có thể nhạy cảm, thậm chí bị chinh phục bởi những sản phẩm văn hóa nghệ thuật Á Đông: từ một màn Chèo, một điệu hát Ca trù, hay Chầu văn, từ tiếng đàn bầu, hay đàn đáy của Việt Nam, đến cái đẹp của một pho tượng Phật Quan Âm, một bức tranh dân gian, một ngôi đình, chùa cổ, một bộ y phục phụ nữ người dân tộc, hay điển hình hơn nữa, một “sắc đẹp” Á Đông.