Thờ chữ

Càng thăm các chùa, cái sự tình chữ Trung Hoa chi chít càng làm tôi mệt mỏi. Chùa cũ, chữ Trung Hoa vốn dùng từ thuở xưa, giữ như thế, đã đành, nhưng người ta còn đang hăng hái viết bổ sung chữ Trung Hoa thêm nữa. Các chùa xây mới tinh, người ta cũng cứ nhất nhất phải chữ Trung Hoa, không dám dùng chữ Việt, là cớ làm sao?

Chuông reo!

Trời tầm quá trưa, nóng hóa điên! Chần chừ định thay quần áo, rốt cuộc tôi cứ nguyên quần cụt với T- shirt mà ra mở cửa.

Ngoài đường, người và vật bốc hơi hết hẳn đi đâu, chỉ còn cái nắng, cái nắng chang chang, cái nắng vỡ đầu. Có mỗi một chiếc xe đậu bên kia đường là đáng nghi…

– “Òòò..a!” Đôi bàn tay mềm nào ập lên vai tôi.

Tôi giật bắn mình. Rồi chợt chuyển sang vui rỡ. Rồi lại chợt chuyển sang ngượng ngùng…

– “Ôi chào Diệm! Xấu hổ quá, tôi ăn mặc thế này để mà xuất hiện trước người đẹp lừng tiếng!”

– “Chào anh Tưởng của em! Ê, đàn ông, ai chấp đẹp làm gì. Lâu quá rồi chúng mình mới gặp lại nhau nhỉ! Em đang super vội đây. Nói nhanh: hôm qua tình cờ nghe thấy mấy đứa bạn bảo anh Tưởng đang ở đây, em qua ngay. Nhưng không kịp đi café hàn huyên gì bây giờ đâu nhé! Tin buồn cho anh, em thân gửi anh thiếp cưới của bọn em đây, sáng chủ nhật này rồi! Thế nào anh Tưởng cũng phải có mặt! Tổ chức chỉn chu, vui vẻ thượng tôn, không nhận quà mừng, anh Tưởng không còn lý do gì để từ chối nữa. Rõ chưa ạ?!”

– «Nghĩ đã kĩ chưa mà đã cưới xin đấy? Đã cưới, dẫu có hoãn về sau, vẫn là hết được đi thi hoa hậu nhé.»

– “Kĩ rồi. Em đi đây.”

– “Diệm này, chỗ quá đông người, nửa quen nửa không… Hay là mình gặp nhau sau đấy…”

– “Chuyện ấy, giữ lấy riêng của anh. À quên, chú rể tên là Tân, chưa từng được gặp anh Tưởng, nhưng thế nào cũng sẽ chơi rất thân được với anh Tưởng! Bận quá, nhưng em đăng kí trước nhé, chủ nhật sau khi cưới, Tân với em sẽ mời anh Tưởng đi dã ngoại một chuyến cùng nhau, trúng ý nhé, bọn em lên kế hoạch rồi đấy. Em đi đây, nước rút rồi.”

Diệm khéo vén váy, lên xe, không cho tôi một cơ hội trả lời.

– – –

Sáng chủ nhật này trời bỗng dưng mát mẻ, như có chút gió mùa lạc mùa. Tôi quyết định đi bộ đến chỗ đám cưới của Diệm, không xa mấy mà. Trốn làm sao được, đây là đám cưới của Diệm! Với đám đông, thực tình tôi chỉ thích mỗi đám đông mà không có ai quen ở trong đó! Lúc ấy, thảnh thì mình làm nhà quan sát, hứng thì mình làm tay diễn viên, hoàn toàn tự do. Nhà tâm lý học thực nghiệm nào đó cho hay rằng sức chú ý tối đa của mỗi người vào những người xung quanh mình “cùng một lúc” là mười bảy người. Đúng không nhỉ? Tôi nhẩm tính… Như vậy, muốn làm đám cưới thực sự chia sẻ được cùng nhau, và lại muốn mời được 160 người, thì phải làm 10 buổi khác nhau, vì 17 người thì 16 người là khách, người thứ 17 là tình nhân của mình rồi… Còn nếu muốn mời được 1.600 người, thì phải làm 100 buổi khác nhau, nghĩa là cứ mỗi tuần phải tổ chức hai buổi, trong suốt một năm ròng…

Đang mải nghĩ ngợi tính toán đâu đâu, suýt nữa thì tôi cộc đầu vào cô dâu Diệm với chú rể Tân đang đứng đón khách ở sảnh tòa nhà! Cả hai đang cười ngất nhìn tôi, người đâu mà không còn biết giời đất gì sất cả!

Anh chàng Tân nom thật là dễ mến, thanh mảnh, nhẹ nhàng, vững chãi “ôi chào anh Tưởng, Tân được nghe Diệm kể mãi chuyện về anh đấy ạ!”. Còn Diệm hôm nay sao mà đài các thế, đến mây tóc cũng tỏa sáng. Đông khách đến, sau phút vồn vã, chúng tôi vội nháy mắt nhau “để sau nghen”.

Nói sợ đám đông, nhưng rồi ta quen với mọi nỗi sợ cũng nhanh thôi, nếu không phải là những tình thế quá hiểm nghèo. Đám cưới này được tổ chức thật là công phu. Có điều mọi cái có vẻ hơi trôi chảy quá, tempo lại hơi nhanh, thành ra tôi cảm thấy như mình đang xem một bộ phim cưới đã được kiểm duyệt trước, đã được cắt nối ghép lại quá kĩ càng. Anh chàng dẫn chương trình, “MC”, thì đang nhầm vai một cách siêu vô thức, rằng mình đang là người dẫn một chương trình ca nhạc hải ngoại có tiếng tăm gì gì đó. Có một câu mà anh ta mê mệt sử dụng, làm cho công chúng phát mệt mê, đó là cái câu anh ấy đã nhặt được ở cái băng cassette nào đó «… vậy là, như để tiếp nối chương trình…”, với chữ «…vậy” được phát lên ở nhịp đảo có tính câu khách vẹt sáo. “Thôi, đừng kĩ tính”, tôi tự nhủ.

Diệm vốn là giấc mơ của bao nhiêu chàng học trò trường trung học ngày xưa, giỏi giang, nết na, diễm lệ. Hết trung học, Diệm đi học bên châu Âu, rồi đi làm bên ấy. Mấy khách cùng bàn tôi cũng cho biết thêm rằng chú rể Tân là chàng trai xuất sắc, cũng đã đi học, rồi đi làm ở bên ấy. Và họ gặp nhau. Chả còn gì tự nhiên hơn. Hơn cả thế nữa, các phụ huynh của cả hai gia đình cô dâu chú rể cũng đều đã từng du học ở bên đó!

Gần cuối buổi, vì có mắc chút việc khác đã kế hoạch lâu từ trước, tôi rút lui êm sớm, lấy taxi đi chỗ hẹn.

Ngồi trong xe tôi chỉ bị dằn vặt có mỗi một điều, điều mà có lẽ không một ai ở đám cưới của Diệm và Tân phải bị dằn vặt.

Đám cưới trang nhã là thế, “trí thức” là thế, mà giữa nền hội trường là một chữ Trung Hoa “Song Hỉ” đỏ ối choán chường. Cái chữ Trung Hoa “Song Hỉ” này đã thành quốc hồn vô thức, vô tư, không thể thiếu của người Việt ư?

– – –

Đúng hẹn chủ nhật sau, Diệm và Tân đưa xe qua đón tôi đi chơi dã ngoại. “Chúng mình đi thăm vùng chùa mới đậm cảnh non nước, anh Tưởng à” – Tân siết tay tôi, nụ cười sao mà dễ mến. “Các anh tươi tỉnh nhé, hôm nay em làm phóng viên nhiếp ảnh cho ‘Cuộc thi Mister’ của hai anh mà” – Diệm cười húc hích.

Qua hơn trăm cây số đường bộ, chúng tôi xuống kè thả thuyền, thật là thú vị.

Dòng nước trong mát, đôi bờ lau sậy xào xạc. Thỉnh thoảng từ trong đó lại vút lên những cánh chim nhỏ hun hút bay đi xa. Bầu trời tranh thủ sà áp xuống mái thuyền, như muốn vào cuộc chuyện trò. Bồng lai, tiên cảnh, là đây. Thấp thoáng xa tít đã thấy mờ bóng mái ngôi chùa nào. Diệm, Tân, cô lái thuyền và tôi rủ rỉ đủ mọi thứ chuyện bông đùa giữa thiên nhiên.

Mỗi lần thuyền cập bến, là thêm một dịp chúng tôi leo thăm các chùa trên núi. Phần lớn các chùa ở đây đều mới tu bổ, một số chùa thì là xây mới hoàn toàn.

Điều kì lạ với tôi là giờ đây các chữ được sử dụng rất nhiều trong các chùa. Không như trong các chùa ngày xưa, nay dưới mỗi bức tượng lại có tên tuổi của nhân vật, luôn luôn viết bằng chữ Trung Hoa, sơn vàng rực óng lên, chói cả mắt. Kể cả tại những ngôi chùa mới xây hoàn toàn! Tôi liên tưởng đến những phòng họp ở Liên hiệp quốc với đầy đủ các biển hiệu trước mỗi nhân vật. Hoặc có lúc lại liên tưởng đến một cửa hàng bày bán các tượng thờ. Tôi hỏi những người dân đi chùa về các chữ này xem nghĩa của chúng là gì, ai cũng nhìn tôi lo lắng, lắc đầu… Rồi khi tôi đã đi ra xa, thì nhiều người trong số họ lén nhìn tôi, như thể bảo tôi hẳn là người bị hâm.

Chắc chắn là rất nhiều người Việt chưa hiểu ra điều này, rằng chữ viết tiếng Việt hôm nay mới là “chữ Việt thật sự”, vượt xa muôn vàn thứ chữ Nôm tượng hình, thứ chữ mãi mãi không ghi được âm! Chữ Việt “quốc ngữ”, đáng nhẽ chỉ nên gọi “Chữ Việt” là đủ, ghi được trung thành lời ăn tiếng nói của người Việt, đấy là điều vô cùng vĩ đại, và cũng vô cùng giản dị. Các ký tự có nguồn gốc latin không hề là “bản sắc” của chữ Việt, chúng chỉ là các kí tự có tính công cụ. Cái bản sắc, cái thần sắc của chữ Việt này là cái tư tưởng biết sử dụng các kí tự để ghi được âm! Còn nếu bạn không thích những kí tự gốc latin đó, bạn bỏ ra mười phút và bạn có thể bịa ra ba chục cái kí tự chưa từng tồn tại để thay thế các kí tự gốc latin đó! Để làm gì? Để thỏa mãn lòng kiêu kì của riêng mình nếu mình muốn, nhưng thực ra chả để làm gì.

Phật giáo vào xứ Việt còn trước cả khi gián tiếp đi qua ngả xứ Trung Hoa. Chữ “Bụt Đà”, hay “Bụt”, hay “Bồ Đề” là một ví dụ, chắc chắn từ chữ “buddha” của chữ sanskrit (hán-việt gọi chữ “Phạn”), có nghĩa là “tỉnh ngộ”. Trong chùa nếu viết chữ Việt “Bụt Đà” thì chắc thành ra “mất thiêng”, phải viết cái gì đó bằng chữ Trung Hoa thì mới hóa thiêng được! Shākyamuni trong chữ sanskrit, đọc âm là “Sakyamuni”, “Thíchcamuni”, «Nhà thông thái của các Shākya”, trong chùa nếu viết “Thíchcamuni”, hay “Thích- ca- mu- ni”, hay Shākyamuni, tất cả đều rõ ràng hơn, đều sát gốc đạo Bụt hơn, và quan trọng nhất là, người Việt ai cũng đọc được, ai cũng định dạng được. Còn những chữ vuông Trung Hoa, ai loay hoay ra giao giảng chích chòe cho người dân Việt khi họ đi vãn cảnh, đi lễ chùa đây? Hay chính là vì không mấy ai biết mấy chữ vuông ấy, nên chúng càng “linh”, càng “thiêng”? Tôi có những người bạn Trung Hoa rất tử tế, họ bảo tôi rằng họ lấy làm rất buồn cười khi đi thăm chùa ở xứ Việt, vì họ thì đọc được, còn người Việt thì không đọc được gì, nhưng người Việt thì tranh nhau phúng vái.

Càng thăm các chùa, cái sự tình chữ Trung Hoa chi chít này càng làm tôi mệt mỏi. Chùa cũ, chữ Trung Hoa vốn dùng từ thuở xưa, giữ như thế, đã đành, nhưng người ta còn đang hăng hái viết bổ sung chữ Trung Hoa thêm nữa. Các chùa xây mới tinh, người ta cũng cứ nhất nhất phải chữ Trung Hoa, không dám dùng chữ Việt, là cớ làm sao?

Sau loạt cuộc thăm thú các chùa, chúng tôi lên thuyền ra về.

Nắng đã tắt, bầu trời và mặt nước sáng trong như nhau, soi bóng lẫn nhau. Chỉ còn nghe thấy tiếng mái chèo, và tiếng sóng nước bồi hồi.

– “Anh Tưởng sao nom tương tư thế?” Tân khẽ cất tiếng.

– “Ừ nhỉ, tôi đang mải nghe tiếng nước nô giỡn.” Tôi thò bàn tay xuống đùa nghịch làn nước.

Diệm cảm thấy rõ tôi “hơi thế nào”, cô xoay chuyện.

– “Anh Tưởng hài lòng với đám cưới của bọn em chứ?”

– “Tất nhiên rồi, trừ cái chữ Trung Hoa ‘Song Hỉ’ choán chếnh chính giữa hội trường.” Tôi chợt buột miệng, hơi căng thẳng, không phương cứu vãn. Diệm là người rất nhạy cảm, tôi biết, chúng tôi vốn hiểu gu nhau từ rất lâu rồi. Tôi đang ấm áy mấy cái chùa, mà đôi bạn này thành ra người hứng chịu bất công điều đó!

– “Chết thật… Em xin lỗi…

Thật là chẳng ai nghĩ ra cái chuyện đó ạ…»

– “Chả có gì, tôi quá miệng thôi mà. Thấm tháp gì so với mấy cái chùa này, toàn chữ Trung Hoa chi chít, đâu có được một chữ Việt nào!”

– “Chuyện này, Tân cũng vô thức thật…” Giọng Tân rụt rè, êm đềm.

Im ắng. Ngay cả cơn gió thoảng cũng như im ắng hơn. Cô lái đò biết ý, tránh góp chuyện.
Không khí ngột ngạt, nặng nề quá.

Bỗng Diệm reo lớn.

– “A, trong chùa có chỗ ghi chữ Việt hẳn hoi! Anh Tưởng à, em xin thề mà!”

Tôi bật cười quay sang ngắm Diệm.

– “Anh Tưởng không nhớ à? Chữ ‘Hòm công đức’, bằng tiếng Việt! Chùa nào cũng có!”.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)