Thư pháp về Tổ quốc và biển đảo
Tại triển lãm “Tổ quốc và biển đảo”, lần đầu tiên các thư pháp gia trình diễn và tái hiện nội dung của các tác phẩm văn học về đề tài đất nước và biển đảo từ thế kỷ X cho đến nay.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng, thư pháp chỉ là một bộ môn nghệ thuật mang tính hồi cố, hoài cổ. Những nghệ sĩ thực hành thư pháp chỉ được xem như những ông đồ ngồi bán chữ vỉa hè trong thân phận kẻ biết chữ đang cố gắng mưu sinh vào buổi xế chiều của Hán học, như hình ảnh trong bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên. Hoặc chăng, họ được xem như hiện thân của một nền văn hóa “vang bóng một thời”, được trân trọng như một hình ảnh đẹp đẽ nhưng lạc lõng:
“Nghìn năm còn lại một người,
ngồi trên chiếu rách viết lời vàng son”.
(Khuyết danh, xuất hiện vào khoảng những năm 1980-1990)
Nếu ở các triển lãm thư pháp trước đây như Nhị thập bát tú (2006), Hồn thu thảo (2007), Vũ điệu chữ (2008), Điện tâm đồ (2009), Vô ngôn (2010), Trứng rồng (2010)…, chủ đề văn chương – văn hóa đẫm chất hoài niệm với những thử nghiệm của nghệ thuật đương đại, thì trong triển lãm lần này, các thư pháp gia đã thể hiện một tinh thần khác. Các tác phẩm thư pháp trình diễn và tái hiện nội dung của các tác phẩm văn học về đề tài đất nước và biển đảo từ thế kỷ X cho đến nay. Người xem có thể thấy triển lãm này như một “tuyển tập” nho nhỏ của dòng văn học yêu nước. Những tác phẩm mở đầu của nền văn học như bài Thơ thần (Nam quốc sơn hà), bài Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, Cảm hoài của Đặng Dung, Quan hải của Nguyễn Trãi… cho đến những tác phẩm văn học hiện đại/đương đại như Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Đợi mưa trên đảo sinh tồn của Trần Đăng Khoa, Nhìn từ xa tổ quốc của Nguyễn Duy, Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến,…
Triển lãm “Tổ quốc và biển đảo” trưng bày gần 30 tác phẩm của các thư pháp gia Lê Quốc Việt, Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Văn Thanh, Vũ Thanh Tùng, Nguyễn Hữu Sử, Phạm Văn Ánh, Nguyễn Ngọc Thanh… Triển lãm diễn ra tại Viện nghiên cứu Hán Nôm (183, Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội), kéo dài từ ngày 30/ 12/2014 đến 30/03/2015. |
Ngoài những tác phẩm văn học nổi tiếng, triển lãm còn giới thiệu một số tác phẩm quan trọng về đề tài đất nước ít được biết đến, như đôi câu thơ của Hoàng đế Lê Thái Tổ trên ma nhai1 tại Sìn Hồ (Lai Châu), được khắc khi ông đem quân dẹp loạn ở biên giới Tây Bắc:
“Cây cỏ hãi hùng tin chiến trận, Núi sông [từ đó] nhập bản đồ”
(草 木 驚 風 鶴 / 山 川 入 版 圖)
Sau đó, Hoàng đế Lê Thánh Tông đã có câu răn dụ như sau:
“Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay, lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di” (我尺山寸河豈宜拋棄? 爾宜堅辯,勿許漸侵如他不從,尚可差官北使詳其曲直。汝感以太祖尺地寸土踐賊,罪顯誅夷) (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)
Không chỉ tuyển chọn sử liệu quan phương và những câu thơ, bài thơ trong văn học trung đại, triển lãm cũng trình bày những tác phẩm văn học hiện đại/đương đại về chủ đề này:
Ôi ước gì được thấy mưa rơi!
Mặt chúng tôi ngửa lên như đất.
Những màu mây sẽ thôi không héo quắt.
Đá san hô sẽ nảy cỏ xanh lên.
Đảo xa khơi sẽ hoá đất liền.
(Trần Đăng Khoa – Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn)
Các tác phẩm này được chuyển hóa sang hình thức chữ Nôm – thứ văn tự được coi là “quốc ngữ” của Việt Nam trong quãng 1.000 năm, từ thời Lý – Trần đến thời Nguyễn.
Triển lãm lần này còn chú ý đến những tác phẩm có ý nghĩa về phương diện “vận nước”, làm sao để giữ gìn mệnh mạch quốc gia. Nếu như thời Lý, chủ trương “vô vi nhi thiên hạ trị” là sự hợp lưu tư tưởng chính trị của Phật- Nho- Đạo, thì đến thời Lê, Nguyễn Trãi đã thể hiện tư tưởng dân bản trong chế độ “nội Pháp ngoại Nho”:
“Lật thuyền mới tin dân như nước”
(覆舟始信民猶水)
(Quan hải)
1 Loại văn bia khắc thẳng lên vách núi.