Tin tức từ một vụ… mất trí

Gabriel García Márquez đã mất trí và ngưng viết hoàn toàn. Thông tin đó đã được Jaime García Márquéz, chủ tịch quỹ báo chí Mỹ Latinh, là em trai nhà văn từng đoạt giải Nobel năm 1982 buồn bã tiết lộ với các sinh viên ở thành phố Cartagena (Colombia) vào đầu tháng 7 này.

Với độc giả trên khắp thế giới từng hâm mộ làn sóng văn chương Mỹ Latinh, thì đây là một tin xấu liên tiếp sau sự ra đi của cây đại thụ Carlos Fuentes vào giữa tháng 5 qua.

Có vẻ như, tác giả Trăm năm cô đơn đã chuẩn bị cho những tháng ngày này từ lâu. Bằng chứng là ông đã đấu tranh với căn bệnh lymphoma (ung thư mạch bạch huyết phát hiện từ 1999, với biến chứng xấu nhất là rút mòn trí nhớ của người bệnh), vượt qua những cơn hoá trị dai dẳng để tự “tổng kết” cuộc đời mình trong cuốn tự truyện Sống để kể lại xuất bản công bố năm 2002 và tiếp sau đó là tiểu thuyết ngắn Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi ra đời tháng 10.2004 (đều do Lê Xuân Quỳnh dịch, First News & NXB Tổng Hợp TP.HCM xuất bản các năm 2004, 2005).

Xét ra, mỗi người viết đều chuẩn bị cho sự “mất trí” hay “ngưng viết” của mình ít nhiều qua các tác phẩm. Nếu người đọc tinh ý sẽ dễ dàng nhận thấy nỗi ám ảnh về sự cô đơn, lãng quên được ông đưa vào một cách đầy khốc liệt và thi vị trong các tiểu thuyết của mình như: Giờ xấu, Tình yêu thời thổ tả, Mùa thu của vị trưởng lão, Tướng quân giữa mê hồn trận thấp thoáng trong các nhân vật truyện ngắn và ngay cả trong kiệt tác Trăm năm cô đơn. Ngay trong tiểu thuyết cuối cùng – Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, Márquez truyền đến người đọc một nỗi buồn lạ lùng rất đẹp, gần như dự cảm về cuộc đời mình: một nhà văn già đã “chết vì tình yêu đẹp đẽ trong cơn hấp hối hạnh phúc” khi đặt xong dấu chấm cuối cùng cho một cuốn sách.

“Gabo (tên gọi thân mật của García Marquéz) thường hỏi tôi những câu rất cơ bản, như tên của anh ấy là gì, anh ấy đã dùng bữa chưa?” – Jaime nói thêm về cảm xúc của mình với người anh trai 85 tuổi lừng danh của mình trên tờ The Guardian: “Anh ấy có những vấn đề về trí nhớ. Đôi lúc, tôi phát khóc, bởi vì cảm giác như thể mình đang mất anh ấy”.

Sự ngỡ ngàng của người đọc là dễ chia sẻ. Bởi, trong vai trò là cha đẻ của văn học hiện thực huyền ảo, Gabriel Gacía Márquez không chỉ tạo ra không khí huyền ảo đầy mạnh mẽ và hấp dẫn vào trong khí quyển của hàng ngàn trang viết, mà còn đủ sức tạo ra quanh cuộc đời lao động văn chương của mình một huyền thoại lớn về sức sáng tạo, sức ảnh hưởng mãnh liệt đối với cả những nhà văn ở các nền văn hoá khác. Trong thiên “huyền thoại mới” về ngôi làng Macondo của Trăm năm cô đơn, Márquez đưa người đọc vào một bản đồ dòng họ Buendia với chằng chịt các mối quan hệ vợ chồng, cha con, tình dục… khiến dịch giả Việt Nam Nguyễn Trung Đức phải làm một việc khá công phu là đi xác lập giùm người đọc một bản đồ gia hệ vào đầu cuốn sách để tiện cho việc theo dõi. Thế nhưng, ít ai biết rằng, tiểu thuyết quan trọng và phức tạp nhất, đã đưa Máquez đến với giải Nobel Văn chương, được ông đóng cửa tập trung viết trong 18 tháng trời, giữa lúc khốn khó nhất của gia đình và tâm lý sáng tạo xuống dốc vì ý định thử nghiệm viết kịch bản điện ảnh bị phá sản (bà Mercedes, vợ ông, đã phải vay 10.000 USD trước khi cuốn tiểu thuyết trở nên ăn khách vào năm 1967).

Các tác phẩm ký, phóng sự của ông như Ký sự về một cái chết được báo trước, Tin tức về một vụ bắt cóc, Nhật ký người chìm tàu lại hấp dẫn người đọc bởi sự trải nghiệm, dấn thân với đời sống đầy khốc liệt, hệ luỵ đầy thảm khốc từ những cuộc chính biến trong khu vực Mỹ Latinh. Trong vai trò ký giả, đóng góp của Márquez vào báo chí Mỹ Latinh cũng đáng kể không kém văn chương. Ông còn là người đầy tham vọng với kịch bản điện ảnh… Sự xê dịch trên các lãnh địa chữ nghĩa xảy ra cùng những thăng trầm trong đời sống và những cuộc xê dịch về địa lý. Ông từng sống từ Colombia, Mexico, Cuba, Mỹ, Pháp, giao du với đủ thành phần, từ chính trị gia cấp cao (như Fidel Castro, Hugo Sanchez hay Omar Torrijos), từ tuổi thiếu niên đã gắn bó với thế giới những cuộc tình chớp nhoáng mà đầy dư vị trong các nhà thổ.

Nhiều cuộc đời trong một cuộc đời. Tất cả làm nên một sức vóc vĩ đại, một sự cộng hưởng huyền thoại. Ấn tượng, sự quyến rũ mạnh mẽ của đời và văn García Márquez đã làm cho người đọc dễ dàng quên đi rằng, sức sống đó, thần tượng đó lại có thể dễ dàng bị chi phối bởi các quy luật sinh học thường tình.

Trong truyện ngắn Giữa đời đem bán chiêm bao (tập Những người hành hương kỳ lạ, Phan Quang Định dịch) ông đã để cho một người phụ nữ nằm mộng về nhà thơ. Bà nói thế này: “Tôi nằm mộng thấy ông ta nằm mộng về tôi”, bà nói, và cái nhìn ngạc nhiên của tôi làm bà sững sờ. “Bạn chờ đợi điều gì? Nhiều khi với những giấc mộng của tôi, người ta trượt vào đó mà chẳng thấy có gì liên quan đến đời thực”. Và rồi, cũng cuối cuốn ở Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, ông chạm đến suy nghĩ của một nhà văn già nhận ra chính mình: “Tôi đi ra phố ngập tràn ánh nắng và lần đầu tiên tôi nhận ra chính mình ở chân trời xa của thế kỷ thứ nhất của cuộc đời”.

Márquez không viết nữa. Vì mất trí. Hẳn là tin buồn. Nhưng biết đâu, ông đang lặng lẽ vào với thế giới thi vị và ám dụ của mình.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)