Tết Tỵ
Tỵ là một trong 12 con vật biểu tượng của năm. Dù là năm hay tháng, ngày, giờ thì bốn cữ này cũng đều nằm trong vòng tuần hoàn thập nhị địa chi: Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Xin nhắc lại, đây là con vật biểu tượng, tức là linh vật của năm. Con rắn là con vật biểu tượng của năm 2025, Ất Tỵ.
Hơn nữa trong nghệ thuật thì rồng rắn dê gà gì đi nữa thì cũng chỉ là đề tài, là nguyên liệu cho người nghệ sĩ “chế biến”, sáng tạo ra tác phẩm của riêng mình.
Đừng hiểu con rắn theo nghĩa đen. Đừng xem tranh rắn để thấy… con rắn. Nếu không thì sẽ nhìn mà chả thấy. Hạ, Thu, Đông rồi đến Xuân, lại Xuân, Xuân đáo. bốn mùa trôi chảy, cũng là cái lẽ tuần hoàn đến/đi. Đó cũng là phép mầu của Trời, Đất. Bốn mùa là thời gian mà cũng là không gian, cảnh vật và lòng người mỗi mùa mỗi khác. Lòng người cũng là lòng trời đất.
Trong 12 con vật từ Tí đến Hợi thì Rắn có một ý nghĩa đặc biệt mà 11 con vật kia không có. Hình tượng Rắn rất gần với Phật giáo.
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh là bài dạy của Thích Ca cho Xá lợi tử. Là một cuốn kinh chỉ có 265 chữ, một cuốn kinh ngắn nhất, cốt lõi nhất trong bộ Đại Bát Nhã (600 cuốn). Cũng chính là cuốn kinh mà ngài Huyền Trang (Đường Tam Tạng) đi từ Trung Hoa sang Tây Trúc thỉnh về. Chuyến đi 17 năm chỉ để mang về 265 chữ. Chính Đức Phật đã phó chúc cho Thần rắn Naga bảo vệ kinh này.
Khỏi tranh luận, Phật giáo là tôn giáo có đông người theo nhất ở Việt Nam. Cũng như vậy, là “Đạo Mẫu” – “Đạo” của người Việt. Không có chùa nào mà không có ban thờ Thánh. Tiền Phật, hậu Thánh. Chùa, đền một chốn. Mà bố cục điện thờ của “Đạo” Mẫu bao giờ cũng có ban thờ “cụ Lốt”, tức là cụ Rắn cùng hàng với ban thờ Ngũ Hổ ở dưới theo thứ tự trên cùng cao nhất là Phật Quan Âm, Ngọc Hoàng, Tam vị Thánh Mẫu, Ngũ vị Quan lớn, Tứ vị Chầu Bà v.v..
Mùa xuân đã lấp ló ngoài cổng, đã thấp thoáng trong lòng mỗi người.
Cũng có thể hiểu mùa xuân là đạo của những cái mới, những điều tốt lành. Nếu không vậy thì làm sao có vũ trụ này, cõi nhân gian này. Có đạo nào mà lại không đẹp nữa là “đạo xuân”?
Đạo là đẹp, đẹp là Đạo. Nghệ thuật là đạo của cái đẹp, của thi ca văn chương, âm nhạc, hội họa. Tiết Xuân đã ngoài cửa, gọi lòng người trở về. Với người nghệ sĩ cũng vậy, đón chờ một mùa mới, một xuân mới, một năm mới với những ấp ủ, dự định sáng tác, những ý tưởng, những tác phẩm mới.
Triển lãm Tết Tỵ của chúng tôi không chỉ có tranh Rắn. Mà chủ yếu là những tác phẩm mới, sơn dầu, bột màu, điêu khắc, gốm để đón Tết Ất Tỵ, để thay cho lời chúc đến mọi người. Chúc tất cả một Tết mới, Xuân mới, Năm mới hạnh phúc và thành công. □
——–
* Triển lãm Tết Tỵ của nhóm họa sĩ G39 trưng bày 80 tác phẩm của 16 họa sĩ (Bình Nhi, Vương Linh, Lê Thư Hương, Hoàng Phương Liên, Nguyễn Minh, Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Hồng Quang, Việt Anh, Trần Giang Nam, Trần Gia Tùng, Nguyễn Thanh Quang, Trần Hồng Đức, Doãn Hoàng Lâm, Lê Thiết Cương, Tào Linh, Hồng Việt Dũng) trên nhiều chất liệu: sơn dầu, bột màu, giấy dó, acrylic, điêu khắc, gốm Hương Canh, gốm Bát Tràng. Triển lãm diễn ra từ ngày 28/12 đến hết ngày 3/1/2025 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.
Bài đăng Tia Sáng số 24/2024