Thế giới ảo có khiến chúng ta mất tự do?

Chúng ta tưởng rằng, chúng ta tạo ra mạng xã hội là để chúng ta tự do hơn: tự do phát ngôn, tự do thể hiện quan điểm và suy nghĩ của mình, nhưng nhìn những điều đang diễn ra, chúng ta liệu có đạt được tự do thực sự và quan trọng hơn, là tìm kiếm được hạnh phúc?

Đó là băn khoăn của TS. Khuất Thu Hồng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) trong buổi trò chuyện “Ta đã làm gì đời ta…trong thế giới ảo?” do Tia Sáng tổ chức diễn ra tại Cà phê Trung Nguyên vào ngày 9/6 vừa qua cùng với TS. Đặng Hoàng Giang, tác giả của quyển sách “Thiện, ác và smartphone” và TS. Giáp Văn Dương điều phối buổi nói chuyển. TS. Khuất Thu Hồng, mặc dù “tận hưởng mọi giây phút” mà tiện ích của mạng xã hội mang lại nhưng đầy bi quan về những hệ quả của nó. TS.Khuất Thu Hồng cho rằng, “cuộc đời thực đang xâm lăng thế giới ảo” khi mọi người thoải mái phơi bày cuộc sống và suy nghĩ riêng tư lên mạng xã hội, “sống thực hơn cả thực trong thế giới ảo”. 


Từ trái sang: TS. Khuất Thu Hồng, TS, Giáp Văn Dương và TS. Đặng Hoàng Giang. TS. Khuất Thu Hồng cho biết bà chia sẻ trong buổi nói chuyện này với tư cách là một cá nhân, một công dân, một người làm về xã hội hơn là một nhà nghiên cứu. Mục đích của của buổi nói chuyện không tập trung vào trình bày kết quả nghiên cứu hay đi sâu vào các chi tiết kĩ thuật mà chỉ đặt ra vấn đề “chúng ta đã sống như thế nào trên mạng xã hội, chúng ta đã làm gì với mạng xã hội, mạng xã hội đã khiến chúng ta thay đổi như thế nào?”. 

Hiện nay, trung bình một người Việt sử dụng gần 7 tiếng đồng hồ mỗi ngày trên internet và gần một nửa thời gian đó cho mạng xã hội. Nhưng mọi lý do mà con người sử dụng một phần lớn thời gian của cuộc đời mình vào thế giới ảo, theo TS. Khuất Thu Hồng, dường như không phải là cách khiến họ hạnh phúc thực sự: Chúng ta tưởng rằng nhờ mạng xã hội, chúng ta được tự do phát ngôn, tự do thể hiện quan điểm của mình, nhưng nhìn những lời bình luận với đủ mức độ chỉ trích và thóa mạ trên mạng, “hình như thứ tự do mà chúng ta có được trên mạng xã hội chỉ là tự do ảo”, “chúng ta tưởng mình được tự do nhưng chúng ta thực ra là cướp đi tự do của người khác”. Nếu không phải là để tìm kiếm tự do phát ngôn, thì nhiều khi người ta dành nhiều thời gian cho mạng xã hội vì muốn trốn tránh thực tại khỏi những lo toan muộn phiền, lo lắng thường ngày; tìm kiếm “nơi cư trú cho trí tuệ” khi không tìm được tri kỉ để tâm sự…. TS. Khuất Thu Hồng gọi công nghệ thông tin là phát minh vĩ đại và rồ điên của loài người. Vì một mặt, nó thúc đẩy tiến bộ xã hội nhưng mặt khác, khiến mỗi cá nhân trở nên yếu đuối: trốn tránh thực tại, sợ hãi, chúng ta lợi dụng mạng xã hội để mạt sát và chửi rủa lẫn nhau. “Vô vàn những lời chà đạp, vô vàn lời sỉ mắng vô cùng thậm tệ và tôi tin rằng, ngoài đời, nếu đối diện trực tiếp với nhau, có thể sẽ không xảy ra nhưng mạng xã hội, với cái sự ảo của nó cho phép chúng ta trở nên độc ác, tàn nhẫn” – TS. Khuất Thu Hồng chia sẻ.

Không ngạc nhiên khi TS. Đặng Hoàng Giang, với quyển sách nổi tiếng “Thiện, ác và smartphone” cũng đồng tình với TS. Khuất Thu Hồng. Anh chia sẻ những phân tích từng gây chấn động của anh trên phương tiện truyền thông về tính ích kỉ và tàn nhẫn của con người bị đẩy đến cực điểm trong thời đại internet như thế nào. Internet khiến con người ta ái kỷ, nghiện cảm giác được tung hê, “được like”. Những hình thức như làm nhục công cộng (public shaming), công lý đám đông (một thứ công lý thô sơ mà đúng và sai hoàn toàn do số đông quyết định) tưởng như đã tuyệt chủng từ thời kì sơ khai của lịch sử loài người, giờ lại trỗi dậy mạnh mẽ với một mức độ khủng khiếp hơn trong thế giới mạng. Đó còn chưa kể, những người vi phạm những chuẩn mực nhất định, bị cộng đồng mạng giờ đây khó tái hòa nhập hơn trong xã hội khi toàn bộ thông tin về lỗi lầm của họ vẫn được lưu lại trên internet mãi mãi và không cập nhật gì sau khi họ “hoàn lương”. Người ta cũng tưởng rằng mạng xã hội tốt cho tiến trình dân chủ hóa, đem lại tiếng nói cho những người thấp cổ bé họng, nhưng gần dây, người ta phát hiện ra, mạng xã hội có thể bóp méo nền dân chủ khi các công ty có thể lợi dụng dữ liệu người dùng để điều khiển tâm lý của cử tri và con người, nhờ mạng xã hội, càng khó thay đổi quan điểm của mình khi chỉ kết bạn, theo dõi những gì cùng ý kiến với mình, thích ngồi mãi trong một “căn phòng đồng vọng” mà không quan tâm đến người khác nghĩ gì. Mạng xã hội có thể trở thành một quán bia khổng lồ, không phải những người thấp cổ bé họng được lắng nghe, mà kẻ hét to nhất mới là người chiến thắng, thì đó không phải là dân chủ. 

Trái ngược với hai diễn giả TS. Giáp Văn Dương lại đầy sự lạc quan quan, anh coi cái người ta gọi là “thế giới ảo” thực chất chỉ là phần mở rộng của thế giới thực với “vật chất” là thông tin được mã hóa thành các bit 0 và 1. Theo anh, đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà con người được trải nghiệm một không gian mở rộng, một cuộc đời kéo dài, hòa trộn giữa thực và ảo (một ví dụ đơn giản là nhấp chuột vào nút “mua” ảo trên mạng là một lát sau có người thực mang hàng đến cho bạn). Chính vì vậy, lần đầu tiên bước vào một không gian mới, con người không tránh khỏi những hoang mang và sai lầm. Những gì hệ mặt tiêu cực diễn giả trình bày, chỉ là do con người “chưa có kinh nghiệm”. 

Tác giả

(Visited 104 times, 1 visits today)