Thời kỳ Phục Hưng

Thời kỳ Phục Hưng trong lịch sử âm nhạc phương Tây thường được tính từ năm 1400 đến năm 1600. Đây là thời kỳ của những thay đổi mạnh mẽ ở châu Âu khi việc tái khám phá di sản văn tự của Hi Lạp và La Mã cổ đại làm hồi sinh niềm hứng thú lớn lao đối với nghiên cứu khoa học, nghệ thuật... Các phát minh về máy in, la bàn đã tạo điều kiện truyền bá kiến thức và những cơ hội thám hiểm đại dương, khám phá ra các vùng đất xa xôi ngoài lục địa châu Âu. Mặt khác, việc Copernicus phát hiện ra vị trí thực của trái đất trong hệ mặt trời và cuộc Cải cách Tin Lành của Martin Luther khiến ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo không còn nặng nề như trước. Một tinh thần nhân văn đã được hình thành và biểu lộ đậm nét trong các tác phẩm hội họa và điêu khắc của Michelangelo, các vở kịch của Shakespeare và âm nhạc của những nhà soạn nhạc thời Phục Hưng.

Với sự cởi mở trong trao đổi học thuật ở châu Âu cũng như sự biến chuyển về chính trị, kinh tế và tôn giáo thời kỳ này đã dẫn tới nhiều thay đổi lớn trong phong cách sáng tác, phương pháp phổ biến âm nhạc, các thể loại âm nhạc mới và sự phát triển của các loại nhạc cụ. Đó là các bản motet và mass phức điệu với lời ca bằng tiếng Latin được soạn để sử dụng trong các nhà thờ lớn và nhà nguyện của cung đình. Đến cuối thế kỉ 16, các nhà soạn nhạc bắt đầu có nhiều nguồn bảo trợ hơn: các nhà thờ Công giáo, nhà thờ Tin Lành, triều đình, các nghệ sĩ tài tử phong lưu và cả các nhà phát hành âm nhạc.

Trường phái Bourgogne

Ngược dòng sự phức tạp của phong cách Ars Nova, phần lớn các nhà soạn nhạc đầu thế kỉ 15 đều ưa thích một phong cách âm nhạc đơn giản hơn với những giai điệu chảy trôi êm ả, những hòa âm nghe êm tai hơn và ít nhấn mạnh vào đối âm hơn. Nhà soạn nhạc Anh John Dunstable (1390-1453) là người đầu tiên đẩy mạnh việc sáng tác âm nhạc theo phong cách đơn giản hơn. Những nét thanh nhã trong phong cách của ông sớm được các nhà soạn nhạc châu Âu khác tiếp thu, đặc biệt là những người phục vụ các công tước Bourgogne ở miền Đông Bắc Pháp. Triều đình Bourgogne giai đoạn đó cực kỳ có thế lực và nó đã thu hút các nhà soạn nhạc và nghệ sĩ trên khắp châu Âu. Những nhà soạn nhạc Bourgogne này nổi tiếng bởi những chanson, trong đó một bè giọng thể hiện giai điệu chính và một hoặc hai bè khác đảm nhiệm vai trò phần đệm. Những người Bourgogne cũng phát triển thông lệ sáng tác mass với các phần như một tổng thể hòa nhập mà Machaut đã bắt đầu từ thời Trung cổ. Kết quả là mass trở thành một thể loại bất hủ, về tầm vóc có thể sánh với các giao hưởng thế kỉ 19. Các mass sử dụng một cantus firmus (bè chính, bè cao nhất) thường được dựa trên những chanson hay những giai điệu thế tục khác hơn là dựa trên thánh ca Gregory. Thực tế này phản ánh ảnh hưởng gia tăng của mối quan tâm đến mảng thế tục trong thời Phục Hưng.

Trong viết nhạc đối âm, các nhà soạn nhạc thời Phục Hưng dựa nhiều vào kỹ thuật mô phỏng, sự trình bày liên tiếp, gần gụi về khoảng cách trong một hay nhiều bè giọng có cùng ý đồ giai điệu. Kỹ thuật mô phỏng đã được sử dụng từ cuối thế kỉ 14 nhưng trong thời Phục Hưng thì nó trở thành một yếu tố cấu trúc chính trong âm nhạc. Nếu một bè giọng bắt chước một bè giọng khác một cách nhất quán trong một khoảng thời gian tương đối dài, hai bè giọng sẽ hình thành nên một canon. Trong âm nhạc thời Phục Hưng, các cặp bè giọng chuyển dịch trong một canon suốt cả tác phẩm hay một phần tác phẩm trong khi những mô phỏng ngắn hơn diễn ra trong những bè giọng khác.

Nhà soạn nhạc quan trọng nhất của trường phái Bourgogne, trường phái thống trị âm nhạc châu Âu vào đầu thời kỳ Phục Hưng, là Guillaume Dufay (1397-1474). Ông đã viết các motet có sự phức tạp gần với phong cách của Ars Nova cũng như các chanson theo một kiểu mới hơn và nhẹ nhàng hơn. Các chanson của Dufay bộc lộ tính trữ tình ngọt ngào du dương chưa từng có trước thời đại mình. Bằng sự tinh thông trong hình thức âm nhạc quy mô lớn, Dufay đã tạo sân khấu cho các thế hệ các nhà soạn nhạc tiếp theo ở thời Phục Hưng. Ở thể loại chanson, tác giả nổi bật nhất là Gilles Binchois (1400-1460).

Trường phái Người Hà Lan

Ảnh hưởng của những nhà soạn nhạc Bourgogne đến giữa thế kỉ 15 đã suy giảm. Từ khoảng năm 1450 đến khoảng năm 1550, hầu hết các chức vụ về âm nhạc quan trọng ở châu Âu do những nhà soạn nhạc sinh vào thời đó ở Hà Lan, Bỉ và những vùng của Pháp kề cận đó nắm giữ. Các nhà soạn nhạc trường phái Pháp-Flemish này thường được gọi là Người Hà Lan theo tên vùng đất quê hương họ.

Nói chung những Người Hà Lan ưa thích kiểu âm thanh đồng nhất hơn, chẳng hạn như do một hợp xướng không nhạc đệm tạo ra. Kết cấu âm nhạc chiếm ưu thế của họ là đối âm với mọi bè giọng có tầm quan trọng ngang bằng. Các đặc trưng âm nhạc này tương phản với kiểu âm thanh Bourgogne điển hình, trong đó mỗi bè giọng có màu sắc riêng (chẳng hạn như một giọng solo được hai nhạc cụ solo khác đệm cho) và trong đó một giọng sẽ trội hơn các giọng khác.

Những Người Hà Lan tiếp tục truyền thống Bourgogne về sáng tác chanson, motet và mass. Mặc dù nhiều tác phẩm mass xuất sắc được sáng tác vào cuối thế kỉ 15 và đầu thế kỉ 16 nhưng thể loại mass khi đó không tạo ra một sự thách thức như nó đã từng làm đối với những nhà soạn nhạc Bourgogne. Các kỹ thuật cơ bản để thống nhất một bản mass toàn vẹn đã trở thành sở hữu chung của mọi nhà soạn nhạc. Lời ca của mass, vẫn luôn giữ nguyên, khơi gợi ít kiểu phổ nhạc hơn. Phần lớn vì những lý do này, thể loại motet trở thành phương tiện biểu lộ để thử nghiệm. Lời ca, rút từ mọi phần của Kinh Thánh cũng như từ các nguồn khác, gợi ra cho các nhà soạn nhạc nhiều ý tưởng âm nhạc mang tính minh họa. Những Người Hà Lan hàng đầu là Johannes Ockeghem (1425-1497), Jacob Obrecht (1458-1505), Josquin des Prez (1455-1521) và Orlando di Lasso (1530-1594).

Chanson của thế kỉ 16 đã xa rời hẳn vẻ hấp dẫn đơn giản của các bài tình ca Bourgogne. Chúng có xu hướng được đối âm tỉ mỉ hoặc là được rót đầy bằng các ngụ ý âm nhạc dí dỏm ám chỉ tiếng gọi chim, tiếng rao của những người bán dạo ngoài phố và những âm thanh tương tự. Các chanson của những nhà soạn nhạc người Paris như Claudin de Sermisy (1490-1562) và Clément Janequin (1485-1558) minh họa cho phong cách về sau.

Từ khoảng năm 1530 đến năm 1600, madrigal là thể loại thanh nhạc thế tục phổ biến nhất ở châu Âu. Trong một tác phẩm phổ thơ thường được viết cho bốn hoặc năm giọng hát và ít khi có nhạc đệm, nhà soạn nhạc cố gắng diễn tả cảm xúc mãnh liệt chứa đựng trong từng dòng thơ và đôi khi là từng từ. Luca Marenzio (1553-1599) là một trong những tác giả madrigal Ý nổi bật nhất. Jacques Arcadelt (1500-1568) là người Pháp nhưng đã viết các madrigal ở thành phố Florence nước Ý. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông ở thể loại này là Il bianco e dolce cigno (Thiên nga trắng dịu dàng). Nước Anh cũng có nhiều tác giả madrigal nổi tiếng như Thomas Morley (1558-1602), Francis Pilkington (1570-1638), William Byrd (1543-1623), Orlando Gibbons (1583-1625) và Thomas Weelkes (1576-1623).
***
Sau khi trường phái Bourgogne suy tàn, nước Ý trở thành trung tâm của âm nhạc châu Âu thời Phục Hưng và là nơi tiếp tục các cách tân với trường phái Venice và trường phái Roma (có phần bảo thủ hơn) với Giovanni da Palestrina (1525-1594) là đại diện tiêu biểu nhất. Âm nhạc của ông điển hình cho dòng phức điệu hợp xướng ngang bằng, đều là tiêu chuẩn chính của phong cách âm nhạc Phục Hưng. 

Các sáng tác hợp xướng phức điệu của trường phái Venice cuối thế kỉ 16 nằm trong số các sự kiện âm nhạc nổi tiếng nhất châu Âu và có ảnh hưởng lớn lên hoạt động âm nhạc của các nước khác. Giovanni Gabrieli (1557-1612) là nhà soạn nhạc tiêu biểu nhất của trường phái Venice. Các cách tân của trường phái Venice cùng với sự xuất hiện của thể loại opera ở Florence giai đoạn đó đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ Phục Hưng và mở ra thời kỳ Baroque trong âm nhạc.  

Tác giả

(Visited 168 times, 3 visits today)