Thấy biển từ biển

Ở thế giới hiện đại, Italo Calvino, Günter Grass hay Alessandro Baricco khai triển sáng tạo trong sinh quyển văn hóa của mình. Họ thỏa sức cho nhân vật văn chương thăng hoa trong bầu khí tưởng tượng tự do, trên các motif, hình mẫu lý tưởng kinh điển, có tính kế thừa.

Nhân vật Novecento trong bộ phim The Legend of 1900 của đạo diễn Giuseppe Tornatore.

Năm 1957, ở Ý, Italo Calvino khai sinh Cosimo – chàng Nam tước sống cả đời trên những cành cây, không đặt chân xuống mặt đất.1

Hai năm sau, ở Đức, cậu bé Oscar Matzerath của Günter Grass ôm khư khư cái trống thiếc, món quà tuổi lên ba, và nhất quyết “ở lại” mãi mãi với cơ thể 94 cm của mình.2

Nhắc lại là để nói tới chuyện này: Năm 1994, cũng tại Ý, Alessandro Baricco, cũng bằng nghệ thuật tiểu thuyết, đã tác tạo nên một Danny Boodmann T.D. Lemon Novecento – người chơi dương cầm chỉ ở trên con tàu giữa đại dương, từ chối cuộc sống trên đất liền.3

Mở rộng trường khảo sát truyền thống văn chương châu Âu, có thể thấy, những hình mẫu nhân vật như Cosimo, Oscar Mathzerath hay Danny Boodmann T.D. Lemon Novecento không hề xa lạ. Một Peter Pan của J. M. Barrie biết bay lượn và không chịu lớn lên từ hồi đầu thế kỷ XX. Đi xa hơn về thế kỷ XVII, độc giả sẽ gặp một Don Quichotte – chàng hiệp sĩ lạc thời của Miguel de Cervantes luôn trên đường hành hiệp đã trở thành hình mẫu trong văn chương kinh điển. Nếu nhảy hút vào thời gian cổ xưa, ta lại có thể gặp Belacqua (trong chương Purgatorio, Canto IV thuộc Thần khúc trứ danh) của Dante Alighieri, kẻ-lười-điển-hình đã chọn sống trong dạng thức một bào thai để không bị tha nhân quấy rầy, nhưng – nhờ cái lười có tính hiền triết như thế – rốt cuộc y lại là người được cứu thoát khỏi sự trừng phạt của địa ngục. Và trong kho tàng truyện dân gian, thần thoại và Thánh kinh, có biết bao hình tượng khác đã “đọng lại” như thể bất biến trong dòng chảy thời gian, tự đứng bên ngoài/ bên kia đời-sống-con-người-theo-lẽ-thường.

Vậy thì, ở thế giới hiện đại, Italo Calvino, Günter Grass hay Alessandro Baricco khai triển sáng tạo trong sinh quyển văn hóa của mình. Họ thỏa sức cho nhân vật văn chương thăng hoa trong bầu khí tưởng tượng tự do, trên các motif, hình mẫu lý tưởng kinh điển, có tính kế thừa. 

Nhà văn Alessandro Baricco.

Sự kế thừa cũng quan trọng, nhưng thiết nghĩ không cần phải bàn nhiều ở đây. Cái lý tưởng trong veo đi cùng với những tình thế nghịch lý thì đáng để phân tích hơn nhiều. Bằng không gian dị thường và sự tuyệt đối tự trị của tác phẩm, nhà văn đặt để người đọc vào trong một “trò chơi”, một mê cung, mà ở đó, thay vì họ phải tuân thủ trật tự cũng như mặc định có tính nệ thực, hòa nhập vào cấu trúc xã hội thông thường theo nghĩa nệ thực, thì ngược lại, có thể đồng sáng tạo cùng nhà văn trong một luật game không ngừng mở rộng, khi mọi nếp nghĩ hay cả tín điều thông thường của đời sống này đều bị coi nhẹ hay được sinh ra là để xóa đi. Và trong cái nhìn mở rộng tính hoài nghi, câu hỏi: liệu cả đời sống này nữa, có đáng để thích ứng tồn tại chăng, nói cách khác, nó có đáng để gọi là đời sống chăng trong lớp mạng nhện phi lý mà chính nó tạo ra? 

Khi không/ thời gian được chính nhân vật tự biệt lập, ngừng bặt tương giao trước đời sống thì cũng là lúc cái lạ lùng minh triết và thi tính được trình bày một cách dồi dào tự nhiên (phải chăng là vậy, minh triết và thi tính chỉ có cơ may tìm đến khi tâm hồn ta biệt lập triệt để với sự vận hành tự động của mọi lề lối?!). Từ đó, người đọc đi vào một trạng huống khác, thoát ly khỏi cái logic tưởng chừng bất biến, tựa như cảm giác được chìm vào bóng tối và lắng nghe những chuyện fantasy (huyền ảo) trong những đêm xưa của thời thơ ấu, lúc mọi mặc định áp đặt từ thế giới người lớn và cả sự chi phối trọng lực trong thế giới già nua này nữa, tạm lơi khỏi tâm trí những đứa trẻ. 


Ở đây, trong cuốn tiểu thuyết Novecento của Alessandro Baricco, bản thân câu chuyện lại là một nghịch lý rất gần với thời hiện đại, nếu không muốn nói là thuộc về một tân thế giới. Ngay từ cái tên nhân vật, Novecento (nghĩa là: thuộc quãng thời gian những năm Một ngàn chín trăm; trong ngữ cảnh văn hóa: thế kỷ XX) đã ẩn chứa một biểu trưng của thế giới mới. Sự thể này được đặt để vào một trò chơi lớn có tính lịch sử. Một kẻ khởi sinh từ giọt máu vương vãi của di dân có lẽ trên đường đi tìm hy vọng ở một thế giới mới, vô danh tính, vô thừa nhận, thiểu số của thiểu số, bên lề của bên lề. Kẻ ấy đã chọn ở lại trên con tàu và mãi mãi không mảy may bước xuống hòa nhập vào “đời thường”, dù là cái “đời thường” thuộc bờ bên này – một lục địa đang già đi – hay bến bên kia, một lục địa của các kỳ vọng tương lai. Không quay lưng nhưng cũng không dấn bước, thân phận đứa con di dân trôi nổi giữa biển khơi, vì đơn giản, nó chọn biển khơi, thấy biển khơi từ biển khơi. 

Không lạ gì, những tiếng kêu thảng thốt vui vừng khi nhìn thấy nước Mỹ trong trình tương lai đầy hào hứng với nhiều người, thì với hắn dường như nhạt nhẽo và vô nghĩa. Sau lưng cũng chẳng phải là một gốc rễ, khứ niệm hay điều gì đáng bận tâm. Hắn, Novecento, trong vai chính. Hắn sống đời viễn du nhưng lại thuộc về khuôn khổ một con tàu. Hắn thường hằng chuyển dịch nhưng lại chưa từng thuộc về đâu cả. Hắn hòa nhập với đủ loại người trong thính phòng xa hoa nhưng lại vô cùng ẩn dật lặng im giữa các ngõ ngách hang hốc bóng tối của chiếc tàu thủy. Hắn, kẻ có thể rung động, thả hồn phiêu lãng với thứ âm nhạc khó giải mã được (âm nhạc trắng?), và, sẵn sàng văng tục vào quy định (thứ ràng buộc con người hiện đại vào khuôn khổ xã hội nhưng cũng tạo ra những tình thế nhà tù khế ước), vào cả nhạc jazz (một thứ âm nhạc được mệnh danh là phóng túng, giải phóng ẩn ức tủi sầu trên những cuộc di thê, nhưng hài hước thay, cũng tạo ra vô vàn bộ tịch, thứ bậc, đẳng cấp, hào quang) và cả chiến tranh (một trò tranh đoạt dã man, tầm thường và ngớ ngẩn của con người sống, tự hủy hoại trong những tham vọng thiết lập quyền lực lên các lãnh thổ)… Novecento trong-thơ-ngây, từ đây, tự thân đã mang lấy một sự giễu cợt tinh tế. Chính điều này cũng đưa hắn, bước chân vào một truyền thống văn chương u mặc (humour) của châu Âu với những đại diện sáng giá như đã tạm liệt kê ở đầu bài viết.

Trong cuộc trò chuyện với nhà báo Hungary Lévai Balázs, Alessandro Baricco đưa ra quan điểm vì sao “tính dân tộc” (hay hiểu nôm na, phẩm chất Ý) không liên quan gì đến các tác phẩm của mình. Ông nói: “Về mặt trí tưởng tượng của nhà văn, những mối liên hệ, sự nhạy cảm, thì tôi nghĩ, tác phẩm của tôi mang đặc tính châu Âu, từ sâu xa chúng rất châu Âu. Chúng khác xa những tác phẩm văn học Mỹ, Nhật Bản hay Ấn Độ, chúng có cội nguồn châu Âu. Vì thế tôi gọi chúng là các tiểu thuyết châu Âu. Trong các cuốn sách ấy có văn hóa của chúng ta. Không chỉ của người Ý, mà của tất cả chúng ta, người châu Âu”.4

Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi thì Novecento chưa thể là một novella đạt đến chiều kích “masterpiece”, không được phiên dịch qua nhiều ngôn ngữ, thậm chí, chuyển thành nhiều thể loại nghệ thuật như vậy.5

Phải nói, trong sự tự do di chuyển qua ngôn ngữ nhiều loại thể, Baricco dựng lên một tác phẩm ngoài tính thẩm mỹ văn chương, còn có sức gợi hình ảnh, kịch tính và nhạc tính trác tuyệt. Trong nguyên bản tiếng Ý, tác phẩm được định vị thể loại là “un monologo” – tức, kịch độc thoại (rất có thể đó chỉ là một cách nói tương đối, bởi không lẽ không thể đưa quyển sách vào một khuôn khổ nào?), nhưng nhìn xuyên qua đặc trưng ngôn ngữ các thể loại, thì có thể nhận thấy đây là một tác phẩm xóa nhòa mọi ranh giới định sẵn, một tác phẩm hư cấu phi thể loại. Và ta cũng lại có thể nói rằng, đây là một sự hài hòa vi tế, nhuần nhuyễn giữa tiểu thuyết, thơ ca, âm nhạc và kịch bản sân khấu. 

Đặt trong sự nghiệp của Alessandro Baricco, tác phẩm này báo trước về sự xuất hiện kiệt tác văn chương tối giản Seta (Lụa)6 vào hai năm sau đó; và cũng là kết tinh từ những suy nghiệm về biển đã được triển khai trong tác phẩm ra đời một năm trước đó – Ocean Mer (Đại dương biển)7. Chưa kể, đây là tác phẩm mở đầu cho một chọn lựa trong phong cách của nhà văn này (những triển khai tiếp sau đó, có thể kể đến là: Seta [Lụa, 1996], Senza sangue [Không lấm máu, 2002]8 hay mới nhất là Abel [2023]9). Sự chuyển dịch về phía tinh giản, phi thể loại trong ngôn ngữ văn chương Alessandro Baricco có thể nói, khởi đi thật sắc nét, từ Novecento

Con tàu Virginian đi lại giữa châu Âu và Hoa Kỳ, vào thập niên 1930, nó chở theo rất nhiều tham vọng vào thế giới thịnh vượng. Con tàu đón huyền thoại jazz Jelly Roll Morton một cách tự nhiên (mà chỉ có trí tưởng tượng Baricco mới nghĩ ra được!). Và con tàu chứng kiến Danny Boodmann T.D. Lemon Novecento, kẻ chơi đàn vô danh tỏa sáng, khiến Jelly Roll Morton kiêu hãnh phải bẽ mặt (dĩ nhiên, cũng chỉ có trí tưởng tượng và óc hài hước của Baricco mới tạo ra tình thế kịch tính ngược đời đó!). Con tàu rồi đây sẽ tỏa sáng theo cách của nó, bùng cháy, sau cuộc Thế chiến Thứ hai. Nó không thoát khỏi tính liên đới của bên ngoài. Nhưng nó, Virginian, lẫn Novecento vẫn không thể thuộc về cái hỗn độn bên ngoài. Đó là cách hình tượng đẹp của văn chương neo vào tâm tưởng độc giả. 

Kẻ dừng bước, quay lại từ bậc tam cấp thứ ba vẫn quyết chọn cách thế viễn du mãi mãi trên đại dương với nhãn quan và thứ âm nhạc thuần khiết của mình, kẻ ấy đã nhìn thấy cái mà cuộc đời chính hắn cần thấy. Kẻ ấy không cần thiết phải nghe tiếng biển gầm, nhưng ở trên/ trong biển cả mênh mông. Kẻ ấy chọn “quay lưng lại với thế giới, với một nụ cười kỳ lạ trên gương mặt”, kẻ ấy tự biết bản thân trong lựa chọn đó – “sẽ không bao giờ bất hạnh nữa”. Ý tưởng về niềm hạnh phúc hay nỗi khổ đau của kẻ ấy không còn thuộc quy chiếu cuộc đời bình thường, chúng ở phía “mênh mông”, “bên kia của mọi thứ”. Âm nhạc của nhất thể hóa với số phận của kẻ ấy – “một thứ âm nhạc phi lý và phi thường, phức tạp nhưng đẹp đẽ, tuyệt tác vô song trên thế gian”.

Khi đứa trẻ chọn ở lại trong hình hài một bào thai, thì thế giới loài người ở mãi ngoài kia. Nó thế nào, mặc kệ chứ. Văn chương của Alessandro Baricco chẳng lấy gì làm nghiêm trọng, chỉ sau một thoáng lưỡng lự (tự mâu thuẫn) của hành động hài kịch, ông ném ra một câu hỏi khuấy động suy tư: vậy thì ta chọn cách nhìn thấy biển từ bờ hay nhìn thấy biển khi đến và đi ngay trong lòng biển? Và, phải chăng, trên cội rễ mong manh của thực tại, thứ nhạc trắng của biển cả chỉ có thể ngân vang khi những con sóng không thuộc về một bến bờ nào? Người chơi nhạc thực thụ thì cũng thế? 

Nhưng âm nhạc trắng là gì mà Alessandro Baricco kiếm tìm như một mối ám ảnh xuyên qua nhiều tác phẩm (như Lụa, Đại dương biển, Novecento – Nghệ sĩ dương cầm trên đại dương…)? Thì đây, thứ âm nhạc kẻ ấy chơi, là một thứ không thể kiến giải hay soi xét bằng lý trí và hiểu biết thông thường trong Novecento: “Thật vậy, hắn là người đánh dương cầm hay không thể tả, không ai hơn được. Về phần bọn tôi, bọn tôi chơi nhạc, còn hắn, đó là một cái gì khác hẳn. Hắn chơi… một cái gì đó không hề tồn tại trước khi hắn bắt đầu chơi nó, okay? Một cái gì đó không tồn tại ở bất cứ nơi nào. Và khi hắn đứng lên, rời chiếc dương cầm, cái đó không tồn tại nữa… cái đó mãi mãi không còn ở đó nữa…”. Điều này cũng nhất quán với cách mà Baricco giải thích trong cuộc trao đổi với Lévai Balázs.

Năm 33 tuổi, Chúa Jesus chịu chết, rời khỏi sứ mệnh làm người để trở về thiên tính. Trẻ hơn một tuổi, Novecento dừng lại ở bậc thang thứ ba để giữ khoảng cách với đời sống nhân loại trên đất liền. 

Qua lối kể gián tiếp của Tim Tooney, một nhạc sĩ trompet lang thang, Novecento ngưng đọng nhưng sống động trong một bầu khí thuần khiết. Baricco có biệt tài dựng nên và chăm sóc tỉ mỉ cho những nhân vật như thế này. Họ như là giấc mơ của những giấc mơ. 

Cuối cùng, cái thùng thuốc súng lẽ ra sẽ khiến độc giả bật khóc, nhưng không, tro tàn mà nó làm bùng lên, rồi lắng chìm xuống biển khơi lại mang đến sự nhẹ nhõm, ung dung. Bởi từ đó, hồi quang của khát khao tự do, tự tại và những gì khắc kỷ thẳm sâu nhất trong ta được đánh thức. □

——

Chú thích

1 Tác phẩm Il barone rampante, bản dịch tiếng Việt: Nam tước trên cây của dịch giả Vũ Ngọc Thăng, Nhã Nam & NXB Văn học, 2010.

2 Tác phẩm Die Blechtrommel, bản dịch tiếng Việt: Cái trống thiếc của dịch giả Dương Tường, NXB Thế giới, 2018.

3 Bản dịch tiếng Việt: Novecento – Nghệ sĩ dương cầm trên đại dương (tiểu thuyết của Alessandro Baricco, Quế Sơn dịch, Phanbook & NXB Đà Nẵng, 2024).

4 Thế giới như là cuốn sách mở, Lévai Balázs, bản dịch của Giáp Văn Chung, Nhã Nam & NXB Văn học, 2010.

5Tác phẩm này đã được chuyển thể thành phim điện ảnh (The Legent of 1900 của đạo diễn Giuseppe Tornatore, 1998) khá thành công. Ngoài ra, nó cũng đã được dàn dựng dưới hình thức nghệ thuật sân khấu đương đại, thể nghiệm, kịch đọc tại Ý và nhiều nước. Trong một số dự án sân khấu tại Ý, chính Alessandro Baricco cũng hào hứng tham gia trong tư cách nghệ sĩ trình diễn.

6 Bản dịch của Quế Sơn, do Phanbook & NXB Hội Nhà văn, 2021.

7 Bản dịch tiếng Việt của Hoàng Mai Anh, do Nhã Nam & NXB Văn hóa Sài Gòn, 2009.

8 Bản dịch của Quế Sơn dịch, do NXB Trẻ, 2008.

9 Bản dịch tiếng Việt của tác phẩm này sẽ đến với độc giả Việt Nam vào đầu năm 2025.

Bài đăng Tia Sáng số 3/2025

Tác giả

(Visited 197 times, 4 visits today)