Thời kỳ Tiền cổ điển & Cổ điển

Trong lịch sử âm nhạc, ở thời kỳ Tiền cổ điển và Cổ điển (1720-1820), các nhạc sĩ có xu hướng phát triển nhiều hình thức với cách diễn đạt tự nhiên, phản kháng lại phong cách đối âm thời kỳ Baroque quá cứng nhắc và lý trí, từ đó hình thành một trào lưu mới trong âm nhạc – Rococo.


Nhà soạn nhạc tiêu biểu thời kỳ Cổ điển, L.v. Beethoven bên cây đàn piano. Tranh của Schloesser

Các phong cách Tiền cổ điển

Cách phản kháng lại phong cách Baroque mang các hình thức khác nhau ở Pháp, Đức và Ý. Tại Pháp, xu hướng mới thường được gọi là rococo hay style galant (tiếng Pháp: “phong cách nhã nhặn”) có đại diện tiêu biểu là nhà soạn nhạc François Couperin (1668-1733). Phong cách này nhấn mạnh vào cấu trúc cùng chủ điệu gồm giai điệu với phần đệm hòa thanh. Giai điệu được tô điểm bằng những nét trang trí như những âm láy ngắn. Thay vì một dòng nhạc liên tục như trong một bản fugue thời Baroque, tác phẩm của các nhà soạn nhạc Pháp là sự kết hợp của các đoản khúc tách biệt như ở âm nhạc vũ khúc. Đặc trưng của các tác phẩm này là sự ngắn gọn và mang tính chương trình, nghĩa là khắc họa những hình ảnh phi âm nhạc như lũ chim hay tiếng cối xay gió. Đàn harpsichord là nhạc cụ phổ biển nhất và có nhiều tổ khúc được viết cho nhạc cụ này.

Ở miền Bắc Đức, phong cách tiền cổ điển được gọi là empfindsamer Stil (“phong cách nhạy cảm”), bao gồm một phạm vi rộng hơn những xúc cảm tương phản so với phong cách nhã nhặn. Các nhà soạn nhạc Đức thường viết các tác phẩm dài hơn người Pháp, sử dụng nhiều loại kỹ thuật âm nhạc thuần túy để thống nhất các phân đoạn tác phẩm và không dựa vào những hình ảnh phi âm nhạc như người Pháp. Do vậy các nhà soạn nhạc Đức đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của các hình thức trừu tượng, chẳng hạn như hình thức sonata, và trong sự phát triển của các thể loại khí nhạc lớn, như concerto, sonata, và giao hưởng.

Ở Ý, phong cách tiền cổ điển không có tên gọi cụ thể, có lẽ là vì nó không đột ngột phá vỡ âm nhạc của thời kỳ vừa mới qua. Tuy nhiên các nhà soạn nhạc Ý đã có vai trò lớn trong sự phát triển của các thể loại mới, đặc biệt là giao hưởng. Các overture của opera, được gọi là sinfonia, thường chẳng có liên hệ gì về mặt âm nhạc hay kịch tính với vở opera mà nó mở màn. Đôi khi các nghệ sĩ Ý chơi các bản overture này trong các buổi hòa nhạc và rồi đến lúc nhà soạn nhạc bắt đầu viết các tác phẩm khí nhạc độc lập theo khuôn khổ của overture. Khuôn khổ này gồm ba chương, chương đầu và chương cuối ở tốc độ nhanh còn chương giữa ở tốc độ chậm. Trong mỗi chương, tiến trình của các ý tưởng âm nhạc thường tuân theo một mô hình mà rốt cuộc đã tiến hóa thành hình thức sonata.

Thời kỳ Cổ điển

Các thể loại khí nhạc

Khi các nhà soạn nhạc Ý đã thiết lập ý tưởng về việc viết sinfonia khí nhạc độc lập thì các nhà soạn nhạc Đức liền tiếp nhận ý tưởng này và  ở các trung tâm hoạt động chính của người Đức là Berlin, Mannheim và Vienna, các hình thức, thể loại và phương tiện âm nhạc khác biệt liền nảy sinh.

Trong phạm vi nhạc thính phòng, các nhà soạn nhạc bắt đầu viết những tác phẩm như tứ tấu đàn dây, tam tấu đàn dây, sonata cho đàn phím cùng phần đệm violin. Về phương tiện dàn nhạc, các nhà soạn nhạc không chỉ viết các giao hưởng mà còn viết các concerto cho nhạc cụ độc tấu cùng dàn nhạc. Các hình thức khí nhạc này đều gồm ba hoặc bốn chương nhạc, trong đó một hay nhiều chương ở hình thức sonata.

Nhà soạn nhạc Franz Schubert trong một buổi biểu diễn.

Tiêu biểu cho sự phát triển âm nhạc ở thời kỳ này là một nhóm nhà soạn thuộc trường phái Vienna, với ba nhân vật quan trọng nhất là Joseph Haydn (1732-1809), Wolfgang Amadeus Mozart (1756 – 1791) và Ludwig van Beethoven (1770-1827). Haydn là nhà cải cách vĩ đại, người đã thiết lập nên các hình thức như tứ tấu đàn dây và giao hưởng nhưng ngay lập tức uốn bẻ chúng theo các cách thức kì quặc. Mozart là nhà soạn nhạc cổ điển thăng bằng và “cổ điển” nhất, cân bằng được chất hài và chất bi trên một lưỡi dao trong các opera và concerto của mình. Beethoven là nhà soạn nhạc Anh hùng đầu tiên vì dù bị điếc ở nửa chừng sự nghiệp nhưng đã đưa giao hưởng lên một sân khấu nơi mà những lực lượng lớn lao của vũ trụ được tham chiến và giật tung chất bi thương và khêu gợi từ một nhạc cụ hoàn toàn mới – đàn piano. Vào cuối thời kỳ Cổ điển nhà soạn nhạc Franz Schubert (1797-1828), người Vienna cũng phát triển thể loại giao hưởng và tứ tấu đàn dây theo một phong cách riêng.

Opera cải cách và phát triển

Trong thời kỳ Cổ điển, opera chủ yếu phát triển tại Đức, Áo và cả ở Pháp với hai thể loại chính: opera seria (opera nghiêm túc) và opera buffa (opera hài hước). Còn tại Ý – cái nôi sinh thành, nghệ thuật opera rơi vào giai đoạn khủng hoảng dù các vở opera bằng tiếng Ý vẫn được sáng tác đều đặn

Opera seria có cốt truyện lấy từ đề tài lịch sử hoặc thần thoại với âm nhạc mang tính chất trang trọng và là thể loại opera rất phổ biến trong thời kỳ Baroque. Đến đầu thế kỉ 18, kết cấu của opera seria trở nên rất nhàm chán vì chỉ gồm các aria và reritative luân phiên nhau. Sân khấu opera lúc đó là nơi để các ca sĩ giọng nam hoạn (castrato) khoe giọng mà không thèm đếm xỉa đến nội dung cũng như yêu cầu của tác giả. Trong bối cảnh đó, opera buffa lên ngôi và trở thành phong cách opera chủ đạo của thời kỳ Cổ điển. Opera buffa dí dỏm, nhẹ nhàng với những nội dung lấy từ chính cuộc sống thường nhật của người dân, châm chọc những người thuộc tầng lớp trên nên dễ được quần chúng đón nhận. Về mặt âm nhạc, opera buffa sử dụng nhiều các đoạn song ca (duo) và coi trọng giọng nam trầm (bass), điều gần như không xuất hiện trong opera seria. Nhà soạn nhạc opera tiêu biểu thời kỳ này là Giovanni Pergolesi (1710 – 1736).

Tại Pháp, opera hài hước được gọi là opéra-comique. Nó tiếp thu và phát triển từ opera buffa Ý nhưng có thay đổi đáng kể nhất là không sử dụng recitative và thay vào đó là hình thức đối thoại. Nhà hát Opéra-Comique tại Paris chuyên biểu diễn thể loại này.

Tại Đức, từ giữa thế kỉ thứ 18 hình thành thể loại singspiel (hát – diễn). So với opera buffa hay opera-comique thì singspiel có nhiều đối thoại hơn và mang nhiều âm hưởng của các bài hát Đức (lied) và ảnh hưởng từ hài kịch dân gian Đức.

Một trong những nhà cải cách opera quan trọng nhất thời kỳ này là Christoph Willibald Gluck (1714-1787), người viết phần lớn các vở opera có ảnh hưởng ở Vienna và Paris từ năm 1764 tới năm 1779. Trong opera của mình, Gluck chuyên tâm vào thế giới nội tâm của nhân vật và buộc âm nhạc phục vụ cho tính kịch. Gluck cũng là người đầu tiên đưa một số giai điệu của opera vào trong phần overture, điều này giúp cho overture trở thành phần dự báo và giúp cho thính giả nắm được chủ đề cơ bản của vở opera. Opera ở thời kỳ Cổ điển lên đến đỉnh cao trong các tác phẩm sân khấu của Mozart mà trong đó, mọi khía cạnh thanh nhạc và khí nhạc đều góp phần vào sự phát triển cốt truyện và mô tả tính cách nhân vật. Mozart là tác giả của hơn 20 vở opera, trong đó có nhiều vở là kiệt tác.

Các nhà soạn nhạc tiêu biểu

 

Thời kỳ

Trường phái / Phong cách / thể loại

Nhà soạn nhạc tiêu biểu

 

 

 

Tiền cổ điển

& Cổ điển

(1720-1820)

Phong cách Nhã nhặn &opera buffa

Giovanni Pergolesi (1710-1736)

Phong cách Nhã nhặn (galante style)

Luigi Boccherini (1743-1805)

Phong cách Nhạy cảm

(empfindsamer Stil )

W.F. Bach (1710-1784)

C.P.E. Bach (1714 – 1788)

Johann Christian Bach (1735-1782)

Nhà cải cách opera

Christoph Willibald Gluck (1714-1787)

 

Trường phái Vienna thứ nhất

 

Joseph Haydn (1732-1809)

W.A. Mozart (1756 – 1791)

Ludwig van Beethoven (1770-1827).

vừa Cổ điển vừa Lãng mạn

Franz Schubert (1797-1828)

Ngọc Anh (tổng hợp)

 

 

Tác giả

(Visited 104 times, 1 visits today)