Tĩnh nghiệm để đột ngột bùng phá

Năm 2013, trong giới mỹ thuật Việt Nam, Lê Thiết Cương là người thực hiện triển lãm cá nhân sớm nhất. Các tác phẩm vẽ từ 2007 theo chủ ý kích thước 50 x 150cm, có 21 bức, được chọn lọc để trưng bày, ngẫu nhiên tụ lại con số 13. Thế là con người ưa tối giản này, đặt luôn tên triển lãm là “13”.

Lê Thiết Cương ít nói và thường không công bố trước điều định làm, sắp làm. Anh có một vựa ý tưởng và ngôi nhà của anh là thế – giới – tĩnh – nghiệm. Tôi gọi anh là “nạn nhân của văn học” vì sự “dan díu” ngày càng nặng với văn chương, ở mọi góc cạnh.

Tranh này vẽ gì, ý họa sĩ là gì, người ta thường xem tranh bằng thói quen như vậy. Tập quán này bị phá vỡ, ít nhất là khi thưởng thức tiệc “13”. Tên tranh chỉ một từ: Một, Tim, Sen, Thôi, Buông, Tha, Chọn, Niệm, Mình, Thức, Rơi, Dâng, Nâng. Lê Thiết Cương còn chiêu đãi công chúng những câu thơ hay. Thơ minh họa cho tranh? Còn lâu, Lê Thiết Cương phủ định sự minh họa.

Bức Một với thơ Đặng Đình Hưng: “Thì ra thèm muốn là một thỏi phấn tắm nước nóng cọ bàn chân khô lau cái khăn không”. Thôi, có thơ Nguyễn Bình Phương: “Nguyễn Trãi bảo cuộc đời làm bằng dao và tre trúc”. Chọn, phụ để thơ Đào Trọng Khánh, trích từ Hải Phòng trở lại: “Thành phố như con tàu chở đầy thuốc nổ/ Cùng đi với số phận mỗi con người”. Giật mình vì Mình: “Chiều vun nắng lại/ Loang lổ một mình” (thơ Khuất Bình Nguyên). Rồi tranh với thơ Trịnh Công Sơn, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Lê Mỹ Ý. Tranh ám ảnh, thơ ám ảnh làm thành cuộc giao tình. Có ba bức gây ấn tượng mạnh cho tôi: Niệm, với thơ Trần Tuấn, đoạn kết Ma thuật ngón: “Kiếp trước của lửa hát về kiếp trước của tàn tro/ Lửa của tàn tro hát về tàn tro của lửa/ Phải mất đi bao nhiêu ngón/ Phải thêm bao nhiêu ngón/ Mới đủ một bàn tay”.

Lê Thiết Cương vẽ nhiều tác phẩm có Nhà thờ Lớn. Anh bảo: “Ở đây để được làm hàng xóm của Nhà thờ Lớn, có ngày vẽ Tha, dùng thơ Vi Thuỳ Linh”. Tha (2007) – nàng áo xanh nõn chuối trùm buồn ôm gối, phía sau là nhà thờ xám, vẽ mở đầu loạt panorama này. “Em lần lũi đến trước cổng nhà anh, nhặt xác nỗi buồn vừa rơi, đốt lên thành lửa/ Rồi đi/ Sau lưng em ngày nắng tắt”.

Nâng (2010)

Bức số 13 làm tôi gai người. Nâng (2010) vẽ một người tự tử, không rõ mặt, mặc áo vàng, chân đi guốc, cách mặt ghế gỗ màu tím chừng một gang. Người xem cảm giác sợ khi thấy vẽ về cái chết, được ‘bồi” thêm câu thơ Trần Tiến Dũng “Im lặng là một chuyến đi”.

Ở tuổi 51, Lê Thiết Cương quan tâm đến chuyện sinh – tử. “Nền của triết học nói về cái chết. Sinh – tử là một, không có sinh sao có tử, có sinh phải có tử”. Suy nghiệm về cái chết mà vẫn thích Tết, anh lùng tìm lá mùi già mùa Đông, hình dung lúc nghênh Xuân. Câu chuyện của chúng tôi trước ngày khai mạc, có sự tham gia của nhà văn Nguyễn Việt Hà. “Đừng tìm cách liên hệ thơ với nội dung tranh, có thì chỉ chạm khẽ một ý mơ hồ. Tôi chống lại việc xem tranh theo đề tài. Thơ không liên quan đến tranh, không gợi hứng cho tranh, mà chọn khi tranh đã hoàn tất”. Người xem được thưởng lãm thơ hay trong thú vị tranh lạ chưa từng có, để tập một cách xem mới: xem cách xử lý đề tài ấy thế nào. Và thơ là cánh cửa hé cho ta.

Theo Nguyễn Việt Hà: “Hội họa là tuyệt lộ. Người xem có quyền suy tưởng tự do”. Lê Thiết Cương hiện nay “má phính tranh gày” (từ của Nguyễn Việt Hà). “Chàng trai tuổi 51” đầy sung lực vẽ, viết. Nếu không là họa sĩ, Lê Thiết Cương thừa sức là nhà văn và khó thoát nổi tiếng. Bận lo triển lãm vậy mà anh vẫn kịp viết tám bài báo Tết. Gallery của anh trong sáu năm đã tổ chức 30 triển lãm, sự kiện. Đóng cửa hơn một năm nay, gallery phi lợi nhuận này có thể không mở cửa trở lại cho đến khi kinh tế hết suy thoái. Toàn bộ 13 tranh trong triển lãm, Lê Thiết Cương không bán. Gần năm năm sau Chuyện của Lan, công chúng mới được xem một cuộc “xuất chiêu” tiếp theo của Cương. Cương là người của ý tưởng lạ. Chúa sinh ra loài người cũng là tha. Tha của Meaculpa, hay chính Lê Thiết Cương tha cho sự rỗng mòn bằng “lộn trái” không khoan nhượng tư duy nghệ sĩ. Triển lãm cá nhân, với anh, không phải là gom chọn một số tác phẩm sau một quãng lao động và công bố nó, mà phải đưa ra quan niệm, hình thức, dấu ấn khác. Là mình, lại khác điều đã làm. Là mình trọn vẹn, sẽ không nhoà lẫn vào nhân quần.

Sắp tới, anh sẽ thiết kế sân khấu cho đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Khả năng thẩm lọc tinh tế, Lê Thiết Cương đã chọn tranh triển lãm cho Trịnh Công Sơn, Trịnh Thị Nhã, Phạm Trần Quân và nhiều họa sĩ. Trẻ, già đều tin tưởng Cương. Anh có lòng hào hiệp, sự phóng khoáng của một “thủ lĩnh”, một nhân vật “trung tâm” dẫn dắt, thúc đẩy người khác bằng độ nén của sức bùng phá.

Chắc chắn, cho đến chết, Lê Thiết Cương cũng không bao giờ lười, nhát gan, cả nể, ngại ngùng mà tặc lưỡi con đường quen. “13” là một cuộc “phóng tay” kích cỡ làm người ta ngợp rộn. Anh làm tôi nhớ câu của Napoléon: “Lòng can đảm cũng như ái tình, cần được nuôi dưỡng bằng niềm hy vọng”.

Lê Thiết Cương là người can đảm. Trong khí quyển nghệ thuật Hà Nội, nơi tập trung nghệ sĩ đông nhất Việt Nam, không có nhiều người có phẩm chất này.

Triển lãm “13” của họa sĩ Lê Thiết Cương diễn ra tại gallery riêng của anh tại 39A Lý Quốc Sư, Hà Nội, từ 13 đến 23/1.

 

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)