Teresa Berganza: Carmen của thế kỷ
Teresa Berganza chắc chắn là một trong những mezzo-soprano có giọng hát đẹp nhất thế kỷ 20.
Văn học bắc cầu đến opera
Teresa Berganza Vargas sinh ngày 16/3/1933 tại Madrid, con út trong một gia đình là ví dụ điển hình nhất cho sự chia rẽ sâu sắc của đất nước Tây Ban Nha trước cuộc nội chiến. Cha cô, ông Guillermo, một nhân viên kế toán là người theo chủ nghĩa vô thần, ủng hộ cánh tả còn mẹ cô, bà Ascensión, nội trợ, là tín đồ cuồng nhiệt của Công giáo La Mã, theo chủ nghĩa quân chủ và ủng hộ nhiệt thành nhà độc tài tương lai Francisco Franco. Tuổi thơ của cô bé trôi qua trong hạnh phúc, Berganza hồi tưởng: “Chúng tôi không giàu cũng không nghèo và chúng tôi không bao giờ thiếu bất cứ thứ gì vì đối với cha mẹ tôi, nền giáo dục của chúng tôi dựa trên hai giá trị là tình yêu thương và sự khiêm tốn”. Ông Guillermo yêu thích âm nhạc, chơi được piano và trumpet chính là người đã dạy những bài học âm nhạc vỡ lòng cho Teresa nhưng dưới sự khuyến khích của bà Ascensión, ngay từ nhỏ cô bé đã có khao khát trở thành một nữ tu sĩ. Teresa được gia đình cho theo học tại Nhạc viện Hoàng gia Madrid, nơi cô hy vọng việc chơi thành thạo piano, organ và thanh nhạc sẽ giúp mình sau này trở thành người phụ trách dàn hợp xướng hoặc dạy nhạc tại một trường tôn giáo. Bên cạnh đó, cô bé cũng dành nhiều thời gian ở trong tu viện để cầu nguyện và quen thuộc với cuộc sống trong nhà thờ.
Trên thực tế, mong muốn ban đầu của Berganza là có thể chơi thành thạo piano, thanh nhạc chỉ là môn học bổ trợ. Sau khi học buổi đầu tiên với cô giáo dạy hát của mình Lola Rodriguez Aragon, người từng là học trò của Elisabeth Schumann, Berganza trở về nhà và thực hiện yêu cầu của giảng viên, nằm trên sàn nhà với chồng sách trên ngực và hít thở sâu. Berganza nhớ lại: “Vì cha tôi rất yêu văn học nên nhà có trọn bộ bách khoa toàn thư. Tôi nhớ là mẹ nhìn tôi và thốt lên ‘Con gái tôi bị điên rồi!’”. Chính Rodriguez là người đã phát hiện ra giọng hát thiên thần của cô học trò, bà đã thuyết phục rằng tài năng của Berganza là quá tuyệt vời để có thể rút lui khỏi cuộc sống trần tục. Dưới sự hướng dẫn của Rodriguez, Berganza đã giành giải nhất trong cuộc thi thanh nhạc của nhạc viện vào năm 1954 và bà đã trở thành giảng viên duy nhất và xuyên suốt trong cả sự nghiệp của mình. Cũng chính tại nhạc viện, Berganza đã quen biết và sau đó kết hôn với Félix Lavilla, một sinh viên khoa piano và sẽ là nghệ sĩ đệm đàn cho vợ mình trong các chương trình độc tấu. Họ có với nhau ba người con Teresa, Javier và Cecilia, trong đó, Cecilia sau này trở thành một soprano và đã nhiều buổi biểu diễn cùng mẹ mình.
Berganza có khả năng tuyệt vời trong việc “thay hình đổi dạng” giọng hát của mình để phù hợp với yêu cầu của âm nhạc.
Buổi ra mắt chính thức của Berganza với tư cách ca sĩ chuyên nghiệp diễn ra vào ngày 16/2/1957 tại Madrid Athenaeum trong tập ca khúc Frauen-Liebe und Leben của Robert Schumann. Và không phải chờ đợi lâu, chỉ vài tháng sau, mùa hè năm 1957, cái tên Berganza ngay lập tức trở nên nổi tiếng trên bình diện quốc tế khi cô vào vai Dorabella (Così fan tutte, Mozart) tại liên hoan Aix-en-Provence. Tạp chí Opera đã nhận xét: “Tiếng hát của Berganza là một trong những khoảnh khắc tuyệt vời của buổi tối hôm đó”. Các nhà phê bình ngay lập tức nhận định đây sẽ là một ngôi sao sáng chói của sân khấu opera và những lời mời biểu diễn đã tới tấp đến với cô. Ngày 17/1/1958, Berganza có màn ra mắt La Scala trong vai Isoldier (Il conte ory, Rossini). Ngay từ khi khởi đầu sự nghiệp, các vở opera của Mozart và Rossini đã là trọng tâm trong danh mục biểu diễn của Berganza. Cô xuất hiện lần đầu tiên tại liên hoan Glyndebourne trong vai Cherubino (Le nozze di Figaro, Mozart) và ra mắt khán giả Mỹ tại Dallas Opera với Isabella (L’italiana ở Algeri, Rossini). Cũng tại Dallas Opera, Berganza hát Néris (Médée, Luigi Cherubini) bên cạnh Jon Vickers và Maria Callas, người đã coi cô “như em gái”.
Giọng ca lý tưởng cho Rossini và Mozart
Sở hữu kỹ thuật xuất sắc nhưng không hề lạm dụng kỹ thuật, Berganza dễ dàng tô điểm những màu sắc phù hợp và phức tạp trong opera của Rossini. Harold Rosenthal đã đánh giá về Berganza trong New Grove Dictionary: “Khả năng trình diễn âm nhạc hoa mỹ và tô màu các từ ngữ và câu nhạc khiến bà trở thành ca sĩ lý tưởng cho các vở opera của Rossini”. Berganza nằm trong thế hệ những mezzo-soprano tiên phong giành lại những vai diễn nổi tiếng và đặc trưng này từ các soprano bằng cách hát chúng ở giọng thấp hơn cũng như khám phá lại những vở opera tưởng như đã bị chìm vào quên lãng của Rossini. Bà có khả năng tuyệt vời trong việc “thay hình đổi dạng” giọng hát của mình để phù hợp với yêu cầu của âm nhạc. Vào thời điểm của Berganza, nhiều ca sĩ coi việc hát recitative chỉ là một nghĩa vụ thì bà đã coi đó là một phần không thể tách rời của tổng thể một vở opera, dành cho chúng một sự tôn trọng lớn lao, đặt vào các recitative rất nhiều tâm sức và tình cảm, biến chúng thành những thông tin có giá trị về tính cách của nhân vật cũng như sợi dây truyền tải cốt truyện.
Berganza sở hữu những đường legato đặc biệt, hầu như không bị những tiếng rung cản trở, khiến giọng hát của bà trở nên trong suốt và việc nhả chữ trở nên rõ ràng và sống động một cách lạ thường. Các đoạn chạy nốt cũng được Berganza sắp xếp một cách hợp lý, không bao giờ tạo ra sự khoa trương hay lố lăng nhưng vẫn đầy đủ sự hoa mĩ và lôi cuốn. Trí tưởng tượng phong phú giúp bà tránh việc tạo ra hai câu nhạc hoàn toàn giống nhau, bất chấp sự thật là bản thân âm nhạc cũng đang quay theo những chuỗi tương tự.
Bản thân Berganza cũng thừa nhận Rossini và Mozart có ý nghĩa nhất đối với mình: “Với Rossini, tôi đã khám phá ra kỹ thuật và sự hoàn hảo, với Mozart, sự thuần khiết và cảm xúc. Giáo viên của tôi từng nói: “Teresa, ngày em học được duet với Figaro trong Il barbiere di Siviglia là ngày em sẽ không còn sợ hãi bất cứ điều gì”. Hãy tưởng tượng bạn đang đi bờ vực, đó là cảm giác về việc hát duet với Figaro. Nó sẽ khiến bạn chóng mặt. Các nốt nhạc lao về phía trước rồi đột ngột dừng lại. Giọng hát dừng lại trong khoảnh khắc rồi lập tức nhảy múa sau đó. Cường độ chuyển từ forte sang pianissimo trong vài giây, câu nhạc chuyển từ legato sang staccato. Kể cả bây giờ, để kiểm soát hơi thở và các cơ của mình, tôi hát Rossini mỗi ngày. Còn đối với Mozart, âm nhạc của ông trên tất cả cần sự thuần khiết và tự chủ tuyệt đối. Có rất nhiều niềm đam mê trong recitative và aria của Mozart, cũng giống như Rossini nhưng thanh tao hơn, khó nắm bắt hơn và thuần khiết hơn”.
Ngày 21/1/1959, Berganza ra mắt khán giả Vienna State Opera trong Cherubino. Ngày 16/5/1960, bà xuất hiện lần đầu tại Covent Garden với Rosina (Il barbiere di Siviglia, Rossini) dưới sự chỉ huy của Carlo Maria Giulini. Cả hai đều là những vai diễn gắn liền với tên tuổi của Berganza. Thập niên 1960 là giai đoạn phát triển thăng hoa trong sự nghiệp của bà, Berganza nhanh chóng khẳng định mình là một trong những mezzo-soprano xuất sắc nhất thế hệ và trở thành biểu tượng của opera Rossini.
Bên cạnh Rossini và Mozart, Berganza cũng tìm đến các vở opera của thời kỳ trước đó với những tên tuổi như Claudio Monteverdi, Barbara Strozzi hay George Frideric Handel. Bà cũng vẫn duy trì các chương trình độc tấu của mình, ngoài lieder và các ca khúc bằng tiếng Tây Ban Nha, Berganza không ngần ngại việc mở rộng kịch mục sang các tác phẩm của Pháp hay Nga. Berganza luôn có ý thức rất cao trong việc giữ gìn giọng hát của mình. Trong những ngày gần biểu diễn, bà hạn chế nói chuyện. Ngay cả với những đứa con còn nhỏ của mình, bà cũng cuốn một chiếc khăn lên miệng để nhắc nhở chúng rằng mình không mở miệng. Thay vào đó, bà sẽ viết ra giấy để giao tiếp và hướng dẫn chúng. Vào buổi tối, để tránh khói thuốc lá, bà không thường xuyên tới các nhà hàng. Khi biểu diễn xa Madrid, Berganza luôn khởi động một ngày mới bằng cách hát trong phòng tắm khách sạn. Bà cho biết: “Nếu những nốt nhạc không ở đó, tôi sẽ thấy đau đớn cả ngày”.
Dù có một sự nghiệp bận rộn tại châu Âu, Berganza lại hiếm khi biểu diễn tại Mỹ. Nếu có bà thường hát trong các chương trình độc tấu hơn là opera. Mãi đến tận ngày 11/10/1967, Berganza mới lần đầu tiên hát tại Metropolitan Opera trong Cherubino. Bà cũng chỉ gắn bó với nhà hát này trong tổng cộng 15 đêm diễn với hai vai Cherubino và Rosina (Il barbiere di Siviglia), được ra mắt vào ngày 7/11/1968 dưới sự chỉ huy của Richard Bonynge bên cạnh những bạn diễn Mario Sereni, Luigi Alva và Fernando Corena. Douglas Watt đã bình luận trên New York Daily News: “Sự hồi sinh thực sự được nhận diện với sự xuất hiện của Teresa Berganza trong vai Rosina. Giọng mezzo-soprano người Tây Ban Nha đã không hát vai này với nhà hát trước đây, mặc dù cô đã là một nghệ sĩ độc tấu nổi tiếng và con đường của cô ấy với âm nhạc của Rossini được nhiều người ngưỡng mộ. Cô ấy chắc chắn là Rosina quyến rũ nhất tại Metropolitan Opera kể từ đồng hương của cô, Victoria de los Angeles. Giống như Angeles, cô ấy hát ở âm vực thấp, điều này khiến cho nó trở nên hấp dẫn hơn nhiều so với tiếng líu lo liên tục của những soprano màu sắc mà chúng ta thường nghe… Cô thắp sáng sân khấu bất cứ khi nào đứng trên đó, dẫu không hề tỏ ra cố gắng để làm như vậy”.
Carmen ngay lập tức được coi là một trong những vai diễn thành công nhất của Berganza, Herbert von Karajan đã gọi bà là “Carmen của thế kỷ”.
Thật khó để giải thích tại sao sự nghiệp của Berganza tại Metropolitan Opera lại ngắn ngủi như vậy, hoàn toàn không tương thích với danh tiếng và tài năng của bà. Nhiều người cho rằng giọng hát với âm lượng vừa phải của bà không phù hợp với một nhà hát đồ sộ với hơn 3.700 ghế ngồi như Metropolitan Opera. Nhưng lý do này có vẻ không thuyết phục lắm vì Berganza từng cho biết khán phòng lớn hay nhỏ không bao giờ là vấn đề của mình: “Điều quan trọng không phải kích thước mà là âm học. Bạn có thể phải hát trong một nhà hát nhỏ với 1.300 chỗ ngồi với âm thanh tệ hại nhưng cũng có thể với một nhà hát lớn 5.000 chỗ với âm thanh tuyệt vời”. Nhà quản lý âm nhạc Herbert Breslin, người từng là đại diện cho nhiều ca sĩ lừng danh như Luciano Pavarotti, Plácido Domingo hay Marilyn Horne thì đưa ra quan điểm của mình từ góc độ tài chính rằng Berganza từ chối nộp thuế tại Mỹ, điều này dẫn đến việc các ông bầu phải yêu cầu tăng số tiền biểu diễn cho bà hơn mức Berganza yêu cầu, dẫn đến việc bà không thể có được một sự nghiệp lớn tại đây.
Một nghệ sĩ nghiêm túc
Teresa Berganza là người theo chủ nghĩa cá nhân và luôn nói lên suy nghĩ của mình. Bà cho biết mình luôn hát opera bằng ngôn ngữ nguyên gốc, không chấp nhận bản dịch “điều đó dường như là sự phản bội lại nhà soạn nhạc”. Càng về cuối của sự nghiệp, Berganza càng nhận được nhiều lời phàn nàn về tình trạng hủy các buổi biểu diễn đã được ấn định trước. Giải thích cho điều này, Berganza cho biết: “Tôi biết tôi có thể đang phải chịu đựng danh tiếng của một nghệ sĩ hủy diễn rất nhiều và tôi muốn làm rõ điều đó. Tôi sẽ không bao giờ cho phép mình hát trong những điều kiện tồi tệ khi giọng hát của tôi chưa sẵn sàng để hát. Tôi đã được trở thành một phần của bộ ba và tôi tự hào về hội nhóm này: nhạc trưởng Carlos Kleiber và nghệ sĩ piano Arturo Benedetti Michelangeli. Tất cả chúng tôi đều hủy bỏ khi cảm thấy chưa sẵn sàng cống hiến hết 100% sức lực. Tôi không thực sự hủy thường xuyên, nhưng khi tôi làm vậy, đó là lý do tại sao. Tôi phải luôn tôn trọng bản thân và công chúng của tôi, những người đến không phải để nghe những gì còn lại, mà để nghe Teresa Berganza. Nó là cuộc sống của tôi”.
Bà luôn lựa chọn vai diễn một cách cẩn trọng: “Tôi chỉ hát những vai diễn mà nó phù hợp với giọng hát của tôi hoặc tôi có thể thích ứng với chúng. Trong nhiều năm, Berganza đã lảng tránh hát Carmen, vai diễn được đánh giá rất phù hợp với giọng hát của bà, vì cho rằng sự phức tạp của nó là quá đáng sợ. Cuối cùng, vào ngày 22/8/1977, bà cũng đã hát Carmen lần đầu tiên tại liên hoan Edinburgh dưới sự chỉ huy của Claudio Abbado và các bạn diễn Domingo và Mirella Freni. Để thực hiện điều này, Berganza đã dành hàng tháng trời để nghiên cứu kịch bản của Henri Meilhac và Ludovic Halévy cũng như truyện Carmen của Prosper Mérimée. Ngoài ra, bà cũng dành nhiều thời gian ở miền Nam Tây Ban Nha để phỏng vấn những người phụ nữ lao động ở Granada, như bà nói “hiểu rõ hơn cuộc sống giang hồ”. Từ chối những quan điểm truyền thống rằng Carmen là một ả gái điếm, Berganza cho rằng đây là một người phụ nữ nổi loạn. Bà viết trong tự truyện: “Cô ấy nói bằng trái tim, cơ thể và tâm can mình”. Trong một cuộc phỏng vấn, Berganza cho biết: “Cô ấy là một quý cô thú vị – đầy mê hoặc… Cô ấy là một tinh thần tự do, một người phụ nữ đặc biệt… một người phụ nữ được giải phóng”. Berganza cho biết mình có trách nhiệm “xóa bỏ hình ảnh Carmen méo mó luôn được giới thiệu trước công chúng”. Bà còn tiết lộ thêm: “Tất nhiên, vì sự giáo dục nghiêm khắc mà tôi có, tôi không bao giờ có thể trở thành một Carmen. Tôi không cho rằng trên thực tế, tôi có thể chia sẻ tính cách của cô ấy, nhưng chắc chắn có điều gì đó của cô ấy trong tôi”. Năm 1977 cũng đánh dấu sự ly hôn của Berganza với Lavilla, một việc mà được chính bà thừa nhận là chịu ảnh hưởng tư tưởng giải phóng của Carmen. Carmen ngay lập tức được coi là một trong những vai diễn thành công nhất của Berganza, Herbert von Karajan đã gọi bà là “Carmen của thế kỷ”.
Trong thập niên 1980, bà ít biểu diễn opera hơn vì thời gian chuẩn bị cho các vở opera ngày càng bị rút ngắn khiến bà khó chịu.: “Tôi từng làm việc với những nhạc trưởng như Herbert von Karajan, Karl Böhm và Carlo Maria Giulini, tất cả đều nhấn mạnh vào việc cần ít nhất một tháng để diễn tập. Ngày nay, nhạc trưởng chỉ là người bước vào, vẫy đũa nhạc và rời đi. Không trách nhiệm, không quyết định”. Berganza chuyên tâm hơn vào các chương trình độc tấu. Sau một buổi biểu diễn của bà tại Carnegie Hall vào tháng 11/1982, nhà phê bình âm nhạc Donal Henahan đã viết trên New York Times: “Đây không phải là một màn trình diễn đơn thuần của các nốt nhạc và lời hát mà là một màn độc tấu theo nghĩa âm nhạc hay nhất… Giọng hát Berganza, luôn là một kỳ quan của sự mềm mại và sự tao nhã, giờ đây, trở nên mạnh mẽ và kịch tính hơn một cách thú vị”.
Giọng hát của Berganza, với sự tao nhã, tinh tế của Mozart, linh hoạt và biến ảo của Rossini và cá tính tự do, không chịu khuất phục trong Carmen sẽ vẫn mãi chạm tới tâm hồn và trái tim của người yêu nhạc, để lại một dấu ấn đậm nét như là một trong những mezzo-soprano vĩ đại nhất của kỷ nguyên ghi âm.
Năm 1992, Berganza biểu diễn opera lần cuối cùng với Carmen cùng José Carreras dưới sự chỉ huy của Domingo tại Teatro de la Maestranza, Seville, không xa nhà máy thuốc lá là bối cảnh thực sự của vở Carmen. Năm 2002, Berganza có màn trở lại cảm động sau hơn 30 năm vắng bóng tại Gran Teatre del Liceu, Barcelona trong một chương trình với con gái mình Cecilia. Bà chính thức rời sân khấu vào năm 2008. Sau khi giã từ sự nghiệp, Berganza giảng dạy thanh nhạc tại quê nhà cũng như thực hiện các lớp master class trên toàn thế giới. Nhìn lại chặng đường nghệ thuật đã trải qua, bà hạnh phúc khi trở thành một mezzo-soprano thay vì soprano, như việc bà yêu thích âm thanh êm dịu, trầm ấm của cello hơn violin, nó “tha thiết và cảm động nhất”. Bà viết trong cuốn tự truyện của mình: “Nếu không thể hát, tôi muốn trở thành một nghệ sĩ cello”. Berganza qua đời tại San Lorenzo de El Escorial vào ngày 13/5/2022 ở tuổi 89. Cô con gái Cecilia cho biết mẹ mình yêu cầu càng ít ồn ào càng tốt. Cecilia thuật lại lời mẹ mình: “Tôi đến với thế giới và không ai phát hiện ra, vì vậy tôi cũng ước như vậy khi tôi rời đi”. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã gửi lời chia buồn: “Cả một đời cống hiến cho opera, bà là một trong những giọng nữ tuyệt vời tại các sân khấu trên khắp thế giới. Giọng hát, sự sang trọng, nghệ thuật của bà sẽ ở bên chúng ta mãi mãi. Tình yêu của tôi tới gia đình và những người thân yêu của Teresa Berganza. □
Ngọc Tú tổng hợp
Nguồn:
http://www.teresaberganza.com/biografiaingles.html
https://www.nytimes.com/2022/05/13/arts/music/teresa-berganza-dead.html
https://www.washingtonpost.com/obituaries/2022/05/16/opera-star-teresa-berganza-dies/?utm_source=rss&utm_medium=referral&utm_campaign=wp_local-obituaries