Theresa Schubert: Nuôi cấy mô người làm thịt nhân tạo
Khi tự nuôi cấy mô cơ của mình thành miếng thịt nhân tạo rồi mời mọi người ăn, Theresa Schubert đã mở ra những tầm nhìn mới về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, và về nội hàm của nhân tính.

Từ thịt hợp đạo đức
Theresa là một người ăn chay. Nhưng hôm ấy, trước hàng chục khán giả, cô cắt một lát thịt mỏng màu đỏ tươi rồi đưa lên miệng. Cô giải thích rằng đây là một miếng thịt nhân tạo, được nuôi cấy từ các tế bào cơ của chính cô. Và cô mời khán giả lại gần để cùng dùng bữa.
Màn “ăn thịt người” này không phải là một tiết mục giải trí, mà là một tác phẩm nghệ thuật trình diễn. Nó được Theresa Schubert – một nghệ sĩ kiêm nhà khoa học sống tại Berlin – gửi đến khán giả vào ngày 2/6/2020. Tác phẩm này là thành quả từ cuộc hợp tác kéo dài một năm giữa Schubert và các kỹ sư của Educell, một công ty công nghệ sinh học ở Slovenia. Khi ăn miếng thịt, cô và khán giả đã mở ra một khả năng mới cho tương lai: con người tự nuôi sống mình bằng cách sản xuất thịt người trong ống nghiệm, thay vì gây tổn thương cho các loài động vật khác.
Nếu huyết thanh từ cơ thể người có thể được dùng để nuôi cấy các mô cơ của chính họ, với năng suất chỉ nhỏ hơn huyết thanh thai bò đôi chút, sao chúng ta không khép vấn đề lại bằng cách tự sản xuất thịt của mình để ăn? Chúng ta vẫn sống tiếp sau khi ăn thịt chính mình, còn thai nhi bò thì không – Schubert lưu ý.
Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện sau đó không lâu, Schubert cho biết cô đã dành sự quan tâm cho việc nuôi cấy thịt người từ khi biết những mặt trái trong ngành công nghiệp nuôi cấy thịt động vật. Sau khi miếng thịt bò nhân tạo đầu tiên ra mắt công chúng vào năm 2013, các công ty sản xuất thịt nhân tạo đã hứa hẹn mang đến một nguồn thịt sạch và đạo đức hơn cho công chúng. Lời hứa về đạo đức này xuất phát từ thực tế rằng để tối đa hóa lợi nhuận, ngành công nghiệp chăn nuôi đang nuôi nhốt động vật trong những điều kiện ngày càng vô nhân đạo, tạo nên một mâu thuẫn lớn giữa nền kinh tế đang nuôi sống xã hội con người và những giá trị tinh thần mà xã hội đó dựa lưng. Nhưng đó chỉ là lời hứa hão huyền: trong thực tế, người ta đang nuôi cấy thịt nhân tạo trong huyết thanh được lấy từ thai nhi bò – thứ được sản xuất bằng cách rút máu của thai bò cho đến khi thai chết. Vậy nếu huyết thanh từ cơ thể người có thể được dùng để nuôi cấy các mô cơ của chính họ, với năng suất chỉ nhỏ hơn huyết thanh thai bò đôi chút, sao chúng ta không khép vấn đề lại bằng cách tự sản xuất thịt của mình để ăn? Chúng ta vẫn sống tiếp sau khi ăn thịt chính mình, còn thai nhi bò thì không – Schubert lưu ý.1
Đến “vị” của thịt người
Trong phần tiếp theo của cuộc phỏng vấn, Schubert chia sẻ những tính toán cẩn trọng của cô về hình thức cần có của tác phẩm. “Điều quan trọng nhất là từ đầu đến cuối dự án, tôi phải trực tiếp làm việc với tế bào của bản thân” – cô cho biết. Cô phải trải qua cơn đau khi bị cắt mô và rút huyết tương, phải tự nuôi cấy và chứng kiến tế bào của mình phát triển trong phòng thí nghiệm, phải tự tay cắt và chế biến thịt của chính mình, và phải tự ăn thịt mình. Để thêm chất hài đến cho buổi trình diễn, Schubert còn dùng AI để xây dựng một nhân cách giả lập cho miếng thịt; AI này giao tiếp bằng cách phối hợp giọng nói và tính cách của cô với thông tin nó tìm được trên Internet. Khán giả vừa ăn thịt Schubert, vừa nói chuyện với miếng thịt để hỏi xem nó cảm thấy thế nào về điều này. Trong lúc nhiều nghệ sĩ đương đại xem nhẹ hình thức của tác phẩm, và ưu tiên phần ý niệm hơn, dường như Schubert tin rằng cảm giác vật lý mà tác phẩm mang lại là điều tối cần thiết để cả nghệ sĩ lẫn khán giả có thể hình thành một ý niệm.

Trả lời phỏng vấn, Schubert cho biết cô đã hình thành một mối liên hệ mật thiết với miếng thịt sau một năm làm việc với nó. Dù vậy, việc miếng thịt không có cấu trúc của thịt tự nhiên – chẳng hạn, không có các mạch máu và mô mỡ – đã mang lại cho nó một mùi vị nhân tạo lạ lẫm, không giống với bất cứ loại thịt nào mà cô từng ăn trước đây. Những gì nằm trên đĩa petri mang đến cho cô một cảm giác xa lạ, khiến cô không còn cảm nhận nó như miếng thịt được cắt ra từ chân của mình.
Trong lúc miếng thịt khơi gợi nơi khán giả nhiều cảm nhận và suy ngẫm đa dạng, Schubert chia sẻ với báo chí một số cuộc thảo luận mà cô muốn tác phẩm chạm đến. Trước tiên là cuộc tranh luận về chủ nghĩa hậu nhân vị (posthumanism), theo đó con người cần nhận thức rằng sự tồn tại của mình phụ thuộc vào các thực thể phi nhân loại như môi trường, động thực vật, máy móc…, và mình không phải là trung tâm của thế giới, mà chỉ là một mắt xích trong thiên nhiên. Thái độ “chúng sinh bình đẳng” này chỉ được đẩy đến tận cùng nếu ta xem con người như bất cứ loài sinh vật nào khác, và vì thế, như một nguồn thực phẩm tiềm năng.
Một mục tiêu khác mà tác phẩm muốn nhắm đến là xét lại “chủ nghĩa duy vật cơ học” của Descartes, vốn xem động vật là những cỗ máy vô tri giác. Nếu quan điểm của Descartes – rằng động vật là những máy móc “ăn dù không thích, kêu dù không đau… tiếng kêu của chúng không hơn gì tiếng kêu cót két của bánh xe” – từng bị những người cùng thời lên án là ngu ngốc và ác độc, thì xã hội hiện đại, vốn chỉ xem động vật như những vật liệu hữu cơ được sản xuất hàng loạt, đang vận hành theo chính quan điểm đó. Vùng tối này được che giấu bằng những nhà máy và lò mổ khuất mắt người tiêu dùng, khiến họ nhìn thịt bò chỉ như những miếng thịt trong siêu thị, thay vì như phần cơ thể của một động vật từng có cảm nhận riêng. Nếu thử xem mình như một nguồn cung ứng thịt, không khác động vật, người ta sẽ nghĩ một cách nghiêm túc hơn về góc khuất này – Schubert nhận xét.
Cũng có những cuộc thảo luận nhạy cảm và đa chiều hơn mà tác phẩm của Schubert muốn thúc đẩy khán giả gia nhập. Chẳng hạn, nó đặt câu hỏi: liệu ăn thịt người có xấu không? Hiện nay, ăn thịt người là một trong những điều cấm kị lớn nhất đang tồn tại trong xã hội loài người. Chủ đề này hầu như không được thảo luận một cách lý tính, mà chỉ được dùng cho các kịch bản khải huyền và phản địa đàng trong phim ảnh, âm nhạc, tiểu thuyết, hoặc các phần khác của văn hóa đại chúng. Trong lịch sử, cấm kị này đã được người phương Tây da trắng viện dẫn để biện minh cho việc giết hại các cộng đồng bản địa bị nghi là “ăn thịt người”, chẳng hạn như các thổ dân ở quần đảo Caribe. Với lý lẽ rằng một con người ăn thịt đồng loại sẽ mất đi tính người, họ xem thổ dân như những thú vật đáng bị khai thác hoặc giết hại – ở một quy mô hủy diệt mà chưa thổ dân nào từng mang đến cho các sinh vật khác. Độ lệch văn hóa và mâu thuẫn lịch sử này đã góp phần tạo nên bối cảnh mà từ đó tác phẩm được nhào nặn nên.
Một vấn đề khác mà tác phẩm chạm đến, theo Schubert, là việc xem cơ thể người như một sản phẩm. Khi công nghệ sinh học cho phép nuôi cấy các mô mới của người để thay thế cho các cơ quan cũ hỏng, hoặc cho phép chỉnh sửa bộ gene như thể viết đơn đặt hàng cho một con người sắp được sản xuất ra, thì cơ thể người đã trở thành một chất nền có thể được hiệu chỉnh và tái cấu trúc. Trong tác phẩm trình diễn này, Schubert đã coi cơ thể mình như một vật liệu – tức một đồ vật, một cấu trúc phi nhân cách – để thí nghiệm trên. Những cảm thức mà cô và khán giả trải qua trong buổi diễn này hé lộ những câu hỏi mà nhân loại sẽ đặt ra khi sống trong một kỷ nguyên công nghệ mới.
Kéo nghệ thuật lại gần khoa học
Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện vào năm 2016, Schubert kể rằng cô đã tò mò về sinh học từ khi còn nhỏ. Hồi năm tuổi, cô thường bắt ốc sên từ đồng cỏ vào nhà, thả chúng vào hộp đựng giày để nuôi bằng rau diếp, trước khi chuyển sang nuôi kiến sau đó vài năm. Khu vườn lớn bao quanh ngôi nhà thời thơ ấu đã cho phép cô đi sâu hơn vào những trải nghiệm này. Sau khi tốt nghiệp ngành Nghệ thuật Truyền thông ở Đại học Bauhaus-Weimar, cô dành vài năm để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật bằng máy tính, trước khi quyết định làm một thứ gì đó hiện diện rõ hơn trong đời thực. Vào thời điểm đó, nhờ làm việc cho Ars Electronica – một viện văn hóa, giáo dục và khoa học của Áo chuyên về mối liên kết giữa nghệ thuật, công nghệ và xã hội – Schubert đã được sử dụng phòng thí nghiệm sinh học, và tìm được phương tiện cho hướng đi mới của mình. Các tác phẩm của cô mang một thẩm mỹ đặc biệt, nơi không khí của các phim khoa học viễn tưởng và thuật giả kim được pha trộn với vẻ đẹp của các sinh vật sống.2
Theresa Schubert xem các sinh vật sống và trí tuệ nhân tạo như những đồng tác giả làm việc chung với mình, thay vì chỉ như chất liệu. Thực hành của cô xét lại các định nghĩa về con người, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa nghệ thuật và khoa học.3
Hãy xem xét vài tác phẩm của Schubert trong giai đoạn đầu sự nghiệp, khi cô làm việc với loài nấm nhầy (slime mold) mang tên Physarum polycephalum. Là một động vật nguyên sinh có thể hợp nhất nhiều tế bào khác nhau thành một tế bào khổng lồ với hàng triệu nhân bên trong, P. polycephalum phân phối vật chất nhanh hơn so với cơ chế trao đổi chất qua màng tế bào của các tập đoàn đơn bào (như tập đoàn trùng roi), nhờ đó có độ linh hoạt rất cao trong việc di chuyển và suy nghĩ. Bằng cách tăng cường các đường truyền vật chất nối đến nơi có nguồn thức ăn, và tiêu giảm những đường truyền nối đến nơi không có – một cơ chế có nét tương đồng với cơ chế học hỏi của các tế bào não người – loài nấm nhầy này có thể tìm đường để di chuyển đến nơi có thức ăn trong một mê cung. Cơ thể có dạng các cành nhánh phân tán, không phân chia cấp bậc của nấm nhầy đã gây hứng thú cho Schubert, khi chúng gợi nhắc đến hình tượng rhizome (thân rễ) mà Deleuze và Guattari sử dụng để mô tả một cách tổ chức và tư duy phi tập trung, phi tuyến tính.
Trong tác phẩm “somniferous observatory” (2011-2013), Schubert nuôi nấm nhầy trong các bình thủy tinh thí nghiệm, rồi cho vào mỗi bình một loại chất có tác dụng gây mê hoặc gây nghiện đối với hệ thần kinh người. Cô chụp hình, để ghi lại các cấu trúc mạng lưới khác nhau mà nấm nhầy tạo thành khi tiếp xúc liên tục với mỗi chất. Trong tác phẩm “bodymetries” (2013-2015), cô viết một thuật toán mô phỏng cơ chế ra quyết định của nấm nhầy, để tạo một “AI nấm nhầy” có khả năng tìm con đường ngắn nhất nối giữa các nốt ruồi và nếp nhăn trên làn da của cô. Khi bước vào phòng trưng bày, các khán giả sẽ đặt bàn tay mình lên một máy quét, trước khi máy chiếu thắp sáng da họ bằng một con nấm nhầy điện tử màu vàng lục, lần mò đâm nhánh để tìm đường từ nốt ruồi này sang nốt ruồi khác. Ở cả hai tác phẩm, nghệ sĩ chỉ soạn và bài trí “luật chơi”, chính quá trình “chơi” có phần ngẫu hứng của sinh vật hoặc AI mới tạo nên hình thức thị giác hoàn chỉnh của tác phẩm.3
Nếu bạn cởi giày, đi bộ qua từng khu vực khác nhau trong thành phố rồi in dấu chân lên một mặt kính sau mỗi chuyến đi, những vi khuẩn bám trên mỗi dấu chân này sẽ phát triển thành hình dáng nào nếu được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm? Và một AI được lập trình để bảo vệ cân bằng môi sinh trên Trái đất sẽ ngăn chặn con người ra sao? Bằng những tác phẩm như vậy, Theresa Schubert mang đến cho khán giả các lăng kính khác, cho phép họ nhìn thế giới qua mắt của máy móc hoặc các sinh vật phi nhân, vốn đã và đang chia sẻ thế giới này với con người. Dù chẳng tác phẩm nghệ thuật nào khiến công chúng lập tức hành động vì môi trường, nghệ thuật chậm rãi mở rộng cách con người tư duy về thế giới và bản thân, và mở ra một vườn nuôi cấy những lối sống chưa có lúc này – điều mà triết học và khoa học có thể chung sức làm, nhưng các chiến dịch tuyên truyền hữu hiệu thì không thể.□
——–
Nguồn tham khảo:
1 https://we-make-money-not-art.com/meat-me-food-for-a-post-anthropocentric-society
2 https://clotmag.com/biomedia/theresa-schubert
3 http://theresaschubert.com/artworks
Bài đăng Tia Sáng số 6/2025