Theo bước chân Hậu hiện đại
Vào thập niên 60 của thế kỉ trước, khuynh hướng hậu hiện đại đã được các nghệ sĩ và giới trí thức áp dụng rộng rãi tại New York, sau đó được các triết gia và lí thuyết gia châu Âu triển khai vào thập niên 70. Nhưng mãi đến đầu những năm 80 hậu hiện đại như là một lí thuyết, mới ra đời tại Pháp; rồi du nhập trở lại vào Hoa Kì để tạo thành một trào lưu tác động rộng rãi đến nhiều lãnh vực: văn học-nghệ thuật, chính trị-xã hội... trên khắp thế giới. Từ châu Âu, châu Úc cho đến châu Mỹ Latin và cả châu Á: Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc... Đứng trước trào lưu mang tính toàn cầu ấy, Việt Nam không thể đứng ngoài.
Vậy mà, mãi đến hôm nay, đại đa số giới chữ nghĩa ta vẫn còn dị ứng với/sợ hãi cái “từ” hậu hiện đại. Nghe nói và, hãi! Từ thành phần thủ cựu đến kẻ [tự nhận] cách tân, thế hệ đàn anh hay các người viết trẻ, nhà phê bình cho đến kẻ sáng tác… Thử xem 2 phát biểu mới nhất:
“Chủ nghĩa “hậu hiện đại”, chủ nghĩa “Tân hình thức” ngày nay cũng đang ế khách và tàn lụi dần ở phương Tây (…) Theo một bài báo của một GS Mỹ thì hằng năm mới có một người mua sách này ở các hiệu sách(?). Còn ở ta nó là một món hàng mới, không dễ gì nó vượt qua rào cản người đọc ở nước ta” (Mai Quốc Liên, 2006).
“Nhiều bạn trẻ đồng hành của tôi mải mê dồn sức lực dồi dào và quý giá nhất đời người vào những cách tân đã lỗi thời ở nước ngoài (…) như “hậu tân thi trào” đã được chôn vùi ở Trung Quốc từ thập niên 80 của thế kỉ trước (…) hay hình thức thơ đã thải hồi ở phương Tây như “thơ hậu hiện đại”, “thơ dự phóng”, “thơ trình diễn” (…) hoàn toàn xa lạ với văn hóa người Việt cặm cụi chịu thương chịu khó” (Lê Thiếu Nhơn, 2006).
Trong lúc Hoàng Ngọc Tuấn dự cảm “chẳng bao lâu nữa lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam” thì Lê Chí Dũng, một giảng viên Đại học kết luận đinh đóng rằng: “chủ nghĩa hậu hiện đại, với tư cách là một trào lưu văn học, không có tiền đồ ở Việt Nam (Báo Thể thao-văn hóa, 2004).
Làm sao có thể khẳng định như vậy, khi hạt giống hậu hiện đại chưa được gieo đúng cách vào cánh đồng văn học Việt Nam?
Thơ hậu hiện đại Việt, kẻ khai mào
Có thể nói không ngoa rằng, Bùi Giáng là nhà thơ đầu tiên sáng tác theo cảm thức hậu hiện đại, hoặc gần như thế.
Sáng tác của Bùi Giáng giai đoạn sau, nhất là các bài thơ mà tỉ lệ từ Hán lấn át. Có khi bài thơ chỉ là một chuỗi liên hệ âm, thanh, vần, phép nói lái trong ngôn ngữ nối tiếp hoặc chồng chéo lên nhau, lồng vào nhau như thể một ma trận chữ vô nghĩa; rồi cả chuỗi hình ảnh, ý nghĩ dẫm đạp lên nhau, xô đẩy, nhảy cóc rối tù mù. Bùi Thy Sỹ điên chữ là vậy. Tất cả nói lên điều gì? Ngôn ngữ không thể khám phá ra cái gì cả! Và làm thơ như thể là một nhập cuộc vào trò đùa bất tận, trò đùa qua/trong sự bất lực đến tận cùng của ngôn ngữ; ở đó, thi sĩ phó thác mình cho ngôn ngữ thao túng, dồi tung.
Sống giữa xã hội đang chiến tranh leo thang ác liệt, hàng ngày và khắp xung quanh, tai nghe tiếng bom đạn nổ, mắt chứng kiến đổ vỡ của quê hương, văn chương bất lực và ngôn ngữ bất lực; thay vì rời bỏ cuộc chơi như anh chàng Rimbaud xưa từng làm hoặc khóc than sự “sinh nhầm thế kỉ” như phản ứng tiêu cực của vài nhà thơ lãng mạn, Bùi Giáng quyết chơi tới cùng với nó.
Bồ câu mái đậu một con
Đường vui cố quận hao mòn bữa nay
Anh xin em giỡn một ngày
Rồi xin rỡn mãi suốt ngày hôm sau.
Cho nên, đọc Bùi Giáng, dù ông bàn chuyện nghiêm túc, nghiêm trọng chúng ta cứ như thấy ông đang đùa; hoặc cho dù ông đang buồn bã ủ dột, người đọc vẫn cứ cảm thấy vui. Bùi Giáng luôn biết nói điều hệ trọng bằng một lối khinh khoái nhẹ nhàng. Một Lão niên Thy sỹ vui vẻ, như ông tự nhận! Đó là một trong những thái độ căn bản của nghệ sĩ hậu hiện đại.
Trở lại với hiện trạng về nhìn nhận thơ của sinh hoạt văn học Việt Nam hiện thời. Bởi chưa tiếp cận hệ mĩ học của trào lưu văn nghệ này, nên cả giới sáng tác lẫn phê bình cứ giật mình thột mỗi khi nhắc đến hậu hiện đại. Từ đó sáng tác hậu hiện đại Việt không thể mon men gần chứ chưa nói nhập dòng chính lưu. Tôi nói: thơ hậu hiện đại chứ không là nhà thơ hậu hiện đại. Bởi một nhà thơ có thể đăng/in sáng tác chính thống (phi-hậu hiện đại) ở các loại báo chính lưu, nhưng với các bài thơ hậu hiện đại của chính mình thì không! Cũng có nhóm thơ hay các cá nhân nhà thơ tự/bị đặt mình vào tư thế của kẻ sáng tác ngoài lề, thế đối trọng với các quan điểm được thừa nhận của người cùng thời, cách quyết liệt. Như là định mệnh của người nghệ sĩ hậu hiện đại.
Sáng tác phẩm của họ chủ yếu in photocopy hay được đăng trên báo điện tử, trong lẫn ngoài nước. Đây là thời điểm thích hợp nhất cho sáng tác hậu hiện đại Việt xuất hiện và dọc ngang thể hiện mình. Hàng loạt Website văn học xuất hiện: Tienve, Evan, Gio-o, Tapchitho… 3, 4 năm qua.
Nếu nói rằng nền văn học Việt Nam giai đoạn 1930-45 (đặc biệt là Thơ Mới và tiểu thuyết) gắn liền với sự ra đời và phát triển của báo chí tiếng Việt, thì thơ hậu hiện đại Việt hình thành và gắn kết chặt chẽ với Website. Là giải pháp/lối thoát cho những thi sĩ không được lề thói sinh hoạt văn nghệ kiểu cũ dung nạp.
Nhà văn hậu hiện đại viết như thế nào?
“Các nhà văn hậu hiện đại cũng không còn kêu gọi nỗ lực cách tân nữa, dù họ vẫn tiếp tục tạo nên những cái mới. Đối với họ cách tân là thuộc tính cố hữu của nghệ thuật, chứ không phải là một mục tiêu cách mạng nữa (…). Họ cũng không quá khổ công tạo nên những kĩ thuật hoàn toàn mới, thay vào đó, họ thoải mái tái sử dụng tất cả những gì sẵn có trong kho tàng văn chương nhân loại, từ văn phong đến kĩ thuật” (Hoàng Ngọc Tuấn, 2003).
Tái sử dụng là sáng tạo. Phỏng nhại (pastiche), châm biếm (irony), nhại giễu (parody), lắp ghép ngẫu nhiên (collage)… là sáng tạo. Tất tần tật cái trên trần đời này đều có thể trở hành chất liệu cho nhà văn sử dụng. Xoá bỏ mọi trung tâm và giải-khu biệt hóa (de-differentiation): cao hay thấp cấp, cũ/mới, thanh cao/dơ bẩn, đặc tuyển/đại chúng… chủ nghĩa hậu hiện đại đang mở ra một khả thể vô hạn cho nhà văn trong nền văn chương của sự đầy tràn (The Literature of Replenishment, John Barth, 1980).
Cảm thức như thế, mang tinh thần sáng tạo như thế, nhà văn hậu hiện đại trong hiện trạng của mình không tránh khỏi vai trò kẻ ngoài lề nổi loạn, bởi luôn “bài bác” những khuôn sáo tư duy, những quan điểm đã được thừa nhận của thời đại mình (I.P.Ilin, 1996).
-anh1: Đê xoáy ốc – tác phẩm của Robert Smithson
-anh2: Sự trả thù của cả vàng – Sandy Skoglund –in Cibachrome