Thành phố không thuần túy là một khu vực hành chính

Những sắp xếp, cấu trúc, định danh - cho dù là hành chính - đối với các đô thị cần được cân nhắc thấu đáo trên cơ sở của lịch sử, văn hóa, đô thị học và đặt trong một viễn kiến. Nếu không, những thay đổi thiển cận sẽ bào mòn nguồn nội lực, chặn đứng tiềm năng phát triển của các thành phố.

Tranh khắc gỗ năm 1887 mô tả Athens dưới thời quốc vương Hadrian. Ảnh: romanaqueducts.info

“Phát minh lớn nhất của nhân loại”

Đô thị là phát minh lớn nhất của loài người. Nhìn lại bình minh của lịch sử đô thị nhân loại: từ 4.000 năm trước Công nguyên, bắt đầu ở vùng Lưỡng Hà, các mô hình thành phố đầu tiên được hình thành. Các thành phố với quy mô lớn, nhỏ khác nhau đã đáp ứng nhu cầu về một mạng lưới giao lưu kinh tế, văn hóa, tôn giáo,… thúc đẩy nền văn minh phát triển hướng tới giấc mơ thịnh vượng, thăng tiến mọi mặt. Từ các thành phố, bản đồ thế giới được định hình và cũng không ngừng biến đổi.

Sau cuộc hành trình 6.000 năm phát triển của “phát minh đô thị”, chúng ta đang sống trong thời kỳ đô thị hóa trên quy mô toàn cầu. Ben Wilson, sử gia, nhà đô thị học Anh quốc, trong lời mở đầu công trình Metropolis: A History of the City, Hymankind’s Greatest’s Invention (bản tiếng Việt: Motropolis – Lịch sử phát triển đô thị, phát minh lớn nhất của loài người, Hoàng Đức Long dịch, Nhã Nam & NXB Thế giới, 2023), dự đoán: “Đến năm 2050, hai phần ba nhân loại sẽ sống trong các thành phố” và: “chúng ta sẽ trở thành một chủng loài được đô thị hóa”.


Ngay cả các thành phố lớn của Việt Nam, lề lối tổ chức của xã hội thuần nông phong kiến biểu hiện rõ hơn các chiến lược thiết chế đô thị hiện đại. 

Nói thêm, khái niệm “metropolis” mà Ben Wilson nhắc đến mang một hàm nghĩa rộng về địa lý và sâu trong vai trò trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa ở cấp độ vùng, quốc gia, khu vực hay quốc tế. Thông qua tiến trình lịch sử phát triển các metropolis trên toàn cầu như Babylon, Athens, Alexandria, Baghdad, Paris, New York, Lisbon hay London… sử gia này cũng đồng thời chỉ ra vai trò quan trọng của các thành phố (city/ville) trong mạng lưới metropolis khá rõ nét. 

Tại sao con người cần đến thành phố, mà không là gì khác? Câu trả lời ngắn gọn của Ben Wilson khá ngắn gọn: “Các thành phố vẫn luôn là những phòng thí nghiệm của nhân loại, những ngôi nhà mang tính cưỡng bách và định hướng sự phát triển của lịch sử”. Từ đó, ông đi đến một tiền đề, đúng hơn, một ghi nhận tất yếu: “quá khứ và tương lai của chúng ta gắn chặt, dù muốn hay không, với đô thị”. 

Quan sát chậm lại bức tranh quá khứ, từ những thành phố cảng biển cho đến các thành phố kết nối trên Con đường Tơ lụa, từ các thành bang cổ xưa nơi phát tích của những dòng chảy tư tưởng lớn phương Tây cho đến các siêu đô thị (mega city), đô thị thông minh (smart city) trong thời toàn cầu hóa, ta có thể thấy các đô thị là phát minh của những phát minh. “Phát minh đô thị” theo cách nói của Ben Wilson hàm nghĩa rằng sức sống đô thị sẽ tạo ra và đi cùng với nhịp đập của từng thời đại. 

Thành phố Hội An. Ảnh: Shutterstock

Ngày nay, công nghệ trở thành công cụ hỗ trợ cho sự vận hành và chuyển dịch lớn trong các đô thị; là yếu tố trọng yếu giúp nâng cao chất lượng cuộc sống con người và mở ra nhiều cơ hội phát triển. 

Từ đây, giới làm chính sách quy hoạch, chiến lược phát triển có tầm nhìn sẽ biết cách “đọc một đô thị” từ căn tính, lịch sử của nó để vừa có những thiết kế và giải pháp kiến thiết, làm cho nó vừa giữ được bản diện, vừa đạt đến các giá trị lý tưởng hướng đến tương lai; tránh các áp đặt nghịch đảo làm hao tổn nguyên khí, nhất là trong bối cảnh mà một ngày chậm chân có thể dẫn đến hệ quả tụt hậu hàng thập kỷ, thậm chí, thế kỷ. 

Một đô thị là một thực thể tự nhận thức trong kinh nghiệm phát triển của chính nó và đồng thời, nó mang trong mình năng lực liên kết mật thiết với các đô thị khác để tương dung và phát triển không ngừng trong lý tưởng thịnh vượng mọi mặt của con người. 

Câu chuyện các thành phố Việt Nam

So với 6.000 năm lịch sử phát triển đô thị thế giới, các thành phố ở Việt Nam với hình thái tổ chức khoa học được hình thành rất muộn và chưa thể nói là giàu có gì xét về phẩm chất đô thị. Mô hình tổ chức xã hội kinh thành, kinh đô của nhà nước phong kiến phương Đông tạo ra các vùng trung tâm đông đúc thiếu dấu ấn về sự sắp xếp, cấu trúc trên nền tảng khoa học. Trong nhiều thời kỳ, chức năng kinh đô chỉ đơn giản là thủ phủ chính trị, ưu tiên các mục tiêu an ninh hơn là phát triển hướng tới thăng tiến các chiều kích văn hóa thị dân. Ngay cả các thành phố lớn của Việt Nam, lề lối tổ chức của xã hội thuần nông phong kiến biểu hiện rõ hơn các chiến lược thiết chế đô thị hiện đại. 


Những đứt gãy do sự áp đặt hành chính sẽ làm suy thoái, mai một phẩm chất đô thị nhanh chóng, triệt để nhất. 

Lấy ví dụ, trong bức tranh lịch sử đó, Hà Nội hay Sài Gòn rõ ràng đã được thiết lập quy hoạch từ lâu, hàng nhiều thế kỷ trước khi người Pháp tái định hình bằng các bản quy hoạch theo quy chuẩn thành phố phương Tây. Thế nhưng dấu ấn sắp xếp trên các nguyên lý quy hoạch thực sự (mà đến nay còn giá trị kế thừa) rõ ràng chỉ mới có được vào khoảng cuối thế kỷ XIX, trên những bản vẽ của các chuyên gia Pháp.

Trải qua giai đoạn bất ổn bởi chiến tranh, các đô thị Việt Nam thiếu một đời sống bình thường. Những chắp vá về quy hoạch, kiến trúc, những mục tiêu chiến lược địa chính trị ngắn hạn, những cuộc đổi dời tên gọi, những lần sắp xếp hành chính thời sau không ngoài mục đích xóa ký ức thời trước… đã khiến cho đời sống của các đô thị trải qua nhiều cuộc đứt gãy. Sau chiến tranh, những khó khăn và hạn chế về nhận thức đô thị ngay cả trong cách thế quản trị, sự thay đổi mạnh mẽ của cơ cấu cư dân đã tiếp tục làm cho nhiều thành phố bị đánh mất phẩm chất, bản sắc. Câu chuyện số phận của những đô thị miền Nam như Sài Gòn, Đà Lạt… có thể nói là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.

Thuật lại các thời kỳ hoàng kim đô thị đã trở thành một trào lưu trong đời sống văn hóa khoảng hơn chục năm trở lại đây. Điều này biểu hiện rõ nhất thông qua các công trình nghiên cứu, những ghi chép điền dã, các khảo luận đô thị học và cả những tâm tình dưới dạng văn chương tản mạn… Nhưng tất cả có vẻ như chỉ chạm đến một phần trong nền tảng văn hóa đô thị. Trong diễn ngôn đó, câu chuyện chiếm chủ đạo là một tâm tình hoài niệm, thường đậm màu tiếc nuối. Bởi ngấm ngầm, đó cũng là thái độ và quan điểm của những người ưu tư về giá trị được trình bày trước thực trạng phẩm chất các đô thị đang đứng trước một tình trạng nan giải khác: các thành phố bị xâu xé bởi chọn lựa phát triển thực dụng và duy kinh tế; các thành phố phải gánh vác trách nhiệm nặng nề trong cuộc đua chức năng để đáp ứng cuộc đua trên bảng phân cấp hành chính lớn-nhỏ, trung ương – địa phương hay yêu cầu đóng góp vào ngân sách… còn vai trò văn hóa, sáng tạo, giá trị giao lưu, ký ức tập thể hay văn hóa thị dân – nói gọn là tài nguyên nhân văn đô thị – gần như bị bỏ qua hoặc nhìn nhận qua loa. 

Một postcard chụp đường Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1969.

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên nằm ở nhận thức quản trị đô thị vẫn mang chiều hướng làng xã thuần nông dù “chính quyền đô thị” là từ được dùng nhiều tới mức sáo rỗng. 

Thước đo cơ học đặt trên cơ sở chức năng, kinh tế và xa hơn là tiện ích hành chính dễ được viện dẫn để điều chỉnh làm biến dạng hình thái và đứt gãy tiến trình phát triển của các thành phố. Thậm chí, đây chính là tác nhân gây ra sự triệt tiêu, cắt đứt mọi cơ hội về sự liên kết với các đô thị khác. Một thành phố chịu tổn thương thì không thể đòi hỏi phát triển nguồn lực, gia tăng vị thế để đủ sức kết nối với bất cứ đâu. Chẳng hạn, một thành phố khi là thành phố danh chính ngôn thuận, nó có thể dễ dàng thiết lập mối giao kết với mọi thành phố khác trên thế giới trong các chương trình phát triển văn hóa, giáo dục, các dự án phát triển đời sống nhân văn để nâng cao chất lượng đời sống cư dân, trong khi đó, nếu quy mô thu hẹp thành chức năng một phường/ xã bình thường thì sẽ đánh mất tính tương đồng, bất bình đẳng về mọi mặt với những thực thể đô thị “khỏe mạnh” bên ngoài. Đó là chưa tính tới sự suy giảm vị thế cạnh tranh trong các lĩnh vực kinh tế như du lịch, kêu gọi đầu tư, mạng lưới dịch vụ liên đô thị, liên quốc gia; sự hoài phí về tài nguyên nhân văn gắn với giá trị một thành phố đã được kiến tạo qua quá trình lịch sử…

Những người hoài niệm có xu hướng cầu an có thể bảo rằng, ký ức thị dân và du khách thì sẽ là cái gốc, bảo tồn ý niệm/ hình ảnh về một thành phố trong quá khứ dù cho nó có bị đổi thành xã hay phường. Điều đó không sai, nhưng nó lại là một cách né tránh thực tế. Phẩm chất thị dân được củng cố qua quá trình lịch sử, sự tự nhận thức về vai trò đô thị cũng vậy, những đứt gãy do sự áp đặt hành chính sẽ làm suy thoái, mai một phẩm chất đô thị nhanh chóng, triệt để nhất. 

Thành phố được nuôi sống bởi các hoạt động sáng tạo diễn ra không ngừng của thị dân và người nhập cư biểu hiện qua một đời sống văn hóa, giao lưu, khát vọng mở mang không ngừng, đó là nơi khẳng định và hãnh diện về giá trị sống lý tưởng chứ không thuần túy là một nơi có khu vực hành chính vừa khung để con người tạm trú. Đó là một thực thể sống động, không phải là thứ chỉ để âm thầm tưởng niệm.

Tư duy quản trị đô thị theo lề lối của xã hội thuần nông phong kiến vốn đã bào mòn phẩm chất và gây tác hại lên các thành phố trong quá khứ. Đừng để tư duy đó tiếp tục cộng gộp với sự máy móc của chính sách nhất thời khiến cho các thành phố bị truất hữu nội lực, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa là hiện tượng trỗi lên ngày càng mạnh mẽ trên thế giới; mạng lưới liên kết và cạnh tranh phát triển đô thị giữa các quốc gia, khu vực đang và sẽ diễn ra ngày càng sâu sắc. Cần phải nhìn ra trong mỗi thành phố từ trong lịch sử là một quá trình lớn lên trong những tương quan toàn cầu chứ không phải là một thực thể đóng kín. Thành phố có chức năng và vị trí rất khác với phường xã để rồi muốn mở thì mở, muốn đóng thì đóng.□

Bài đăng Tia Sáng số 8/2025

Tác giả

(Visited 108 times, 108 visits today)