Thử nhìn lại một lệnh cấm

Bộ phim tài liệu dài 59 phút, có tựa: "Hoàng Sa Việt Nam: nỗi đau mất mát" do ông André Menras Hồ Cương Quyết biên kịch và đạo diễn gây tiếng vang ở nhiều nước trên thế giới trong ba năm qua mới đây mới được chiếu công khai ở Hà Nội và sắp tới là ở TP.HCM.

Trong bối cảnh cuộc tranh chấp trên biển Đông giữa Trung Quốc với Việt Nam đang có nguy cơ rơi vào khủng hoảng sâu với sự lấn lướt bất chấp luật pháp quốc tế từ phía Trung Quốc, thì bộ phim là tiếng nói đầy trách nhiệm của một công dân với đất nước (ông André Menras Hồ Cương Quyết mang hai quốc tịch Pháp và Việt Nam), đồng thời chia sẻ nỗi khổ, sự mất mát của những ngư dân Lý Sơn, Bình Sơn (Quảng Ngãi) trong cuộc mưu sinh bám biển, bám ngư trường truyền thống, giữ biển quê hương.

Bộ phim là tiếng nói của lương tâm con người trước sự ngang ngược, tàn bạo và phi nhân tính mà phía Trung Quốc hành xử với ngư dân Việt Nam trong cuộc theo đuổi mục tiêu độc chiếm Biển Đông. Qua lời kể đầy nước mắt của thân nhân những người dân mưu sinh tử nạn trên biển, những nhân chứng là ngư dân Việt Nam từng bị Trung Quốc bắt trói, đánh đập, bỏ tù khi đang đánh bắt hợp pháp trên ngư trường truyền thống… có thể nói, mỗi thước phim là một tình tiết đắt giá tố cáo tội ác Trung Quốc.

Với thế giới, bộ phim là một tiếng nói lay động nhân tâm, một sự phản kháng trước cái tàn bạo, trước cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra hằng ngày trên biển Đông.

Lẽ ra, tại Việt Nam, ngay từ đầu, bộ phim tài liệu trên xứng đáng được ghi nhận một cách đúng mức và được công chiếu rộng rãi. Nhưng trên thực tế, thì ngược lại, đây là một bộ phim tài liệu có số phận quá lao đao.

Khởi đầu, bộ phim do chính ông André Menras lên ý tưởng, kịch bản và đứng ra xin phép thực hiện với sự hỗ trợ chi phí của những bạn bè. Ông được Chủ tịch nước lúc bất giờ là ông Nguyễn Minh Triết hưởng ứng; được Bộ Ngoại giao Việt Nam và Sở Ngoại vụ TP.HCM đồng ý thực hiện. Đài truyền hình TP.HCM là đơn vị được giao phối hợp với ông André để thực hiện bộ phim.

Nhưng một điều lạ lùng, sau khi bộ phim trên hoàn thành, ông André Menras Hồ Cương Quyết cùng êkíp thực hiện phối hợp với nhóm thân hữu tổ chức ra mắt tại Khu Du lịch Văn Thánh vào 17 giờ 30 tối 29/11/2011 thì bất ngờ buổi chiếu bị cơ quan chức năng giải tán. Bộ phim từ đó bị gán cho cái nhãn là “phim cấm”. Khán giả tại Việt Nam quan tâm chỉ có thể xem qua YouTube.

Suốt một thời gian dài – gần ba năm trời – với một nỗ lực cá nhân âm thầm, ông André Menras Hồ Cương Quyết mang bộ phim này đi trình chiếu, thuyết trình ở nhiều nước châu Âu.

Trong một lần trò chuyện trước đây với người viết, khi nhắc về không khí một suất chiếu bộ phim này tại Paris, đạo diễn Việt Linh cho biết, tác phẩm đã gây sự chú ý đặc biệt đối với người Pháp, nhất là cộng đồng người Việt tại Pháp. Người xem cảm thấy công phẫn trước sự phi nhân của Trung Quốc và đau đớn trước nỗi khổ của ngư dân nghèo Việt Nam.

Đã có nhiều cuộc trở về, nhiều chương trình hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi được hình thành nhờ sự tác động của bộ phim này.

Mãi cho đến đầu tháng 7/2014, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã cắm trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam tròn hai tháng, khi những nỗ lực ngoại giao chưa thể đem lại kết quả cụ thể nào để cải thiện tình hình, thì bộ phim trên được “bật đèn xanh”, cho chiếu tại hai thành phố lớn tại Việt Nam.

Nhưng câu hỏi dư luận đặt ra qua số phận không suôn sẻ của tác phẩm điện ảnh trên, đó là: từ những căn cứ cụ thể nào người ta có thể ra lệnh “chặn” một bộ phim, một tác phẩm nghệ thuật? Những tiêu chí cụ thể nào quy định một bộ phim thuộc diện bị cấm, hoặc không?

Một khi bộ phim Hoàng Sa Việt Nam: nỗi đau mất mát được trình chiếu công khai, công nhận tính hữu ích của nó trong việc truyền thông về sự thật hệ trọng liên quan đến vấn đề chủ quyền đất nước, thì rất cần làm rõ câu chuyện trách nhiệm của những người trước đây thi hành lệnh giải tán buổi chiếu phim vào đêm 29/11/2011, những người vô hình trung đã đưa bộ phim vào danh sách “phim cấm” trong ba năm qua, để tránh những tiền lệ xấu, không lặp lại những quy chụp, lạm quyền quá đáng dưới danh nghĩa “quản lý văn hóa”.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)