Thầy Nguyên Ngọc

Về sức đi sức viết, trong các bằng hữu cựu binh thân thiết tôi phục nhất nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhưng ngay cả anh ấy cũng không thể sánh bước được với những cuộc hành quân thời bình không ngừng nghỉ của thầy Nguyên Ngọc.

Sau ngày tốt nghiệp khoá 3 Nguyễn Du tôi dần ít có dịp được gặp nhà văn Nguyên Ngọc, người thầy đã dạy và dìu dắt văn chương chữ nghĩa cho tôi những năm học trường viết văn và mãi về sau, đến bây giờ. Bấy nhiêu năm, ngoài mấy chuyến thầy trò đi chơi miền quê Vĩnh Yên, Quảng Ninh, rồi xuyên Việt, trở lại các chiến trường xưa dọc miền Trung, trên Tây Nguyên, tôi chỉ tới thăm được thầy những ngày Tết ta và Ba Mươi tháng Tư. Cũng có năm, bởi cái thói tôi tình cảm rời rạc, thiếu mật thiết, ân tình phó mặc đã thành cố tật khó sửa trong quan hệ với những người mình yêu quí, mà bẵng đi không tới thăm thầy. Song nhiều hơn cả là tới nhưng không gặp được ông. Thầy Ngọc đi suốt, quanh năm, họa hoằn mới đảo về qua Hà Nội dăm hôm.

Về sức đi sức viết, trong các bằng hữu cựu binh thân thiết tôi phục nhất nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhưng ngay cả anh ấy cũng không thể sánh bước được với những cuộc hành quân thời bình không ngừng nghỉ của thầy Nguyên Ngọc. Dường như càng năm càng tuổi thầy Ngọc của tôi càng muốn sống nhiều hơn trong không gian đường trường. Sài Gòn-Gia Định, mũi Cà Mau, miền Tây, miền Đông, Quảng Trị, Thừa Thiên, miền Nam Trung bộ, các tỉnh huyện đồng bằng miền Bắc, vùng núi non biên giới, hải đảo… từ năm 1975 tới nay có còn ngả đường nào, có còn miền quê nào của đất nước mà ông chưa dọc ngang trải qua. Tôi đồ rằng ông đi nhiều như thế chắc là để mong bù lại thời tuổi trẻ bị cầm chân trong các chiến hào và các thiên kiến chính trị băm xẻ chia cắt đất nước và đời người ra làm muôn mảnh. Ông đi nhiều nhưng không chỉ để ngao du sơn thủy, không đi chỉ để thưởng thức phong cảnh, không lang bang phiêu bạt chỉ để nhìn ngó nghe ngóng lớt phớt, mà đi như vậy là cách ông nhập thân, hoặc còn hơn thế nữa, xả thân vào với thực trạng đất nước và dân tình để có thể không ngừng suy nghĩ và viết, thực thi nghĩa vụ nhà văn theo đúng với tín niệm nhân sinh và văn chương của ông.

Tuy nhiên, thú thực, những khi gặp thầy Nguyên Ngọc, tôi luôn cảm thấy, trước nhất là nỗi mặc cảm. Trong những năm qua, thầy Ngọc đã làm được biết bao việc lớn nhỏ có ích cho văn học và văn hóa, giáo dục. Thầy thì thế mà trò thì thế này, lận đận, lẹt đẹt, viết lách chẳng ra sao, chẳng ích lợi gì cho ai kể cả cho mình, nên mỗi lần gặp thầy là mỗi lần tôi âm thầm xấu hổ, càng năm càng không biết ăn nói ra sao với thầy.

Thứ nữa, là tôi càng năm càng thấy lo cho thầy. Sức khỏe chỉ là một phần thôi. Thực ra, ông già nhỏ vóc và đã tám mươi này rất rắn rỏi, quắc thước. Tôi lo là lo thầy tuổi già mà lại bị rơi vào vực thẳm của thất vọng. Thất vọng đến cùng cực. Trời đất đen sầm, sự thế vô phương.

Là một cựu binh Quân Giải phóng Tây Nguyên, nên ngoài tình thầy trò với nhà văn Nguyên Ngọc, tôi còn nặng tình đồng đội với ông. Từ thuở học trường Nguyễn Du tới bây giờ, tôi luôn thầm coi ông như người anh trong cuộc chiến ngày xưa, như một người chỉ huy. Bởi vậy nên thời gian gần đây tôi cảm thấy mình có tâm trạng gì đó, có lẽ giống như tâm trạng của một cựu binh nghĩa quân Lam Sơn thuở xưa, sau nhiều năm giải ngũ chợt nghe tiếng loa trong làng xã lớn tiếng mạt sát Trần Nguyên Hãn, mạt sát Nguyễn Trãi.

Tôi nhớ lại những cuộc biểu tình đòi hiệp thương tổng tuyển cử, biểu tình phản đối thảm sát Phú Lợi, biểu tình nhân sự kiện Vịnh Bắc Bộ… rung chuyển cả Hà Nội năm xưa. Khi ấy còn nhỏ mà tôi đã biết nhập vào biểu tình, nghe theo tiếng gọi của trái tim mình.

Tôi nhớ đêm đầu mùa khô 1972, trung đoàn sắp vượt đèo A1, qua Đắc Tô đánh trận mở màn Tổng công kích, nửa đêm, bãi khách, chính trị viên nằm ở võng bên suối mở đài nghe đọc truyện đêm khuya. Cả trung đội lặng lẽ rời võng xúm lại bên võng của anh, nghe Đường chúng ta đi…  

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)