Tính Người và tính Thần trong Mặt Lạ
Nhìn lại một trong những triển lãm cá nhân trong nước đáng nhớ nhất của năm 2020.
Nguyễn Xuân Tiệp, Mặt Lạ số 2, 1996.
Họa sỹ Nguyễn Xuân Tiệp hẳn có lý do khi đặt tên cuộc triển lãm gần đây nhất của mình là Mặt Lạ. Xét đến cùng, cái đích của mọi nghệ thuật đều là nhằm xuyên phá qua những ngộ nhận và ấn tượng hời hợt bề ngoài để tìm ra bản chất thật của con người. Mà khi biết được ta đích thực là ai trong cõi đời thì hiển nhiên ta nhận biết đúng về thân phận. Chân diện và Chân mệnh, tuy hai mà một.
Nhưng cớ gì mà phải đi tìm? Khi nhìn vào trong gương, cái chúng ta nhìn thấy là một vai diễn mà đời sống đã trao cho. Có quan trọng không nó là thật hay ngộ nhận? Chẳng phải nếu ta cứ chấp nhận thì lâu dần cái giả tạm cũng thành thân thuộc? Còn cái chân diện/chân mệnh kia, nếu ta không nhìn thấy được, chạm tới được, thì dẫu chân thật cũng thành xa lạ.
Vậy thì vì sao người nghệ sỹ không bằng lòng với những ấn tượng quen thuộc trước mắt, mà cứ mải miết đi tìm một thứ chân diện/chân mệnh xa lạ ở tận đâu đâu?
Nguyễn Xuân Tiệp, Mặt Lạ số 18, 2008.
Bởi sâu trong thâm tâm, con người tin mình là chủ tể, xứng đáng được tự do thay vì bị thao túng trong những ảo cảnh. Điều này nhắc chúng ta nhớ về Sử thi Odyssey trong thần thoại Hy Lạp. Bất chấp mọi hiểm nguy, cam go và cả những cám dỗ, Odysseus đã không ngừng vùng vẫy để tìm đường trở về quê hương. Dù có lúc bị các nữ thần quyến rũ, thậm chí còn được họ hiến dâng tình yêu và sự bất tử, nhưng chàng không bao giờ quên mất mình là ai, trái tim mình thuộc về đâu. Chất thơ của Sử thi Odyssey là sự đề cao tính Người và là chiến thắng của tính Người. Tính Người đã định vị cội rễ của Odysseus và khiến chàng luôn đau đáu đi tìm, vượt thoát mọi thử thách và sự mê hoặc của các vị thần.
Có lẽ Odyssey, một trong những sử thi cổ xưa nhất của phương Tây, là một dự cảm về con đường đi tới của văn minh phương Tây: dẫu có lúc bị chi phối sâu sắc bởi tôn giáo và thần quyền nhưng sẽ tìm thấy sự Khai sáng trong đức tin vào chính bản thân con người. Chẳng phải ngẫu nhiên mà mỹ thuật phương Tây ngay từ gốc rễ Hy-La, đã lấy tính Người làm trụ cột. Ngay cả các vị thần cũng được biểu đạt qua hình hài con người. Vẻ đẹp hình thể, thần thái thế tục của con người được dùng làm thước đo phản ánh thần linh.
Nguyễn Xuân Tiệp, Mặt Lạ số 32, 2020
Tới cuối thế kỷ 19, đầu 20, mỹ thuật phương Tây Hiện đại lại càng đi xa hơn trên những nẻo đường đề cao tính Người. Chủ nghĩa Ấn tượng là sự vượt thoát cái khách quan, đi tìm chân tướng cái đẹp trong sự chủ quan của mắt người. Chủ nghĩa Lập thể là sự mổ xẻ, lột tả cấu trúc và những tiết tấu phản chiếu tính Người đa diện và đa sắc thái. Chủ nghĩa Siêu thực là hành trình đi tìm những chất liệu bên trong tiềm thức. Chủ nghĩa Trừu tượng là nỗ lực vượt thoát qua mọi tầng nấc biểu đạt trung gian để tiếp cập tính Người một cách trực quan và nguyên bản nhất có thể…
Nhưng càng đi xa, đích đến càng không gần lại! Biết đâu trong tính Người chẳng hề tồn tại một thứ bản chất tối hậu nào đó, biết đâu dù xuyên phá sâu đến đâu thì ta cũng chỉ có thể chạm tới sự tương đối, mọi đúng-sai đều chỉ là quy ước, mọi nẻo đường đều là những ảo cảnh vô thường? Mà nếu vậy thì làm gì có vượt thoát? Con thuyền của Odysseus sao phải cố rời khỏi bến mê? Mối hoang mang bùng nhùng ấy không dễ gỡ. Nó còn tồn tại đến ngày nay, trở thành một trong những bản sắc quan trọng của nghệ thuật Đương đại.
Tuy nhiên, trong bản chất, nghệ thuật cũng giống như Tạo hóa, thường vẫn tự tìm thấy cách để cân bằng chính nó. Mỹ thuật phương Tây Hiện đại ngay khi bắt đầu nở rộ theo ảnh hưởng lan tràn từ mạch nguồn Khai sáng, đã đồng thời lặng lẽ gieo sang phương trời khác một hạt mầm hết sức riêng biệt, đó là chủ nghĩa Tượng trưng. Đó là một sự tiên tri, thấy trước những bất an, vô thường, và lạnh lẽo trên hành trình đi tìm một thứ tính Người đơn độc tối hậu, và như để tự cân bằng nó nâng niu, bảo tồn những tố chất thần thoại, dùng tính Thần để ôn dưỡng tính Người.
Các nhân vật trong những tác phẩm hội họa Tượng trưng vừa như thuộc về cõi Người, lại vừa như đăm đắm về một cõi giới xa xăm khác. Các cô gái hải đảo của Gauguin hoang dại, mộc mạc mà minh triết lạ lùng. Thế giới của Klimt tràn ngập nhục thể và ánh vàng son lóng lánh nhưng tuyệt đối không gợn chút phàm tục. Ngay cả Tiếng thét của Munch đau buốt, đặc quánh ê chề, nhưng thẳm sâu vẫn hòa chung vào một tiết tấu dìu dặt về nơi vô tận.
Nguyễn Xuân Tiệp, Mặt Lạ số 43, 2020.
Hội họa Tượng trưng đã vượt qua giới hạn bề ngoài của tự nhiên để chạm đến tính giao thoa không gian trong tâm tưởng con người: sự liên thông vô hình giữa cõi Người với cõi Thần. Gauguin, Klimt, Munch, Redon, Chavannes, v.v., mỗi người đều có cách biểu đạt riêng để gợi mở cảm giác về một cõi giới khác, gắn kết với cõi Người bằng những mạch ngầm mầu nhiệm vô hình, để mỗi khi ta tưởng như chắc chắn đinh ninh rằng cõi Người tất cả chỉ có như vậy, thì một chiều sâu không gian chưa biết lại hiện ra ở phía trước. Nhờ có tính Thần bổ khuyết mà tính Người luôn có gì đó mới mẻ và không bao giờ cằn cỗi.
Tuy nhiên, với tất cả những gợi mở đó từ các bậc thiên tài, chúng ta muốn hội họa đạt tới bước tiếp theo trên con đường truy tìm chân tướng, đó là chỉ ra rạch ròi hơn nữa, rằng tính Thần là gì, nằm ở đâu trong tính Người? Liệu nó thực sự có vai trò giúp tính Người đạt tới sự thăng hoa, hay chỉ là một sự phóng chiếu mơ hồ xa vời?
Đây phải chăng là những câu hỏi nên dành cho các nhà triết học, phân tâm học, hơn là đặt ra cho hội họa? Thưa rằng hội họa, cũng như âm nhạc không lời chính là sự kiểm chứng trực quan nhất. Không diễn đạt qua ngôn từ lý trí, chúng đi thẳng vào tâm can, phản chiếu qua cảm xúc tự nhiên chân thật không thể ngụy tạo.
Nhưng liệu những câu hỏi ấy có phải là đòi hỏi quá nhiều đối với các họa sỹ? Lưu ý, chúng ta cần câu trả lời không phải bằng lý trí ngôn từ phóng túng tự do, mà qua căn tính tạo hình rành mạch, thứ mà cảm nhận con người có thể thẩm thấu và kiểm chứng được một cách trực quan.
Thì thưa rằng, với chuỗi tác phẩm Mặt Lạ, họa sỹ Nguyễn Xuân Tiệp dường như đã cho chúng ta câu trả lời thỏa đáng. Chuỗi tác phẩm được sáng tác trong 24 năm, từng tác phẩm đều tích lũy nhiều cung bậc cảm nghiệm hàm súc, được truyền tải bằng một thứ ngôn ngữ hội họa Biểu hiện minh giản, cô đọng, không quanh co, đi thẳng vào bản chất.
Ở đó, chân tướng và mệnh căn của con người được biểu đạt trực tiếp bằng những gương mặt. Mắt là thần thái. Các đường nét gương mặt và vị trí trong không gian vừa toát lên nội tâm, vừa là giới hạn căn mệnh: tâm sao mệnh vậy.
Tất cả được quy giản trong không gian hầu như chỉ có hai chiều, bởi hệ thống nét của Tiệp rất tinh, gọn, vừa có sự tiếp thu từ hệ thống nét trên trống đồng, vừa đủ đầy cả sức mạnh và độ phảng phất của nghệ thuật thư pháp – và cũng chỉ có tư duy và ý chí thư pháp Á Đông mới có cái ngạo khí thâu tóm càn khôn, dâu bể phận người trong số nét hữu hạn nhất.
Qua các tác phẩm được họa sỹ trưng bày, có thể chia thành ba giai đoạn.
1996 đến 1999: Loạt tác phẩm phản ánh tính phức tạp đa diện trong nội tại con người. Ngôn ngữ biểu đạt có yếu tố Lập thể, trong một gương mặt có nhiều gương mặt, nhiều con mắt. Đường nét các gương mặt không cân đối, có lúc vẹo vọ, thể hiện sự hoang mang, giằng co, những vết đau trong nội tâm; vị trí các gương mặt nhiều khi lệch một bên, thể hiện tính chất vừa truy cầu vừa đối kháng với không gian.
Với những gương mặt đa diện nhiều con mắt, cách điểm nhãn các con mắt khác nhau tạo ra những hướng nhìn khác nhau làm biến hóa không gian, nhưng thường có một con mắt được điểm nhãn cân xứng, làm điểm neo đậu. Qua đó trên mỗi gương mặt cụ thể đã có sự phân chia tính Người, tính Thần: tính Người gây biến hóa và xô dạt, thường đối kháng hoặc tìm sự nương nhờ để bảo tồn cái ngã riêng trong khi tính Thần giúp neo giữ và điều hòa.
Có thể thấy trong tranh Nguyễn Xuân Tiệp tính giao thoa không gian của hội họa Tượng trưng, với những con mắt ngước dõi lên hoặc trật chìa ra khỏi gương mặt, biểu đạt tâm thế choáng ngợp và đốn ngộ. Như thể tính Người khi đã nhận biết về tính Thần thì truy cầu và muốn hòa cùng mạch nhưng bị giữ lại bởi mệnh căn của hiện tại chưa thể tương thích.
Các tác phẩm của năm 2008 và 2017: Những gương mặt đa diện đã không còn. Xuất hiện những gương mặt mà mắt thay thế bằng những vòng xoáy. Một số gương mặt ngay cả đường nét định khung cũng phân rã, thay thế bằng những luồng khí. Các nét song song nâng đỡ, củng cố và cộng hưởng nhau. Ấn tượng trực quan mang lại là sự cởi bỏ, luân chuyển mênh mang, không đâu không có.
Đó là tính Người khi gạt sang một bên những phức tạp chia cắt trên bề mặt nội tâm, vượt qua cả mệnh căn hiện tại để truy cầu tính Thần ở tầng sâu hơn và tìm đến bản mệnh chân chính. Loạt tác phẩm này phản ánh một tâm thức đặc thù Á Đông, gợi nhắc đến tích cũ khi Lục tổ Huệ Năng điểm hóa cho vị tăng Huệ Minh đốn ngộ chỉ bằng một câu nói: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, ngay trong lúc ấy, mặt mũi xưa nay của Thượng tọa Minh là gì?”
2020: Xuất hiện những gương mặt của Tiên và Mẫu, vị trí thường ở trung tâm, nét đầy đặn tạo cảm giác uy nghi, tuy nhiên, mấu chốt là ở cách điểm nhãn: Đồng tử mắt luôn nằm chính tâm bằng một vạch thẳng nối từ đỉnh mống mắt mắt tạo cảm giác an định và thấu tỏ; vệt đồng tử thẳng xuống nhưng không quá sâu, để lại một không gian vừa đủ trong mống mắt tạo cảm giác dung chứa phi định kiến. Độ đậm nhạt của đồng tử làm mở ra cả chiều sâu và chiều rộng trong cảm xúc chủ thể. Vị trí và cách điểm nhãn tinh tế đó khiến chủ thể vừa tôn nghiêm vừa có sự giao hòa, gắn kết không giới hạn.
Đây là mảnh ghép cuối cùng để trọn vẹn cho cả chuỗi tác phẩm. Dòng chảy tính Người chảy qua ba tầng nấc, đi từ ảo cảnh đa diện tới phá chấp, rồi mở ra cánh cửa bước vào Thần giới. Nơi ấy thuộc về tính Thần, nhưng cũng chính là tính Người khi ta nhìn ra chân tướng và chạm tới ngưỡng tinh hoa bên trong mình.
Hai mươi bốn năm bồi đắp, tác giả đã tạo nên một căn tính tạo hình minh giản và mạnh mẽ, dung chứa hồn cốt vô vàn những tiết tấu, cung bậc nội tâm ấy. □
——
1 Triển lãm từ 24 đến 31/12/2020 tại Hà Nội.
2 Phẩm thứ nhất: Nguyên do hành trạng, Pháp Bảo Đàn Kinh, bản dịch của Đoàn Trung Còn.