Thế giới hội họa Nguyễn Trung
Là một tài năng hội họa đặc biệt, ngay từ khi còn rất trẻ họa sĩ Nguyễn Trung đã giành được các giải thưởng cao quý của các triển lãm Mỹ thuật Mùa Xuân - Sài Gòn 1961, 1963. Từ đó đến nay, hơn một nửa thế kỷ vẽ và cầm bút, với lòng say mê nghề nghiệp và bản năng sáng tạo không ngừng, nghệ thuật của ông vẫn âm thầm thay đổi, cuốn hút người xem bởi cái chất hội họa phiêu bồng, lãng mạn, giàu truyền cảm, và cả bởi những vẻ đẹp trong sáng thánh thiện, ẩn chứa một tinh thần tôn giáo.
Thiếu nữa đội sen- Sơn dầu, 2006 |
Họa sĩ có một kỹ thuật sơn dầu cực kỳ tinh tế và điêu luyện. Khi vẽ ông thường chồng nhiều màu tạo thành các lớp không gian bồng bềnh giàu sắc độ, hoặc có thể chuyển từ gam nóng sang gam lạnh một cách nhuần nhị tự nhiên như tán sắc cầu vồng nối trời đất làm một. Đó là khi màu xanh ngọc của biển cả hòa quyện với màu đỏ cam của vầng thái dương, hay khi mặt đất nâu vàng bỗng nhiên chuyển thành bầu trời xanh thẳm. Có thể vì thế mà không gian trong tranh Nguyễn Trung không bao giờ là cụ thể, mà nó luôn bay bổng, tượng trưng và có tính siêu thực nhất định. Tranh của ông cũng dễ nhận ra bởi các gam màu thanh thiên êm dịu, trong suốt, óng ánh chất xà cừ, pha lê, hay gần đây họa sĩ cũng thường vẽ cả những gam vàng lộng lẫy, rực rỡ ánh kim. Màu của ông như có ánh sáng. Một thứ ánh sáng bạc tinh tế, bí ẩn, lấp lánh hào quang, viền nhẹ quanh khuôn mặt nhân vật, hoặc lẩn khuất dưới áng mây, tà áo. Nó làm cho thế giới hội họa của ông trở nên thanh khiết, cao nhã và thoát tục.
“Mùa xuân”- Sơn dầu, 2006 |
“Mùa thu”- Sơn dầu, 2006 |
“Mẹ con và biển cả”- Sơn dầu, 2006 |
Một trong những vẻ đẹp mà họa sĩ hay hướng tới là vẻ đẹp thiếu nữ. Một vẻ đẹp luôn được tôn vinh và đã trở thành chủ đề kinh điển trong lịch sử nghệ thuật. Nguyễn Trung vẽ thiếu nữ và hoa, thiếu nữ và cá, mẹ con và biển cả, trẻ thơ, tình mẫu tử… Các thiếu nữ trong tưởng tượng và ý niệm của ông luôn có vẻ đẹp trong sáng, hiền thục. Khi hồn nhiên giản dị, khi đài các, cao sang. Những hình người được kéo dài quá tỷ lệ trở nên đặc biệt thanh thoát với đôi bàn tay có những ngón dài thanh tú, khi cầm hoa sen hoặc khi dâng trái quả. Họ giống như các nàng tiên ở chốn thiên thai. Đây đó, bóng dáng các thiếu nữ Chăm đội khăn, đội cả giành sen trên đầu, đi lại như trong mơ, với những thế tay dáng người như múa. Những khuôn mặt hài hòa lý tưởng, thư thái, an tịnh, với đôi mắt mở to, hoặc khép xuống như đang cầu nguyện, ban phước…
Nguyễn Trung thích vẽ thiếu nữ với hoa sen và cá. Với ông, sen là biểu tượng của Đức Phật, là sự tỏa sáng về tinh thần, hay cũng là hương hoa miền cực lạc. Cá là ước mơ bình dị về sự no đủ, hạnh phúc của loài người.
Rất yêu thích nghệ thuật Phật giáo, có thể nói là đam mê điêu khắc Chămpa, Kh’mer, Ấn Độ, thấm nhuần cả những bài học từ nghệ thuật Phục hưng với các danh họa như Botticelli (1445- 1510) hay Raphael (1483- 1520)…, Nguyễn Trung với học vấn sâu rộng và cá tính nghệ thuật trời cho đã tìm thấy cho mình một đường đi riêng, không giống ai, ở đó hội họa của ông như kết tinh cái đẹp tinh túy của nghệ thuật phương Đông và phương Tây trong một tinh thần trang nghiêm, thánh thiện và siêu thoát của tôn giáo, cũng như trong một bút pháp nghệ thuật tuyệt vời chỉ riêng mình ông có.
Có lẽ vì thế mà thế giới hội họa của Nguyễn Trung luôn đem lại niềm vui và nguồn an ủi lớn lao cho người xem ./.
Tiểu sử nghệ thuật của Nguyễn Trung:
Sinh năm 1940 tại Sóc Trăng, Việt Nam
1959 – 1961: Học trường Mỹ thuật Sài Gòn.
Từ 1959 đến nay, tham gia rất nhiều triển lãm trong nước và quốc tế.
Là họa sĩ có nhiều ảnh hưởng tới bạn bè cùng thời và các thế hệ họa sĩ trẻ.
Một số triển lãm cá nhân:
1967: Triển lãm cá nhân đầu tiên tại Alliance Francaise, Sài Gòn
1990: Triển lãm cá nhân tại Paris (Maison du Vietnam)
1999: Triển lãm cá nhân tại Hà Nội (Tràng An Gallery)
2005: Triển lãm cá nhân tại Tp. Hồ Chí Minh (Gallery Quỳnh)
Giải thưởng Mỹ thuật:
1961: Huy chương Bạc Triển lãm Hội họa Mùa xuân, Sài Gòn.
1963: Huy chương Vàng Triển lãm Hội họa Mùa xuân, Sài Gòn.
Có tranh trong nhiều bảo tàng lớn trong nước và quốc tế và các sưu tập tư nhân