“The Holy Mountain (1973)”: Công án thiền của thời hiện đại
Một nhà giả kim biến phân thành vàng, một thiền sinh chặt đầu sư phụ, một người đàn ông kéo lê cây thánh giá làm từ pho tượng tạc chính mình… Bằng nghệ thuật viết công án thiền, The Holy Mountain (1973) đã biến những hình ảnh “tục” ấy thành cánh cửa dẫn đến “ngọn núi thiêng” trong tâm thức khán giả.
Đầu thập niên 1970, bằng 1 triệu USD mà John Lenon vận động được, đạo diễn Alejandro Jodorowsky đã quay bộ phim mới mang tên “Ngọn núi thiêng” (The Holy Mountain) tại Mexico. Nằm ngoài mọi dự tính ban đầu, quá trình quay phim đã thay đổi con người Jodorowsky, khiến ông ngừng hợp tác với nhà sản xuất kiêm nhà tài trợ thực dụng của mình, để rồi khiến bộ phim không được phát hành công khai trong hơn ba thập kỷ. Nhưng dù chỉ đến với công chúng qua những buổi chiếu nhỏ lúc nửa đêm ở rạp chiếu phim nghệ thuật, The Holy Mountain đã truyền cảm hứng cho một lượng nghệ sĩ đa dạng, từ những nhà làm phim siêu thực như David Lynch và Guillermo del Toro đến những người làm nhạc như Lady Gaga hay rock band Suicide. Xem The Holy Mountain, khán giả có thể cười và chiêm nghiệm về mọi nét trong bức tranh lớn của thời hiện đại: từ các cuộc chiến tranh diệt chủng, các tôn giáo đang dần trở nên rỗng nghĩa, các mô hình phát triển vắt kiệt Trái đất và con người, cho đến chính bản thân – kẻ là nạn nhân kiêm diễn viên của tấn tuồng thời đại.1,2
Đầu phim, khán giả được đưa đến một thành phố kỳ lạ giữa sa mạc, nơi những đội quân diệt chủng cầm súng Mỹ diễu hành cạnh những tên lính La Mã đang rao bán tượng Chúa Jesus. Binh lính hành quyết các sinh viên yêu hòa bình, ép thổ dân bản địa giặt sạch những tấm vải vương máu chiến tranh, tạo nên một cảnh tượng giật gân để thu hút đám khách du lịch Âu Mỹ hiếu kỳ – những kẻ thưởng thức bạo lực như xem một trò giải trí. Ngày nọ, khi đang làm trò mua vui cho du khách, một chàng trai vô danh bỗng được lính La Mã thuê làm mẫu để đúc tượng, vì họ thấy anh có gương mặt giống hệt Chúa Jesus. Nhìn dãy tượng Chúa được sản xuất hàng loạt phỏng theo gương mặt mình, chàng trai nổi điên, đập vỡ hết tượng thờ, để rồi ôm bức tượng cuối cùng mà khóc.
Xem The Holy Mountain, khán giả có thể cười và chiêm nghiệm về mọi nét trong bức tranh lớn của thời hiện đại: từ các cuộc chiến tranh diệt chủng, các tôn giáo đang dần trở nên rỗng nghĩa, các mô hình phát triển vắt kiệt Trái đất và con người, cho đến chính bản thân – kẻ là nạn nhân kiêm diễn viên của tấn tuồng thời đại.
Vác bức tượng của chính mình trên vai, chàng trai đi tìm câu trả lời, kéo theo một đoàn người bị hình ảnh của anh đánh động. Một nhà giả kim đáng ngờ đã lôi kéo anh, cùng tám nhà tư bản đang kiểm soát thế giới, vào cuộc hành trình đi tìm Ngọn Núi thiêng – nơi ban cho con người sự bất tử như các vị thần trên Olympus. Cuộc hành hương này đã pha trộn các đợt tu luyện, các trò bịp và các trò cười, tạo nên tấn tuồng hé mở nhiều phương diện trong tâm hồn của những người tham gia. Họ sẽ tìm thấy Ngọn Núi thiêng, hay thấy một gương mặt phàm tục khác của mình? Jodorowsky đã giấu câu trả lời bất ngờ cho đến phút chót.
Carnaval của sự thật
Ấn tượng đầu tiên mà The Holy Mountain mang đến cho khán giả không phải là ý nghĩa của từng cảnh phim, mà là vẻ đẹp thị giác và sự khôi hài. Bộ phim giống như một dạ hội hoá trang rực rỡ đầy mê hoặc – nơi các nhân vật khoác lên mình áo quần của thần thánh và ma quỷ, thổ dân và thực dân, ngôi sao nhạc rock và Giáo hoàng, rồi cùng diễn những hài kịch đen để giải thiêng những địa vị xã hội ấy. Xem phim, khán giả sẽ bắt gặp những anh lính bị thiến để đảm bảo sự trung thành với vị chỉ huy mặc bộ đồ chiến binh nam tính, một Andy Warhol cho công nhân in cặp mông đã quét sơn lên giấy để sản xuất hàng loạt các tác phẩm “nghệ thuật tiên phong”, những chung cư cho người lao động thành thị có kiến trúc “tối giản” đến nỗi căn hộ chỉ là một chiếc giường mang hình dáng quan tài, những tên lính La Mã đóng đinh Jesus rồi kiếm tiền bằng cách bán đồ lưu niệm hình cây thập giá… Những cảnh hài hước này phô bày một phản địa đàng hiện đại, nơi các lý tưởng, văn hoá và bản sắc chỉ còn là bộ đồ hóa trang bắt chước thay vì có nội dung, nơi mọi bản sắc đều bị biến thành hàng hóa trong trật tự của đồng dollar Mỹ và truyền thông. Theo cách này, The Holy Mountain là một dạ hội hóa trang để vạch mặt, một trò đùa để nói ra những sự thật khó nói.
Jodorowsky – người cùng lúc làm đạo diễn, biên kịch, diễn viên chính, nhà soạn nhạc, và nhà thiết kế trang phục, sân khấu của bộ phim – đã tự tay đưa vũ hội rực rỡ này lên màn ảnh. Thành công của vũ hội xuất phát từ kinh nghiệm đa dạng của ông, một người từng dấn thân vào nhiều lĩnh vực chuyên môn và nhiều phương pháp khám phá tâm trí.
Sinh năm 1929 tại Chile trong một gia đình thương nhân Do Thái gốc Ukraine, là sản phẩm của cuộc hôn nhân thiếu hạnh phúc trong đó người cha đánh đập và cưỡng bức người mẹ, Alejandro Jodorowsky sớm sống khép mình. Chạy trốn vào sách vở và văn chương, Jodorowsky xuất bản bài thơ đầu tiên năm 16 tuổi, và sớm giao du với các cây bút tiên phong ở Chile vào thời điểm đó. Bị thu hút bởi các phong trào theo chủ nghĩa phi chính phủ, ông theo đuổi ngành tâm lý học và chính trị tại đại học, rồi bỏ dở sau hai năm để chạy theo đam mê mới là kịch câm. Để gia nhập bộ môn này, ông đã leo dần qua các vị trí khác nhau như chú hề rạp xiếc, đạo diễn sân khấu, chủ đoàn kịch, và đệ tử của những nghệ sĩ kịch câm nổi danh. Những công việc này đã cung cấp một nguồn kinh nghiệm và chất liệu dồi dào cho Jodorowsky, để ông xây dựng đám rước kỳ ảo trong The Holy Mountain. Và đám rước ấy cũng được thổi hồn bởi chủ nghĩa siêu thực – một thế giới quan và phương pháp sáng tác mà ông tiếp thu tại Paris khi vừa làm nghệ sĩ kịch, vừa làm bộ phim đầu tiên vào năm 28 tuổi.1
Các nghệ sĩ siêu thực tin rằng mọi giấc mơ và ảo giác đều chứa đựng những sự thật bị lý trí chối bỏ và giấu xuống phần vô thức của tâm trí con người. Vì vậy, họ đã nới lỏng sự kiểm soát của lý trí đối với nội tâm, để tự do phóng chiếu các ham muốn và nỗi ám ảnh trong lòng mình thành chuỗi hình ảnh tưởng tượng phi logic trong tác phẩm. Chính bởi lối sáng tác này, mà các bộ phim của Jodorowsky tràn ngập những hình ảnh kỳ ảo, vừa mang vẻ đẹp của những gánh xiếc và sân khấu mà ông từng mê mẩn, vừa thấm đẫm không khí bạo lực đã vây bủa ông trong tuổi thơ. Các hình ảnh trong The Holy Mountain đến từ đời sống bị che khuất của nội tâm ông, đó là lý do chúng sống động trong mắt khán giả.
Đưa công án vào điện ảnh
Nhưng nếu các nghệ sĩ siêu thực khác chỉ phóng chiếu nỗi ám ảnh của mình thành tác phẩm để xoa dịu nó, thì Jodorowsky đi xa hơn. Từng tìm hiểu nhiều tôn giáo, huyền môn và phương pháp luyện tập tinh thần, ông đã tích hợp hệ thống biểu tượng của chúng vào ngôn ngữ phim, để tái tổ chức các hình ảnh kỳ dị trong phim theo logic của huyền thoại, dụ ngôn và giáo lý. Khi khán giả bước cùng lúc trong hai tác phẩm – một bên là bộ phim, bên kia là kinh Thánh hay kinh Phật – những nỗi ám ảnh của họ vừa được phát lộ, vừa được chuyển hóa bằng giáo lý và những tràng cười. Trong các thực hành được Jodorowsky áp dụng trong quá trình thai nghén bộ phim, Phật giáo thiền tông giữ một vai trò quan trọng.
Năm 1967, khi thiền sư Takata Ejo từ Nhật Bản sang châu Mỹ để truyền bá Phật giáo, ông đã gặp Jodorowsky tại thành phố Mexico. Jodorowsky đã trở thành đệ tử của Takata và đề nghị biến nhà mình thành một thiền đường, nơi ông cùng các đệ tử khác luyện tập thiền định và nghiên cứu công án. Trải nghiệm tu học này đã ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình làm phim của Jodorowsky. Trong một cuộc phỏng vấn trên tạp chí Bluefat, ông cho biết mỗi lần làm phim, mình lại sống lối sống của nhà sư: thiền định lúc sáng sớm, ngủ 5 giờ một ngày, ăn chay, không gặp gỡ bạn bè và kiêng sắc dục… Thiền tông cũng có ảnh hưởng lớn đến ngôn ngữ điện ảnh của Jodorowsky. Trong tự truyện, ông kể rằng sau khi xem The Holy Mountain, sư phụ Takata đã tặng cây hương bản (tức cây gậy để đánh thiền sinh ngủ gật) cho ông, qua đó thừa nhận rằng ông đã thành thạo nghệ thuật công án.3,4
Ra đời cùng Phật giáo thiền tông trong thời Đường, và phát triển hoàn thiện vào thời Tống, công án là những mẩu truyện hoặc vấn đáp ngắn, mà thiền sinh phải tập trung quan sát và chiêm nghiệm. Công án là phương tiện giúp thiền sinh vượt qua tư duy nhị nguyên, để nhìn thế giới như một tổng thể không bị chia cắt bởi các cặp đối lập như được-mất, đúng-sai, ta-người, trên-dưới…, nhờ đó tìm lại sự trọn vẹn trong tâm. Để lấy ví dụ, hãy nhìn vào công án quen thuộc của thiền sư Hakuin: “Ta đã nghe tiếng vỗ của hai bàn tay, vậy tiếng vỗ của một bàn tay là gì?”. Khi dùng ngôn ngữ để ăn nói, suy nghĩ hoặc ghi nhớ, người ta ký gửi tâm mình vào những ngoại vật mà ngôn ngữ gọi tên; công án chỉ ra giới hạn của ngôn ngữ để phá vỡ tình thế chia cắt này; cả công án lẫn những câu nói đùa đều dùng sự phi lý để giải phóng con người khỏi áp lực của lý lẽ.
Ấn tượng đầu tiên mà The Holy Mountain mang đến cho khán giả không phải là ý nghĩa của từng cảnh phim, mà là vẻ đẹp thị giác và sự khôi hài.
Vì sao trong phim, chàng trai lang thang lại hiện diện như Chúa trong mắt gái điếm, người tàn tật, trẻ em nghèo…, và hiện diện như một tên trộm trong mắt người giàu và Giáo hội? Vì sao những chiến binh ra dáng đàn ông nhất lại là những thiếu niên bị thiến, và chỉ có người già trong xưởng sản xuất đồ chơi cho trẻ con? Vì sao vị Chúa bị đóng đinh ở tứ chi lại mang một người tàn tật không chân tay trong tâm tưởng, và phải ném người này xuống biển để đi tiếp hành trình tu học của mình? Đó là vài công án mà Jodorowsky đưa lên phim, để giáng từng cú choáng váng vào khán giả, đẩy họ ra khỏi vùng an toàn của những định kiến thâm căn, khiến họ hoặc phẫn nộ và bỏ đi, hoặc chạm vào làn ranh của một nhận thức mới. Mục đích của công án là xét lại cái tôi – tức tập hợp những đặc điểm về kinh tế, chính trị, tôn giáo, văn hóa, nhân chủng… mà một người đánh đồng với bản thân mình, trong khi chúng chỉ là hình ảnh nhất thời của anh ta trong mắt xã hội. Khi trả lời phỏng vấn, Jodorowsky cho biết ông không miễn cưỡng xóa bỏ cái Tôi, ông tìm hiểu và cải biến sao cho nó có thể rộng mở đón nhận những gì khác với mình và quỹ đạo định sẵn của mình. Nhiều hình ảnh trong The Holy Mountain, như cảnh người đàn ông vác cây thánh giá làm từ bức tượng của chính mình, đã mô tả vấn nạn cái tôi của con người hiện đại.
Trớ trêu thay, Jodorowsky là người đầu tiên bị bộ phim tác động. Trong những ngày tu thiền và thai nghén The Holy Mountain, ông đã khám phá những khía cạnh nữ tính trong con người mình, để vượt qua thái độ gia trưởng mà ông thừa hưởng từ người cha, điều từng khiến ông nhiều lần bị dư luận lên án. Được thiền sư Takata khuyến khích, ông đã kết bạn với Leonora Carrington (một trong những gương mặt nữ quan trọng nhất của chủ nghĩa siêu thực), để rồi biết đến góc nhìn nữ quyền và đưa nó lên phim. Nhờ đó, The Holy Mountain chứa đựng nhiều sự tự vấn về bạo lực trong chế độ phụ quyền, mở đường cho sự gia tăng tiếng nói nữ trong các bộ phim sau này của Jodorowsky, bao gồm Tusk (1980), bộ phim có nhân vật chính là nữ.
Cuộc chuyển đổi này khiến Jodorowsky gặp nhiều trắc trở trong sự nghiệp. Khi ông vừa hoàn tất The Holy Mountain, nhà tài trợ Allen Klein đã thúc giục ông làm một phim chuyển thể tiểu thuyết Story of O – câu chuyện về một phụ nữ chấp thuận làm nô lệ tình dục, mà Klein cho rằng sẽ rất ăn khách. Để từ chối nhiệm vụ, Jodorowsky đã rời khỏi Mexico. Klein, người giữ bản quyền của The Holy Mountain, đã trả đũa bằng cách ngăn bộ phim được phát hành rộng rãi trong suốt hơn 30 năm, bất chấp Jodorowsky nhiều lần phản đối trên báo chí. Sự việc này, cùng thái độ duy mĩ bướng bỉnh mà Jodorowsky thể hiện trong các dự án khác, đã khiến ông luôn gặp khó khăn khi tìm nguồn tài trợ trong các dự án sau này. Năm 2016, khi đã 87 tuổi, ông vẫn đang cố quyên tiền để làm phần kế tiếp của El Topo (1970) – bộ phim khởi đầu hành trình khám phá nội tâm của ông, và cũng là tác phẩm đầu tiên khiến ông nổi tiếng.□
Nguồn tham khảo:
1 https://www.britannica.com/biography/Alejandro-Jodorowsky
2 https://www.theguardian.com/film/2009/nov/14/alejandro-jodorowosky-el-topo
3 https://www.bluefat.com/1108/Alejandro_Jodorowsky2.htm
4 https://escholarship.org/uc/item/5s2026c8
Bài đăng Tia Sáng số 23/2024