THĂNG LONG- HÀ NỘI – Cổ nhạc hội tụ và kết tinh

Dân gian nghìn đời vẫn lưu truyền câu ca “giàu có thôn quê không bằng ngồi lê Kẻ chợ”, hàm ý nói về đời sống xã hội sôi động của kinh thành Thăng Long. Điều này lý giải tại sao Thăng Long- Hà Nội lại là nơi thu hút anh tài tứ chiếng. Hầu hết các anh tài cổ nhạc lập nghiệp nơi đây đều có gốc gác từ những miền quê văn hiến khác. Có thể nói, mảnh đất của kẻ sĩ với giới những người tiêu dùng sành điệu chính là nét đặc thù của Thăng Long  - Hà Nội.


Theo dòng lịch sử

Khi Lý Công Uẩn xuống chiếu dời đô, kinh thành Thăng Long bắt đầu trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Đại Việt. Từ đó, một đời sống nghệ thuật đậm chất kinh kỳ nhanh chóng hình thành và phát triển. Trong đó, nghệ thuật cung đình được đặt định như một sản phẩm hàng đầu, thể hiện sức mạnh của chính quyền Trung ương. Sang tới đời Lê, Nhà nước phong kiến bắt tay vào việc xây dựng bộ Đồng Văn và Nhã nhạc với phương châm học theo mẫu triều đình Trung Hoa. Ở bên ngoài dân gian, lúc này đời sống âm nhạc đã khá phồn thịnh, sôi động. Triều đình cắt đặt hẳn một cơ quan coi sóc việc hoạt động của các phường hội, gọi là Ty giáo phường. Vào đời Hậu Lê, dù chịu sức ép nhất định của tư tưởng Nho giáo với sự miệt thị các nghệ sĩ như bọn “xướng ca vô loài”, song âm nhạc cổ truyền ngoài dân gian vẫn phát triển không ngừng. Hẳn sức hấp dẫn của âm điệu, bài ca, giọng hát, ngón đàn là nguyên do duy trì một sức sống bền bỉ, trường tồn trước mọi thử thách của đời sống xã hội, đặc biệt là sự hà khắc của bộ luật Hồng Đức với văn nghệ dân gian.


Các pháp sư

Nghệ nhân Quách Thị Hồ và Nguyễn Thị Phúc thời trẻ

Vào thời kỳ Thăng Long vừa tròn 500 năm lịch sử (triều Lê Sơ), các bộ môn nhạc chuyên nghiệp như Ca trù, Chèo, Tuồng đã khá phát triển, khẳng định một diện mạo âm nhạc chốn kinh kỳ. Cũng trong thời kỳ này, nhạc cung đình dần mất đi vị thế uy nghi lúc trước. Sử chép rằng Đồng Văn- Nhã nhạc ngày càng bị hệ thống “tục nhạc” lấn lướt. Thậm chí “tế giao miếu và lễ triều hạ hay chốn dân gian tế thần, cũng dùng nhạc ấy”1. Không hiếm những con nhà gia thế cũng xao nhãng cả nghiệp quan lộ để theo đòi các nghệ sĩ chốn giáo phường dân gian. Điều đó đã chứng minh sức sống mãnh liệt và tính hấp dẫn không thể phủ nhận của vẻ đẹp cổ nhạc đất kinh kỳ Kẻ chợ- thương hiệu Đại Việt. Nó đã thực sự chiến thắng món hàng “cung đình ngoại lai”, du nhập từ người Trung Hoa. Hình ảnh nghệ thuật kinh thành Thăng Long cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX hẫp dẫn là vậy.

Năm 1831, dưới thời đô hộ của thực dân Pháp, Thăng Long được đổi tên thành Hà Nội. Thời kỳ này, do kinh đô được nhà Nguyễn di dời về Huế nên đời sống âm nhạc cung đình ở Thăng Long đã chấm dứt. Tuy nhiên, cái vị thế “nhất kinh kỳ” 2 không vì thế mà suy chuyển. Thăng Long -Hà Nội vẫn nguyên vẹn hình hài của một trung tâm kinh tế, văn hóa có bề dày lịch sử lớn nhất Việt Nam.


Hà Thị Cầu- nghệ nhân Xẩm cuối cùng của VN

Nghệ nhân Hà Thị Cầu và Nguyễn Phú Đẹ

Sang đầu thế kỷ XX, các giáo phường Ca trù đua chân nhau ra Hà Nội lập hệ thống các nhà hát biểu diễn thính phòng. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt lớn. Từ một thể loại hát thờ thần, thành hoàng (Hát cửa đình), giờ đây Ca trù đã chính thức trở thành thể loại biểu diễn phục vụ nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật đơn thuần của người Thăng Long- Hà Nội. Cùng thời kỳ này, bên cạnh không gian truyền thống nơi sân đình, đền hay các dinh thự, nghệ thuật Tuồng, Chèo bắt đầu mở rạp hát theo mô hình sân khấu hộp kiểu Pháp. Các gánh hát cùng lúc hoạt động, cạnh tranh trong một đời sống nghệ thuật phong phú và sôi động.

Nghệ thuật hát Văn vốn được xem như thể loại đặc trưng của đất Thành Nam, nhưng sinh hoạt của loại hình này ở Hà Nội cũng có những điểm khu biệt, đó là hình thức hát Văn thi. Tại các đền to phủ lớn, hằng năm các thủ nhang đồng đền thường tổ chức thi hát Văn định kỳ. Thể lệ cuộc thi được sắp đặt nghiêm cẩn và công bằng. Cung văn nào đoạt nhiều giải thì được “trấn giữ” nhiều đền phủ lớn, thu hút các chân đồng đến bắc ghế hầu. Đó cũng là sự cạnh tranh nghề nghiệp riêng của xứ Hà thành.

Với hát Xẩm, bên cạnh những không gian diễn xướng phổ biến như bến xe, bến đò, góc chợ.., Xẩm Hà Nội còn có những môi trường “làm ăn” đặc trưng riêng. Thời Pháp thuộc, có 4 nhóm Xẩm chia nhau trấn giữ bốn góc Hồ Hoàn Kiếm, không xâm phạm “địa giới” của nhau bao giờ. Lại có những nhóm Xẩm lưu diễn cơ động trên các chuyến tàu điện leng keng khắp phố. Gặp may thì Xẩm đi suốt được cả chuyến, nếu bị cu -lít đuổi, lại xuống bến tìm chuyến khác. Vào dịp giỗ Tổ Xẩm, họ dắt díu nhau tụ họp dưới bãi thuốc lá Yên Phụ để cử hành các nghi lễ thiêng liêng nhất. Tùy vào điều kiện kinh tế mà lễ giỗ có thể kéo dài từ một đến ba ngày.

Vào khoảng những năm 1920, các gánh Cải lương Nam Kỳ bắt đầu hành trình Bắc tiến, thường xuyên lưu diễn tại Hà Nội và nhanh chóng chiếm được sự mến mộ của khán thính giả chốn phồn hoa, Kẻ chợ. Người Hà Nội lập tức tiếp thu luồng gió mới. Và chỉ ít lâu sau, những gánh hát Cải lương mang nhãn hiệu Bắc Kỳ ra đời. Cũng trong nửa đầu thế kỷ XX, nghệ thuật Ca Huế cũng đã được du nhập, trở thành một thú chơi của giới trí thức thượng lưu đất Hà thành. Và, trong sự phát triển đua chen, các thể loại sân khấu mới mẻ như Chèo cải lương, Chèo văn minh cũng lần lượt ra đời tạo nên một sự cộng hưởng nhịp nhàng, mạnh mẽ của khuôn diện nghệ thuật đa chiều trong thời đại mới. Sự tiếp thu nhanh nhạy cũng như sự sáng tạo tinh tế là một hệ quả tất yếu của bản sắc văn hóa nghệ thuật Thăng Long – Hà Nội.


Múa lục cúng

Nghệ nhân Kim Sinh và Nguyễn Thị Chúc

Ở nửa cuối thế kỷ XX, đặc biệt là sau giải phóng thủ đô, đời sống âm nhạc Thăng Long -Hà Nội nói chung bước sang một trang mới. Lần đầu tiên, hệ thống các nhà hát Chèo, Tuồng… được thể chế hóa dưới sự quản lý của Nhà nước với sự định hướng rõ rệt. Trên cách nhìn về hệ giá trị phong kiến, không ít những ý kiến cho rằng kho tàng cổ nhạc của cha ông còn tồn tại quá nhiều những cái được gọi là “già cỗi, lạc hậu, lỗi thời, rề rà, chậm chạp, rườm rà, trì trệ, luộm thuộm, thô kệch, quê mùa, nghèo nàn, tùy tiện…”. Bởi vậy, phương thức bảo tồn vốn cổ lúc đó được xác định theo hướng “gạn đục khơi trong, khoa học hóa, hiện đại hóa, cải biên cải tiến…”. Theo đó, đời sống nhạc cổ truyền Thăng Long- Hà Nội đã có sự thay đổi cơ bản. Nhiều thể loại dần biến mất khỏi đời sống xã hội hay được biến đổi theo xu hướng mới, tư tưởng nghệ thuật mới. Sự mai một nhiều giá trị cổ nhạc trong đời sống là điều không tránh khỏi.

Cũng sau năm 1954, với lực lượng các cán bộ văn nghệ sĩ tập kết, giờ đây bên cạnh Tài tử -Cải lương, Ca Huế, người Thăng Long- Hà Nội còn tiếp thu thêm các giá trị mới khác như lưu phái Tuồng Nam, Ca kịch Bài chòi… Đời sống âm nhạc thủ đô đi vào thời kỳ nở rộ về số lượng, chủng loại. Đáng chú ý, sự hiện diện của Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam lần đầu tiên trở thành trung tâm quy tụ nhiều giá trị dân ca nhạc cổ khắp mọi miền đất nước. Đời sống mới với những phương tiện truyền thông mới, có thể nói tư tưởng, nếp ăn, nếp ở của người dân cũng bước sang một trang mới. Những thú vui truyền thống cùng với những sinh hoạt âm nhạc dân gian dần biến mất khỏi đời sống dân dã.

Bắt đầu từ những năm cuối của thế kỷ XX trở lại đây, Nhà nước đã có những chính sách chuyển đổi cơ cấu về văn hóa nghệ thuật. Trong sự nhận thức tiến bộ, nhiều giá trị cổ nhạc bắt đầu được nhìn nhận như những di sản vô giá của tổ tiên, cần được bảo vệ nguyên vẹn. Cuộc sống sôi động với những sự tác động mạnh mẽ của giới truyền thông đã góp phần tạo nên nhiều cơ may mới cho công cuộc chấn hưng cổ nhạc Đại Việt. Đó là thực trạng của cổ nhạc trên mảnh đất Thăng Long- Hà Nội trước thời khắc tròn 1000 năm tuổi.
————————
1 Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, NXBTrẻ, Hội NCGDVH TP.Hồ Chí Minh, 1989, tr43.
2 “Nhất Kinh kỳ, nhì Phố Hiến” là câu ca dân gian nói về sự thịnh vượng của Thăng Long (Kinh kỳ) và Phố Hiến (thương cảng nổi tiếng, nay thuộc Hưng Yên).

Tác giả

(Visited 92 times, 1 visits today)