Tiếng chợ

Đi chợ là mua bán, đã đành, nhưng nếu được nghe, được nói, nghe “chợ nói”, được trò chuyện nữa cũng thú.

Ảnh: Shutterstock

Chợ Hàng Bè, nằm trong lòng phố cổ. Chợ phố cổ có một cổ lệ, đầu chợ, hàng đầu tiên là hàng lá, lá xông và hàng hoa. Đẹp! an lành quá, Hà Nội quá. Tôi đẻ ra ở phố cổ, cách vài bước chân là đến chợ Hàng Bè, cả đời đi bộ ra chợ. Hồi bé thì đi theo bà, theo mẹ nay già thì đi một mình. Mồng Một vừa rồi quên không dặn chị bán hoa từ hôm trước, hơn 10h ra thì hồng thơm đã hết. Đành thả một câu “ai mở hàng mà đắt hàng thế!”, chị ấy vừa cười vừa nói “đắt hàng nhưng hàng em không đắt đâu”. Ngày đầu tháng, nghe được một câu vui mở hàng dù chả mua được hoa sẽ vui cả tháng? mà thôi vui một ngày cũng là quý rồi, là vui rồi.

Đi thêm một khúc rẽ sang hàng hoa khác ở đầu chợ phía Cầu Gỗ, hy vọng mua được đúng loại hồng mà tôi thích. Len lỏi trong chợ cũng thú. May mà đi bộ, sống chậm để sống được nhiều hơn? Đi chậm để đi được nhiều hơn? Mới đến ngã ba Gia Ngư thì nghe được mẩu thoại vọng ra từ hàng cá, “em gọi chị mãi không được, có mớ cá bống sông ngon, em mới bán rồi”. “Ghét thế, bận sau không mua của em nữa”, “chị ghét thì ghét bống thôi, đừng ghét em nhé”. Ngày sóc, được mở tai bằng hai câu hay, vui quên cả mua hoa, bon chân về đến nửa đường mới nhớ ra. Chợt thấy một “hàng hoa” ngay vỉa hè gần ngã tư Hàng Gai và Hàng Mành, một thúng hồng thơm. Vừa vui vừa may. “Chị bán cho năm chục bông loại này…” tôi đang chọn thì chị ấy xua tay, “đợi em”. Chị chạy vụt vào trong ngõ đối diện, bê ra, vẫn hồng đỏ. Tôi thoáng ngạc nhiên, chị ấy bảo “con bé bạn bị ông đeo băng đỏ tịch thu cả xe đạp hoa dắt về phường rồi. May mà nó giấu được một ít trong ngõ. Em bán giúp nó”.

Chuyện hoa, chuyện chợ, chuyện mua bán, loanh quanh vẫn là chuyện người cả thôi. Chuyện trong chợ đã đành, nhưng chuyện chợ vỉa hè, bán rong, quang gánh, xe đạp cũng nhiều thân phận, nhiều nỗi niềm. Vì họ không chính danh, họ là vai phụ, ngoài lề, là vừa bán vừa chạy, là ngõ ngách. Nhà báo Quỳnh Hương kể đầu ngõ nhà cô có một bác, buôn thúng bán mẹt nghĩa đen. Một thúng đội đầu, một mẹt cắp hông, 6h sáng hàng ngày đã ngồi đó, ngày nào cũng vậy, “quầy hàng” gọn nhẹ vậy nhưng đủ thứ, vài quả ớt, vài lạng tép, vài mớ rau, dăm quả mướp, mấy củ gừng, dăm quả khế… Tại sao lại nhiều thứ “vài ba” vậy? Bác ấy kể: vườn nhà có gì bán nấy, luống rau, dàn mướp, còn lại là hàng xóm gửi, tôm tép cua cá ốc ếch họ đánh bắt được… Mùa nào thức ấy. Có gì đó như thiện tâm? chuyện chợ, chuyện đồ ăn thức uống nó nối người ta lại với nhau, hàng xóm láng giềng, quê và tỉnh. Có người tỉnh nào mà chả là gốc người quê? Hà Nội gì đi chăng nữa cũng đừng quên cái gốc Thăng Long – Kẻ Chợ của mình.

Hàng rong thì cấm đoán, chợ truyền thống thì đập bỏ để xây siêu thị. Mấy người Hà Nội  cũ chiều 30 ngơ ngác nhìn nhau nuối tiếc. Tiếc cái chợ, chợ Hàng Da, chợ Hàng Bè, chợ “Âm phủ -19/12”, chợ Cửa Nam. Họ tiếc mấy hàng hoa, hàng lá ở đầu chợ. Hà Nội còn đây mà sao luểnh loảng, mà sao cứ ngày càng phai nhạt, lại thèm được trở về một cái Tết nghèo thời bao cấp, chiều cuối năm lững thững ra hàng lá đầu chợ Hàng Bè mua bó mùi già về tắm Tất niên. Thật tiếc, xót và nhớ mấy cái chợ trong lòng phố cổ. Phá thì dễ, xây mới khó. Mà đâu chỉ là phá cái chợ. Trong mấy cái chợ ấy không chỉ là dưa cà mắm muối, nó còn có cả văn hóa, cả truyền thống, cả tập tục, thói quen. Ở trong đó có cả nếp sống, nếp người, nếp nhà, nếp phố. Nếp Hà Nội.

Một góc chợ Hàng Bè, năm 2011. Ảnh: Lê Thiết Cương

Đô thị hiện đại sẽ ra sao nếu bao vây nó chỉ là những khu công nghiệp kín cổng cao tường xám ngoét, những siêu thị sáng choang ăm ắp hàng hóa mà vô hồn. Mất chợ là mất tiếng chợ, mất nói.

Ở chợ không chỉ có người Hà Nội, mà có nhiều người quê. Họ mang rau củ, cá mú, thịt thà ra bán và mang cho Hà Nội cả một kho tàng quý giá “tiếng quê”. Tiếng quê là tiếng Việt, nó nhiều hình ảnh, nhiều thành ngữ. Tiếng Việt ở đô thị hôm nay nhạt. Một bác mời chào “ còn lạng nhộng, mua nốt giúp chị”, thay vì nói, bán rẻ, chị nói “ăn miếng đầu hầu miếng cuối”. Hôm qua thèm ăn rau rau cần muối xổi. Lững thững ra chợ tạm góc Báo Khánh – Hàng Hành, gặp ngay anh xe thồ ghếch chân bờ hè bán cần. Anh ấy bảo “bán thêm bữa nay, nốt ao này, không thả nữa, cận Tết rồi”. Quá lâu mới được nghe từ “thả”. Đã tai!

Trẻ con Hà Nội, tầm 5, 6X, hồi Mỹ ném bom miền Bắc, đều “chạy quên dép” về quê sơ tán. Tôi và các em về làng Thanh Thần (Hà Tây) suốt từ hồi Mỹ đánh phá miền Bắc lần thứ nhất, tháng tám năm 1964 đến tháng một năm 1973 mới về lại Hà Nội. Ký ức nông thôn in trong đầu chả thể quên. Cứ độ trước Tết, chú tôi lại tát ao, tôm cá to mang ra chợ bán, cua ốc,  chạch nhà ăn. Sau đó thả cần, đất bùn ao mươi hôm đã thu hoạch, vài ba đợt rồi mới lại tháo nước. Không ai nói trồng cần, gieo cần cả. Muốn nghe được tiếng quê – tiếng Việt thì cũng phải biết. “Tôi yêu tiếng nước tôi” hôm qua thôi.

Đi chợ là mua bán, đã đành, nhưng nếu được nghe, được nói, nghe “chợ nói”, được trò chuyện nữa cũng thú. Giữa chợ Hàng Bè có một hàng bán dưa cà, thuộc loại gia truyền. Bữa nọ trong lúc chờ cô bán hàng múc cà tôi bắt chuyện, vì thấy sau lưng chị là một bàn thờ to, kiểu ban thờ gia tiên có bức chân dung đen trắng truyền thần một thanh niên đội mũ cối đeo sao. Bên cạnh là ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Nhà chị có họ hàng với gia đình cụ Giáp!”. “ Không! cậu tôi liệt sỹ, hy sinh hồi Mậu Thân 1968, thờ cậu thì phải thờ cả cụ Giáp nữa chứ”.

Tiếng chợ đấy!

Đi chợ để trò chuyện cùng chợ, nghe được tiếng chợ mới là đi chợ.

Tháng 3.2025

Bài đăng Tia Sáng số 6/2025

Tác giả

(Visited 367 times, 3 visits today)