Thế giới đã mất của Stefan Zweig

Có khi nào chuyện của một người trùng khớp với chuyện của muôn người, hay nói cách khác số phận của cá nhân trở thành số phận của cả thế hệ?

Nhà văn Stefan Zweig (1881-1942).

Có một sự trùng hợp lạ lùng giữa nhà văn Stefan Zweig và nhà nhân học Claude Lévi-Strauss khi cùng mở màn cuốn sách của đời mình bằng một phản đề. Nếu Claude Lévi-Strauss thẳng thừng tuyên bố trong Nhiệt đới buồn “Tôi vốn ghét các chuyến viễn du và những nhà thám hiểm. Vậy mà giờ đây tôi lại đang chuẩn bị kể lại các chuyến viễn du của mình” thì lời tựa của Stefan Zweig trước khi đưa độc giả bước vào Thế giới những ngày qua: Hồi ức của một người dân châu Âu, nhũn nhặn hơn nhưng cũng không kém phần nghịch lý “Tôi không bao giờ cho con người tôi là quan trọng tới mức toan đem chuyện đời mình kể cho người khác… không phải tôi kể số phận của tôi mà đúng hơn là số phận của cả một thế hệ, thế hệ kỳ lạ và đầy ắp số mệnh của chúng tôi mà ít thế hệ khác có được trong tiến trình lịch sử”.

Stefan Zweig đã tự huyễn hoặc khi cho mình là một người dân châu Âu và đại diện cho thế hệ mình? Có vẻ sẽ dễ đi đến một kết luận hồ đồ, nếu không đặt vấn đề vào bối cảnh của nó. Để thoát khỏi cái bẫy này, trước hết chúng ta cùng nhìn lại thành Vienne, nơi được đặt vào trung tâm văn hóa châu Âu từ nhiều thế kỷ trước. Không phải ngẫu nhiên thành Vienne nổi lên như một địa chỉ huy hoàng của âm nhạc cổ điển, nó ươm mầm cho trường phái Cổ điển thành Vienne với những tên tuổi xuất chúng như Joseph Haydn, Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven (và cả Franz Schubert gạch nối giao thời Cổ điển – Lãng mạn) vào cuối thế kỷ 18, và trường phái Vienne thứ hai vào đầu thế kỷ 20 với Arnold Schoenberg và các học trò của mình, những người đi từ trường phái Biểu hiện đến âm nhạc phi điệu thức.

Không chỉ có vậy, thành Vienne và nhìn rộng ra là đế chế Habsburg, còn là nơi góp phần vào sự phát triển của khoa học và qua đó bồi đắp những tri thức mới. Bởi không phải ngẫu nhiên mà Deborah Coen – nhà sử học ở Đại học Yale, trong cuộc tìm kiếm ngược trở lại dòng chảy phát triển đã phát hiện ra: chúng ta mang ơn những nhà khoa học của đế chế Habsburg, những người với một cái nhìn mới đã vượt thoát khỏi giới hạn của các bậc tiền bối, khi loại bỏ tư duy coi những gì diễn ra trên Trái đất và bầu trời đều ở trạng thái cố định tĩnh tại, thay vào đó là kết quả của một quá trình tương tác và chuyển hóa phức tạp theo thời gian và không gian.

Nếu tóm gọn cuộc đời của Stefan Zweig bằng một vài từ thì người ta có thể nói đó là những cuộc di chuyển trong thế giới của cái đẹp, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Những tinh hoa tri thức, trong thời đại bắt đầu bùng nổ sự dịch chuyển và trao đổi văn hóa ở đầu thế kỷ 20, đã hội tụ ở châu Âu, đặc biệt ở một số địa chỉ văn hóa lớn như Vienne, Paris, Berlin… Và Stefan Zweig, trước hết là con đẻ của thành Vienne, công dân của vương triều Habsburg, và là đại diện của thời đại mình, đã hấp thu những tinh hoa tri thức đó, cũng như tham gia vào quá trình đó. Không phải ông không ý thức được điều này, ngược lại, ông cảm thấy rõ ràng vai trò của mình trong việc hóa giải những khác biệt để thúc đẩy trao đổi văn hóa và hiểu biết. Thế giới những ngày qua: Hồi ức của một người dân châu Âu, là lời bộc bạch của một con người đã vượt khỏi biên giới một thành phố hay một quốc gia để khởi xướng ý tưởng về một không gian chung châu Âu, nơi diễn ra những cuộc trao đổi và hòa trộn của nhiều nền văn hóa. Rõ ràng, ông là một chứng nhân và số phận của ông cũng chính là số phận của cả một thế hệ góp phần tạo dựng nên thế giới phức hợp đó.

Thế giới của cái đẹp

Nếu tóm gọn cuộc đời của Stefan Zweig bằng một vài từ thì người ta có thể nói đó là những cuộc di chuyển trong thế giới của cái đẹp, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Ông yêu thi ca, văn chương, âm nhạc, sân khấu, thích sưu tầm bút tích của những con người nổi tiếng (và càng ngày càng cô đọng hơn, bút tích gắn liền với những tác phẩm xuất sắc, đánh dấu bước ngoặt sáng tạo của họ) và là “tác giả được dịch nhiều nhất trên toàn thế giới” – mặc dù ông biên thêm dòng “tôi cho rằng đây chẳng qua là tin sai”. Tình yêu với cái đẹp và sáng tạo dưới dạng nhiều hình thức như thế của một người ở tuổi 19 đã có thơ đăng trên tờ Neue Freie Presse và sau được Richard Strauss phổ nhạc thành lied (ca khúc nghệ thuật), đã đưa ông qua Pháp, Đức, Bỉ, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Nga, Mỹ…, có mối thâm tình với nhiều nhân vật lừng lẫy thời bấy giờ nhà thơ Émile Verhaeren, nhà thơ Hugo von Hofmannsthal, nhà điêu khắc Auguste Rodin, nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương 1915 Romain Rolland, nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương năm 1921 Anatole France, nhạc sĩ Ferruccio Busoni, nhạc sĩ Richard Strauss, nhạc trưởng Arturo Toscanini, nhà văn James Joyce, nhà văn Maxim Gorki… (Theo một số tài liệu thì Zweig còn gặp gỡ cả nhà thơ Bertolt Brecht và nhạc sĩ Hanns Eisler nhưng không hiểu vì lý do gì mà ông không nhắc đến trong Thế giới những ngày qua). Do đó, hiếm có tác phẩm nào mà giở bất cứ trang nào cũng có thể bắt gặp các nhân vật với những nét phác họa sống động và được đặt vào bối cảnh tạo nên tên tuổi họ như cuốn sách này.

Bức tranh “Café Griensteidl”, họa sĩ Reinhold Völkel vẽ năm 1896.

Nếu động lực thúc đẩy Zweig trở thành người sưu tầm bút tích là cái khao khát được “thấy” cội nguồn sáng tạo, điều mà ông dán nhãn cho “cái giây phút quá độ bí hiểm khi một câu thơ, một điệu nhạc xuất hiện từ cõi vô hình, từ cái nhìn và trực giác của một thiên tài đi vào thế giới của những thực tế trần gian bởi sự định hình bằng chữ viết, liệu có thể chụp lấy và quan sát nó ở đâu, nếu không trong bản nháp của những bậc thầy”, thì động lực viết tiểu sử những người nổi tiếng để “tìm hiểu động cơ, hay sự thiếu động cơ, đã khiến những con người đó hành động như vậy, trong thời đại riêng của từng người”. Có lẽ, tất cả những điều này thể hiện đậm nét trong Thế giới những ngày qua, một mặt nó như những thước phim cận cảnh lột tả chân dung những người được nhắc đến một cách sống động, lý giải thành công của họ, xác định vị trí của họ trong cuộc đời nghệ thuật; mặt khác nó biến cuốn tự truyện của riêng một người trở thành sân khấu của nhiều người, không phải tránh cho lời tự sự cuộc đời khỏi nhàm chán mà là khiến cho người đọc hình dung rõ hơn về một thời kỳ bất cứ ai trong giới nghệ thuật cũng là một phần cấu tạo nên châu Âu, một thế giới đa văn hóa theo góc nhìn của Zweig.

Nhờ vậy, người ta biết đến một Émile Verhaeren dù chỉ bộc lộ tình yêu với vùng Flanders và phạm vi nước Bỉ nhưng lại bộc lộ rõ những yếu tố của một đại diện châu Âu đa văn hóa: ông là người gốc Flemish nhưng viết bằng tiếng Pháp, phẩm chất sáng tạo bắt nguồn từ ngôn ngữ và hình thức của thi ca Pháp nhưng lại mắc nợ nước Đức về triết học siêu hình, quan điểm về Chúa…; một Ferruccio Busoni với cặp mắt u tối vì tang tóc với câu hỏi “Tổ quốc tôi là gì? Khi tôi mơ ban đêm và thức giấc, tôi biết là tôi đã nói tiếng Ý trong giấc mơ. Và sau đó khi tôi viết, tôi suy nghĩ bằng những lời Đức”; một James Joyce không suy nghĩ và không mong muốn suy nghĩ bằng tiếng Anh “Tôi những muốn một ngôn ngữ ở trên mọi ngôn ngữ, một ngôn ngữ mà mọi người đều sử dụng. Tôi không thể diễn đạt trọn vẹn bằng tiếng Anh mà không cùng lúc nhốt mình vào trong một truyền thống” như lời tâm sự với Zweig ở Zurich…

Stefan Zweig và hai nhạc trưởng lừng danh thời đó, Arturo Toscanini và Bruno Walter (giữa).

Những văn nghệ sĩ đó đang ở đỉnh cao sự nghiệp của mình, danh tiếng ở tầm thế giới. Cũng giống như bút pháp đi sâu vào lý giải nguồn cơn dẫn đến hành động bộc phát, cơn căng thẳng tâm lý của nhân vật trong các truyện ngắn 24 giờ trong đời người đàn bà, Bức thư của người đàn bà không quen, Amok, Nỗi sợ…, Zweig đã khắc họa đậm nét các văn nghệ sĩ trong hoạt động sáng tạo của họ. Đó là một trong những điểm hấp dẫn bậc nhất của Thế giới những ngày qua, nơi người ta có thể “tận mắt” thấy nỗ lực, thậm chí sự giày vò đau khổ, đằng sau mỗi tác phẩm để đời của các văn nghệ sĩ. Thông qua hình ảnh Rodin lao động trong xưởng điêu khắc của mình, Zweig đã rút ra được “biểu hiện bí quyết vĩnh cửu của mọi nghệ thuật lớn và tóm lại, của mọi sáng tạo của con người: sự tập trung, tập hợp toàn bộ sức lực, toàn bộ giác quan, khả năng tách mình khỏi bản ngã, tách mình khỏi thế giới”.

Xếp đặt xen kẽ cuộc đời mình với cuộc đời của những người khác, Zweig muốn đem lại hình ảnh một nền văn hóa châu Âu phong phú, đa dạng, nhiều kết nối như ông vẫn gắn bó và yêu thương. Nhưng như một nghịch lý, điểm mạnh của của Thế giới những ngày qua lại phơi bày điểm yếu của Zweig mà theo nhiều nhà nghiên cứu văn học, nó thể hiện sự thiếu tự tin và một bản sắc yếu ớt bên cạnh những người khổng lồ. Nó gợi nhớ đến giai thoại trong các buổi tối cuối tuần, Thomas Mann thường xếp hạng một loạt nhà văn Đức, trong đó có Zweig và Erich Maria Remarque, để chọn ra người viết dở nhất. Mặt khác, có nhà nghiên cứu văn học cho là, việc nhìn thấu những nhà sáng tạo nghệ thuật và cái đẹp thông qua ngòi bút có phần nghiêng về hoa mĩ và ngợi ca của Zweig, dù hấp dẫn và thu hút, nhưng lại ẩn chứa cái bẫy chết người: khiến chúng trở nên không đáng tin cậy bằng các tư liệu lịch sử cũng như các nghiên cứu phê bình. Nhưng nói gì thì nói, chính tính chủ quan này mà Thế giới những ngày qua và những cuốn tiểu sử của Zweig đã đem lại cho hậu bối cái nhìn sâu sắc về ông và quan điểm về châu Âu, bản sắc châu Âu của ông.

Thế giới những ngày qua: Hồi ức của một người dân châu Âu, là lời bộc bạch của một con người đã vượt khỏi biên giới một thành phố hay một quốc gia để khởi xướng ý tưởng về một không gian chung châu Âu, nơi diễn ra những cuộc trao đổi và hòa trộn của nhiều nền văn hóa.

Thế giới của lụi tàn

Trọn vẹn cuộc đời của Zweig, trong Thế giới những ngày qua, phản chiếu cái huy hoàng, xuống dốc và lụi tàn của châu Âu qua hai cuộc chiến tranh thế giới: đế chế Habsburg bị xóa không còn dấu vết trên bản đồ thế giới, thành Vienne hai nghìn năm tuổi bị xâm chiếm, sách bị đốt và bản thân bị truy đuổi. Zweig trở thành người không tổ quốc, thậm chí “ngay cả cái tổ quốc đích thực mà trái tim tôi đã chọn, châu Âu, tôi cũng mất luôn nó kể từ khi lần thứ hai, bị cơn sốt tự sát ám hại, nó đã xâu xé nhau trong một cuộc chiến huynh đệ tương tàn”.

Nếu những thay đổi về quan điểm văn chương, nghệ thuật…, bắt nguồn từ những quán cà phê kiểu Café Griensteidl ở Vienne hay khu phố Latin ở Paris, báo hiệu một thời kỳ chuyển tiếp văn hóa khắp lục địa già thì sự lụi tàn của nó cũng bắt nguồn trong lòng nó. Sự lụi tàn mà Zweig cảm nhận được, đã âm thầm bắt rễ từ Chiến tranh Thế giới thứ nhất, điều ông cay đắng chỉ ra ở sự ngập tràn thái quá của tình ái quốc làm tổn hại cả không gian văn hóa ở những chi tiết nhỏ nhất đến chi tiết bất ngờ nhất: các câu khắc bằng tiếng Pháp và tiếng Anh ở mặt tiền các cửa hiệu Đức bị xóa, ngay cả tu viện “Zu den Englischen Fraulein” (Nơi các cô gái thiên thần) cũng phải đổi tên bởi sợ dân chúng hiểu lầm là chỉ người Anglo Saxon; Shakespeare bị loại khỏi sân khấu Đức, Mozart và Wagner phải rời sân khấu Anh và Pháp; thầy giáo Đức cắt nghĩa Dante là người Đức còn các thầy giáo Pháp nói Beethoven là người Bỉ.

Song song với những điều vô lý ấy là cảm nhận của Zweig về cái chết chóc và ghê rợn của chiến tranh. Các chuyến tàu chở pháo, đại bác thay vì chở khách, những toa tàu chở lẫn lộn người và gia súc và cả những chuyến tàu bệnh viện với những chiếc cáng thô sơ, người nằm rên rỉ xanh như tàu lá cố hít lấy không khí trong mùi thối; và người linh mục già chưa bao giờ phải thực hiện nghi lễ xức dầu thánh cho nhiều người như vậy trong mấy tháng chiến tranh…

Nhưng với Zweig, cuộc chiến tranh lần thứ nhất vẫn còn là điều chịu đựng được, so với cái thảm khốc của cuộc chiến lần thứ hai. Bằng cái nhạy cảm về thời cuộc, Zweig đã lờ mờ chạm vào cái ghê rợn ngay cả khi những cuộc thảm sát còn chưa nổ ra. “Tôi mới vừa quyết định tiếp tục dòng nhật ký sau nhiều năm bỏ bẵng”, ông viết trong cuốn nhật ký ghi ngày 22/10/1931. “Động lực để tôi làm điều này bắt nguồn từ linh cảm là thời kỳ nguy hiểm đang chờ chúng ta phía trước”.

Thật trùng hợp, trong năm 2021 khi Thế giới những ngày qua được xuất bản lần đầu tại Việt Nam (Phùng Đệ và Trần Nam Lương dịch, Phoenixbooks và NXB Hồng Đức ấn hành) thì Stefan Zweig´s Diaries (1931-1940) của ông lần đầu tiên được dịch sang tiếng Anh. Chỉ dày chừng 160 trang nhưng cuốn nhật ký này, theo lời biên tập viên Jesús Blázquez của NXB Ediciones 98 với The Times of Israel, bộc lộ suy nghĩ nội tâm của Zweig và “cho phép chúng ta biết về công việc và quan điểm nguyên thủy của ông theo một cách hoàn toàn khác, từ những trang viết vô cùng riêng tư biểu lộ các cảm xúc thực của ông và tiết lộ những vấn đề rất cá nhân”.

Trong cuốn nhật ký cũng có những dòng bi quan dự báo về mối đe dọa phát xít, mà sau đó khi đã tạm hoàn hồn sau khi thoát cơn biến loạn, đã được ông nêu khá chi tiết về sự lớn mạnh từng ngày trong phần cuối Thế giới những ngày qua. “Bức tranh toàn cảnh chính trị thật tồi tệ”, ở trang nhật ký tháng 10/2931, ông viết. Và, ngụ ý đến sự hình thành của lực lượng dân quân cực hữu có trang bị vũ khí được hình thành không lâu sau chiến tranh thế giới thứ nhất “Hành động của nhóm bán quân sự Heimwehr khiến tôi cảm thấy lo ngại. Nó là nguyên nhân khiến tôi trở nên bị ám ảnh với việc phải tìm kiếm một chốn nương thân dài hạn”. Vài ngày sau, khi cuộc khủng hoảng kinh tế ngày một tồi tệ hơn, Zweig viết: “Tôi chắc chắn là có một cuộc đảo chính khác đang diễn ra, và tôi nghĩ nó sẽ thành công”.

Zweig ghi không liền mạch những dòng nhật ký và giữ nó một cách riêng tư. Việc ghép nó vào Thế giới những ngày qua khiến người ta hình dung rõ hơn cách Zweig từng bước thoát khỏi móng vuốt chiến tranh và phát xít, từ quốc gia Paris sang London, ở lại đây trong sáu năm rồi đào thoát khỏi một châu Âu không còn là mái nhà của mình để sang thế giới mới, nơi ông bị cái chết bắt kịp.

Nếu đọc cuốn nhật ký thì hẳn người ta sẽ hiểu được Zweig và quyết định tìm đến cái chết của ông là một sự tất yếu chứ không phải là việc dàn dựng một bi kịch hay tạo ra một huyền thoại mới. “Mỗi một ngày mới chúng ta lại chuẩn bị nhiều hơn cho một cơn đại hồng thủy mới, luôn luôn cảm thấy sự rung lắc trong lòng đất của nó. Chúng ta thấy đường thẳng bị uốn cong lại và đồng bằng trở nên lởm chởm. Tất cả như thể một kẻ điên dại say khướt đã chộp lấy bánh lái của con tàu thế giới và ném chúng ta theo đường chữ chi vào vực thẳm”. Cái chất a xít của sợ hãi hủy hoại ông từng ngày đã dẫn ông đến sự suy sụp, điều mà trong bức thư tuyệt mệnh ở Brazil, ông đã nhỏ lệ viết xuống “thế giới ngôn ngữ của tôi đã biến mất đối với tôi và tổ quốc tinh thần của tôi, châu Âu, đã tự hủy diệt mình”.

***

“Bí quyết vĩnh cửu của mọi nghệ thuật lớn và tóm lại, của mọi sáng tạo của con người: sự tập trung, tập hợp toàn bộ sức lực, toàn bộ giác quan, khả năng tách mình khỏi bản ngã, tách mình khỏi thế giới” (Stefan Zweig)

Nếu nhìn lại cuộc đời ông, từ lúc mới là một cậu trai trẻ tuổi 19 làm thơ đến lúc từ giã châu Âu trên một chuyến tàu từ Liverpool đến New York và dừng chân ở điểm cuối Brazil, có thể thấy, quãng thời gian ông đạt tới đỉnh cao nghệ thuật là ở giai đoạn căng thẳng nhất, khi chứng kiến vương quốc của mình lụi tàn. Bởi ở giai đoạn kể từ 1931 trở đi, ông tập trung vào tiểu sử vĩ nhân, nhân vật lịch sử, nhà văn hóa như Marie Antoinette (1932), Erasmus of Rotterdam (1934), Maria Stuart (1935), The Right to Heresy: Castellio against Calvin (1936), Conqueror of the Seas: The Story of Magellan (1938)… và tự truyện Thế giới những ngày qua. Không chỉ nêu khá tỉ mỉ trong cuốn nhật ký về phương pháp làm việc và việc cấu trúc tác phẩm mà ngay cả trong cuốn tự truyện, ông cũng cho biết trong tự truyện, phiên bản cuối cùng là sản phẩm của nhiều lần chỉnh sửa, cắt bỏ, cô đọng và bố cục lại. Người ta tin rằng Zweig lúc này đã đạt đến độ trưởng thành cả về phương diện cá nhân cũng như nghề nghiệp.

Do đó, nếu những tác phẩm hư cấu đủ sức đưa Zweig lên hàng tác giả bestseller, “bán được ngay hai vạn bản trong ngày đầu tiên, trước khi có những quảng cáo trên báo chí” thì chính các tác phẩm cuối đời cũng như những cuốn tiểu sử trước đó mới đem lại cho ông một chỗ đứng vững chắc trong văn đàn. Hiện tại, nhiều nhà phê bình cực đoan như Michael Hofmann, Philip Hensher xếp ông vào lớp nhà văn đã lỗi thời bởi những truyện ngắn dựa vào cốt truyện và sự kịch tính nhưng các nhà nghiên cứu văn học coi những cuốn tiểu sử và cả tự truyện của ông là nguồn tư liệu chi tiết, và vì thế có giá trị, về cuộc sống và con người châu Âu.

Danh tiếng của Zweig thăng trầm theo thời gian, đôi khi người ta trót quên lãng ông. Năm 2014, người ta mới nhắc đến Zweig sau khi biên kịch kiêm đạo điễn Wes Anderson tiết lộ, bộ phim thành công Khách sạn Grand Budapest được lấy cảm hứng từ các tác phẩm của ông. Giới học thuật không thể quên được ông. Mới đây giáo sư Leyla Coşan, ĐH Marmara (Thổ Nhĩ Kỳ), một chuyên gia về văn học Đức và văn học so sánh, có nghiên cứu về quán cà phê Vienne như không gian sống và phản chiếu những thay đổi xã hội đầu thế kỷ 20, nhìn từ truyện ngắn Mendel, người bán sách cũ đầy ngậm ngùi của ông.

Rõ ràng, Zweig chỉ tạm náu mình. Rồi thời của ông sẽ lại tới!□

——-

Tham khảo:

1. “Writing European lives”. https://muse.jhu.edu/article/861087

2. “Stefan Zweig and Franz Kafka: a study in contrast”. https://ejlw.eu/article/view/31442/28751#toc

3. “Diaries show literary giant Stefan Zweig’s inner turmoil as Nazis stormed Europe”. https://www.timesofisrael.com/diaries-show-literary-giant-stefan-zweigs-inner-turmoil-as-nazis-stormed-europe/

Tác giả

(Visited 74 times, 1 visits today)