Tiêu chí ngoại hình trong tuyển dụng, tuyển sinh: Phân biệt đối xử trong vô thức
Tại sao phân biệt đối xử, điển hình như phân biệt cao – thấp, lại trở thành thứ có thể ngăn cản ước mơ của một con người?
Gần đây việc một đại học đặt ra tiêu chí tuyển sinh với nam cao từ 165 cm, nữ từ 158 cm nhằm “đào tạo ra những nhà lãnh đạo, quản trị và điều hành xuất sắc”, hướng tới việc “xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và tự tin của các nhà lãnh đạo tương lai”, làm tôi nhớ tới cô giáo dạy văn cấp 2 của mình. Giáo viên Văn năm cấp 2 của tôi là tổ trưởng bộ môn, một người vừa giỏi chuyên môn và giàu tình cảm với học sinh. Cô kể chuyện rằng ngày xưa mong muốn thi vào đại học để dạy cấp 3 và cô tin mình có khả năng thi đậu, nhưng có người góp ý rằng dáng người cô quá thấp bé, chỉ hợp dạy cho học sinh cấp 2 nên cuối cùng cô đã thi vào cao đẳng và gắn bó với cấp học này suốt cuộc đời làm nhà giáo.
Cô kể với giọng hài hước nhưng khiến tôi tự hỏi, tại sao chiều cao lại là thứ có thể ngăn cản ước mơ của một con người?
Nhận diện phân biệt đối xử
Phân biệt đối xử về chiều cao mới chỉ là một trong những dạng phổ biến của hành vi đối xử không công bằng hoặc thiên vị dựa trên các đặc điểm cá nhân như chủng tộc, giới tính, tôn giáo, tuổi tác, hay tình trạng cơ thể, cùng nhiều yếu tố khác. Điều này có thể dẫn đến việc người bị phân biệt đối xử bị bất lợi, bị loại trừ trong các lĩnh vực như tuyển dụng, giáo dục, y tế và các dịch vụ công cộng.1
Về cơ chế, người ta thường hay phân loại thành phân biệt đối xử trực tiếp và phân biệt đối xử gián tiếp. Trong đó, phân biệt đối xử trực tiếp xảy ra khi một người bị đối xử bất lợi hơn so với người khác dựa trên một đặc điểm cá nhân của người đó. Ví dụ như một nhà tuyển dụng từ chối phỏng vấn một ứng viên vì đọc tên ứng viên và biết đó là người dân tộc thiểu số, hay đăng thông báo không tuyển người đến từ một vùng miền nhất định. Trong những trường hợp này, yếu tố bị phân biệt đối xử (dân tộc, xuất thân) trở thành mục tiêu bị nhắm tới và loại trừ một cách trực tiếp. Cũng vì vậy mà loại phân biệt đối xử này rất dễ bị phát hiện một khi có đủ bằng chứng.
Trong khi đó, phân biệt đối xử gián tiếp thường khó nhận diện hơn – xảy ra khi một chính sách, quy tắc, hoặc thực hành tưởng như vô tư, không đề cập gì tới những đặc điểm của cá nhân hay nhóm nào, nhưng lại đặt một hay nhiều cá nhân, nhóm người vào tình thế bất lợi hơn so với các nhóm khác. Ví dụ như một trường học yêu cầu tất cả học sinh phải mặc đồng phục theo giới tính trên giấy tờ mà không cho phép bất kỳ sự điều chỉnh nào. Điều này có thể gây khó khăn cho học sinh thuộc các tôn giáo có quy định ăn mặc khác biệt, hoặc các học sinh là người chuyển giới có mong muốn mặc trang phục theo giới tính tự nhận của mình. Phân biệt đối xử gián tiếp thường khó nhận biết hơn vì nó có thể không xuất phát từ ý định phân biệt, hoặc phải mất một thời gian dài mới bắt đầu xuất hiện vấn đề khi các cá nhân bị ảnh hưởng xuất hiện.2
Tại Việt Nam, Hiến pháp cũng như nhiều bộ luật (Bộ Luật Lao động), luật chuyên ngành (Luật Giáo dục, Luật Khám, chữa bệnh…) đều có phần quy định về nguyên tắc chống phân biệt đối xử, trong đó liệt kê các yếu tố bị cấm phân biệt đối xử. Ở đây xuất hiện khái niệm “yếu tố bị cấm phân biệt đối xử”, như giới tính, tuổi tác, dân tộc, nhưng như vậy những yếu tố khác thì sao? Ví dụ như “ngoại hình” hay “năng lực”? Nếu tuyển một người vì họ có bề ngoài “dễ mến” hơn thì có phải là phân biệt đối xử, còn tuyển một người có kinh nghiệm ít hơn, kỹ năng kém hơn thì có được phép hay không?
Những trường hợp được phép quy định phân biệt đối xử
Pháp luật cấm phân biệt đối xử vì nhà nước có trách nhiệm đảm bảo công bằng xã hội, quyền con người cũng như sự phát triển bền vững của cộng đồng, đồng thời ngăn chặn những tiêu cực xuất phát từ lợi ích cá nhân hay sự thiên vị, định kiến của mỗi người. Tuy nhiên, cũng vì những mục tiêu này mà đôi khi một sự phân biệt đối xử vẫn được pháp luật chấp nhận.
Thứ nhất là các biện pháp “trợ nhược”, hay còn gọi là các chính sách nâng đỡ, bù đắp, như việc cộng điểm ưu tiên xét tuyển cho thí sinh người dân tộc thiểu số, hay những ưu đãi dành cho người khuyết tật trong việc làm, dịch vụ công cộng. Thứ hai là nếu những quy định mang tính phân biệt là nhằm mục đích an toàn sức khỏe, hay để đáp ứng yêu cầu công việc cụ thể, như quy định trang phục, kiểu tóc thống nhất trong dây chuyền nhà máy để đảm bảo an toàn lao động, hay yêu cầu những đặc điểm sức khỏe, hình thể, ngoại ngữ nhất định phục vụ cho công việc mang tính đặc thù như lực lượng vũ trang, vận hành thiết bị đặc biệt.3
Như vậy, “ngoại hình” và “năng lực” vẫn có thể là những tiêu chuẩn có thể được đặt ra, hoặc “châm chước” mà không bị coi là vi phạm pháp luật, nếu nó chứng minh được sự cần thiết để đáp ứng công bằng, phát triển bền vững của xã hội. Và cũng như mọi giới hạn quyền con người, các phân biệt đối xử này cần luật cho phép, chứ không phải do giải thích, cảm nhận của một vài cá nhân, nhà tuyển dụng.
Điển hình như yêu cầu chiều cao được đặt ra trong hai trường hợp: thi hoa hậu và ứng tuyển tiếp viên hàng không. Trong giải thích phổ biến, yêu cầu chiều cao là điều cần thiết trong cuộc thi sắc đẹp vì đây là hoạt động cạnh tranh bằng ngoại hình, nên chiều cao cũng là yếu tố cạnh tranh và đánh giá mức độ thành công, phù hợp của ứng viên. Đối với nghề tiếp viên hàng không, theo các giải thích chính thức, chiều cao của tiếp viên trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành công việc như quan sát tổng thể khoang hành khách hay thao tác ở những vị trí cao như thiết bị an toàn, khoang hành lý.
Với lực lượng vũ trang, yêu cầu chiều cao thường được đặt ra như một tiêu chí của thể lực, bởi vì thể lực không phải là một yếu tố bị cấm phân biệt đối xử, và nó phục vụ cho mục tiêu công việc vốn có phần nặng nhọc và cần sức bền hơn thông thường.
Tuy nhiên, theo thời gian, các nghiên cứu về con người, sự thay đổi xã hội cho chúng ta thêm các góc nhìn mới làm lung lay các tiêu chuẩn của các ngành tưởng như hiển nhiên cần có những tiêu chuẩn riêng về ngoại hình. Chẳng hạn, quan hệ nhân quả giữa chiều cao với thể lực vẫn không rõ ràng. Một người cao chưa chắc có thể lực tốt, cũng như một người thấp hơn chưa chắc là có thể lực kém. Nếu để đảm bảo thể lực thì có nhiều yếu tố đánh giá đáng tin cậy hơn là chiều cao. Một lập luận mạnh hơn khi chiều cao là yếu tố quan trọng để thực hiện một số nhiệm vụ như khả năng quan sát từ trên cao, thao tác với thiết bị, thực hiện động tác chiến thuật chính xác, duy trì lợi thế trong tác chiến, hoặc hình thể đồng nhất trong cùng một loại nhiệm vụ… Khác với một chiếc máy bay thương mại và bản chất của hoạt động, một chiến sĩ sẽ phải dựa vào tầm vóc của mình thay vì phụ thuộc vào các công cụ hỗ trợ cho chiều cao như bạn tiếp viên mà tôi gặp, vì thế mà yêu cầu về chiều cao vẫn được pháp luật cho phép vì sự đặc thù công việc của nó.
Theo thời gian, với sự thay đổi về chuẩn mực thẩm mỹ, dù có phần chậm chạp hơn, người ta cũng dần thấy rằng chiều cao không phải là yếu tố hàng đầu trong các cuộc thi hoa hậu nữa. Niềm tin về yêu cầu chiều cao với tiếp viên hàng không cũng đã bị lung lay khi tôi chứng kiến một nhân viên của hãng hàng không Nhật Bản có chiều cao khiêm tốn, dùng một thanh gậy dài khoảng 30cm có một đầu hình bàn tay xòe ra kiểm tra các khoang hành lý trên cao một cách vô cùng dễ dàng. Nếu để đáp ứng yêu cầu công việc, tại sao không cung cấp cho người lao động những dụng cụ, biện pháp để họ làm tốt, thay vì đặt ra những điều kiện về ngoại hình mà họ không thể thay đổi được.
Ngoại hình đẹp hơn nghĩa là xuất sắc hơn?
Việc đưa ra yêu cầu chiều cao, ngay cả ở các ngành nghề tưởng như lấy yếu tố chiều cao làm tiêu chuẩn lựa chọn bất di bất dịch để phục vụ công việc, cũng đã thay đổi. Chính vì thế, việc các cơ sở giáo dục đưa yếu tố chiều cao vào tiêu chí tuyển sinh trở thành một dấu hỏi rất lớn về phân biệt đối xử.
Đơn cử, thông tin về Trường Quản trị và Kinh doanh HSB (ĐH Quốc gia Hà Nội) đặt ra tiêu chuẩn chiều cao với thí sinh (nam cao từ 165 cm, nữ từ 158 cm) vừa qua đưa tới một thảo luận sôi nổi. Quy định này đã có từ năm 2021 với riêng ngành Quản trị và An ninh, và áp dụng cho tất cả các ngành từ năm 2023. Liệu đây có phải là một sự phân biệt đối xử, nhất là khi ban đầu nhà trường giải thích là các quy định xét tuyển của trường “hướng tới mục tiêu đào tạo ra những nhà lãnh đạo, quản trị và điều hành xuất sắc cho cả khu vực công và tư.” Đại diện của trường chia sẻ thêm “ngoài những yếu tố về học lực và kỹ năng, thể chất, hình thể cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và tự tin của các nhà lãnh đạo tương lai.”4
Những lý giải này khiến dư luận càng thắc mắc về những tiêu chí về năng lực cũng như sự “chuyên nghiệp, tự tin” mà nhà trường nhắc đến liệu không thể tồn tại ở những thí sinh có chiều cao thấp hơn tiêu chuẩn. Liệu cao hơn có đồng nghĩa với chuyên nghiệp hơn, tự tin hơn, có phẩm chất lãnh đạo hơn? Một số ý kiến cũng thắc mắc tại sao lại chọn một chiều cao cụ thể như vậy, trong khi chiều cao trung bình của nam giới trưởng thành Việt Nam là 168,1 cm và của nữ là 156,2 cm,5 tức là nhà trường đang đặt ra tiêu chuẩn chiều cao của nam thấp hơn trung bình 3 cm, còn của nữ cao hơn trung bình gần 2 cm.
Ngay sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Trường Quản trị và Kinh doanh nghiêm túc rà soát các tiêu chí và điều kiện xét tuyển nhằm bảo đảm công bằng đối với thí sinh về cơ hội dự tuyển. Vì không thể để “thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực (trừ những quy định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng mang tính đặc thù trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh).”6
Kết quả là nhà trường đã điều chỉnh đề án tuyển sinh, chỉ còn giữ duy nhất tiêu chuẩn chiều cao (cùng với thể lực, thị giác tốt) đối với ngành quản trị và an ninh, trừ trường hợp có năng khiếu thì xét tuyển riêng (tức giống với từ năm 2021), vì ngành này là “chương trình mang tính chiến lược đối với sự nghiệp đào tạo nhân tài góp phần phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,”7 nên được áp dụng các tiêu chuẩn về thể chất riêng.
Ví dụ của Trường Quản trị và Kinh doanh HSB là điển hình nhưng không đơn lẻ. Trước đó, đã có nhiều ngành, trường khác vốn cũng áp dụng quy định thể chất (chiều cao, thị lực, thính lực, tật nói ngọng, nói lắp, dị dạng, hình xăm) như ngành giao thông vận tải, sư phạm, giáo dục thể chất, kiểm sát, tòa án tại một số trường. Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ có công văn chấn chỉnh chung cho toàn hệ thống các cơ sở giáo dục8, nghĩa là những tiêu chuẩn về ngoại hình sẽ phải dẫn ra được lý do trực tiếp, thuyết phục chứng minh nó với việc phục vụ cho yêu cầu của ngành học.
Xã hội thay đổi, các tiêu chuẩn cũng cần thay đổi
Giờ đây nhiều ngành đã thay đổi tiêu chí tuyển sinh, tuyển dụng. Ngành tiếp viên hay an ninh quốc phòng đặt ra các yêu cầu rất khắt khe về thị lực, phải không có tật khúc xạ như cận thị, viễn thị. Tuy nhiên quy định này đã có phần thoáng hơn, khi việc đeo kính gọng, kính áp tròng, phẫu thuật chữa cận thị ngày càng trở nên phổ biến, thuận tiện và không ảnh hưởng nhiều tới chất lượng công việc của người trong các ngành nghề này. Một số trường và ngành trong khối quân đội, công an bắt đầu chấp nhận tuyển thí sinh mắc cận thị không quá 3 diop, như kỹ thuật quân sự, quân sự, khoa học quân sự, văn hóa nghệ thuật hay các công tác khoa học kỹ thuật, hành chính, giảng dạy, nghiên cứu và quản lý xây dựng cơ bản.9
Năm 2021, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ của Philippines đã bỏ quy định chiều cao tối thiểu dành cho thí sinh, trong bối cảnh các cuộc thi nhan sắc chuyển trọng tâm sang đánh giá về kiến thức xã hội, khả năng tham gia hoạt động cộng đồng, và khuyến khích các nét đẹp đa dạng, vượt khỏi các tiêu chuẩn sắc đẹp truyền thống.10 Tiếp đó, Indonesia11 và Ấn Độ12 cũng lần lượt bỏ quy định chiều cao vào năm 2023, 2024.
Như đã trình bày ở phần đầu bài viết, một yếu tố phân biệt đối xử phải chứng minh được sự cần thiết của nó để đảm bảo công bằng xã hội, hoặc vì mục đích đặc thù công việc. Trong xã hội ngày nay, với sự hỗ trợ của máy móc, các giải pháp giải phóng con người khỏi những công việc mang tính nặng nhọc, nguy hiểm, tốn thời gian, một yêu cầu về hình thể hợp lý vào 10 năm trước có thể sẽ không còn hợp lý vào ngày hôm nay. Năm 2013, Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội ban hành danh mục 77 công việc nặng nhọc, nguy hiểm không được sử dụng lao động nữ.13 Tuy vậy trên thực tế vẫn có nhiều phụ nữ làm các công việc này hằng ngày để kiếm sống, nhưng vì quy định cấm thuê lao động nữ, họ phải làm việc mà không có hợp đồng hay giao kết hợp pháp.
Năm 2020, Thông tư này đã được thay thế bằng Thông tư số 10/2020/ TT-BLĐTBXH, trong đó thay vì cấm sử dụng lao động nữ thì người sử dụng lao động nữ trong việc thực hiện các công việc này phải: thực hiện công bố công khai, cung cấp đầy đủ thông tin về tác hại cũng như các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, thực hiện khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp và bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động.14
Sự thay đổi này cho thấy với những biện pháp phù hợp, hình thể, sức vóc của phụ nữ không phải là yếu tố mặc định ngăn cản họ làm các công việc bình đẳng với đàn ông. Điều này cũng có thể trở thành hiện thực với những người có chiều cao khiêm tốn vẫn có thể hoàn thành mọi công việc nơi mà yếu tố chiều cao là cần thiết. Còn nếu khi yếu tố hình thể chỉ đơn thuần là bảo chứng cho sự tự tin, thiện cảm, thì cái cần thay đổi chính là quan niệm của xã hội về những thước đo này.
Bớt đi những tiêu chuẩn không cần thiết, không hợp lý không chỉ là câu chuyện tuân thủ các quy định pháp luật về chống phân biệt đối xử, nó còn là lời khẳng định với mọi công dân rằng những thứ họ không có quyền lựa chọn như cơ thể, ngoại hình, giọng nói sẽ không thể ngăn cản họ chạm vào ước mơ của mình.□
——
Chú thích
1 “Quick Guide to Discrimination Law.” Australian Human Rights Commission, 2024, humanrights.gov.au/education/employers/quick-guide-discrimination-law. Accessed 14 June 2024.
2 “EU Gender Equality Law: Update 2010. European Network of Legal Experts in the Field of Gender Equality.” European Commission, 2010.
3 “Q&As on Business, Discrimination and Equality.” International Labour Organization, Feb. 2012, www.ilo.org/resource/qas-business-discrimination-and-equality-0.
4 Dương Tâm. “Trường Đại Học Nói Lý Do Chỉ Tuyển Nam Sinh Cao Trên 1,65 M.” Vnexpress.net, Báo VnExpress, 5 June 2024, vnexpress.net/truong-dai-hoc-noi-ly-do-chi-tuyen-nam-sinh-cao-tren-1-65-m-4754698.html.
5 Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê và Viện Dinh dưỡng quốc gia, Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2017 – 2020, https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/bo-y-te-cong-bo-ket-qua-tong-ieu-tra-dinh-duong-nam-2019-2020
6 Quý Hiên. “Bộ GD-ĐT “Tuýt Còi” Trường Đại Học Áp Tiêu Chuẩn Chiều Cao Với Thí Sinh.” Thanhnien.vn, https://thanhnien.vn, 6 June 2024, thanhnien.vn/bo-gd-dt-tuyt-coi-truong-dai-hoc-ap-tieu-chuan-chieu-cao-voi-thi-sinh-185240606181559567.htm.
7 “Thông Tin Tuyển Sinh Đại Học Chính Quy Năm 2024 – Cử Nhân Quản Trị và an Ninh (MAS).” Trường Quản Trị và Kinh Doanh – Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 2 Feb. 2024, hsb.edu.vn/cu-nhan-quan-tri-va-an-ninh-mas-2024-html.html.
8 Quý Hiên. “Những Trường ĐH Nào Đang Áp Tiêu Chuẩn Chiều Cao Với Thí Sinh?” Thanhnien.vn, https://thanhnien.vn, 7 June 2024, thanhnien.vn/nhung-truong-dh-nao-dang-ap-tieu-chuan-chieu-cao-voi-thi-sinh-185240607112212264.htm.
9 Bộ Công an. “Thông tư 62/2023/TT-BCA”, 2023, bocongan.gov.vn/pbgdpl/van-ban-quy-pham/622023tt-bca-2730.html, http://mps.gov.vn/.
10 “Surprise! Miss Universe Philippines Announces No Minimum Height Requirement for Pageant.” Manila Bulletin, mb.com.ph/2021/06/09/surprise-miss-universe-philippines-announces-no-minimum-height-requirement-for-pageant/.
11 “Miss Universe Indonesia Removes Minimum Height Requirement for Candidates.” Philstar Life, 2023, philstarlife.com/news-and-views/704033-miss-universe-indonesia-removes-minimum-height-requirement.
12 Editorji News Desk. “Miss Universe India Removes Height Criteria for Beauty Pageant Aspirants, More Deets Inside.” Editorji, Editorji, 2 Apr. 2024, www.editorji.com/lifestyle-news/fashion-and-beauty/miss-universe-india-removes-height-criteria-for-beauty-pageant-aspirants-more-deets-inside-1712054360608.
13 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH, 2013, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-26-2013-TT-BLDTBXH-danh-muc-cong-viec-khong-duoc-su-dung-lao-dong-nu-212391.aspx
14 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Thông tư 10/2020/ TT-BLĐTBXH, 2020, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-10-2020-TT-BLDTBXH-huong-dan-Bo-luat-Lao-dong-noi-dung-hop-dong-lao-dong-454406.aspx
Bài đăng Tia Sáng số 12/2024