Thế lưỡng nan của một thế hệ
Trong Triển lãm đầu (1990) nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của danh họa Van Gogh (1890) làm nên danh tiếng của Nhóm Năm Người mở đầu “Doi Moi Painting thế hệ 2” (cùng với Đặng Xuân Hòa, Phạm Quang Vinh, Trần Lương, Hồng Việt Dũng), Hà Trí Hiếu xuất hiện như giọng trầm duy nhất, như cây Cello của ban ngũ tấu tài hoa.
Nhiều năm dài họa sĩ triển khai loạt tranh có con bò làm tâm điểm. Vây quanh nó, nép vào nó, gắn với nó làm một là những người nhà quê già, trẻ, nam nữ, trong đó có cả chính họa sĩ. Những bố cục ngày càng đồ sộ và độc đáo làm cho người xem khó quên. Một tình cảnh pha trộn các trạng thái tủi hờn và hy vọng, cam chịu và bức bối, tự tôn và tự ti thấm vào từng chi tiết. Hình con bò dần trở thành một kết cấu trừu tượng, một biểu trưng không liên quan tới sự thương nhớ đồng quê quá phổ biến trong hội họa Việt Nam.
Người hát |
Tiếng hát hội họa của ông cất lên trong veo hy vọng hay trầm đục ai oán, nhiều khi như là sự gào kêu tuyệt vọng trong một không gian âm y, rất thân gần mà vô định với loạt tranh Những người nhà quê hát. Họ đứng đơn độc hay tụ tập thành một đám đông, đâu đó trên đường làng, dưới bóng cây, bên chuồng bò, trên mái nhà… Không gian rộng lớn trở nên đặc quánh, bức bí bởi tiếng hát hết cỡ từ các cơ thể kia không phát ra được thành âm thanh tới thính giác của ta. “Tiếng hát thị giác” có sức biểu cảm mãnh liệt. Một sự phẫn uất và hy vọng về tự do và đổi thay. Hội họa của Hà Trí Hiếu vươn tới một sự to lớn bên trong và một sự cô đúc hình thể đáng nể.
Trên những nền trống thường trải theo chiều ngang họa sĩ ngày càng tinh tế hơn trong chuyển sắc và dùng màu. Nét vẽ cũng ngày càng quả quyết và tự tin với những biến hình linh hoạt. Tuy nhiên không bao giờ sự thuần thục bị lạm dụng. Họa sĩ giỏi tiết chế luôn dành cho không khí toàn cục một sự im ắng thanh thản, như người đi vãn cảnh chiều tà nghe vẳng tới hồn mình tiếng thở dài, tiếng giận hờn đâu đó.
Gái quê I |
Các bố cục mặt người là thao tác “zoom” cận cảnh một trạng thái tâm hồn hơn là các chân dung. Ngay cả các chân dung tự họa cũng mang trạng thái hơn là mô tả nhận diện. Chúng trở nên một ẩn dụ về sự tự tôn và hoài nghi cá nhân, về sự tự khẳng định và tự bôi xóa vai trò cá nhân cụ thể để hướng tới một sự phổ quát nào đó. Và các thiếu nữ uốn cuộn cơ thể, căng duỗi đôi chân, làm dáng với cái quạt trong không gian hình học cũng là những kết cấu tự do được kiểm soát kỹ càng bằng các nhát cắt hình cố tình cùng các môtíp điểm xuyết nhiều ngụ ý. Đây cũng không phải các bức khỏa thân phô bày một cách “rẻ rúng” cái đẹp tạo hóa đàn bà. Chúng một lần nữa lại là thế lưỡng nan của sự tự ngắm mình và mong muốn giải thoát khỏi cái trống không chật hẹp. Gần đây nhất là những bố cục táo bạo có vẻ siêu thực và gợi dục. Con chó đá lầm lì và khung cửa huyễn hoặc cùng bông hoa nở về phía bầu trời rộng. Cũng lại là một nỗ lực mong thoát khỏi những ràng buộc, khuôn mẫu và thói quen vô hình. Có thể là một khúc quanh mới trên con đường độc đạo của Hà Trí Hiếu? Đường ở dưới gót chân người đi. Đi thì thành đường.
Tài hoa là cái may di truyền, tài nghệ là nhờ khổ luyện với nghề, đáng quý mà chưa đủ. Hà Trí Hiếu không nương dựa vào đó. Qua lao động ông bổ sung vào đó cái làm nên một người sáng tạo độc đáo.
Không phải tính “dân gian mới” dễ dãi, không phải sự hoài cổ lãng mạn nhàm chán hội họa của Hà Trí Hiếu là một ánh xạ của tâm thức, tình cảm và nhân cách của một thế hệ: trở về với truyền thống dân tộc, trở về với nội giới cá nhân và hội nhập với hội họa hiện đại.