“Thầy đồng Đức”: Về một thế giới riêng cởi mở cho những người queer

Không phải chỉ đến ngày nay, không gian xã hội hiện đại mới tạo điều kiện cho những người queer (những người lệch chuẩn khỏi bộ khung dị giới nam/nữ) bước ra khỏi mặc cảm, tự ti. Hóa ra, một trong những không gian tôn giáo tín ngưỡng lâu đời nhất của người Việt đã cho phép những người đồng tính hiện diện mà không bị bài xích kỳ thị. “Thầy đồng Đức”, một phim tài liệu của Nguyễn Trinh Thi đã tái hiện được thế giới cởi mở đó.

Ảnh: Shutterstock.

Những hoạt động tôn giáo tín ngưỡng truyền thống này của Việt Nam, từ rất sớm, đã kiến tạo nên những kiểu không gian “khác” để những cá nhân lệch chuẩn về tính dục được hiện diện và thoải mái thể hiện xu hướng tính dục cũng như sự linh động giới tính của mình, không phải đối mặt với sự bài xích kỳ thị, mà ngược lại, có được sự thừa nhận, công nhận từ phía cộng đồng. Những hoạt động này, bởi thế, gắn với khả năng đưa đến một “độ mở” mới, lệch khỏi không gian đời sống thường nhật vốn bị định giới hết sức chặt chẽ.

Khả năng hiện diện của người queer trong không gian xã hội?

“Khả năng hiện diện của người queer” (queer visibility) là – một khái niệm đang càng lúc càng nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ phía các nhà phê bình giới. Có những thảo luận, chẳng hạn Andrew Tucker cho rằng1 về cốt lõi, đây là một khái niệm “mang tính địa lý” (a geographical concept) giúp chúng ta có thể xem xét cách những nhóm người đồng tính (hay lệch chuẩn về giới tính nói chung) thương thỏa với các không gian xã hội vốn do nhóm dị tính thống trị, đồng thời khảo sát những không gian để người queer có thể thoải mái trong việc công khai bản dạng giới (“come-out”). Sự tồn tại và hiện diện của nhóm người queer trong các không gian xã hội, nhìn một cách khái quát, có thể được xếp vào hai kiểu thức: hoặc bí mật (không tiết lộ về xu hướng giới tính của bản thân, hoặc chỉ tiết lộ giới hạn trong một cộng đồng thiểu số cùng xác định mình lệch khỏi khung dị giới; ở trường hợp này, tính hiện diện bị co xuống tối thiểu, hay có thể nói, tồn tại mà không được phép/không được quyền hiện diện), hoặc công khai – một cách thế tồn tại giữa cộng đồng, trước sự chứng kiến của cộng đồng. Mọi hình thức công khai của người queer, chẳng hạn những màn trình diễn công cộng (“queer public performances”) đều có tính chính trị của riêng nó (Tucker, 20092). Không phải ngẫu nhiên mà những màn trình diễn “drag show” từng bị cấm ở nhiều nơi, kể cả những quốc gia nổi tiếng về sự cởi mở như nước Mỹ, hay hoạt động “hầu đồng” cũng có thời gian bị cấm ở Việt Nam. Việc hiện diện của những cá thể lệch chuẩn ở những không gian thường nhật thực sự là một vấn đề. So với việc giữ bí mật về giới tính và rút vào những không gian bên lề hay không mang tính công cộng, sự hiện diện công khai và việc đòi hỏi phải hiện diện công khai mang tính chính trị rõ nét bởi đó chính là một cách trực tiếp chất vấn định chế dị giới. Việc một xã hội chấp nhận, kiến tạo và dành ra những không gian “khác” cho những cá thể phi chuẩn trong cộng đồng thể hiện tính mở của chính cộng đồng ấy.

Qua tín ngưỡng tâm linh, những cá nhân phi chuẩn về tính dục có khả năng tìm được một nơi chốn cũng như cách thức hiện diện của riêng mình, không chỉ để có thể có được một độ thoải mái nhất định trong việc tồn tại giữa cộng đồng (vốn được/bị thống trị bởi chuẩn mực dị giới), mà hơn nữa, còn nhận được sự trọng vọng nhất định.

Đặc biệt ở Việt Nam, sự đa dạng về nơi chốn hiện diện cho người queer là không thể phủ nhận. Khác với những màn trình diễn chỉ bó hẹp ở những không gian bên lề như “drag show” ở phương Tây, trong bối cảnh văn hóa Việt, những người queer được thể hiện ở những không gian và sự kiện mang tính trung tâm của cộng đồng (hoạt động lễ và hội ở đình chùa, miếu mạo). Dù vẫn có sự giới hạn về địa điểm và thời điểm (các hoạt động lễ hội vào một vài dịp nhất định trong năm) thay vì một sự hiện diện mang tính thường nhật và phổ quát, nhưng trong các trình diễn queer ở những hoạt động tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam, mối quan hệ quyền lực giữa người trình diễn (những người hầu đồng, múa bóng) với người xem có một độ đảo chiều rất khác so với các hoạt động biểu diễn mua vui của các “drag queer” nơi vũ trường hay quán bar. Có thể nói, qua tín ngưỡng tâm linh, những cá nhân phi chuẩn về tính dục có khả năng tìm được một nơi chốn cũng như cách thức hiện diện của riêng mình, không chỉ để có thể có được một độ thoải mái nhất định trong việc tồn tại giữa cộng đồng (vốn được/bị thống trị bởi chuẩn mực dị giới), mà hơn nữa, còn nhận được sự trọng vọng nhất định. 

Một thế giới nơi những người queer được trọng vọng 

Từ “bóng” hay “đồng bóng”, dù nguồn gốc còn gây tranh cãi3 nhưng theo cách hiểu phổ biến nhất, thường gắn với hoạt động hầu đồng và cách những người tham gia đảo trang – nữ cải nam trang theo căn các cậu Hoàng và ngược lại, nam cải nữ trang theo căn các thánh Mẫu hay Công chúa (thể hiện qua cụm từ: “đồng cô bóng cậu”). Trong các thực hành đạo Mẫu, việc lên đồng thường mang đậm tính trình diễn như việc đảo trang (ăn mặc khác giới) hay vượt qua những rào cản về giới tính. Theo thời gian, từ “bóng” bị mang một sắc thái xấu, trở thành tiếng lóng miệt thị những người đảo trang và thực chất được mở rộng nghĩa, ngầm hiểu là đồng tính trong tiếng Việt hiện đại. Tuy nhiên, trong không gian truyền thống của tín ngưỡng thờ Mẫu, những người “đồng bóng” ngồi nhập vai tuần tự theo thứ bậc các vị thần thánh trong tín ngưỡng dân gian từ các thánh Mẫu đến các Quan lớn, các ông Hoàng, các Chầu bà, các cô Công chúa và các cậu Hoàng, lần lượt giáng hạ rất ngoạn mục qua một loạt các hiện thân sống động với đầy đủ trang phục và vũ điệu được phân định cụ thể đúng theo giới tính và vai trò của từng vị (Durand 1959) lại có địa vị khác. “Bằng những lời khấn vái và nịnh nọt, thậm chí đôi lúc còn là tán tỉnh, các tín đồ xung quanh chủ động tương tác để xin lợi lộc cả vật chất lẫn tinh thần ở nơi những vị thần thánh khác nhau đang nhập đồng. Mặc dù một người đồng cốt có thể nhập vai một loạt các vị thần thánh trong buổi hầu đồng ở mỗi con người họ đều xác định cho mình một căn cước tâm linh ngõ hầu chăm vun cho “căn đồng” theo thiên hướng đặc biệt của vị thánh quan thầy mà lắm khi tính cách riêng được thể hiện không ngừng tận ra đến ngoài đời. Đặc biệt “bốc đồng” là những căn đồng vượt rào giới tính của các ‘đồng cô’ và các ‘bóng cậu’”4

Bộ phim tài liệu của Nguyễn Trinh Thi là một trong những miêu thuật hiếm hoi mở cửa cho chúng ta nhìn thấy những kiểu không gian tồn tại khác nhau của người queer trong đời sống Việt Nam đương đại. Nguồn ảnh: Soi.

Chỉ từ thế kỉ 20, trước ảnh hưởng của văn hóa phương Tây kèm theo những “mác” như văn minh, tiến bộ, những hiện tượng như hầu đồng mới bị bài xích trên sách báo5, chẳng hạn như Việt Nam phong tục (1915) Phan Kế Bính đã cho thấy một phức cảm thuộc địa trong việc phủ nhận thực hành tín ngưỡng bản địa. Những tiếng nói châm biếm như cuốn Hầu thánh (1942) của Lộng Chương cũng mô tả mỉa mai hầu đồng như một hoạt động mê tín dị đoan gây tổn thất cho người tham gia, có góc nhìn có phần kỳ thị đối với những quan hệ tình dục đồng giới được thiết lập trong cộng đồng những người được xem là có căn đồng, đặc biệt đáng lưu ý là những dẫn chứng về hiện tượng “vui vầy đôi lứa” (hay “nôm na mà nói [là] … kết nghĩa vợ chồng”) cùng giới của những người đồng cốt “kết căn” với nhau […] Mỉa mai thay, cái thế giới đồng bóng do phụ nữ chiếm đa số trong cuốn tiểu thuyết này lại dành những lời phán xét nghiệt ngã nhất cho giới đồng nam, “cái bọn đàn ông õng à õng ẹo, cũng múa may quay cuồng, cũng kết căn làm ‘vợ’ làm ‘chồng’, cũng ghen tuông và có khi lại ăn mặc làm đàn bà”: bởi lẽ “chúng nó chỉ lấy nê thần thánh để lừa thiên hạ”6. Trước đó, Trọng Lang (Nhị Lang) đã viết một chuỗi phóng sự dài kì (từ số 163 đến 173) trên báo Phong Hóa với tiêu đề “Đồng bóng”. Góc nhìn mang tính phê phán xã hội được thể hiện ngay trong nhận xét của tác giả từ những số đầu tiên khi nói về mục đích viết phóng sự: “Để chứng rằng ‘đồng bóng’ ngày nay là một việc vô lý”7. Trong chuỗi phóng sự này, ngoài việc mô tả đầy tính châm biếm những màn kịch “cười ra nước mắt” của các “bà đồng”, Trọng Lang còn cho biết ngoài “bà đồng” còn có các “cô đồng”, chủ yếu là nam giới và họ gọi mình là cô đồng vì họ “có năng khiếu nhập vào hàng Cô”, vì các “cô đồng” không thể lấy vợ nên họ trở nên “ái nam”. Điều oái oăm là, trong khi đồng tính bị mỉa mai, có thể vẫn bị coi là bệnh thì cô đồng (hay việc làm đồng cô) lại được coi là việc tiên thánh vì đó là người đã được thánh thần lựa chọn8. Chỉ khi bước vào không gian thiêng đặc biệt này, những người queer mới có một địa vị trọng vọng, được sùng bái vái lạy, được kết nối với thánh thần, được thể hiện bản thân. Trái với không gian dị giới trong đời sống thường nhật, không gian thiêng đã mang lại một vị thế hoàn toàn khác cho những người queer. Sự bùng nổ của những phê phán trên báo chí và các không gian công kể từ đầu thế kỉ 20, có thể nói, đã đưa ra những góc tiếp cận mang tính hạ bệ và vô hình trung khoác lên một lớp nghĩa mang tính mỉa mai cho những từ ngữ như “bóng” hay “đồng bóng”. Nhưng sự lên tiếng có phần gay gắt này của các trí thức Tây học trong bối cảnh thuộc địa có lẽ khó lòng xóa nhòa được những tâm thức và niềm tin đã ăn sâu bén rễ trong tinh thần người dân bản xứ. Hoạt động hầu đồng, gắn với những “không gian thiêng” và tâm lí cầu cúng của những người tham gia, nói như Ngô Đức Thịnh, vì có cội rễ sâu xa từ những tôn giáo nguyên thủy như “shaman giáo”9 mà không ngừng có được sức sống dữ dội và dai dẳng trong cộng đồng, thể hiện ở sự hiện diện của những “ông đồng, bà đồng” vẫn được bảo toàn gần như nguyên vẹn cho đến ngày hôm nay. Những phân tích về việc chuyển đổi địa vị quyền lực (từ một nhóm-thiểu-số-yếu-thế trong xã hội sang thành một thiểu-số-nắm-địa-vị khi tham gia các hoạt động nghi lễ) sẽ được phân tích kĩ hơn khi ‘đọc lại’ bộ phim tài liệu của Nguyễn Trinh Thi.   

Ở mỗi chiều kích không gian khác nhau, những người queer lại tìm cách thiết lập một kiểu hiện diện khác nhau, và có được những quan hệ quyền lực khác nhau với các nhóm khác trong cộng đồng.    

Thế giới “đồng cô bóng cậu” trong “Chuyện thầy Đức”

Góc nhìn về tính “đảo chiều” của quyền lực mà những người đồng tính có được trong đời sống xã hội khi tham gia vào các hoạt động tín ngưỡng tâm linh khá rõ trong phim Chuyện thầy Đức (hay Love Man Love Woman – Ái Nam Ái Nữ, 2007) của Nguyễn Trinh Thi. Ngay từ những phiên đoạn mở đầu bộ phim, khung cảnh của điện thánh (hay “cửa tĩnh riêng tại gia”, Phan Kế Bính) cùng xu hướng tính dục của “thầy Đức” đã được miêu tả và tiết lộ rõ nét qua quan hệ với các nhân vật nam giới trẻ tuổi khác, qua bộ điệu, cũng như qua câu từ của điệu hát văn – một gợi dẫn cho thấy rõ sự đảo trang/chuyển giới: “”Mặt tròn ba ngấn cổ kiêu, môi son má phấn mĩ miều diễm hương”10. Xuyên suốt cuốn phim, “thầy Đức” cũng là một trong những nhân vật chính đứng ra giảng giải về đạo Mẫu cũng như về vị trí, vai trò của mình trong tư cách một “bà đồng làm chủ đàn tràng”, hay một “đồng cô”: “Tôi là đồng cô. Tôi lên đồng mấy chục năm rồi. Tôi lên đồng rất đẹp, yểu điệu”. “Thầy Đức” cũng tự lí giải về sự tồn tại của những đồng cô như mình là những người “có thân thể là đàn ông nhưng tâm hồn là đàn bà”. Tự so sánh mình với những đàn ông gay nhưng che giấu xu hướng tính dục của mình, ngoài bề mặt vẫn cố gắng để khớp vào khuôn dị tính (có gia đình, vợ con), “thầy Đức” gọi mình là “bóng lộ”. Dù vẫn chịu những ảnh hưởng khá sâu của những diễn ngôn “bệnh hóa” mà xã hội áp đặt lên người queer (tự “nội hóa” diễn ngôn thống soát ấy và gọi mình là con bệnh, là kẻ mắc bệnh “giời đày”, “trái với quy luật của tạo hóa”, “trái cả với đạo đức của xã hội”, phải mang lấy “số mệnh” éo le); nhưng tính linh động về giới và những khả năng “yêu” khác bên ngoài quy phạm dị giới vẫn trở thành một lựa chọn đầy tính gợi mở qua lời kể và chia sẻ của nhân vật.

Điểm xuyết trong phim tài liệu này còn là những bình luận của nghệ sĩ-nhà nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Mạnh Đức. Về vấn đề đồng tính hay sự lệch khỏi chuẩn dị tính nói chung trong tôn giáo và tín ngưỡng, Nguyễn Mạnh Đức gắn hầu đồng và đạo Mẫu với hệ thống và quan niệm của đạo Phật. Ông không chỉ cho rằng đạo Mẫu là cánh cửa đầu tiên để bước chân vào đạo Phật, mà góc nhìn giải bỏ nhị nguyên giới của đạo Phật còn là một điểm tựa để những tồn tại queer được hợp thức hóa sự hiện diện: “Theo đạo Mẫu không có nghĩa là tôi từ chối đạo Phật. Mẫu chính sau đó cũng thành Phật. Nhưng nó (đạo Mẫu) giải toả đầu tiên ở ngưỡng cửa con người bước vào ngưỡng Phật […] Tức là ở đây nó giải tỏa ông hãy cởi bỏ tất cả những thứ đời sống tầm thường nhất của ông ở đây… để bước sang một ngưỡng nữa, cao hơn nó, đấy chính là đạo Phật”; không chỉ thế, “hình ảnh của đạo Phật chính là hình ảnh không nam không nữ. Không giới tính. Không có nóng giận, không có âm dương, không có cách biệt, nó là một khoảng trung (neutral space)”, điển hình tượng Phật có những bức tượng không thể phân định đàn ông hay đàn bà. Với Nguyễn Mạnh Đức, đó là biểu hiện của sự “cân bằng về âm và dương”. Một sự chuyển vị về quyền lực cũng được Nguyễn Mạnh Đức nhấn mạnh, từ cái nhìn kỳ thị về những người queer, đồng tính sang một sự tôn kính ngưỡng vọng đối với các “đồng cô”: “Trước đây, họ chỉ biết là người đấy ái nam ái nữ. Từ xưa đến nay họ vẫn coi đấy là một thứ bệnh hoạn. Mà chính vì quan niệm trong xã hội như vậy, những người đấy [đồng tính] họ mới thiên vào những nơi huyền bí hơn, họ được tôn trọng hơn trong cộng đồng của họ. Những người không lên đồng, không phải là đồng cô, khi vào trong đấy [các lễ hầu đồng] họ nhìn các đồng cô không phải theo cách miệt thị ở xã hội ngoài nữa”. Nói cách khác, bằng việc gia nhập các hoạt động tâm linh như hầu bóng, giới queer (đồng tính) ở Việt Nam đã không chỉ tìm được những nơi chốn để giải tỏa những ức chế bị kiềm tỏa trong đời sống thường nhật (như lời tự bạch của thầy Đức: “Nói chung rất khổ, mình phải sống thành hai con người, mà con người giả lại phải sống nhiều hơn là con người thật”); mà còn kiến tạo được một không gian thiêng xác nhận sự hiện diện của mình – một kiểu không gian vượt lên trên mọi sự phán xét xã hội, để không phải chỉ được chấp nhận, mà còn được tôn trọng. Minh chứng là ở việc “thầy Đức”, chỉ tính riêng trong địa phận Hà Nội, đã có “hàng nghìn con nhang”. Liên tiếp trước và trong những buổi hầu đồng, có thể thấy qua những thước phim, là những lời ca tụng (“Cô xinh quá!”) và một thái độ kính trọng từ cộng đồng (những cách gọi “tiên cô”, “chúa cô”, những cách giữ lễ nghĩa, giao tiếp cung kính), đặc biệt hơn cả là từ thế hệ những người lớn tuổi nhất-những người ăn sâu bén rễ quan niệm truyền thống nhất-trong cộng đồng. 

Bộ phim tài liệu của Nguyễn Trinh Thi là một trong những miêu thuật hiếm hoi mở cửa cho chúng ta nhìn thấy những kiểu không gian tồn tại khác nhau của người queer (chủ yếu là đồng tính nam) trong đời sống Việt Nam đương đại. Đó có thể là những không gian thiêng (mang tính trung tâm) như không gian cửa đền hay không gian điện thờ riêng vừa phân tích trên đây, nhưng cũng có thể là các không gian ngoại vi, bên lề như vũ trường, quán bar. Có nhân vật trong phim có thể ban đêm là “gay nhảy” trong các vũ trường, nhưng ban ngày lại là “đồng cô” trong điện thánh; hay như thầy Đức, ngoài xã hội thường đóng vai “bóng kín” và có quan hệ tình ái với những người gay “bóng kín” khác, nhưng khi vào điện thánh thì là “bóng lộ”. Những cuộc đời này có thể có những ràng níu với nhau, nhưng cũng có thể tuyệt đối không (được) liên đới, người tình của thầy Đức có thể hoàn toàn không biết đến quyền lực tâm linh thầy sở hữu và các hoạt động tín ngưỡng của thầy. Có thể nói, ở mỗi chiều kích không gian khác nhau, những người queer lại tìm cách thiết lập một kiểu hiện diện khác nhau, và có được những quan hệ quyền lực khác nhau với các nhóm khác trong cộng đồng.□

——

Chú thích

1 Andrew Tucker, Queer Visibilities: Space, Identity and Interaction in Cape Town (Những khả năng hiện diện của người queer: Không gian, Căn tính và Sự tương tác ở Cape Town), Wiley Blackwell, 2009.

2 Andrew Tucker, Queer Visibilities, tr.3.

3 Xin xem Lịch sử ngôn từ LGBTQ Việt Nam: “Nguồn gốc của từ “bóng” vẫn còn gây tranh cãi bởi những tầng lớp nghĩa đa dạng của nó. Có một số lý giải cho rằng, từ “bóng” xuất phát từ cụm “cái bóng”, ám chỉ phần còn ẩn khuất trong mỗi con người. Những người nào để “lộ” ra “phần ẩn khuất” bên trong mình, tức hành xử trái với những chuẩn mực về giới nhất định sẽ bị coi là “bóng lộ”. Một số người lại cho rằng, “bóng” được sử dụng như một tính từ chỉ sự “bóng bẩy”, chải chuốt của một con người, một cách mặc định về thể hiện giới của cộng đồng LGBT.” (https://www.facebook.com/photo/?fbid=1607050399498659&set=a.1607053702831662)

4 Nguyễn Quốc Vinh, “Những nhục thể biến dị và các động thái chuyển vị của dục cảm đồng tính trong văn chương Việt Nam từ và về thời Pháp thuộc (1858-1954)”, https://harvard.academia.edu/VinhQuocNguyen

5 Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Sđd., 2017, tr.351.

6 Theo Nguyễn Quốc Vinh, “Những nhục thể biến dị và các động thái chuyển vị của dục cảm đồng tính”, Tlđd.

7 Trọng Lang, “Đồng bóng”, Phong hoá, số 136, ra ngày 22 tháng 11 năm 1935.

8 Xem thêm Lịch sử ngôn từ LGBTQ Việt Nam, Tlđd.

9 Xem thêm: Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr.51.

10 Xin xem: Chuyện thầy Đức, https://www.youtube.com/watch?v=nk9wSZsHBwA. Các trích dẫn trong phim đều lấy từ nguồn này.

Bài đăng Tia Sáng số 13/2024

Tác giả

(Visited 224 times, 1 visits today)