Thời kỳ Trung cổ

LTS: Lịch sử âm nhạc cổ điển phương Tây được các nhà âm nhạc học thống nhất chia thành bảy thời kỳ lớn: Trung cổ, Phục hưng, Baroque, Cổ điển, Lãng mạn, Hiện đại và Đương đại. Mỗi thời kỳ đều có những đại diện xuất sắc biết kế thừa thành tựu của tiền nhân và có các bước sáng tạo mới, tạo lập nên các trường phái và phong cách mới. Chắc chắn là các bạn đã nhiều lần nghe nhắc đến cái tên Ludwig van Beethoven (1770-1827). Ông là một trong những đại diện xuất sắc nhất của trường phái Vienna thuộc thời kỳ Cổ điển. Vậy trước, trong và sau thời kỳ Cổ điển còn có những nhà soạn nhạc tiêu biểu nào, thuộc những trường phái và phong cách nào mà một người thật sự yêu và có ý thức tìm hiểu âm nhạc cổ điển không thể không biết tới? Họ có vai trò cụ thể ra sao trong tiến trình phát triển của từng thể loại âm nhạc nói riêng và trong lịch sử âm nhạc cổ điển nói chung? Với mục đích góp phần đem lại một cái nhìn tổng thể và cơ bản về tiến trình phát triển của âm nhạc cổ điển cho bạn đọc, kể từ số báo này, tạp chí Tia Sáng sẽ giới thiệu các bài viết về từng thời kỳ âm nhạc, những nhà soạn nhạc tiêu biểu, các thể loại tác phẩm đặc trưng, các kiệt tác… trong lịch sử 10 thế kỉ của âm nhạc cổ điển phương Tây. Ở bài mở đầu, Tia Sáng đưa bạn đọc đến với cột mốc đầu tiên, đóng vai trò nền móng cho sự phát triển của âm nhạc cổ điển thế giới, thời kỳ Trung cổ.

Các nhạc cụ thời kỳ Trung cổ

Sau khi Đế chế Tây La Mã sụp đổ, châu Âu bước vào “thời kỳ tăm tối”, chiến tranh liên miên. Trong chín thế kỉ tiếp theo, Giáo hội Cơ đốc xuất hiện trở thành lực lượng thống trị châu Âu, khơi mào cho các cuộc thập tự chinh chống lại phương Đông, thành lập các trường Đại học và cuối cùng là thâu tóm cả âm nhạc, văn học và nghệ thuật. Hầu hết các nhạc sĩ chuyên nghiệp đều được nhà thờ Cơ đốc giáo tuyển dụng. Vì đối lập với ngoại giáo liên quan đến Hi Lạp và La Mã cổ đại nên nhà thờ không khuyến khích việc biểu diễn âm nhạc Hi Lạp và La Mã, dẫn đến sự tàn lụi của loại âm nhạc này.
Bình ca và Thánh ca Gregory

Giáo hội Cơ đốc thuở ban đầu tiếp nhận thứ âm nhạc bắt nguồn từ thánh ca của người Do Thái và Byzantine gọi là bình ca (plainchant). Giống như toàn bộ âm nhạc của thế giới phương Tây cho đến thời điểm đó, bình ca là loại âm nhạc chủ điệu (monophonic) chỉ gồm một giai điệu duy nhất mà không có hòa âm hay phần đệm. Hàng trăm giai điệu được xác định bằng một trong tám điệu thức Hy Lạp (mà Pythagoras và những người khác đã thiết lập nên). Một vài điệu thức trong số đó nghe rất khác so với các điệu thức trưởng và thứ mà ngày nay chúng ta đã quen tai. Các giai điệu tự do về tốc độ, phụ thuộc vào phần ca từ theo nghi lễ bằng tiếng Latin. Khi lan tỏa khắp châu Âu, các khúc ca này được thêm thắt và phát triển thành nhiều dòng ở từng vùng tùy theo các giáo phái khác nhau. Người ta tin rằng Giáo hoàng Gregorius Cả (ở ngôi từ năm 590-604) đã hệ thống hóa chúng, thiết lập nên tập quán sử dụng đồng bộ ở khắp các nhà thờ Cơ đốc phương Tây. Mặc dù phần đóng góp thực tế của ông cho số lượng lớn âm nhạc này vẫn còn chưa được biết đến rõ ràng nhưng tên ông đã gắn liền với thể loại âm nhạc này – thể loại Thánh ca Gregory.

Phong cách Thánh ca Gregory và các thể loại thánh ca khác được gìn giữ trong nhiều bản thảo viết tay. Các ký hiệu âm nhạc được sử dụng trong những bản thảo viết tay này thuộc hệ thống ký hiệu neumes, cội rễ sớm nhất của hệ thống ký âm hiện đại. Thánh ca Gregory giờ vẫn nằm trong số những dòng nhạc tâm linh cảm động và sâu sắc nhất trong văn hóa phương Tây. Nhiều năm về sau, các nhà soạn nhạc phức điệu thời Phục Hưng rất thường xuyên sử dụng các giai điệu bình ca làm cơ sở cho các tác phẩm tôn giáo của họ.

Phần lớn thánh ca Gregory là tác phẩm khuyết danh, hoặc chỉ có các học giả mới biết ai đã viết ra, nhưng có một tác giả thánh ca Gregory còn vang danh đến thời đại chúng ta, Hildegard von Bingen (1098-1179). Bà xứng đáng được nhắc đến vì không chỉ là nhà soạn nhạc nữ đầu tiên viết ra những bản thánh ca còn lưu truyền đến ngày nay mà còn là một trong số những nhà soạn nhạc đầu tiên mà chúng ta biết rõ tên tuổi.

Nhà thờ Đức Bà và Ars Antiqua

Ít nhất cũng phải đến thế kỉ thứ 9, các nhạc sĩ/tu sĩ trong nhà thờ mới cảm thấy sự cần thiết phải có một thứ âm nhạc phức tạp hơn kiểu giai điệu không nhạc đệm. Họ bắt đầu thử nghiệm kiểu hát hai dòng giai điệu song song đồng thời cách nhau một quãng tư, quãng năm hoặc quãng tám. Kết quả là sự ra đời của phong cách âm nhạc gọi là organium. Phong cách này phát triển một cách chậm chạp trong khoảng một trăm năm tiếp theo. Đến thế kỉ thứ 11, một hoặc hai (thậm chí ba) giai điệu được thêm vào bè hát chính không còn chạy song song với bè hát chính mà trở thành những giai điệu tương phản, đôi khi còn giao cắt với nhau. Giai điệu chính khi ấy được hát rất chậm rãi theo các nốt cầm giữ dài hơi được gọi là tenor (xuất phát từ tenere tiếng Latin có nghĩa là cầm giữ).

Phong cách âm nhạc này rất thịnh hành ở Nhà thờ Đức Bà Paris trong thế kỉ 12, 13 và rất lâu sau được biết đến như là Ars Antiqua (Nghệ thuật cũ). Hai nhà soạn nhạc tại nhà thờ Đức Bà đặc biệt nổi tiếng với các sáng tác theo phong cách này là Léonin với các tác phẩm viết cho hai giọng và người kế tục ông là Pérotin với các tác phẩm viết cho ba đến bốn giọng. Âm nhạc của Pérotin là mẫu hình xuất sắc cho phong cách âm nhạc phức điệu thuở ban sơ.

Guido d’Arezzo và hệ thống ký âm

Để các nhạc sĩ có thể đọc và biểu diễn một số bè giọng hát khác nhau một cách đồng thời, một hệ thống ký hiệu âm nhạc tỉ mỉ đã được phát triển. Ký hiệu cao độ được giải quyết bằng việc sử dụng một khuông nhạc gồm 4, 5 dòng kẻ hoặc hơn thế, với mỗi dòng hay khoảng trống giữa chúng đại diện cho một cao độ cụ thể, như là ký hiệu âm nhạc ngày nay. Có được sự hoàn hảo của hệ thống này là nhờ tu sĩ Ý dòng Benedictine Guido d’Arezzo thế kỉ 11. Ký hiệu về nhịp thời gian tỏ ra khó hơn. Giải pháp được rút ra trong thế kỉ 11 và 12 là dựa vào một nhóm những mẫu hình nhịp điệu ngắn gọi là những kiểu nhịp. Mẫu hình hay kiểu nhịp tương tự được lặp đi lặp lại cho đến khi nhà soạn nhạc chỉ ra bằng một kí hiệu theo đó một kiểu nhịp khác thế chỗ nó. Việc sử dụng “ký hiệu cách thức” này trong âm nhạc đem lại sự đa dạng của các chương nhịp theo những kiểu khác nhau một cách đồng thời trong các bè giọng khác nhau và bằng cách thay đổi các kiểu trong tiến trình một tác phẩm. Đến cuối thế kỉ 13, người ta đã bỏ kiểu ký hiệu cách thức và những ký hiệu đầu tiên của hệ thống những giá trị nốt dài và ngắn hiện đại đã được đưa vào sử dụng.

Guido d’Arezzo cũng là người phát triển hệ thống khóa nhạc, đặt nền tảng cho những khóa nhạc hiện đại như khóa fa, khóa sol… Luận án về nhạc phức điệu của ông là công trình đầu tiên mở đường cho các nhà soạn nhạc phức điệu về sau.

Người hát rong và nhạc thế tục

Âm nhạc phổ thông, thường ở hình thức những khúc ca thế tục, đã tồn tại trong suốt thời Trung cổ. Thứ âm nhạc này không được truyền thống giáo hội thừa nhận, nó cũng không được ký âm cho đến khoảng thế kỉ thứ 10. Hàng trăm bài ca đã được sáng tác và biểu diễn (và sau này được ký âm) bởi các ban nhóm nhạc sĩ hưng thịnh suốt thế kỉ 12 và 13. Những người hát rong ở miền Nam Pháp gọi là troubadour, ở miền Bắc Pháp gọi là trouvère, ở Đức gọi là Minnesänger, ở Ý gọi là trovatori. Những giai điệu đơn âm và có thể được đệm đàn ngẫu hứng của những nhạc sĩ lưu động thường nhịp nhàng sống động. Đề tài nổi trội nhất của những bài ca này là tình yêu ở mọi cung bậc. Các giai điệu thường là khuyết danh nhưng cũng có các tác giả nổi tiếng. Một trong số những người hát rong nổi tiếng nhất mà chúng ta biết là Adam de la Halle, nhà soạn nhạc của một trong những tác phẩm ca kịch thế tục lâu đời nhất được biết đến ở phương Tây – Le Jeu de Robin et Marion (Trò chơi của Robin và Marion).

Những người hát rong thời Trung cổ sử dụng nhiều loại nhạc cụ. Nhạc cụ dây gồm các đàn harp, lute, psaltery, vielle…. Nhạc cụ hơi gồm trumpet, recorder (ống tiêu), shawn (một loại oboe cổ), bagpipes (kèn túi)… Nhạc cụ phím gồm các loại đàn organ có thể mang theo. Nhạc cụ gõ gồm trống nhỏ và chuông nhỏ. Mặc dù chắc chắn là âm nhạc thế tục được chơi bằng nhạc cụ trong suốt thời Trung cổ nhưng vũ khúc khí nhạc vẫn chưa xuất hiện cho đến tận thời Phục Hưng.

Phong cách Ars Nova

Vào đầu thế kỉ 14, âm nhạc có một sự thay đổi lớn về phong cách. Giám mục người Pháp Philippe de Vitry, một trong những nhà soạn nhạc hàng đầu của thời kỳ này, gọi phong cách này là Ars Nova (nghệ thuật mới). Âm nhạc thời kỳ này phức tạp hơn mọi tác phẩm được viết trước đó, phản ánh một tinh thần mới ở châu Âu làm nổi bật sự tài tình và khéo léo của con người. De Vitry cũng phát minh ra một hệ thống những kí hiệu về thời gian. Điều này cho phép các nhạc sĩ thế kỉ 14 đạt được một sự tự do về nhịp điệu mới trong sáng tác của họ.

Những phức tạp mới của Ars Nova thể hiện dưới một số hình thức. Nới rộng nguyên tắc của những thể thức nhịp ngắn, các nhà soạn nhạc Ars Nova đã sử dụng những mẫu hình nhịp gồm 12 nốt hoặc nhiều hơn, lặp đi lặp lại ở một hoặc nhiều bè giọng của tác phẩm. Nguyên tắc mới được gọi là nhịp tương tự (isorhythm, trong tiếng Hi Lạp iso nghĩa là “tương tự”). Các nhà soạn nhạc đã sử dụng một bè giọng được sắp xếp tương tự về nhịp làm cơ sở cho các tác phẩm lớn và đan kết các giai điệu khác lên đó để tạo ra các hình mẫu đa âm phức tạp. Giọng nền thường được tiếp quản từ một phần của thánh ca Gregory. Giai điệu vay mượn này được gọi là cantus firmus (tiếng Latin nghĩa là “giai điệu cố định”. Motet là thể loại mà các nhà soạn nhạc sử dụng nguyên tắc nhịp tương tự tới mức độ lớn nhất. Một số motet, thêm vào sự phức tạp về cấu trúc còn có một số lời ca được hát một cách đồng thời.

Điều phức tạp thứ hai của Ars Nova liên quan đến cấu trúc tổng thể của âm nhạc ở thể loại mass. Trước năm 1300, những tác phẩm phức điệu đôi khi đã được viết thành những phần riêng rẽ của mass. Vào thế kỉ 14, lần đầu tiên, cả năm phần cấu tạo nên một mass như thông lệ được xem như một tổng thể hòa nhập. Người đầu tiên làm điều này là giáo sĩ, thi sĩ và nhà soạn nhạc Pháp Guillaume de Machaut. Tuy nhiên hình mẫu của ông không được đi theo cho đến tận thế kỉ tiếp đó.  

Một đặc trưng nổi bật của Ars Nova là quan tâm hơn đến âm nhạc thế tục. Lần đầu tiên ngoài nhạc tôn giáo, những nhà soạn nhạc lớn còn viết cả nhạc thế tục. Những giai điệu không được phối hòa âm mà những người hát rong thế kỉ 13 hát đã được các nhà soạn nhạc thế kỉ 14 phát triển thành những tác phẩm ba giọng gọi là chanson. Những mẫu hình lặp lại dòng trong lời ca áp dụng cho những chanson này quyết định hình thức tổng thể của âm nhạc. Các hình thức phối hợp thường được sử dụng nhất ở Pháp là rondeau, virelai và ballade. Ở nước Ý madrigal, caccia và ballata là những kiểu được ưa thích hơn. Nhà soạn nhạc Ý nổi bật nhất thời kỳ này là Francesco Landini.

Nói đến “nhạc cổ điển” nghĩa là nói đến một loại hình âm nhạc được viết ra theo truyền thống phương Tây. Lịch sử của nó là một quá trình liên tục đã bắt đầu từ thời Trung cổ, vào khoảng năm 900 khi âm nhạc lần đầu tiên được con người ký âm trên giấy. Lớp lớp thế hệ nhà soạn nhạc đã cho ra đời vô số tác phẩm âm nhạc cổ điển ở nhiều thể loại, nhiều trường phái và phong cách trong các bối cảnh lịch sử khác nhau. Lớp lớp thế hệ nghệ sĩ nhạc cổ điển được đào tạo để chỉ cần nhìn vào bản ký âm là có thể chơi đúng tác phẩm âm nhạc. Đó là một trong những điểm khác biệt cơ bản giữa nhạc cổ điển và các loại hình âm nhạc cổ truyền của mọi dân tộc trên thế giới vốn thường được dạy và học chỉ theo lối truyền khẩu. Khái niệm “nhạc cổ điển” cũng mới được phát minh ra trong thời đại thu âm thế kỉ 20 để phân biệt với nhạc Jazz và nhạc Pop đã trở nên phổ biến hơn dòng nhạc chính thống phương Tây.

Ngọc Anh tổng hợp

 

 

Tác giả

(Visited 162 times, 2 visits today)