Tìm lại ngôi nhà xanh

Quay ngược về tìm hiểu chính kiến trúc và cách sinh hoạt của người nông dân Việt Nam, nhiều khi chỉ cách đây vài thập kỉ, chúng ta nhận thấy ông cha mình đã áp dụng khái niệm “xanh” này một cách tuyệt vời.

Không có gì là rác

Trong kiến trúc, ngôi nhà truyền thống Bắc Bộ là một giải pháp tuyệt vời. Các vật liệu làm nên nó phần lớn được lấy từ những thứ cây trồng trong vườn, trong đó tre và xoan là hai vật liệu chính, được tận dụng một cách triệt để và khéo léo. Hãy thử phân tích một ngôi nhà ba gian, hay năm gian với các chi tiết kiến trúc đã được tận dụng từ cây xoan. Họ sẽ lựa ra những cây xoan to, đường kính khoảng từ 20cm đến 30 cm với những đoạn thẳng để làm cột. Sau khi lựa được khoảng hơn 3m làm cột, tất cả những đoạn còn lại đều được lựa làm xà, làm trụ, cành ngang thì làm hoành. Tóm lại, một cây xoan được ngả xuống và được tận dụng triệt để, không có gì vứt đi. Những cành quá nhỏ được dùng làm chất đốt, lá xoan nhấn xuống ruộng thành một loại phân xanh chống được sâu bệnh cho hoa màu. Những đoạn kẻ chuyền, kẻ chim, kèo bẩy với đường cong duyên dáng thì được lựa từ những khúc cong của thân cây. Một điều tuyệt vời nữa của lối nhà này là có thể dễ dàng tháo lắp để di chuyển cũng như được nối thêm khi có nhu cầu. Với một ngôi nhà xây, nếu bạn không thích nó hoặc muốn thay đổi, chỉ có cách là đập đi và thải ra một đống phế thải vào môi trường. Nhưng với ngôi nhà gỗ truyền thống, bạn có thể bán nó cho người khác tái sử dụng hoặc mang nó theo đến vùng đất mới. Và tài nguyên của thiên nhiên cũng như túi tiền của bạn được tiết kiệm triệt để.

Vật liệu lợp mái bằng ngói vẩy cá cũng là một giải pháp điều hòa nhiệt độ tự nhiên. Những viên ngói mỏng to hơn bàn tay nung vừa độ chín và được lợp chồng lên nhau nhiều lớp dày cả gang, để lại những khe hở giữa các lượt. Khi đêm xuống, những viên ngói hút không khí ẩm vào. Ngày đến, nắng lên làm lượng ẩm trong ngói bay hơi. Gió tự nhiên lùa qua những khe ngói làm tăng sự bay hơi và nhà sẽ luôn mát. Kinh nghiệm cho thấy lợp loại ngói này chống bão khá tốt vì nó được cài vào nhau, viên trên đè viên dưới và vẫn có khe hở để gió đi qua và lực của gió không bị cưỡng lại mà chỉ bị chia nhỏ. Hàng hiên của căn nhà thường được làm xà xuống tránh bức xạ trực tiếp của ánh nắng. Đầu nhà thường xây bể chứa nước mưa hứng từ mái. Nước mưa dùng để ăn, pha trà. Còn tắm giặt thì dùng nước giếng.

Quan sát cách sinh hoạt của người nông dân trong ngôi nhà đó, cũng nhận thấy một vòng tròn khép kín của tự nhiên. Không có bất cứ cái gì bị cho là rác. Tất cả đều được tái sử dụng một cách hữu hiệu. Chẳng hạn, cây chuối cho quả, thân chuối cho lợn ăn, lá chuối dùng gói bánh, bẹ chuối làm dây buộc. Ngay cả hành động đơn giản nhất là vo gạo nấu cơm cũng rất triệt để: nước vo đầu tiên được đổ vào cái “vại nước gạo” dùng để nấu cho lợn; nước vo thứ hai dùng để tưới cho đám rau thơm trồng cạnh giếng. Nhà nào cũng có nồi nước giải ở góc vườn dùng để tưới rau. Tro bếp, phân lợn lại được quay ra đồng bón cho cây lúa.

Điểm lại một chút về cái ăn cái ở của người nông dân xưa để thấy đó quả là một quan niệm tốt cho kiến trúc xanh và ứng xử bền vững với môi trường.

Ngôi nhà “nhặt nhạnh”

Cách đây khoảng 20 năm, có thể dễ dàng tìm thấy những ngôi nhà được xây bằng đất ở rất nhiều ngôi làng của Việt Nam. Thế nhưng, vật liệu xi măng và kĩ thuật làm nhà bằng bê tông ngày càng phát triển và lan dần từ thành phố về nông thôn. Vượt qua lí do về tính hữu dụng, người nông dân vội vàng, hồ hởi, đón nhận cái kĩ thuật mới này như một cách để minh chứng cho sự tiến bộ và hợp thời của mình. Mặc dù, thỉnh thoảng họ cũng than phiền về giá cả phải chi cho những ngôi nhà kiểu mới, sự bất tiện và tính kém hiệu quả của nó với cái thời tiết nóng và ẩm của xứ nhiệt đới.

Là một họa sỹ sinh ra ở thành phố nhưng quyết định rời về sống ở một làng quê làm nông nghiệp ở Bắc Ninh, tôi nhận thấy một điều là khá nhiều người dân ở đây trở nên mắc nợ khi họ cố gắng đập bỏ ngôi nhà cũ nhưng còn khá tốt mà họ đang ở để xây một ngôi nhà mới với hơi hướng thành thị. Ngôi nhà cũ hình như làm cho họ cảm thấy xấu hổ về thân phận của mình trong cái xu thế phát triển. Ngược lại, tôi đã quá chán các khối nhà bê tông và kính ở thành phố và đó là lí do tôi quyết định xây một ngôi nhà bằng vật liệu từ đất, giống như cha ông đã từng làm. Khi làm việc này, tôi cũng ngấm ngầm hy vọng có thể khiến những người hàng xóm nông dân nghĩ lại và họ không phá bỏ hay bán đi ngôi nhà cũ của mình nữa. Và biết đâu, điều này sẽ góp phần làm chậm lại sự xâm lấn của cái sa mạc bê tông vào nông thôn và bớt đi một chút khí thải lên bầu trời vốn đang đầy nghẹt khí thải.

Ngôi nhà của tôi đã hình thành giản đơn như vậy, bằng tất cả những nhặt nhạnh xung quanh ngôi làng nhỏ. Một cái ao được đào ở mặt tiền ngôi nhà để chứa nước và nuôi cá. Đất đào lên, trái với việc phải chở đi đổ, đã thừa đủ biến thành vật liệu làm ra những viên gạch không nung xây toàn bộ tường, hàng rào cho ngôi nhà. Một khung nhà cũ bằng gỗ được mua lại với giá rẻ của một nông dân trong làng khi ông ta muốn vứt nó đi để xây một ngôi nhà bằng bê tông. Một vài người thợ xây, thợ mộc trong làng được thuê để xây dựng ngôi nhà bằng những kĩ thuật cổ truyền mà họ còn nhớ được. Tất nhiên cũng chả khó khăn gì khi thiết kế cho ngôi nhà đó đầy đủ phòng tắm, nhà vệ sinh với tiêu chuẩn tiện lợi. Ngôi nhà được hoàn thành sau hơn hai tháng với con số tài chính khá kinh ngạc: Khoảng 350 triệu cho 200m2 nhà ở với hai buồng ngủ, một phòng khách và một bếp ăn khá rộng rãi. Chi phí đó còn đủ cho 400m2 vườn và cái ao nhỏ*.

Ngoài việc có những giây phút thú vị khi sống trong ngôi nhà đó, tôi còn có niềm vui được thấy vài người dân sau khi sang tham quan nhà tôi đã quyết định sửa chữa nâng cấp ngôi nhà cũ mình đang ở chứ không phá bỏ nó đi. Người hàng xóm bán cho tôi cái khung nhà cũ đến nhà tôi chơi luôn và lần nào cũng ngắm cái khung nhà cũ của mình một cách tiếc muối. Ông nói rằng giấc ngủ của ông trong ngôi nhà mới không hề ngon. Ngôi nhà như thiếu cái gì đó, mặc dù ông đã chi khá nhiều tiền để có một ngôi nhà giống những ngôi nhà trên phố.


Tuy mới
được xây nhưng khung nhà được dựng lại từ khung nhà cũ.
Chân cột và voi gốm được làm từ xưởng gốm của họa sỹ ở ngay trong làng.



Sân đất nện làm đã được 3 năm mà vẫn còn tốt.


Bức tường được xây bằng gạch không nung với lớp trát ngoài bằng chính
loại đất ấy trộn thêm chút phụ gia truyền thống.


Ao nhỏ
trước nhà giúp điều hòa không khí.

* Thời giá cách đây 3 năm

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)