Tết quê người

Ở Mỹ, hàng năm cứ đến mùa Thanksgiving (Lễ Tạ Ân) vào cuối tháng 11 dương lịch, không khí sinh hoạt lại nhộn nhịp hẳn lên như những ngày cuối năm Việt Nam chuẩn bị đón Tết. Mọi người và giới mua bán chuẩn bị đón Lễ Giáng Sinh (Christmas) và Tết Tây (New Year).

Khái niệm “Tết” trong sinh hoạt văn hoá và xã hội truyền thống Việt Nam không có từ hay cụm từ tương đương nào trong ngôn ngữ phương Tây để dịch ra. Tết Việt Nam, áo dài Việt Nam, nước mắm Việt Nam và những hình ảnh, sự việc đặc thù Việt Nam không hiện hữu trong văn hóa gốc Anglo (Hồng Mao) nên khi chuyển ngữ sang tiếng nói có nguồn cội Anglo như tiếng Anh, tiếng Pháp… thì những từ hay cụm từ này không thể dịch được (untranslatable). “The Tết of Việt Nam” mà dịch ra là “Vietnamese New Year” thì sẽ rất giống mình mặc áo vét-tông mà đầu đội khăn xếp. Đơn giản là vì từ “New Year” trong tiếng Mỹ chỉ có nghĩa đơn thuần là ngày đầu một năm mới. Trong khi từ “Tết” của Việt Nam là một khái niệm truyền thống vừa cảm tính, vừa nhân văn; vừa tâm lý, vừa xã hội để nói lên một dịp lễ hội trọng đại nhất trong năm.  Không có biên giới của cá nhân, đoàn thể, giai cấp, chính trị, tôn giáo… mà chỉ có thuần túy một cảm giác nô nức, vui tươi, chan hòa để mở rộng cửa, mở rộng lòng, mở rộng hai tay ra chào đón bởi vì: “Khóa cửa, che rào Xuân vẫn tới. Nằm im, nhắm mắt, Tết đang qua”!

 Nếu có một lời cầu chúc vừa đẹp vừa thực tế cho Năm Mới thì chỉ xin cầu chúc rằng, Việt Nam và thế hệ trẻ sẽ “Một chân bước ra, ba chân bước tới” trong nỗ lực tiếp cận và hội nhập với thị trường thế giới đang mở rộng trước mắt.

Tại Châu Âu và Châu Mỹ ngày nay, lễ Giáng Sinh không còn là ngày lễ tôn giáo dành riêng cho những người theo đạo Chúa nữa. Đa số người thuộc mọi giống dân trên toàn thế giới chung vui trong dịp lễ Giáng Sinh đều xem như đây là một ngày tương đương với ngày lễ lớn nhất trên quê hương gốc của họ.  Riêng người Việt, nhất là người Việt thuộc thế hệ thứ nhất đang sống xa quê hương khắp năm châu, vẫn thường mang cảm giác “trộn lẫn bản sắc” (identity mix-up) trong thời điểm cuối năm như thế này. Cùng với người bản địa, người Việt cũng mở rộng tâm hồn và cửa nhà để đón lễ Giáng Sinh; cũng hoa đèn, quà cáp, họp mặt chung vui với người hàng xóm, với thế hệ con cháu (thế hệ thứ hai, thứ ba).  Nhưng tự trong sâu thẳm của lòng mình vẫn còn vương mang bên cạnh cái hương vị, cái không khí, cái cung cách, cái tâm linh thiêng liêng, cái hồn phách độc đáo… của ngày Tết cổ truyền ở quê nhà.

 
 Một phố Việt ở Cali. Ảnh: Corbis

Sau mùa Giáng Sinh ở Mỹ, không khí Tết truyền thống Việt Nam bắt đầu ló dạng tại các chợ thực phẩm Á Đông và trong các khu phố Trung Hoa. Nơi đâu có thương mại, nơi đó có cạnh tranh. Mỹ là một nước đa chủng tộc, nên ngoài sự cạnh tranh giữa các công ty sản xuất trong nước và trên toàn thế giới, còn có sự cạnh tranh trong nội bộ giữa các vùng văn hóa kinh tế. Kinh tế và văn hóa trở thành kinh-tế-văn-hóa (cultural economy), một chuyên ngành tại xã hội đa chủng tộc của Mỹ. Những vùng văn hoá có đặc tính chung chung giống nhau thì sản phẩm kinh tế cũng có nhiều mặt hao hao giống nhau. Như khu chợ thực phẩm Á Đông chẳng hạn là một thế giới thực phẩm riêng của người Á Đông.  Trong chợ Á Đông lại phân ra đặc tính của từng dân tộc. Khu nước mắm, mắm cà, mắm nục, mắm nêm, ruốt… thì chỉ dành riêng cho người Việt mà người Tàu (dùng xì dầu thay vì nước mắm) không hề đụng tới. Khu thịt khô, mắm cá của người Miên, người Lào thì người Việt không hề rờ tới. Khẩu vị riêng biệt, thức ăn riêng biệt của mỗi dân tộc cũng là một phần nội dung văn hóa của dân tộc đó.
Trong vòng từ 10 năm qua, hàng hóa Việt Nam bắt đầu xuất hiện trên thị trường nước Mỹ. Người Việt nào xa quê hương mà không bồi hồi xúc động khi có những mặt hàng xinh xinh chen chân trong rừng hàng hóa thế giới, lật trên bìa hộp, trên cổ áo, dưới đáy chai có ghi dòng chữ “Made in Vietnam” (chế tạo tại Việt Nam).
Về hình thức, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nhìn cũng trang nhã và mỹ thuật không thua gì các quốc gia khác. Nhưng độ bền và sự sáng tạo thay đổi kịp thời (cập nhật) lại có vẻ như không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc. Giới tiêu thụ các mặt hàng phục vụ tiện nghi hàng ngày của Trung Quốc tại Mỹ phải ngạc nhiên trước sự thay đổi cập nhật của các công ty sản xuất từ những cây tăm xỉa răng, chổi quét nhà đến các mặt hàng điện tử cao cấp. Tâm lý phổ biến nhất của giới tiêu thụ Âu Mỹ là tiện lợi (convenient), tươi mới (fresh) và giá cả phải chăng (reasonable).
Một thí dụ nhỏ về nét tiện lợi của mặt hàng. Có những nét riêng, rất nhỏ, trong một sản phẩm nhưng lại có tác dụng lên toàn thể mặt hàng. Như ba năm trước có một nhận xét là áo quần do Việt Nam sản xuất đơm nút áo, nút quần không kỹ. Tôi đã thử mua mấy chiếc áo sơ-mi mang nhãn hiệu “Made in Vietnam” tại tiệm Mervyn’s là nơi bán hàng may mặc cỡ trung bình tại Mỹ. Quả thật là chỉ sau mấy tháng đã có hai nút áo bị sút chỉ, trong lúc áo các nước khác sản xuất đã cũ mà nút áo vẫn còn chắc.  Tại Mỹ, một chiếc áo sứt khuy, đứt nút thường bỏ luôn cả chiếc áo vì người Mỹ rất lười về chuyện kim chỉ.
Một thí dụ khác về sự tươi mới mà hàng Việt Nam không chuyển đổi kịp là tranh thêu và tranh sơn mài Việt Nam nhập vào các nước phương Tây.  Một thời, tranh thêu và tranh sơn mài Việt Nam rất được ưa chuộng tại Mỹ. Nhưng nội dung các bức tranh vẫn khai thác lập đi lập lại các nội dung đã quá cũ mòn như Mai, Lan, Cúc Trúc; Ngư, Tiều, Canh, Mục… cộng thêm với kỹ thuật mỗi ngày một xuống cấp.  Kết quả là thị trường Mỹ ngày nay hầu như vắng bóng tranh thêu và tranh sơn mài Việt Nam trong khi các loại tranh thư pháp của Trung Quốc, tranh khảm của Đại Hàn, Nhật Bản vẫn còn được ưa chuộng.
Về mặt giá cả, có một chút gì đó chưa hợp lý về giá cả của các mặt hàng Việt Nam trên thị trường nước ngoài. Tất nhiên, luật cung (supply) cầu (demand) vẫn là then chốt trong việc thẩm định giá trị và ấn định giá cả của mặt hàng. Nhưng bối cảnh kinh tế (economic background) vẫn cần thiết được cân nhắc kỹ lưỡng.  Thí dụ như bia 33 của Việt Nam mới có mặt trên thị trường Mỹ không lâu so với các loại bia nhập khẩu khác như Heineken của Hà Lan, Sing Tao của Trung Quốc, Ashahi của Nhật, Corona của Mexico… Nhưng giá bia 33 Việt Nam lại ngang giá và có khi đắt hơn các loại bia vừa kể.  Các loại thực phẩm đông lạnh của Việt Nam từ trái cây đến tôm cá đều có giá cả không ổn định làm cho khách hàng có khi bị bỡ ngỡ trước sự thay đổi giá cả quá nhanh. Giá cả không ổn định là do thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa nguồn cung ứng, lực lượng trung gian và nơi bày bán. Tâm lý thị trường ở Việt Nam thường là một khuynh hướng tiêu dùng tự nhiên, nhưng tâm lý thị trường ở phương Tây là do hướng dẫn và quảng cáo. Tâm lý người tiêu thụ tại Mỹ thường rất “bạc bẽo”. Họ không trung thành với mặt hàng hay nhãn hiệu nào hết mà chỉ trung thành với nhu cầu và thị hiếu (có khi rất nhất thời) và sự thích hợp với túi tiền của mình mà thôi.   
Gần Tết, ra chợ Á Đông tại Mỹ, Pháp, Canada hay Úc, khách tiêu thụ sẽ thấy có một sự cạnh tranh thầm lặng nhưng gay gắt về các mặt hàng Tết của các nước Châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam, Hồng Kông. Nhìn kỹ các mặt hàng Tết như mứt, bánh, kẹo, trà, rượu, thức ăn… của các quốc gia khác nhau bày bán bên cạnh nhau trên cùng một quầy hàng cùng loại mới thấy được mối tương quan giữa “ta” và “người”. Thị trường cũng là một chiến trường về mặt kinh tế. Trong đó, chiến lợi phẩm là khả năng tiêu thụ, mức độ sản phẩm bán ra thị trường và chiến lược là độ nhạy trong việc nắm bắt được tâm lý ưa chuộng của khách hàng.
Tết Bính Tuất 2006 năm nay, mồng một Tết gặp ngày Chủ Nhật là “hên trời cho” trên xứ Mỹ và chung cho cả trời Tây này. Thế là bà con Việt Nam ta tha hồ ở nhà ăn Tết, chúc Tết, gọi nhau như pháo Tết.  Khác với những năm Tết rơi vào những ngày thường làm việc trong tuần thì “Tết xa quê, ta vẫn mê đi cày”.
Từ những nhận xét nhỏ về việc sắm Tết, mua hàng hóa trong các chợ thực phẩm Á Đông, chúng ta nhìn xa hơn vào lĩnh vực tâm lý thị trường. Khái niệm thị trường không chỉ giới hạn trong việc mua bán, đổi chác hàng hóa mà còn là một sinh hoạt mang tính chất tác động qua lại trong bất cứ lĩnh vực nào, vì lĩnh vực nào cũng không vượt ra ngoài quy luật sinh hoạt cung cầu. Người Việt Nam vẫn thường có câu nói bình dân để chỉ sự bận rộn là, “một chân bước ra, ba chân bước lại”. Đấy cũng rất có thể là một loại tâm lý phổ biến của cung cách văn hóa tiểu nông chưa hội nhập được với văn hóa thị trường. Mắt thì nhìn về tương lai mà não trạng thì vẫn dính mắc và quay về với quá khứ.
Nếu có một lời cầu chúc vừa đẹp vừa thực tế cho Năm Mới thì chỉ xin cầu chúc rằng, Việt Nam và thế hệ trẻ sẽ “Một chân bước ra, ba chân bước tới” trong nỗ lực tiếp cận và hội nhập với thị trường thế giới đang mở rộng trước mắt.
Mới đây, trên chuyến bay Southwest từ Phoenix về Sacramento, mắt tôi bỗng sáng lên với niềm tự hào khi đọc trang quảng cáo in màu sắc tuyệt đẹp của công ty sản xuất đĩa và nhu liệu học ngoại ngữ Rosetta Stone. Trong 25 ngôn ngữ được chọn làm tiêu chuẩn sản xuất, có ngôn ngữ Việt Nam. Nhìn dòng chữ Vietnamese (Việt) đứng ngay hàng với các ngôn ngữ đã bao năm làm mưa làm gió trong thế giới chữ nghĩa như: French (Pháp), Chinese (Trung Hoa), English (Anh), Spanish (Tây Ban Nha), Japanese (Nhật), German (Đức)… tôi xúc động quay sang người hành khách ngoại quốc ngồi bên cạnh, chỉ vào hàng chữ “Vietnamese” nói lời ngọt lịm:
– Here is my mother language! (Tiếng mẹ đẻ của tôi đây này).
Ông ta cười, gật đầu. Và mùa Xuân từ góc khuất đã đến trong tôi.

Trần Kiêm Đoàn
Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)