Tản mạn về xin chữ đầu xuân

Bên cạnh nhiều người thật lòng trân trọng chữ nghĩa, không ít người đi xin chữ đầu năm theo phong trào, xin cho ra dáng có văn hóa. Nhìn những người đi xin chữ mà cái tâm đã lệch bởi sự bon chen, toan tính mất rồi thì làm sao một chữ Hán mỏng manh kia giúp ngay thẳng lại cho được.

Chữ Hán không chỉ là chữ mà còn là biểu tượng, triết lí. Bản thân mỗi chữ đã mang trong mình một số phận và bản mệnh riêng mà chỉ cần nhìn vào chữ đó đã đủ tu tâm, dưỡng tính cả một đời người.

Tôi có một số người bạn là các thư pháp gia trẻ (có lẽ chỉ trẻ về tuổi đời) ở Hà Nội. Họ có địa vị công tác, thu nhập ổn định. Thậm chí nhiều người có học vị cao. Cứ vào những dịp đầu xuân họ lại hứng thú với mực Tàu, giấy dó. Người ngoài nhìn vào sẽ tính nhẩm được khoản thu nhập kha khá sau mấy ngày múa bút. Nhưng thực lòng tôi biết với họ nó chả đáng gì cả. Xưa nay, nếu chỉ nghĩ đến tiền thì chẳng ai có thể viết cho ra chữ thánh hiền cả. Xét về tầm kiến văn tôi không rõ so với các “ông đồ xưa” họ cao thấp thế nào nhưng nói về cái tâm tôi tin ở những người viết chữ trong thời buổi chữ quốc ngữ còn bị giới @ cải biên đến đáng sợ.

Viết chữ, cho chữ là vậy nhưng còn người xin chữ, chơi chữ mới thật lạ. Lại mạn phép các bạn kể lai rai là tôi cũng quen một anh họa sĩ. Mấy lần anh có nhã ý tặng tôi một bức tranh mà anh tâm đắc nhưng tôi đều phải từ chối. Đơn giản là cho đến giờ tôi chưa có đủ hiểu biết để thưởng tranh, tôi không muốn những ý tưởng của anh bị chết mòn ở gian phòng của tôi. Nói khác đi, tôi không muốn đôi mắt phàm tục của mình làm hỏng nghệ thuật.

Ngẫm ra với chữ Hán cũng vậy. Có lẽ nhiều người đi xin chữ đầu năm theo phong trào, xin cho ra dáng có văn hóa. Rủ bạn gái đi xin chữ để chứng tỏ mình không quá thực dụng và xôi thịt. Cũng phải nói rằng nhiều người đầu xuân đến Văn Miếu và xin chữ vì lòng hiếu học. Xin một chữ Tâm, Phúc, Trí, hay Tín… nhưng có “update” được cái đức ấy vào tâm hồn hay không mới là điều quan trọng bởi chữ mới chỉ là lớp vỏ kí hiệu. Bạn phải tự đọc, tìm hiểu về cách tạo chữ và suy ngẫm về sự thâm viễn của nó mới có thể ngộ được những chữ ấy. Nhìn nhiều bạn trẻ đi xin chữ mà cái tâm đã lệch bởi sự bon chen, toan tính mất rồi thì làm sao một chữ Hán mỏng manh kia giúp ngay thẳng lại cho được.

Nhớ đến truyện ngắn Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân mới thấy cái đạo của người xin chữ, người ban chữ cao quý đến dường nào. Vị quản ngục cung phụng nhưng không nịnh nọt, quỵ lụy nhưng thẳng ngay. Người cho chữ bản lĩnh nhưng không cố chấp, chỉ hạ bút viết tặng người tri kỉ nhưng cũng không phụ tấm lòng trong thiên hạ… Tất cả những điều đó chỉ mong gìn giữ được sự thanh cao của chữ nghĩa.

Chuyện kể ra cũng đã xưa. Ngày nay mọi thứ đã được số hóa và cải biến muôn hình vạn trạng. Trước những đòi hỏi phức tạp của nội tâm con người hiện đại e một chữ Tâm kia khó đủ sức dung dưỡng được tâm tính! Hy vọng nó sẽ giúp giữ được chút hương vị ngày xuân. Và trong sâu thẳm tâm hồn mong những bạn trẻ yêu chữ, mê chữ nhận ra trong đường nét bay bổng của hình thể chữ nghĩa nào cũng hiện lên một chữ Nhân lấp lánh để thêm yêu cuộc sống và con người trong một mùa xuân mới.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)