“Thế giới mã vạch“ và câu hỏi “phản tỉnh“của Bảo Ngọc
Trong lá thư công bố trên Internet kêu gọi các nghệ sĩ quốc tế tham gia chương trình cư trú và làm việc nghệ thuật thuộc dự án "chợ Seok-Su" do Gallery Đá và Nước tổ chức tại thành phố Anyang, Hàn Quốc, một dự án được Diễn đàn nghệ thuật quốc tế (AFI) và Quỹ văn hóa Gyeonggi tài trợ, ông Giám đốc của Dự án, Jayeon Kwon giới thiệu về mục đích của hoạt động văn hóa do mình đảm trách như sau: "Mục đích của kỳ cư trú và làm việc này là khảo sát một khả năng mới cho các hình thái chợ truyền thống cùng các cộng đồng kinh tế địa phương nay đã suy tàn bởi sự xâm chiếm của nền kinh tế thị trường tân tự do. Chương trình này cũng hy vọng làm sống lại các hoạt động của cộng đồng kinh tế địa phương thông qua những hình thái mới của làng văn hóa cũng như các dạng cộng đồng tự sản tự tiêu nay đã biến mất trong quá trình công nghiệp hóa với tốc độ chóng mặt”.
Bảo Ngọc trong mà trình diễn, cô đứng im cho mọi người dán các sticker mã vạch lên thân thể của mình
|
Tuy nhiên, nhìn sâu vào nỗ lực nói trên của các dự án theo kiểu dự án chợ Seok-Su, một câu hỏi mang tính nhân văn và phản tỉnh rất cao đã hiện ra – không phải nhắm trực tiếp vào các giải pháp của con người khi họ tìm cách bắt tự nhiên thích nghi với các nhu cầu ( theo thời gian, ngày càng phức tạp và phi tự nhiên) của họ, mà nhắm gián tiếp vào các hệ quả do những giải pháp ấy sinh ra với chính bản thân con người và các mối quan hệ của họ với tự nhiên, với nhau và với bản thân.
Ta có thể lấy một ví dụ về những hệ quả kiểu ấy ở đây, chẳng hạn bằng cách đặt câu hỏi ngay vào hệ thống định dạng và quản lý bằng mã vạch. Phải chăng, vào lúc hệ thống này giúp người tiêu dùng và nhân viên bán hàng tiết kiệm được rất nhiều thao tác trong công việc riêng của họ, thì ngay lúc ấy, nó cũng triệt tiêu đi luôn khía cạnh nhân văn trong các mối quan hệ, trong hành vi giao lưu với nhau – là khía cạnh làm nên bản chất cốt yếu trong các hình thái mua bán trao đổi theo kiểu truyền thống – nơi mà người bán và người mua không bị giảm thiểu để chỉ còn lại là những thực thể vô nhân dạng cùng các hành vi giao nhận, kiểm tra, đóng gói một cách máy móc, mà vẫn vẹn nguyên là hai thực thể nhân dạng (và có nhân-dạng-trong-nhau) tồn tại trong mối giao lưu và chia sẻ, không chỉ nhu cầu tiêu dùng, mà còn là những nhu cầu văn hóa của sự thông hiểu, giao tiếp và sẻ chia…
Lẽ dĩ nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng – một cái nhìn đơn sơ và thơ ngây về thế giới –để từ đó dẫn tới nỗi đam mê quá khứ bất chấp hiện tại, bất chấp thực tế là điều hoàn toàn phi lý. Thế giới- như một con tàu nặng vẫn ầm ầm tiến tới theo những quy luật riêng của nó, tự nó tạo ra, vựợt qua và thỉnh thoảng vướng mắc rồi lại vượt qua để rồi lao theo những xung lực và con đường khó đoán định nhất. Nhìn từ góc độ đó, nếu có một nỗ lực duy ý chí mang tính vĩ mô nhằm đặt thế giới trở lại nguyên trạng bất chấp hiện tại thì đó có lẽ sẽ chỉ là những nỗ lực, nói theo triết gia Alain Tourraine, khởi phát từ “nỗi ám ảnh về căn tính” (1), với sự sùng bái đầy bảo thủ và vô hạn độ căn tính sinh ra từ mặc cảm bị loại trừ và sẽ luôn đặt bản thân con người vào các tình trạng bi thảm hơn nữa mà thôi.
Song, nếu cũng cùng lúc ấy, chúng ta, bởi e sợ nỗi ám ảnh về căn tính sinh ra từ “mặc cảm bị loại trừ”, lại hồ hởi lao vào cơn mù quáng với tương lai-bắt nguồn cũng lại từ một ảo tưởng (đơn sơ) khác về sức mạnh bách chiến bách thắng của một tính hiện đại phổ quát có nguồn gốc phương Tây, để rồi (cũng duy ý chí không kém), bất chấp văn cảnh và hiện tại, chức năng hóa mọi mối quan hệ của con người với thiên nhiên, với nhau, với bản thân và với hiện thực cụ thể, để rồi tạo nên những tabula rassa, những vùng trắng văn hóa thông qua các các mẫu hình quan hệ đồng dạng xuất khẩu hàng loạt tại mọi ngóc ngách của thế giới này, một tình trạng bi thảm, thậm chí còn ghê gớm hơn, cũng sẽ chờ đợi chúng ta.
Khách xem triển lãm đang xem tác phẩm Video Art của Bảo Ngọc – một tác phẩm về sự máy móc hóa các thao tác của con người trong đời sống số hóa.
|
Chính vì vậy, theo tôi, trong từng tình huống cụ thể của hiện thực và văn cảnh, mọi nghệ sỹ, trong vai trò là những lực phản tỉnh (tùy theo căn cơ của mỗi cá nhân mà đi theo nhiều cấp độ và mối quan tâm khác nhau) cho mọi xã hội mà anh, chị ta đang tồn tại ở trong đó –nên lao động cật lực để, trước hết giác ngộ hiện thực và hiện tại, rồi sau đó, sử dụng tác phẩm của bản thân mình trong vai trò là những thực hành văn hóa mức độ cao – cảnh báo và thức tỉnh mọi cộng động về nguy cơ của mọi niềm tin và cơn đam mê- dù lấp lánh hào quang- nhưng luôn chỉ có một chiều.
Và cũng bởi vậy, các câu hỏi do những dự án như kiểu dự án chợ Seok-Su, hay dự án của nghệ sỹ Bảo Ngọc, Thế Giới Mã Vạch, triển lãm đầu tiên trong loạt 4 sự kiện nghệ thuật của dự án Việt Dã Nghệ Thuật, diễn ra tại Himiko Visual Salon, 88 Huỳnh Tịnh Của (60/2 Lý Chính Thắng, P6.Q3, TP.HCM), khai mạc ngày 22/9 và kéo dài tới 29/9 năm 2007 – là một dự án triển lãm sắp đặt kết hợp video và trình diễn trong vòng một tuần lễ- trong hoàn cảnh cụ thể của một nước Việt Nam đang chuyển mình bước càng ngày càng sâu hơn vào một nền kinh tế thị trường, theo tôi chính là những câu hỏi có tiềm ẩn các lực phản tỉnh rất cần thiết.
Những câu hỏi ấy, được thể hiện qua bản mô tả ý tưởng tác phẩm của Bảo Ngọc như sau:
Mã vạch là một biểu trưng của số hóa và hiện đại hóa! Hình ảnh của sự thông thương và phát triển. Cuộc sống của chúng ta gắn liền bởi mã vạch từ cái ly, trái táo cho đến quần áo giày dép thậm chí là văn bằng, vé xem phim.
Chúng ta đang sống trong một thế giới số hóa. Chúng ta dễ dàng hơn trong liên lạc, kết nối, tìm kiếm. Nghiên cứu, học thuật, tra cứu dễ dàng thuận lợi. Nhưng chúng ta cũng lười hơn. Lười rửa những tấm ảnh kỹ thuật số , lười trả lời một Email, lười đọc sách và lười giao cảm!
Một thế giới số… liệu có mang đến cho con người một sự trống rỗng quá khứ?
Chúng ta có trở nên lạnh lùng và lười cảm xúc hơn không?
———
(1) Phê phán tính hiện đại (phương Tây), Alain Touraine, bản dịch Huyền Giang, NXB Thế Giới, Hà Nội, 2003, tr.332
Tài liệu tham khảo:
– http://www.barcodesymbols.com/history.htm
– http://www.basics.ie
———-
Chú thích ảnh trên cùng: Bảo Ngọc, trong bộ đồ nhân viên siêu thị do cô tự thiết kết, thực hiện màn trình diễn đóng dấu mã vạch vào tất cả khách tới triển lãm (Trong một tuần triển lãm, mỗi ngày hai tiếng cô sẽ tới Himiko Visual Salon để đóng dấu mã vạch vào các khách tới uống café)