Tiến tăm

Cô bé đã học thành lòng, học kĩ lưỡng sự chu đáo, sự tử tế, sự cố tâm để làm vui lòng người khách. Cô là cô bé học trò thật ngoan ngoãn và thành tâm trong sự việc này. Nhưng cô bé không đi được đến cái bến cuối của sự học. Cái bến cuối đó là: học một việc gì, thì cũng để rồi mình không còn là đứa học trò bé bỏng mãi mãi của cái việc đó nữa.

Sáng thứ bảy vẫn còn đang ngái ngủ sau một tuần bộn rộn thì anh bạn đã réo điện thoại “dậy chưa, đi ăn sáng ở sơn trại đi”, vừa tức ông này, vừa thấy cũng hay hay… “Mấy ông doanh nhân này lấy đâu ra mà lắm năng lượng thế! Chơi với các vị này vui có vui, mà cũng có mệt!”

Lại thấy chuông réo tiếp “tôi ở dưới cổng nhà rồi nhé”, kèm theo tiếng cười khúc khích. Anh chàng muốn bất ngờ đây mà!

—-

“Chào cậu. Tuần vừa rồi tớ lắm việc quá, tưởng sáng nay sẽ ngủ bù được, vậy mà không! Lôi ông dậy sớm ra ngoại ô cho thanh cảnh”. Anh bạn thắt dây lưng, vào số xe, lên đường.

Gió sông Hồng ẩm mát phần phật qua cầu Thăng Long. Nhớ ngày nào bê xe đạp xuống con đò Chèm nhỏ bé chòng chành để mà vượt sóng sông Hồng mênh mông, nhìn sang bờ bên kia như một miền đất hứa xa xăm nào khác…

Đây rồi hàng quán sơn trại mới sáng ra, tịnh không một bóng người, lặng lẽ. Cỏ còn đầm ướt hơi thở sương mai. Mùi đất dạt dào quê hương. Cả hàng quán có mỗi một cô bé cần mẫn coi nhà bếp. Nhờ được cô bé làm cho đĩa nhắm, cùng tí chút rượu quê để nhấm nháp.

Căn nhà sàn đơn côi. Có hạt mưa nào đọng lại tí tách ngoài khung cửa.

Nhấm nháp giản dị, chuyện trò đơn sơ. Trong yên lặng, cả hai chúng tôi đều thả mình tận hưởng cái cảm giác về miền quê đồi núi thanh tịnh đơn sơ như tự thuở nào. Có con mọt nào đang gặm xà gỗ trên cao, và cô gà mẹ nào bắt đầu dẫn lũ con đi đào bới. Mấy con dế hát ậm ẹ, không biết là cố tình hay vô thức vậy…

Chuyện trò câu được câu chăng, cũng chẳng đâu vào đâu. Chuyện cũ nhiều hơn chuyện mới.

Khi sự mộc mạc trụ trì, chân lý trở nên vô duyên, không ai muốn mời chúng dự cuộc.
Thấm thoắt, mà rồi cũng đã quá giữa buổi sáng rồi. Tại sao thời gian trong vui tịnh thì lại ngắn? Cuộc đời nhiều niềm vui thì chả nhẽ sẽ ngắn hơn?

Chúng tôi xuống nhà chào cô bé nhà bếp, gửi tiền. Đang dở tay mổ gà, cô liền chùi hai tay vào sau vạt áo mình, lục trong túi áo một hồi, rồi rút ra chiếc tăm. Hai bàn tay cô cầm hai đầu chiếc tăm, đưa lên, rất cẩn thận mời tôi. Rồi lại mời anh bạn. Chúng tôi vui vẻ cầm vào phần giữa của chiếc tăm, nhận lấy nó, và cảm ơn cô.

Ra đến xe anh bạn bảo “người ta lòng thành, nhưng hai đầu tăm bị bẩn đấy nhé, anh bẻ đôi cái tăm ra, phần giữa coi như là sạch”.

—-

Thế nhưng cái tăm này lại là một món quà đặc biệt. Nó chứa đựng nhiều điều thú vị.
Nó chứa đựng rất nhiều tình cảm và sự lễ phép ở trong đó.

Cô bé đang bận mổ gà là như thế, mà nhất định không quên chuyện phải có chiếc tăm cho chúng tôi sau bữa ăn.

Mấy chiếc tăm bé tí tẹo, cô đã cố công lục chúng trong túi áo. Cô nhất định tìm bằng được ra chúng.

Cô lại dùng cả hai bàn tay để nâng được hai đầu chiếc tăm bé xíu lên, để “tiến tăm” cho chúng tôi. Ngày hôm nay, khó mà tìm lại được cái tinh thần đó ở giữa chốn phố phường.

Hiệu quả của việc tiến tăm, thì lại là cả một câu chuyện khác.

Hai đầu tăm vẫn còn mùi thịt gà tươi sống…

—-

Anh bạn lái xe một hồi, rồi quay sang “cậu làm gì mà có vẻ suy tư vậy”.

– “Tôi lại vừa được trải nghiệm kĩ thêm một điều đã cảm nghiệm từ lâu nay.”

– “Điều gì vậy ?”

– “Chuyện tiến tăm… “

– “Chữ nghĩa khó thế!”   

– “Cô bé lúc nãy đã học thành lòng, học kĩ lưỡng sự chu đáo, sự tử tế, sự cố tâm để làm vui lòng người khách.

Cô là cô bé học trò thật ngoan ngoãn và thành tâm trong sự việc này.

Nhưng cô bé không đi được đến cái bến cuối của sự học.

Cái bến cuối đó là: học một việc gì, thì cũng để rồi mình không còn là đứa học trò bé bỏng mãi mãi của cái việc đó nữa.”

– “Ừ, những chuyện như thế thì còn nhiều nữa lắm nhé…”

– “Ở đây tôi chỉ nghĩ đến những công việc tử tế và những con người tử tế.

Trong rất nhiều việc này, việc nhỏ, việc to, và cả việc rất to, tôi vẫn nhận thấy cái tinh thần chí nguyện làm một đứa học trò bé bỏng mãi mãi của những người người trong cuộc.

Có cái gì đó trong cái nôi văn hóa đã ru họ thế chăng?”

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)