Theo chân nàng Kiều đến ngôi chùa thứ tư trong “Đoạn Trường Tân Thanh” của Nguyễn Du
Tính ra trong tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh có ba tên chùa được nêu ra trên chặng đường lưu lạc của nàng Kiều: Quan Âm Các, Chiêu Ẩn Am, chùa Giác Duyên ở sông Tiền Đường. Còn có một ngôi chùa thứ tư nào? Ta hãy theo gót nàng Kiều đi tìm ngôi chùa ấy.
Trong quãng đời “êm đềm trướng rủ màn che”, trong vòng tay che chở ấm êm của cha mẹ và hai em, không biết Kiều đã có lần nào theo mẹ đi chùa như cô gái tuổi mười sáu của Nguyễn Nhược Pháp trong “Đi chùa Hương” một sáng xuân hoa cỏ còn mờ hơi sương vào ngày mồng một tết hay vào dịp Nguyên tiêu? Nguyễn Du đã không kể cho ta biết.
Chỉ thấy khi hoa lê nở rộ vào tháng ba, hội Đạp thanh, mấy chị em Kiều đi tảo mộ gặp Kim Trọng và Kiều bắt đầu yêu. Người con gái tài sắc vẹn toàn và đa đoan đa cảm ấy bắt đầu mơ mộng và ước mộng. Từ “người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không” cho đến khi “một lời, vâng tạc đá vàng thủy chung” hứa hẹn hạnh phúc vĩnh viễn “đinh ninh hai miệng một lời song song“, Kiều đã sống trong ước mộng màu hồng. Trong giấc mộng nồng nàn yêu đương, chẳng thấy bóng dáng một ngôi chùa nào hiển hiện, mà nàng Kiều rạo rực sống có lẽ cũng không quan tâm đến hai chữ “chùa chiền”.
Ngôi chùa đã không hiện hữu trong tâm của nàng Kiều, dù trong xã hội thời bấy giờ những ngôi chùa chắc chắn đã làm nên một phần cảnh trí, không gian sống của con người Đông phương. Mái chùa có thể rất là quen thuộc với gia đình họ Vương, nhưng nó chưa vẽ ra một viễn tượng nào có ý nghĩa trong trí tưởng của Kiều.
Kịp đến khi nàng tình nguyện “bán mình chuộc cha”, bị Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà lường gạt, cuộc đời cô gái thanh lâu chỉ biết cúi đầu “sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh”. Lầu xanh ấy là nơi đày đọa tấm thân người thiếu nữ ngây thơ chưa có một chút kinh nghiệm ở đời. Nàng trở thành nô lệ cho khách làng chơi trong cái ngục tù xâu xé thể phách của người con gái yếu đuối nơi đất khách. Thanh lâu có thể nói là địa ngục đầu tiên mà Kiều nếm mùi khổ ải. Những khi “giật mình mình lại thương mình xót xa” nhớ lại “khi sao phong gấm rủ là”, hoảng hốt nhận ra “giờ sao tan tác như hoa giữa đường”, nàng nhớ thương mái nhà ấm cúng của cha mẹ, nhớ người yêu cũ. Nhưng hình như “nỗi lòng đòi đoạn xa gần, chẳng vò mà rối chẳng giần mà đau” ấy cũng chỉ là những cơn giật mình lúc tỉnh, phần đông là say, say để quên, say để chạy việc được trong cái guồng máy tiếp khách làng chơi, Kiều chẳng có thì giờ để nhớ đến những nơi yên tĩnh như bóng dáng một ngôi chùa. Trong tuyệt vọng nàng vẫn còn nuôi hi vọng, với sắc đẹp, với tài hoa của mình, thế nào nàng cũng có thể tìm cách thoát khỏi cá chậu chim lồng và sẽ có dịp tìm về mái nhà êm ấm của mẹ cha. Nàng đã tìm được Thúc Sinh, hào hoa công tử, sẵn sàng “trăm nghìn đổ một trận cười”, đã mê mệt nàng, nên “đá vàng cũng quyết, phong ba cũng liều” đã mua được nàng khỏi tay mụ Tú Bà. Từ khi thoát khỏi vòng trần ai, Kiều sống trong tình yêu đầm ấm của Thúc Sinh. Có thể nói từ khi bán mình, đây là những giờ phút hạnh phúc mà nàng đã tưởng sâu như biển, tưởng dài như sông. Trong những giây phút ấy, ngôi chùa không phải là điều chi đáng nói và có lẽ nó không hiện ra trong những lúc “hương càng đậm lửa càng nồng” của nàng Kiều.
Nhưng hạnh phúc không lâu, cơn ghen của Hoạn Thư, một người đàn bà “sâu sắc nước đời”, đã thành một ngọn lửa dữ. Nhà bị đốt, bị bắt cóc, bị giam giữ, quản thúc, phải làm nô tì trong gia đình họ Hoạn, nàng không biết Thúc Sinh ở đâu từ lúc chia tay. Tâm trạng rối bời trong nhớ thương thắc mắc, đồng thời bị hành hạ đánh đập, nàng như người ở trong đêm tối quờ quạng, trong lòng chỉ mong được gặp lại Thúc Sinh. Để rồi khi gặp mặt, cả hai lâm vào hoàn cảnh éo le thê thảm nhất của đời người: “rõ ràng thật lứa đôi ta, làm ra con ở, chúa nhà đôi nơi”, bị bắt quì chuốc rượu cho hai vợ chồng, bắt đánh đàn mua vui, rồi phải chứng kiến người đã yêu mình đang “chung gối loan phòng” với người đàn bà khác. Đêm hôm ấy đã là đêm dài nhất và đau khổ đến tận cùng trong đời nàng Kiều: “Một mình âm ỷ đêm chầy, Đĩa dầu vơi, nước mắt đầy năm canh”. Nhục nhã và bị tình phụ, còn gì để cho con người hiện diện giữa con người, còn gì để con người có thể đứng vững với người và với chính ta?
Cô đơn và quằn quại trong tủi nhục đến tuyệt vọng, lần đầu tiên ngôi chùa đã hiện ra trong biển nước mắt năm canh không một lần chợp mắt của nàng Kiều. Ý định thoát khỏi sự đày đọa thể xác và tâm hồn, sớm khuya phải cung cúc hầu hạ hai người, phải hằng đêm vò võ chứng kiến cảnh ấm êm của người khác có thể làm cho điên loạn con người, chính ý nghĩ thoát khổ này đã đưa Kiều đến với hình ảnh một ngôi chùa nào đó có thể gỡ rối cho nàng: “Rắp đem mệnh bạc, xin nhờ cửa Không”.
Lần đầu tiên, ngôi chùa hiện ra trong tâm nàng như một cơ hội giải thoát khỏi cảnh ngộ thê thảm trong cái địa ngục trần gian là căn nhà họ Hoạn. Tâm của nàng mù mịt trong đớn đau, đang tìm cách gõ vào một cánh cửa cuối cùng, có thể đem đến bình an, bớt khổ: cửa Không. Bước chân tâm thức của nàng đang quờ quạng đi tìm một cái phao cứu vớt có thể giúp nàng vượt khỏi khổ nạn.
Kiều được Hoạn Thư cho ra ở Quan Âm Các, giữ chùa tụng kinh. Ta hãy nghe Nguyễn Du tả cảnh chùa của gia đình họ Hoạn, mà Kiều tạm thời được đưa ra ở đó:
“Có cây trăm thước, có hoa bốn mùa,
Có cổ thụ, có sơn hồ…“
Rõ ràng là một ngôi chùa của nhà giàu. Một ngôi chùa trong khuôn viên thế gia vọng tộc, bề thế. Ý định của Hoạn Thư cho Kiều qua Quan Âm Các là vừa tỏ ra độ lượng thể theo ý nàng, nhưng cũng vừa để kiểm soát nàng chặt chẽ. Quan Âm Các là nhà tù giam lỏng Kiều. Tất cả những nghi thức xuất gia đều đủ cả, tam qui ngũ giới, áo cà sa, pháp danh Trạc Tuyền đều tươm tất thi hành. Kiều bắt đầu làm quen với một cuộc sống khác hẳn ngày trước, không phải chiều khách làng chơi, không nô lệ phục dịch, mà chỉ “ngày pho thủ tự, đêm nhồi tâm hương”, nâu sồng, muối dưa. Nhưng thực sự lòng nàng còn nồng, còn cháy, dù đã tìm đến giọt nước cành dương để “tưới lửa lòng” đang khổ. Đau, thương, nhớ ngùn ngụt. Không! Quan Âm Các chỉ là nơi lánh nạn trong cơn bão táp, trong cơn tuyệt vọng nhưng trong lòng Kiều vẫn còn khao khát cuộc sống ở ngoài đời. Bao lâu còn tủi hờn, đau lòng xót dạ thì bước chân của Trạc Tuyền còn lưu luyến nơi ngưỡng cửa thế gian: vùi đầu vào lời kinh là chỉ để giấu nước mắt khóc thầm cho số phận bẽ bàng, Kiều vẫn còn nhớ Thúc Sinh. Nàng là người chí tình, đã được Thúc Sinh bao bọc chở che chiều chuộng, cho nàng biết được hạnh phúc thực sự của đời sống vợ chồng, nay bỗng bị người khác không chế, tước đoạt hạnh phúc ấy, nàng vẫn cứ một lòng nhớ đến người mà mình đã nhận làm chồng hiện đang “trong gang tấc, lại gấp mười quan san”. Quan Âm Các đối với Kiều chỉ là chốn tạm lánh thân, để khỏi phải đớn đau trực diện. Chúng ta hãy nghe Nguyễn Du tả cảnh đời Quan Âm Các:
Nàng từ lánh gót vườn hoa
Dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng.
Nhân duyên đâu lại mà mong,
Khỏi điều thẹn phấn tủi hồng thì thôi.
Phật tiền thảm lấp sầu vùi,
Ngày pho thủ tự, đêm nhồi tâm hương…
Quan phòng then nhặt, lưới mau,
Nói lời trước mắt, rơi châu vắng người.
Bước chân của nàng Kiều đến Quan Âm Các là bước chân lưỡng lự, trong thế chẳng đặng đừng, nơi đó chỉ là chốn tạm, xa đi bụi hồng quấn quít vướng chân, nhưng hờn tủi, thất vọng, hổ thẹn, tủi thân xen lẫn với nhớ thương vẫn sủi bọt trong lòng.
Kịp đến khi bị Hoạn Thư bắt gặp Thúc Sinh trốn ra tình tự, nàng quá sợ hãi, bỏ trốn đi trong đêm khuya. Thân gái đặm đường lao đao, “mịt mù dặm cát đồi cây”… sợ hãi, kinh hoàng, bơ vơ không nơi bám víu. Lần đầu tiên trong đời nàng ra đi một thân một mình, quyết định lên đường dứt khoát. Những lần trước từ khi xa cha mẹ, dù miễn cưỡng, dù bị bắt buộc, nàng vẫn có người bên cạnh đi kèm theo. Đây là lần đầu tiên Kiều mạo hiểm dấn bước một mình, cao chạy xa bay, trốn, rời bỏ người mà nàng tưởng có thể che chở cho nàng nhưng hoàn toàn bất lực trước người vợ quá sâu hiểm. Những bước… tự do trong đêm khuya sao quá hãi hùng cho người con gái yếu đuối chẳng biết trông cậy vào ai. Bơ vơ trong rừng cây, giữa đêm sâu hút, giữa trời rộng bao la, tình cảnh thật là tội nghiệp vô vàn. May sao và mừng sao, thấp thoáng trong rừng cây:
“Chùa đâu trông thấy nẻo xa,
Rành rành “Chiêu Ẩn Am” ba chữ bài“
Bước chân của Kiều vội vàng mừng rỡ khôn xiết, có lẽ chưa bao giờ trong đời nàng đã rảo bước hăm hở đến một ngôi chùa như thế “Xăm xăm gõ mái cửa ngoài”.
Chiêu Ẩn Am, ba chữ đầy ý nghĩa, xin mời người đến tá túc khỏi mọi nan nguy của cuộc đời. Và Kiều không mong gì hơn trong hoàn cảnh bấy giờ là được lưu lại nơi ấy. Lần đầu tiên nàng cảm thấy ngôi chùa thật sự là nơi cứu nạn cứu khổ. Chân nàng bước đến với nỗi mừng thoát cơn hoạn nạn, lạc loài. Nàng không mong gì hơn được ở ẩn, được yên thân. Với Chiêu Ẩn Am, mái chùa trở nên không còn xa lạ. Nàng bắt đầu thân thuộc với không gian đạm bạc, yên tĩnh, hiền lành, không còn có cảm giác đau đớn bị nanh vuốt của ghen tuông cấu xé, không còn hờn tủi oán giận, nàng vui được nương náu cửa Không, chứ không còn miễn cưỡng như khi ở Quan Âm Các.
Ta hãy nghe Nguyễn Du tả đời sống của Kiều trong Chiêu Ẩn Am:
“Gửi thân, được chốn am mây,
Muối dưa đắp đổi, tháng ngày thong dong.
Kệ kinh câu cũ thuộc lòng,
Hương đèn việc cũ, trai phòng quen tay,
Sớm khuya lá bối, phướn mây,
Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện sương.
Thấy nàng thông tuệ khác thường,
Sư càng nể mặt, nàng càng vững chân“.
Khác với khi ở Quan Âm Các trong tâm trạng đầy lo âu dằn vặt mà không dám hé lời than thở, ở Chiêu Ẩn Am, Kiều bắt đầu nếm được vị “thong dong của tháng ngày”, vị tự do không bị ràng buộc bởi tình khổ, bởi nô lệ, bởi ham muốn.
Thế nhưng, Chiêu Ẩn Am cũng vẫn chỉ là một run rủi tình cờ trên đường phiêu bạc của nàng Kiều như một chiếc lá rụng xuống trong vườn cây. Sự yên phận của nàng là do hoàn cảnh đưa đẩy và nàng không có chọn lựa nào khác hơn là vui mừng chấp nhận. Chiêu Ẩn Am chưa phải là ngôi chùa chắc chắn trong tâm của nàng Kiều. Có thể nàng sẽ lưu lại đó suốt cuộc đời, nếu không có những biến cố xảy ra tiếp theo, nhưng những biến cố tiếp theo cho ta thấy nàng vẫn còn là người nòi tình, nhiều ước mộng, ham sống, vẫn đam mê và ngu muội trong cõi luân hồi.
Cho đến khi hoàn cảnh bắt buộc phải rời Chiêu Ẩn Am, Kiều trở thành nạn nhân của bọn buôn người khác, phải đi tiếp khách ở thanh lâu. Bị bắt buộc trở lại guồng máy của cuộc đời trầm luân, Kiều lại đóng vai “con người” dấn thân kiêu ngạo trong chốn giang hồ (mắt xanh chẳng để ai vào!) và đạt đến đỉnh cao danh vọng với người hùng Từ Hải. Nàng cũng vẫn là “nhi nữ thường tình” như thưở nào, vẫn rắp tâm ân đền oán trả, vẫn yêu say sưa và vẫn ghét đắng cay, vẫn ước mơ và vẫn đầy hi vọng với cuộc đời trần thế. Người đọc đã tưởng nàng ở trong danh vọng giàu sang, thì sẽ quên ngôi chùa, quên nơi chốn “an bần lạc đạo”, nơi nàng đã có lần lưu lại trong cơn khốn khổ. Người đọc không ngạc nhiên về sự đền ơn cứu khổ của Kiều đối với sư Giác Duyên nhưng thật sự ngạc nhiên, khi đọc được những lời Kiều, bây giờ đang ở ngôi cao mệnh phụ đường đường với Từ Hải, trò chuyện với Giác Duyên:
“Nàng rằng thiên tải nhất thì,
Cố nhân đã dễ mấy khi bàng hoàng.
Rồi đây bèo hợp mây tan,
Biết đâu hạc nội mây ngàn là đâu“…
Hóa ra có một ngôi chùa vẫn còn nằm trong trí nhớ của Từ Hải phu nhân hiện đang giàu sang tột đỉnh, nó quen thuộc như “cố nhân”, đó là nơi trú ẩn của kẻ hành nhân lạc loài, cháy khát. Tuy đang sống trong nhung lụa, tình cảm “muối dưa” đã có một lần chia chung Kiều vẫn còn giữ trong lòng. Mái chùa ấy, vị sư ấy, đời sống thanh bần ấy đã trở thành một hình ảnh sâu lắng, hình như nó dần dần thâm căn, mọc rễ trong vô thức nàng Kiều, thân thiết quen thuộc cũng không khác ngôi nhà cha mẹ sinh thành.
Trong lời nhắn gửi sư Giác Duyên nhờ chuyển lời đến sư Tam Hợp thật gói ghém nhiều điều:
“Nàng rằng: Tiền định tiên tri,
Lời sư đã dạy ắt thì chẳng sai.
Họa bao giờ có gặp người,
Vì tôi cậy hỏi một lời chung thân“.
Người viết có cảm tưởng như đang nghe bà hoặc mẹ đang ngồi tiếp một vị tiểu sư của chùa nhà trong buổi trưa nắng thét, và giữa hai ngụm trà mời khách, cẩn trọng, thân thiết hỏi thăm cảnh chùa làng nay ra sao, còn cây bồ đề đang đổ bóng trên sân, sư cụ có còn trì kinh như xưa hay đã đi hái thuốc phương xa và xin kính gửi lạy Phật lạy sư “một lời chung thân”. Nghe gần gũi và thân quen câu nhắn gửi ấy, thì biết mái chùa, nếp sống nâu sồng, các vị sư đã có mặt từ bao giờ trong trái tim của Kiều.
Cho đến khi đỉnh cao danh vọng sụp đổ vì nhẹ dạ nghe theo lời đường mật của tên quan gian trá họ Hồ, xui Từ Hải ra hàng. Từ Hải chết, bị bắt ép nhục nhã, Kiều đã chấm dứt cuộc đời đoạn trường khổ bằng cách gieo mình xuống sông Tiền Đường. Trong cơn mê trôi trên dòng nước, nàng được Giác Duyên cứu thoát đem trở về chùa. Mái chùa bên ven sông Tiền Đường mà Giác Duyên dựng lên đơn sơ lắm, mái tranh vách đất, khác xa một trời một vực với cung điện nguy nga, mà cũng khác với những ngôi chùa nhà giàu, chỉ là một mái thảo lư đúng nghĩa với cửa Không: trời nước mênh mông, lồng lộng lượng từ bi:
“Giác Duyên nghe nói mừng lòng,
Lân la tìm thú bên sông Tiền Đường
Ánh tranh, lợp nóc thảo đường,
Một gian nước biếc, mây vàng chia đôi“.
Một mái chùa cỏ, không có gì ở bên trong, chỉ có một ý nguyện cứu người hoạn nạn. Họ gặp nhau, mừng rỡ. Trong ngôi thảo lư đạm bạc ấy, Kiều có cảm giác từ một cơn ác mộng hồng lâu, nhà vàng gác tía, trở về trong một vũ trụ rộng mở, trong đại ngã thiên nhiên, mà bấy lâu nay nàng chỉ có một khái niệm mơ hồ mông lung. Trong không gian chay tịnh diệt cái ngã thích sở hữu, Kiều học nhìn thế giới, thiên nhiên với một nhãn quan không còn đối đãi, tù túng như ở lầu Ngưng Bích, mà mở rộng cùng chia: chia gió trăng, chia đạm bạc, chia cái vô cùng của nước mây:
Thấy nhau mừng rỡ trăm bề.
Dọn thuyền, mới rước nàng về thảo lư.
Một nhà chung chạ sớm trưa,
Gió trăng mát mặt, muối dưa chay lòng.
Bốn bề bát ngát mênh mông,
Triều dâng hôm sớm, mây lồng trước sau.
Vũ trụ quan và nhân sinh quan đã xoay chiều, nhà tù luân hồi nghiệp chướng đã được mở rộng toang, ý niệm không gian và thời gian không còn hạn hẹp trong cái ngã chật chội, cỏn con danh lợi. Với hai câu thơ:
“Bốn bề bát ngát mênh mông,
Triều dâng hôm sớm, mây lồng bóng sân“.
so với thuở trước cảnh vật quanh lầu Ngưng Bích, nơi Kiều bị giam lỏng:
“Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia“.
Nguyễn Du đã diễn tả sự giải phóng của nàng Kiều bằng 4 chiều biến đổi: ba chiều không gian như ngoại cảnh và chiều thứ tư là thời gian nội tâm, trong sự chuyển vần từ tù túng trói buộc sang thong dong đi về “hôm sớm”, “trước sau”. Chỉ với hai câu thơ đầy hình tượng thiên nhiên mở ra ý niệm siêu hình về thời gian và không gian, cũng đủ cho thấy sức sáng tạo thi ca và tư tưởng của Nguyễn Du quyện vào nhau như cánh đại bàng lướt gió, nếu có ai như nhà phê bình Đổng Văn Thanh1 muốn đem con chim đại bàng này nhốt lại trong chuồng gà thì chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi.
Chính nơi thảo lư này Kiều đã thấm nhuần cuộc sống nương cửa Bồ Đề, tuy nhiên Giác Duyên cũng đã nhận thấy lòng trần của Kiều vẫn còn chưa dứt hẳn, nàng vẫn còn một căn bệnh chưa nguôi: nhớ nhà! Khi con người vừa mới sinh ra, nó đã bắt đầu nhớ, nhớ mẹ. Kiều không nhớ không được:
“Phật tiền ngày bạc lân la,
Đăm đăm, nàng cũng nhớ nhà khôn khuây“.
Nhớ như thế thì không tu được. Phải quay trở lại trần thôi. Mái chùa ấy vẫn còn là một định chế bên ngoài cho Kiều dừng chân, tạm thời thoát tục, nàng thụ động chấp nhận bước chân vào đó, vui mừng được thoát nạn khi ở trong đó, nhưng nó vẫn ở ngoài Kiều. Nó vẫn còn là điều gì theo qui ước ngay cả khi nàng nói:
“Mùi Thiền đã bén muối dưa,
Màu thiền, ăn mặc đã ưa nâu sồng.
Sự đời đã tắt lửa lòng,
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi”.
Kiều tưởng đã dừng chân nơi thảo am ở sông Tiền Đường, ấy vậy mà nàng vẫn còn lưu luyến chưa dứt được sợi dây ràng buộc của tình cũ nghĩa xưa, của cha mẹ thân yêu. Cũng thật thường tình, có thể thông cảm mà không hoài nghi thắc mắc tự vấn: Có nên thất vọng hay nên vui mừng khi thấy Kiều được đoàn tụ gia đình? Có thật Kiều đã rời bỏ mái thảo lư có nhiều trăng, nhiều mây, sông nước mênh mang ấy? Ngay khi nàng “giã sư giã cảnh” theo lệnh phụ thân trở về với gia đình là thôi, bỏ hết con đường học đạo?
Nguyễn Du không trả lời những thắc mắc ngớ ngẩn ấy, mà đòi ta phải đi tìm. Cuộc đoàn tụ đã được Nguyễn Du diễn tả với tất cả sự nhạy bén thấu hiểu tâm trạng và tâm lý người trở về cũng như của mọi nhân vật2. Trong chuỗi thơ liên tiếp đầy diễn biến nội tâm “bi hoan mấy nỗi” ta bỗng bắt gặp một hai câu thơ tuồng như vô tình mà rất hữu ý giữa những câu ca ngợi cuộc hòa hợp tâm đắc Kiều Kim:
Khi chén rượu khi cuộc cờ,
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.
Ba sinh đã phỉ mười nguyền,
Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy
Nhớ lời, lập một am mây,
Khiến người thân tín rước thầy Giác Duyên.
Đến nơi đóng cửa cài then.
Rêu trùm kẽ gạch, cỏ lên mái nhà.
Sư đà hái thuốc phương xa,
Mây bay, hạc lánh, biết là tìm đâu?
Nặng vì chút nghĩa bấy lâu,
Trên am cứ giữ hương dầu hôm mai.
Và chợt hiểu thêm một điều: bước chân trở lại trần của nàng Kiều lần này không giống những bước chân ra đi vào cõi hồng trần nữa, nó tương tự như bước chân của một thực thể đã liễu tri được mọi qui luật của cuộc đời, từ đó đã được giải phóng, một thực thể đã ra khỏi dòng đời nhưng lại bước về, nhập thế3. Kiều nhập thế lần này khác với lần trước, nàng không quên mái chùa. Hơn thế nữa, nàng lập nên một am mây, một cửa Không, ngay giữa lòng đời, miệt mài một chữ “nghĩa” với người với đời.
Bước vào ngôi chùa ấy, nàng Kiều không còn lưỡng lự tiến thối, không còn cảm giác tạm thời, cảm giác bị động, bởi vì chính nàng là người chủ động, người sáng tạo ra nó, là người “phát tâm Bồ đề” cho ý nguyện tiếp tục công việc hằng tâm. Bước vào chùa hay đi vào đời đối với Kiều bấy giờ cũng trong cùng một ý nghĩa trọn thành, không đối đãi.
Ngôi chùa ấy vô danh, chỉ là một am mây thôi, không rồng bay phượng múa, cũng không có sư sãi, nhưng tinh tấn hôm mai dầu đèn. Nó đúng là VÔ MÔN, hay có thể viết trên cửa một chữ “TÂM”, tùy duyên ai bước đến…
—————————————————-
1 Đổng Văn Thanh, tác giả người Trung Quốc, tác phẩm “Thanh đại văn học luận cảo“, so sánh tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện với Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du.
2 Xem: Thái Kim Lan, Ý niệm đoàn viên trong truyện Kiều
3 Đây cũng là khái niệm về Bồ Tát, mẫu người đạt đạo lý tưởng theo Phật giáo Đại Thừa.
Chú thích ảnh: Kiều – sơn dầu- Nguyễn Quân