Tết trong mỗi người.

Mùa xuân tuyết tan, cây đâm chồi nảy lộc. Chim hót líu lo. Mặt trời sáng bừng, và trời xanh. Câu này nghe quen, nhưng đó là mùa xuân ở đâu, chứ tôi nay thật sự đã được tận hưởng mùa xuân ở mọi miền đất nước rồi nên mới biết điều lẽ ra không cần đến gần bốn mươi năm để biết, rằng cả nước vào xuân nghĩa là miền Bắc đón những đợt rét tái tê người, miền Trung là những cơn mưa sụt sùi bất tận, còn miền Nam thì nắng như đổ lửa.

Nhưng cứ vào tháng giêng tháng hai là mọi người đã bắt đầu chú ý đến quyển lịch treo tường, bắt đầu để ý ngày tây ngày ta. Chắc chắn không phải vì thời tiết, mà vì những điều khác. Tết.
Tôi vẫn còn nhớ những năm ở Huế, cứ mỗi lần Tết đến là mưa gió sụt sùi. Mẹ tôi lúc ấy làm thợ may của một hợp tác xã nằm gần bên hồ Tịnh Tâm. Đúng mồng một Tết, mẹ tôi đưa hai đứa con trai nhỏ đi cùng. Bà được phân công trực đúng vào ngày hôm ấy. Hợp tác xã là một cái kho dài, không có tường, thông thống hai bên bao bọc bởi lưới thép. Mươi chiếc máy may cũ kỹ các loại do xã viên góp vào nằm đều tăm tắp. Mẹ tôi cứ ngồi như thế, im lặng, hai đứa trẻ cứ bám lưới sắt ngóng qua phía bên kia hồ. Ở đó với chúng mới đích thực là Tết, có những tua đuôi nheo rũ trên thân tre lêu khêu, có bãi đá gà, và một vài ông già ngồi chờ người đến đấu cờ tướng… Nhưng mẹ tôi không dám rời khỏi chỗ ngồi một bước. Nay lại thấy may mắn, vì nếu được thả cho buông tuồng chơi Tết, thì tôi có lẽ chẳng bao giờ nhớ nét khắc khổ, mệt mỏi, không tương lai trên khuôn mặt của người phụ nữ vừa tròn ba mươi tuổi trong ngày Tết ấy, trong cái xưởng may tăm tối, hăng hăng mùi vải vụn.
Tết ở Sài Gòn có phong vị khác hoàn toàn. Sẽ không có cảnh bà và dì ngồi suốt đêm để làm mứt, mùi đường bay ngào ngạt suốt mấy ngày liền. Mà là cảnh đường phố đông nghẹt những người. Tiền bạc dành dụm trong năm nay thả sức mua sắm. Sài Gòn khi cần rất giỏi tạo ra những gì ngày thường nó không có. Đủ loại trái cây, rau xanh. Và hoa. Ở nơi khô héo vì nắng đột nhiên mọc ra cả một con đường đầy hoa tươi rói, tăm tắp. Hoa làm cổng chào. Hoa xếp thành chữ chào mừng năm mới. Rồi đèn lân tinh lấp lánh trên cổ tay thanh niên dạo phố. Nhưng ấn tượng nhất với tôi chính là những khu hội chợ, nơi người ta bất chấp nguy cơ bị móc túi rình rập, suốt đêm cong lưng chơi trò ném lon, thảy vòng cổ vịt, hay bầu cua cá cọp… hay chơi trò lô tô với những con số xướng lên qua những câu hát đơn giản mà nhộn. Đời thường nhưng hợp với nhiều người nên cứ thế mà thành phong tục.
Năm 1994, tôi ăn cái Tết đầu tiên ở Hà Nội. Vào đêm giao thừa, mưa ướt át. Mọi người ngồi quanh một cái bàn mở rượu, có vẻ hơi ngượng nghịu vì nghiêm nghị và sang trọng bất thường. Qua lại một vài câu chúc rồi giải tán. Một người bạn chở tôi về nhà anh cho ngủ nhờ. Lúc ấy đã quá nửa đêm, sâu trong những con hẻm chỉ vừa một người đi lọt lờ mờ hiện ra một thế giới khác. Một cộng đồng những hộ gia đình chia xẻ nhau đến cả nơi hứng nước hay nhà vệ sinh nhỏ. Chỉ vừa qua giao thừa nhưng các cửa đều đóng im lìm vì rét. Tôi theo anh lên một căn phòng nhỏ chênh vênh trên đầu một chiếc cầu thang hẹp như một cái tổ chim cu. Nơi ấy, anh một mình cặm cụi nuôi đứa con gái từ khi bé cho đến lúc cô gái lấy chồng, rồi đi mất. Nhưng năm ngoái khi tôi trở lại Hà Nội, đã có một không khí khác hẳn. Mọi người ăn mặc đẹp tề tựu bên hồ Ngọc Khánh xem bắn pháo hoa. Xen giữa đám đông, bên bàn tôi có khoảng mươi bạn trẻ lịch lãm, tách biệt, im lặng ngước mặt ngắm bầu trời sáng rực. Tất cả đều bị câm điếc. Nhưng điều thu hút mọi người không phải là nghệ thuật nói chuyện bằng tay điêu luyện, mà là phong thái đĩnh đạc, ung dung tự tại của họ.
Mùa xuân đậm đà hơn là nhờ những sinh hoạt đã thành phong tục. Đỉnh điểm của những phong tục là mùa Tết. Vào những ngày ấy, người ta cần đi ra phố thay vì ngồi lì mãi trong phòng. Môi cần mỉm cười. Miệng cần hét to. Tiền bạc cần được hoang phí. Mắt cần trông thấy màu sắc. Mũi cần ngửi mùi hương. Tai cần nghe những lời nói. Cơ thể cần thả cho tự nhiên. Tình cảm cần được sẻ chia. Tất cả những điều ấy không phải hình thành một ngày một giờ, mà hình thành qua hàng trăm năm, ngàn năm… Tất cả là kết quả của một quá trình điều chỉnh tương thích của nhịp sinh học của con người khi vận hành cùng với tự nhiên. Kể cả những câu chuyện lấp lánh về ông Công ông Táo, sự tích cây nêu hay đốt pháo…
Tôi vẫn nhớ cái Tết cuối cùng còn pháo. Cha tôi như mọi năm, tìm mua một phong pháo thật khô hứa hẹn nổ giòn. Rồi vào đúng giờ pháo nổ, con chó phấn khích nhảy như điên, nấp hết góc này đến góc khác, sủa khản giọng. Sáng dậy, cả nhà tìm thấy anh chàng trắng muốt ngủ ngáy pho pho trên đống xác pháo đỏ tươi đẹp không thể tả. Những năm sau đó, đêm giao thừa lặng lờ trôi qua. Mọi người ngồi ngáp vặt trước truyền hình, con chó nằm dưới chân, mắt nhắm nghiền. Và hết. Cả nhà kéo nhau đi ngủ. Một năm mới âm thầm bước qua.
Nay thì ai cũng có một cái Tết an toàn. Nhưng điều đó không còn nhiều ý nghĩa vì Tết không còn đem đến niềm vui trọn vẹn, mà chỉ như vài ngày nghỉ ít ỏi đơn điệu trong năm. Vô cảm. Tự cho mình xông xênh thời gian bằng cách thuê một vài DVD. Dễ xem nhất có 007 mới với tay Daniel Craig xấu trai nhưng mạnh mẽ ngày càng được các cô yêu thích, hay vài phim của Thành Long. Còn Babel xem dịp này thì hơi căng thẳng quá. Riêng tôi, một lần nữa quyết định ở lại Hà Nội ăn Tết, bởi nghe nói thủ đô năm nay tăng cường thêm vài điểm bắn pháo hoa, và nếu gặp may trong đêm giao thừa có thể qua cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn nghe hát chèo. Chỉ thương người ở nhà, hết khổ sở vì trộm cướp ngày càng táo tợn, bực bội vì triều cường lầy lội, ngứa mắt vì vỉa hè cuối năm nào cũng bị bóc dỡ, thì nay thêm lo chuyện ngắm pháo hoa cũng bị đặt lên bàn thảo luận. Niềm vui cuối cùng chập chờn như đèn trước gió. May mà chưa tắt.

Chú thích ảnh: Hoa giấy ngày xuân- ảnh Phạm Bá Thịnh

Phan Triều Hải

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)