Tây phương mỹ nhơn: Giữa ràng níu của Nho học và phức cảm thuộc địa

Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tác giả nữ ở Việt Nam cho thấy sự lên tiếng của nữ giới trong không gian vẫn còn đậm ràng níu của truyền thống bảo thủ. Chính tác giả Huỳnh Thị Bảo Hòa, nữ tiểu thuyết gia đầu tiên cũng là một gạch nối giữa môi trường Hán học và bầu không khí Tây học.

Bìa sách “Tây phương mỹ nhơn” – bản tiếng Việt trong lần xuất bản đầu tiên.

Dụng bút theo “nghề mới học”

Trong “Bài tựa” cho lần xuất bản đầu tiên của Tây phương mỹ nhơn, Huỳnh Thúc Kháng có nhắc lại lời bộc bạch của chính nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa khi cậy nhờ ông chắp bút viết lời đề tựa: “Tôi là con nhà học, cha làm quan đã về hưu, từ nhỏ có tánh ham học, mười mấy năm nay cái màn nữ học nước ta mới dở ra, thường hay sưu tập các sách các báo trước sau xem học, mà tánh thích nhứt là tiểu thuyết, nên đánh bạo dạn theo đòi, thử làm ra bản này, vẫn biết là một nghề mới học, sao khỏi cho lẽ cạn lời thô…”1. Điểm cần lưu ý đầu tiên có lẽ là sự nhấn mạnh của Huỳnh Thị Bảo Hòa về “sự học”. Nếu giáo dục “là cánh cổng mở ra tự do, cơ hội, sự độc lập mà bất cứ ai cũng có quyền được bước qua” và điều các nhà nữ quyền, ngay từ những chiến dịch đầu tiên vào thế kỉ 19 đòi hỏi là “một nền giáo dục bình đẳng cho cả nam giới và nữ giới”, thì ở Việt Nam, chính Huỳnh Thị Bảo Hòa đã là một trong những nhà nữ quyền đầu tiên trực tiếp lên tiếng về việc “nâng cao trí thức của chị em phụ nữ, thực hiện nếp sống mới”, “hô hào chị em phụ nữ đi học chữ quốc ngữ”, “vạch ra cái lợi của người biết đọc biết viết”. Chính môi trường chữ quốc ngữ và ảnh hưởng Tây học đã là cái nôi để những cây bút nữ như Huỳnh Thị Bảo Hòa xuất hiện. Bà được thụ hưởng một sự giáo dục hoàn toàn ngang bằng với lớp tinh hoa nhất của trí thức nam giới đương thời, và việc chủ động nhắc lại điều đó trong cuộc gặp mặt với Huỳnh Thúc Kháng gần như là một cách xác lập và tuyên bố một vị thế đối thoại bình đẳng. Điểm đáng lưu ý thứ hai là việc Huỳnh Thị Bảo Hòa tự ý thức về lối viết của mình như một thực hành “học một nghề mới”, bứt thoát khỏi truyền thống thi, ca, ngâm, vịnh. Và trước nghề mới xuất hiện này (nghề viết tiểu thuyết), cả các cây bút nam giới và nữ giới đương thời đều bình đẳng trước cơ hội thử tài. Điều làm nên quan hệ ngang bằng này về cơ hội cũng như thành công giữa hai giới trong việc viết tiểu thuyết đầu thế kỉ, có lẽ, một phần đáng kể là nhờ vào sự nở rộ của xuất bản in ấn. Dù trước đó từ lâu Việt Nam đã có một giới tinh hoa biết chữ sử dụng những văn bản được viết, in, và khắc nhưng chỉ bắt đầu từ thập niên 1920 nhờ công nghiệp in ấn, sản xuất báo chí và sách đọc, một bầu khí quyển công cộng được hình thành và phát triển. Chính bầu khí quyển này đã khuyến khích và thúc đẩy sự cất tiếng nói của công chúng, đồng thời đưa tới sự lan tỏa rộng rãi của những tư tưởng mới như nữ quyền luận. Sự phổ cập của in ấn và sự bùng nổ của báo chí đã đưa đến thành công cho Huỳnh Thị Bảo Hòa ở cả mảng tiểu thuyết và du ký. Trong điều kiện in ấn xuất bản hàng loạt dần phổ cập, nhà văn nam và nhà văn nữ có một mức độ cạnh tranh tương đương trong khả năng tiếp cận độc giả và được công chúng đón nhận.   

Huỳnh Thị Bảo Hòa tự ý thức về lối viết của mình như một thực hành “học một nghề mới”, bứt thoát khỏi truyền thống thi, ca, ngâm, vịnh.

Dù nói một cách công bằng, Tây phương mỹ nhơn vẫn đa phần tuân thủ những quy ước của tiểu thuyết chương hồi trung đại, ở việc chia tiểu thuyết thành mười lăm hồi, mỗi hồi lại gắn với cặp thơ song thất thâu tóm diễn trình sự kiện, hay ở việc lối văn biền ngẫu vẫn còn là kiểu hành văn thống trị trong cuốn tiểu thuyết của Huỳnh Thị Bảo Hòa, ngay cả cách đặt tên nhân vật đôi khi cũng vẫn còn mang tính ước lệ (Trần-Háo-Danh, Lý-Đại-Ngốc); nhưng ở nhiều phần truyện, đã có thể thấy dấu ấn của việc đưa ngôn ngữ lời ăn tiếng nói hằng ngày vào tác phẩm – một đặc trưng khá tiêu biểu của thể loại tiểu thuyết (chẳng hạn: “Đó là Bạch-Lan an ủi cho vui lòng cha mẹ, chứ thiệt ra thì cũng phiền lắm”, tr.135; hay: “Hồ-Đại-Dương ngơ ngẩn đứng chờ cho nàng đi khuất, rồi mới chịu lên xe về nhà, trong lòng nghĩ ngợi rằng: Ta nói dối cho nàng tin đó thôi, hơi đâu mà cho người tìm kiếm Tuấn-Ngọc làm chi cho mệt […] như tên Tuấn-Ngọc kia bần tiện như rứa mà nàng không chê thay, huống nữa ta giàu có sang trọng như vầy, lẽ nào nàng lại không ưng”, tr.167). Có thể thấy, về mặt ngôn ngữ, nhiều đoạn trong Tây phương mỹ nhơn không chỉ bước ra khỏi hệ thống ngôn ngữ và cách diễn đạt tượng trưng ước lệ mà còn đưa được cả vào tiểu thuyết lời ăn tiếng nói đậm tính địa phương. Lối hành văn có nhiều điểm mới mẻ ấy của thể loại tiểu thuyết đưa lại một hiệu quả chuyển tải mà nói như Huỳnh Thúc Kháng: “không khác gì đàn bà con nít ngồi nói chuyện với nhau mà kỳ thực thì không phải những tay học thức rộng, lịch duyệt nhiều, cầm bút không viết được một chữ. Ấy chính vì thế mà tiểu thuyết mới thành ra một thứ lợi khí truyền bá trong xã hội” (tr.35).

Tác giả Huỳnh Thị Bảo Hòa, nữ tiểu thuyết gia đầu tiên và cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên cắt tóc được biết đến.

Tư tưởng mới hay nối tiếp với truyền thống? 

Vậy với việc lựa chọn thể loại tiểu thuyết, Huỳnh Thị Bảo Hòa hướng đến “truyền bá” những tư tưởng và quan niệm nào, và những tư tưởng ấy có gì mới hay có sự nối tiếp nào với truyền thống? Trước hết, cuốn sách được xuất bản năm 1927 cũng ghi dấu một điểm mốc về “sự đứt gãy giữa hai thế hệ 1907 và 1925”, thế hệ “những người trưởng thành từ các lò luyện tinh hoa cửa Khổng sân Trình” (chữ của Đoàn Ánh Dương) và những thanh niên “trưởng thành từ nhà trường phổ thông Pháp-Việt”. Thế hệ trí thức mới này đã “có một trải nghiệm khác hẳn”, một phần do “hấp lực của văn minh Âu Tây”, một phần vì “sự sinh thành nhanh chóng của trí thức Tây học do chính sách phổ thông có tính thực nghiệp khiến xã hội thuộc địa mới phôi thai còn không đáp ứng được nhu cầu của họ (mà căn bản trước nhất là công văn việc làm chẳng hạn), huống hồ là xã hội cổ truyền vốn chỉ dành cơ hội cho một số rất ít những người theo đuổi nền giáo dục cử nghiệp”. Tuấn-Ngọc, chàng nhân vật chính của tác phẩm, là một đại diện tiêu biểu cho lớp thanh niên mới như thế. Dựa trên tình thế “nhơn gặp lúc giao thời, chữ nho không đắc dụng với đời, nên ông hương mới cho theo Tây học” (tr.45), việc “lên tỉnh” của Tuấn Ngọc thực chất là cách để vượt thoát khỏi “phạm vi cổng làng”, thứ đóng khung cả thế giới bên trong nó vào một sự ì trệ tách biệt với những bước tiến và chuyển xoay không ngừng của thế giới, của thời đại: “không còn biết có thế giới cạnh tranh, khoa học tiến bộ, và công trình kì dị vĩ liệt phi thường của nhơn loại là gì nữa” (tr.43). Dù việc theo đòi Tây học của Tuấn-Ngọc dở dang vì hoàn cảnh gia đình éo le, nhưng quan niệm về việc coi trọng “thực nghiệp” thay vì ham hố hư danh đã rất rõ ở Tuấn Ngọc. Trong trao đổi và khuyên nhủ của Tuấn-Ngọc với Trần-Háo-Danh và Lý-Đại-Ngốc, có thể thấy rất rõ sự coi trọng tinh thần tự lực, ý thức về việc làm những việc có ích và đóng góp cụ thể vào kinh tế: “còn như đem tiền của nhờ người ám trợ cho cầu lấy đỗ, hoặc cho lấy chỗ làm không lương, tôi dẫu nghèo quyết không làm điều đê tiện ấy, vì nghĩ tự thẹn lắm; phận tôi đã đành, còn như hai anh ruộng cả ao liền, tiền chum thóc vựa, ở nhà cũng phong lưu chán đi, nếu chi hai anh muốn danh vọng với đời thì đem tiền ra kinh doanh buôn bán, chấn hưng các nghề nghiệp cho to…” (tr.53). 

Dù vậy, quan trọng hơn, như chính nữ tác giả xác định ngay từ tiêu đề tác phẩm, Tây phương mỹ nhơn thuộc thể tài “luân lý tiểu thuyết”. Hay nói đúng hơn, đây là cuốn tiểu thuyết “nêu gương”, nhắm tới chấn chỉnh những “luân thường đạo lý” đang có nguy cơ tan rã trong xã hội đầy biến động. Bên cạnh những dấu ấn thời đại (trong cách nhìn về nghề nghiệp, việc đăng kí làm lính Đông Dương sang giúp Pháp trong cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ nhất hay “cuộc Âu-chiến đại-chiến-tranh”…), Tây phương mỹ nhơn thực chất, không nằm bên ngoài “nền cảm hứng đạo lý trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn giao thời”; và hẹp hơn, có thể xem như sự nối dài của dòng mạch truyện Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu) hay Giọt máu chung tình (Tân Dân Tử, 1926). Cốt truyện, tương tự, cũng xoay quanh chuyện tình (kể từ lúc gặp gỡ, đính ước) của một cặp trai anh hùng-gái thuyền quên, trải qua bao sóng gió ly biệt gian nan trắc trở, nhưng cuối cùng, vì tấm lòng thủy chung son sắt giữ trọn thề nguyền, hai bên vẫn tìm lại được nhau, có một kết thúc êm ấm bên nhau. Thế nhưng, điểm đặc biệt của Tây phương mỹ nhơn nằm ở chỗ nhân vật nữ chính trong tác phẩm lại là một người con gái phương Tây (một cô gái Pháp). Cách xây dựng nhân vật này, trước hết, có thể được đọc như một sự khẳng định lòng tự tôn và vị thế dân tộc trong quan hệ với nước Pháp hiện thời. Để thấy rõ hơn tính cấp tiến và sự quyết liệt của Huỳnh Thị Bảo Hòa trong nỗ lực thiết lập một quan hệ “bình đẳng” với Pháp, cần lưu ý về tình trạng quan hệ thực dân-thuộc địa đã đặt người dân An Nam vào một vị thế bất công cay đắng lúc bấy giờ. Chẳng hạn, trong Tân Việt Nam, một cuốn sách được Phan Bội Châu chắp bút ở Nhật Bản, có đoạn: “Từ khi người Pháp bảo hộ cho đến bây giờ, chúng nắm giữ hết thảy mọi quyền trong tay, muốn làm sống, làm chết ai cũng được. Tính mạng của muôn người nước Nam chẳng bằng một con chó Tây, uy danh của cả trăm viên quan lại không bằng một người đàn bà nước Pháp”. Trong hoàn cảnh đó, việc để cho một người phụ nữ Pháp tự nguyện kết duyên với một người lính thuộc địa sang phục vụ mẫu quốc thực sự là một sự phản kháng đáng kể về nhận thức và địa vị. Không chỉ thế, mục đích của Tuấn-Ngọc mộ quân sang Pháp là để “đến nước văn minh coi thử họ có ức chế hủ bại như nước ta hay không” (tr.61), và cuối cùng nhận ra, dù ở đâu, Tây hay ta, cũng đều có người tốt kẻ xấu, người trọng nhân nghĩa kẻ hám lợi danh. Cuốn tiểu thuyết, như thế, đối thoại trực diện với những định kiến và phân biệt của kẻ thực dân. Bạch-Lan trong tác phẩm là người “không bắt chước” những cô gái Pháp khác mà “đem lòng kì thị”, “khinh khi” lính thuộc địa; ngược lại, cô “có tư cách hoàn toàn, lính các nước coi bình đẳng như nhau” (tr.72). Việc Bạch-Lan phải lòng và muốn kết nghĩa trăm năm với chàng lính thuộc địa An Nam do vậy cũng gặp nhiều trắc trở. Những kẻ thượng lưu quyền quý bên Pháp thì miệt thị nàng vì: “lại đi thân thiết với một thằng ngoại quốc mạt hạng”, “chưa thấy một người con gái nào dại như thế” (tr.90). Những người “đồng bang” Pháp ở An Nam thì viện tới “thể diện quốc gia” để can ngăn nàng tìm chồng: “cô còn tìm kiếm làm chi, cho người An Nam họ cười thì thất thể diện chúng ta lắm” (tr.152), hay “bỏ quân nô lệ ấy khỏi thất thể diện đồng bào ta” (tr.156). Nhưng trước tất cả những thái độ bề trên, thượng đẳng ấy, Bạch-Lan chất vấn lại bằng cái nhìn phê phán. Nàng nhìn ra ở đó không chỉ “lòng kiêu căng” mà cả “dã tâm” (tr.157). Nhân vật Bạch-Lan, thực sự, là cách để Huỳnh Thị Bảo Hòa đối thoại và đòi hỏi một cái nhìn công bình hơn về vị thế của người dân và dân tộc An Nam.      

Về mặt ngôn ngữ, nhiều đoạn trong Tây phương mỹ nhơn không chỉ bước ra khỏi hệ thống ngôn ngữ và cách diễn đạt tượng trưng ước lệ mà còn đưa được cả vào tiểu thuyết lời ăn tiếng nói đậm tính địa phương.

Những chuyển dịch trong quan niệm về độ tuổi lấy chồng cũng được Huỳnh Thị Bảo Hòa kín đáo gửi gắm trong Tây phương mỹ nhơn, đặc biệt khi tả Bạch-Lan “tuổi vừa hai chín, nhan sắc xinh đẹp” (tr.74). Dù chỉ một chi tiết, nhưng cũng đủ để thách thức chuẩn mực về vẻ đẹp thì con gái cũng như kì vọng kết hôn mà dư luận áp lên người nữ từ rất sớm trong xã hội truyền thống. Việc xây dựng một nhân vật nữ Tây Âu thuộc dòng dõi “lá ngọc cành vàng” nhưng trong cơn binh lửa sẵn sàng lên đường tham gia Hồng-Thập-Tự giúp quân nhân bị nạn, thêm vào đó, cũng là một cách để tác giả liên tưởng và chất vấn ý thức trách nhiệm của chính giới nữ nước nhà (mà cụ thể hơn, là những người nữ thuộc tầng lớp trung-thượng lưu) trước vận mệnh dân tộc: “con gái nước văn minh khí khái như thế đó, lúc nước nhà hựu nạn, tấm thân bồ liễu không mang gươm ra trận, nhưng cũng chung một nghĩa vụ là hiến thân cho nhà nước. Đàn bà Âu-châu thì như vậy, còn đàn bà con gái nước Nam ta, thì các cậu ấm cô chiêu dễ ai chịu dời lầu son gác tía, mà đi làm những việc cực khổ hèn hạ như thế để trả nợ quốc gia hay không?” (tr.71). Không chỉ thế, mượn lời của nhân vật nam chính, Huỳnh Thị Bảo Hòa liên tục gửi gắm những trăn trở suy tư về phận nước, chẳng hạn: “nước tôi là nước mất tự do, quyền sanh sát trong tay mấy anh tai to mặt lớn, họ muốn làm sao thì làm, phận hèn mọn ngắn cổ sao kêu thấu!” (tr.79). Hay nhiều lúc lại cất lời than: “Ôi! Tấm thân nô lệ đi đâu cũng là nô lệ!” (tr.95).  

Trên trang bìa của Phụ nữ Tân văn số 28, ngày 7/11/1929 là hình ba cô gái với câu thơ thể hiện tôn chỉ của tờ báo: “Phấn son tô điểm sơn hà/Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”. Ảnh: The Holyland Of Vietnam Studies.

Trên tất cả, nhân vật Bạch-Lan, tuy là một cô gái phương Tây, nhưng lại được hết lời ca tụng như một mẫu mực của hình ảnh nữ giới theo quan hệ Nho giáo: “tuy sinh trưởng ở nước tự do nhưng không lạm dụng chữ tự do như các người con gái khác. Cô trên thờ cha mẹ, việc thần hôn chẳng chút biếng khuây, còn vẽ phụng thêu rồng vẫn là một tay kim chỉ, tài sắc đã có một tánh hạnh lại gồm hai, chuyện ong bước gác để ngoài tai, duyên hương lửa đợi người tri kỉ” (tr.74-75). Sau khi đã nên duyên với Tuấn-Ngọc, nàng cũng ý thức rất rõ về một kiểu “bổn phận” làm vợ (“xuất giá tòng phu”) nặng tính Nho giáo: “cậu về nước thì mẹ con tôi cũng đi theo, dầu vạn hải thiên sơn cũng không dám ngại, đó là bổn phận của tôi, can chi cậu phải buồn?” (tr.121). Tới lúc lâm vào cảnh ly biệt, trước lời khuyên của cha mẹ về việc cải giá, Bạch-Lan lại nhất quyết từ chối, và viện lí lẽ về quan niệm “chữ trinh” đậm màu sắc phương Đông: “Gái trinh chẳng lấy hai chồng, nếu Tuấn Ngọc không qua thì con nguyện ở vậy trọn đời mà thôi” (tr.139). Không chỉ thế, điều khiến Bạch-Lan cảm động nhất khi sang với Tuấn-Ngọc là được tận mắt chứng kiến sự hy sinh, tần tảo của người phụ nữ An Nam: “gặp những người đàn bà đi buôn bán nặng nề, khó nhọc mà mặt vẫn vui vẻ như thường, thì sực nhớ lại khi còn ở bên Pháp đôi khi Tuấn-Ngọc nói chuyện đức hạnh của người đàn bà Đông phương. Mượn cái nhìn cúa Bạch-Lan, nhà văn dường như muốn dội một cách nhìn ngược lại về phụ nữ phương Tây – những người đàn bà: “ăn trắng mặc trơn trai lơ trắc nết” (tr.189). Tính luân lý của cuốn tiểu thuyết được thể hiện còn rõ hơn qua lời đối thoại của Tuấn-Ngọc: “trước kia đàn bà nước tôi họ còn biết lấy tam tòng tứ đức làm quy tắc […] Từ khi tang thương biến cải, quí quốc sang nước tôi và đem gieo cái hạt giống văn minh, vun chồi Âu hóa chưa tới nơi tới chốn, làm cho những kẻ hấp thu cái văn minh dở dang ấy mà trai thì biến đổi cả luân thường, giá lại phá tan nền luân lý” (tr.190). Không phản đối “cuộc Âu hóa”, điều Huỳnh Thị Bảo Hòa nhấn mạnh là sự “Âu hóa nửa vời”, văn minh “chưa tới nơi tới chốn” đã gây ra bao “thói hư” làm “di hại cho phong hóa”. Trong khi chính Bạch-Lan, một đại diện tuyệt vời của thế giới văn minh ấy, lại không chỉ hội tụ tất cả những đức hạnh chuẩn mực nhất theo quan niệm Nho gia (về đạo hiếu, về lòng trọng nghĩa khinh tài, một mực sống theo lẽ “tam tòng”). Xây dựng nhân vật Bạch-Lan, Huỳnh Thị Bảo Hòa dường như muốn “Việt hóa” hay “phương Đông hóa” cả một nhân vật phương Tây, với khung Nho giáo làm chuẩn. Dù vậy, việc khép lại tác phẩm bằng cách để hai nhân vật chính quay trở lại Pháp lại chứa chở một phức cảm thuộc địa khác. Ở lại An Nam, trong trường hợp này, vừa trái luật, vừa dễ “mất thể diện” cho Bạch Lan (tr.191). Việc quay trở lại Pháp, hay ổn định gia đình ở một nước “văn minh hoàn toàn” dường như dễ dàng và hứa hẹn hơn.

Điểm đặc biệt của Tây phương mỹ nhơn nằm ở chỗ nhân vật nữ chính trong tác phẩm lại là một người con gái phương Tây (một cô gái Pháp). Cách xây dựng nhân vật này, trước hết, có thể được đọc như một sự khẳng định lòng tự tôn và vị thế dân tộc trong quan hệ với nước Pháp hiện thời.

Sự bình đẳng Pháp-Việt lúc này, được thể hiện qua sự sẵn sàng hòa trộn về chủng tộc (“Vàng trắng chung nhau giống mới xinh”, tr.196). Tác phẩm khép lại bằng lòng tự tôn chủng tộc cùng sự tin tưởng vào một quan hệ bình đẳng và hài hòa tốt đẹp: “Mẫu quốc vững bền trong thế giới/ Nam lai báo đáp ắt không khinh”. Phức cảm thuộc địa, một lần nữa, nằm ở một cảm giác đầy mâu thuẫn trong quan hệ chủ nhân-nô lệ và ước muốn một sự hợp tác bình đẳng, ở sự lưỡng lự giữa việc khẳng định sự vững bền và phổ quát của giá trị truyền thống với đời sống “Tây Âu” văn minh. Quan niệm cộng tác bình đẳng của Huỳnh Thị Bảo Hòa (“Tây Nam hiệp lại người thêm mạnh”) có lẽ cũng chịu ảnh hưởng từ lý tưởng “Pháp-Việt đề huề” được Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh ủng hộ. Tây phương mỹ nhơn, như thế, ghi dấu “công vỡ núi mở đường” (lời của Huỳnh Thúc Kháng) của Huỳnh Thị Bảo Hòa, dù được cho là viết ra để “cống hiến chị em bạn quần thoa mua vui trong khi phòng thêu rảnh việc, gác gấm thư nhàn”, nhưng đã bao quát được một hiện thực rộng lớn và đặt ra nhiều vấn đề về thân phận và vận mệnh dân tộc.□  

——–

1 Dẫn theo: Huỳnh Thúc Kháng, “Bài tựa”, in lại trong Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa, Thy Hảo Trương Duy Hy (biên soạn), Sđd, tr. 32.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Tú Anh (2015), “Tây phương mỹ nhơn trên nền cảm hứng đạo lý trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn giao thời”, sachhay.org.

2. Marr, David (1984), Vietnamese Tradition on Trial: 1920-1945, University of California Press.

3. Đoàn Ánh Dương, “Văn chương (và) kiến tạo xã hội: Một chặng đường “phong hóa” của kiến tạo xã hội”, in trong Nhiều tác giả (2020), Phong Hóa thời hiện đại, Nhà sách Tao Đàn & Nxb. Hội nhà văn

4. DK [Dorling Kindersley] (2019), Feminism Is…, DK Books, England.

5. Thy Hảo Trương Duy Hy – biên soạn (2003), Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa – Người phụ nữ viết tiểu thuyết đầu tiên, Nxb. Văn học.

6. Nhiều tác giả (2020), Phong Hóa thời hiện đại, Nhà sách Tao Đàn & Nxb. Hội nhà văn.

7. Võ Văn Sạch – dịch, (1989), Tân Việt Nam của Phan Bội Châu, Bản điện tử, Cục lưu trữ nhà nước Hà Nội.

8. Shawn McHale (1995), “Printing and Power: Vietnamese Debates over Women’s Place in Society, 1918-1934”, in trong Keith Taylor and John Whitmore, eds., Essays into Vietnamese Pasts, Cornell University Press.

Bài đăng Tia Sáng số 18/2024

Tác giả

(Visited 760 times, 2 visits today)