Tính thơ có ở khắp nơi
I. Nghệ thuật là tính thơ - Theo tôi, nghệ thuật là tính thơ. Tính thơ ở đây cần được hiểu một cách cởi mở, không giới hạn vào thể loại thường được gọi là thơ. Và tất nhiên, không giới hạn vào mảng trữ tình, lãng mạn của thể loại này. Tính thơ là nội lực của ít nhất một trong các yếu tố sau: Hình ảnh, ý tưởng, nhạc tính, mạch cảm xúc, tư tưởng (hoặc đầy đặn và nhất quán, hoặc biến tấu liên tục, tùy theo mỗi tác phẩm và độ dài của chúng).
Một pha bóng đầy chất thơ. (Ở đây, có thể các cầu thủ đã tạo ra hiệu ứng hình ảnh đẹp khi xử lí bóng, một ý tưởng đột phá táo bạo, một đường chuyền thông minh…)
Bức tranh này trông thơ quá. (Không chỉ hình ảnh, ý tưởng ấn tượng, nó còn tạo nên nhịp điệu…)
Chỗ này ngày xưa nên thơ lắm. (Với suối chảy, chim hót, sự đa dạng của thảm thực vật, sự biến chuyển thú vị của khí hậu…)
– Tương tự, có thể bắt đầu nghĩ/viết/nói:
Một game đầy tính thơ. (Nó mang những ý tưởng mới và sự dày công đầu tư vào các chi tiết tạo nên mạch cảm hứng không ngừng trong người chơi…)
Một cô gái đầy tính thơ. (Dù có thể không mạnh về hình ảnh khuôn mặt, cơ thể, cô ta luôn có những ý tưởng hay; cảm xúc của cô ta lúc blue, lúc rock lúc pop ballard lúc giao hưởng lúc nhạc vàng khi nhạc đỏ mà vẫn không chịu bỏ cải lương, ca trù, hip hop, jazz…)
Một người làm ra mảnh vườn đầy tính thơ. (Những bài thơ người đó lén la lén lút bập bẹ sáng tác trên giấy đua đòi anh nhà thơ hàng xóm để lấy le với gái và ngấm ngầm vừa tự ti vừa tự hào thì dở ẹc. Nhưng nhìn vào mảnh vườn dày công và đam mê vun xới của người đó, có thể thấy một đầu óc đầy ý tưởng, đầy năng lực bố cục, biến tấu, đầy cảm xúc hân hoan và sự hài hòa với thiên nhiên. Điều đó hấp dẫn không chỉ chúng ta mà cả chim chóc, ong bướm. Như vậy, chính người đó thay vì dùng chữ tạo nên bài thơ, đã tạo nên một khung cảnh nhân tạo có tính thơ bằng nhiều những chất liệu tự nhiên và cả nhân tạo như đất, hạt giống, nước tưới, giàn tre, sức người, cảm hứng, dây buộc ni lông…)
Vô số ví dụ khác…
– Từ “tính thơ” có thể được ngầm hiểu là giá trị nghệ thuật hay cái đẹp. Tất nhiên, bạn có thể nói “con mèo đẹp quá” hay “dắt bóng nghệ vãi” mà không cần, không thích hoặc ghét nói “con người này thơ quá”, “truyện này tính thơ mạnh thật”. Khi giác quan cảm thấy không cần diễn giải, ngôn từ lúc đó không còn quan trọng. Nhưng điều quan trọng nhất khi chứng kiến một tác phẩm là liệu bạn đã thực sự không cần diễn giải, đã thực sự chạm được tới cấp độ của những tính chất hình ảnh, ý tưởng, nhạc tính, mạch cảm xúc, tư tưởng mà tôi đã “áp đặt” tên gọi người cha/người mẹ của chúng là “tính thơ”?
Tranh Lê Thiết Cương
II. Cấp độ của tính thơ – cấp độ của nghệ thuật – cấp độ của cái đẹp
– Hình ảnh, ý tưởng, nhạc tính, mạch cảm xúc, tư tưởng trong sự vật/hiện tượng (như sản phẩm, con người, con vật, đồ vật, cảnh tượng thiên nhiên, hành vi, chuỗi hành vi…) càng có nội lực và càng hòa quyện thì cấp độ tính thơ càng cao.
– Cấp độ nghệ thuật, cấp độ đẹp tỷ lệ thuận với cấp độ của tính thơ chứ không theo một số quan niệm cứng nhắc là tỷ lệ thuận với riêng cái bi, cái hài, cái buồn, cái vui, cái thật, cái tưởng tượng, cái mơ mộng, cái nghiệt ngã, cái dịu dàng hay cái phá cách…
– Sự hòa quyện của 5 tính thơ tuyệt đối không phải một thứ lẩu hổ lốn mà phải là sự ăn ý giữa hình ảnh, ý tưởng, nhạc tính, mạch cảm xúc, tư tưởng. Như một đội bóng gôn tôm 5 người mà mỗi yếu tố là 1 người vậy. Mỗi người càng phối hợp với nhau tốt thì tổng thể càng hay.
– Một đội bóng gôn tôm cả 5 người đều nổi bật thì xem càng thích. Nhưng nếu chỉ có 1 hoặc 2 người trong đó nổi bật cũng không có nghĩa là đội bóng không đáng xem. Có rất nhiều lúc con người phủ định tính thơ trong cuộc sống bằng một thứ tư duy ấu trĩ, ghen tị hoặc cả hai: Lấy một bộ phận để phủ định toàn bộ tổng thể.
Khi một người nói: “Đây không phải thơ, tôi không đọc được vì nó không có nhạc tính” (có thể chỉ vì người đó không thấy) có nghĩa là người đó áp đặt cho thẩm mỹ của mình chỉ được tiếp nhận thơ khi mình thấy nó có nhạc. Như một hệ quả của thái độ phủ định bộ phận phủ định cả tổng thế và không có tâm thế cởi mở về tính thơ, người đó có thể bỏ sót những tính thơ của hình ảnh, ý tưởng, mạch cảm xúc, tư tưởng… có thể có trong những bài thơ bị người đó coi là không có nhạc. Với thái độ ấy, người đó đã tự ngăn cản sự tự do hưởng thụ của mình và phải nhấm nháp cảm giác hưởng thụ, cảm giác tự lừa phỉnh rằng mình đứng cao hơn tác phẩm bằng chính những lời phán xét. Duy trì thói quen này là duy trì sự tù đọng thẩm mỹ và một nhu cầu rất thiếu lành mạnh: Phán xét chỉ để giải tỏa, để có khoái cảm.
– Chỉ có thể kết luận một cái gì đó hoặc ai đó là vứt đi khi mà 5 yếu tố của tính thơ trong cái đó hoặc người đó đều mờ nhạt và rời rạc. Nếu 4 yếu tố hình ảnh, nhạc tính, ý tưởng, tư tưởng… đều mờ nhạt, rời rạc mà mạch cảm xúc vẫn còn nghĩa là còn sức sống, còn có thể nêm muối và gắn kết. Chính mạch cảm xúc là linh hồn của một tác phẩm, của một con người. Bởi, vẻ đẹp của mạch cảm xúc phụ thuộc rất nhiều vào cái riêng, sự tự thân và sức lao động là cái không ai có thể cảm giác thay, trải nghiệm thay hay làm thay cho mỗi cá nhân.
– Như vậy, chúng ta có thể mở sự quan sát và cảm nhận tính thơ (hay nói cách khác là vẻ đẹp, nghệ thuật) ra với tất cả các sự vật, hiện tượng, bất kể tên gọi. Tên gọi chỉ thiên về sự phân loại và sắp xếp đồ vật hàng loạt như trong siêu thị để đỡ tốn thời gian tìm. Trong khi, nghệ thuật, cái đẹp với vô số thể loại và cách thức biến đổi đòi hỏi sự đầu tư tìm kiếm.
III. Tại sao lại gọi là “tính thơ” mà không là “tính nhạc”, “tính văn”…?
Mặc dù có dáng vẻ của kẻ áp đặt tên gọi và khái niệm “tính thơ”, tôi vẫn xin đưa ra một số phân trần, lí lẽ…
1. Tính bao trùm
– Có thể tôi là người thích và quen làm một thể loại có tên là thơ nên có chút thiên vị chăng? Không hẳn. Tôi lựa chọn gọi giá trị nghệ thuật là “tính thơ” vì thấy nó bao trùm cảm thức nghệ thuật, cảm thức đẹp hơn các cách gọi khác.
– Có thể thấy trong những ví dụ tôi đã đưa ra về tính thơ trong cuộc sống, những từ như “đầy chất thơ, “nên thơ” thường được (bắt chước nhau) dùng để mô tả những vẻ đẹp, chất lượng, tầm cao được thưởng thức.
– Mặc dù “đầy chất thơ”, “nên thơ” thường được số đông dùng để ca ngợi cái gì đó nhẹ nhàng, êm ả, réo rắt và có thể gây phản cảm đối với những người bị bội thực bởi những cái nhẹ nhàng, êm ả, réo rắt nhạt nhẽo, sáo mòn nhưng cũng có những người dùng theo cách khác. Một hoàng hôn bạo liệt, một vụ núi lửa phun, một kiến trúc đầy góc cạnh cũng có thể khiến người nào đó thốt lên nó quá nên thơ
– Những câu cách ngôn của Oscar Wilde hay Stanislaw Jerzy Lec thường gần với những mảng tối, mạnh, trần trụi, ngạo mạn và khó nghe với đám đông như “sự thật mất lòng” nhưng không thể phủ nhận chúng đầy chất thơ.
– Ngay cả Milan Kundera, một người ghét cay đắng cái nên thơ theo nghĩa du dương sáo mòn, nịnh tai, nịnh mắt đại chúng (kitsch) cũng vẫn ca ngợi tác phẩm của Kafka đầy chất thơ; dù tác phẩm của Kafka trái ngược với cái kitsch kia và những người chỉ yêu cái kitsch kia không thể cảm thụ được.
Tranh Lê Thiết Cương |
Điều này rất dễ hiểu. Nhận định về vẻ đẹp, chất lượng, tầm cao của một tác phẩm tùy thuộc thẩm mỹ (hay nói cách khác là chính chất lượng, tầm cao) của mỗi người nên có những sự mâu thuẫn trong cách quan niệm về “nên thơ”, “chất thơ”. Tuy nhiên, rõ ràng trong các trường hợp đã nêu, “thơ” đều được thốt ra đối với cái người ta thấy đẹp. Dù bạn là người ghét thơ, có ác cảm về cái gọi là thơ, nhà thơ nhưng trước cái đẹp, tâm trí bạn khó có thể không đôi lần thốt lên nó nên thơ. Hoặc dù bạn có xưng là người yêu thơ thì vẫn có những cái bạn thốt lên “chả nên thơ tí nào” lại thơ hơn tất thảy những thứ thơ mà bạn yêu khi bạn không hiểu cái đẹp luôn chuyển động nhanh và xa hơn khái niệm, hơn thẩm mỹ của bạn.
2. Tính tiên phong
Ai cũng có thể làm thơ, phương tiện làm đơn giản: Ngôn ngữ tư duy (cái định vị sự khác biệt khi con chuyển hóa thành người). Mở rộng thơ không cần đến quá nhiều công cụ ngoài năng lực mở rộng tư duy ngôn ngữ. Bởi vậy, thơ có thể là thể loại nghệ thuật đầu tiên. Có thể đưa ra một số phán đoán:
Những câu thơ đầu tiên là những câu nói có chất thơ (cái gì đó có thể gọi tương tự như tục ngữ, châm ngôn).
Những bài thơ đầu tiên là những chuỗi câu nói được buột ra với cấu trúc hay cách tư duy khác hẳn trước đó. Những chuỗi câu này được lẩm nhẩm, từ lầm nhẩm thành ngân nga, từ ngân nga thành bài hát và được truyền khẩu.
Vần được sử dụng nhiều với chủ ý và được ưa chuộng do quy tắc này: [Con người nhớ mọi thứ dễ hơn khi có những liên hệ giữa chúng với nhau – Nói là cách quan trọng nhất trong học ngôn ngữ – Chính vần giữa các âm nói khiến người ta ghi nhớ tốt hơn – Cách nối vần khiến người ta có thể nhanh chóng tìm câu tiếp theo – Vần trở thành một công cụ tốt để gợi ý].
Tiếp đến, vần được coi như một kỹ thuật, kỹ thuật nói vần khó hơn kỹ thuật nói thông thường. Vần được biến thành một luật chơi khắt khe hơn trong ngôn ngữ. Có thể đó là lúc khái niệm thơ được gọi ra.
Như vậy, khái niệm thơ cũng gắn với vần, nhạc khá nhiều. Sau này, những người làm thơ đặt vần theo nhiều quy tắc khác nhau hoặc không sử dụng vần nữa cốt chỉ để thực hiện cái chức năng cốt lõi của thơ trước khi cái tên thơ, khái niệm thơ được gọi lên: Chuỗi câu nói được buột ra với cấu trúc hay cách tư duy khác hẳn trước đó. Tùy theo năng lực, họ chọn hình thức (vần hay không vần, cách làm thông thường hay không) để thể hiện tốt nhất điều này.
Thơ là trò chơi giữa tiềm thức và ngôn ngữ – chất liệu đông đảo nhân loại sử dụng hằng ngày.
Thơ lợi hại hơn các thể loại khác ở sự gắn bó với ngôn ngữ – phương tiện của tư tưởng. Họa sỹ, nhạc sỹ, kiến trúc sư… có thể truyền tải tư tưởng vào tác phẩm “vô ngôn” của mình, tuy nhiên, sự nâng cấp tư tưởng phụ thuộc nhiều vào ngôn ngữ, cái gần với thơ nhất.
Chính vì vậy mà những sự hủy (hủy thói quen sáo mòn trong ngôn ngữ, hủy tư duy theo lối mòn) giúp con người vận động đi lên cũng thường xuất phát từ thơ và được phổ biến rộng nhờ tính dễ truyền khẩu của thơ vần (ví dụ bài “Ca dao nói ngược”). Khi thơ mở rộng sang phạm vi khó nhớ, rõ ràng, phải hướng dẫn những cách đọc mới để nhớ theo cách mới. Việc thiếu hụt những sự hướng dẫn này khiến việc cảm thụ thơ của quần chúng bị đứt đoạn và chuyển sự tập trung cảm thụ tính thơ vào cách loại hình có nhiều đầu tư truyền thông như phim ảnh, ca nhạc, game, truyện tranh… một cách khá thụ động và thiếu sự phong phú trong cách “đọc”.
Cũng vì những biến tấu tiên phong khó nắm bắt mà trong các loại hình nghệ thuật, thơ là thể loại gây tranh cãi nhất, những nhà thơ (và gần với họ, nhà văn) thường được “ăn đòn” cũng như tung hô nhiều nhất.
3. Kinh nghiệm cá nhân
Tôi nảy ra ý tưởng về “tính thơ” sau khi:
Xem khá nhiều thể loại thơ (một số được gọi tên để dễ liệt kê: Thơ Đường, Haiku, lục bát, song thất lục bát, 2,3,4,5,6,7,8… chữ, Son-nê (đã dịch), Thơ Mới, Thơ Tự Do, Thơ Tân Hình Thức, thơ lắp ghép, thơ trình diễn, kịch thơ, phim thơ…); xem khá nhiều nhận định về thế nào là thơ (của các nhà thơ, các nhà văn, các nhà phê bình, độc giả đọc nhiều, độc giả đọc ít…); xem tác phẩm của khá nhiều tác giả có sức hấp dẫn lớn (Nguyễn Du, Bùi Giáng, Tố Hữu, Nguyễn Bính, Hồ Xuân Hương, Wislawa Szymborska, Bút Tre, B.Brecht, Yehuda Amichai, Trần Dần, Paul Eluard, Pablo Neruda, Bàn Tải Cân, Nguyễn Quốc Chánh…). Đây là lời tự thú về những nguồn mình “đạo văn”.
Quan sát một phần sự biến chuyển của các thể loại thơ, những cuộc tranh cãi phe phái trong những người biết làm thơ và cả những người không biết làm thơ tạo nên một sự lộn xộn kinh khủng và không đồng nghĩa với sâu sắc trong các quan niệm về thơ. Tiêu biểu là những cuộc đấu phe phái giữa người làm Thơ Cũ với Thơ Mới, Thơ Mới với Thơ Tự Do, Thơ Trước Tân Hình Thức với với Thơ Tân Hình Thức…
Nhận thấy những sự nhân danh mỹ học cực đoan quy kết người khác phản động hoặc chỉ để tự xây tháp ngà và phủ định những tháp ngà hay sự bay lượn khác; nhưng những sự nhân danh, quy kết mang nhiều ác ý và cả sự tự bó hẹp vẫn được nhiều người đọc lấy làm kim chỉ nam.
Tranh Lê Thiết Cương |
Được mở mang đầu óc với châm ngôn “nơi sự phán xét được treo lại” của Milan Kundera và nhận định của ông về tính thơ trong dòng văn được coi là “mô tả cái phi thơ” của Kafka.
– Cá nhân tôi luôn thấy việc đọc và viết thơ hỗ trợ sự phát triển song song về tư duy, tư tưởng và cảm giác của con người hơn sự song song này trong bất cứ loại hình nào khác. Dù càng ngày thơ càng có nhiều thể loại, có lúc thơ gần với văn xuôi, thậm chí, dài hơn văn xuôi nhưng ở một bản chất sâu xa nhất của thơ, nó là cái có thể cô đọng được những yếu tính của nghệ thuật trong một hình thức đơn giản và ngắn gọn nhất. Pablo Picasso cũng đã cảm nhận được điều này khi gợi ý một cách “đọc” hội họa dựa trên tính thơ: “Họ được học đọc và viết, vẽ nét và hát ca, nhưng làm thế nào để xem một bức tranh thì họ chưa từng lưu tâm đến. Chắc hẳn là có một thứ thi ca của màu sắc, một đời sống của đường nét hay tiết tấu – những vần điệu bằng vật liệu tạo hình – nhưng điều này đã hoàn toàn không được lưu tâm đến” (Hoàng Ngọc Tuấn dịch).
Nên, xin được gọi nội lực trong các yếu tố Hình ảnh, ý tưởng, tư tưởng, nhạc tính, mạch cảm xúc là “tính thơ”. Tôi bất đắc dĩ phải tạm đặt thơ vào sự phân loại với các loại hình khác để tăng sức thuyết phục cho cách gọi giá trị nghệ thuật là “tính thơ” chứ không phải “tính văn” hay “tính nhạc”, “tính triết”… Gọi là “tính thơ” cũng để nói lên “tính thơ” không phải độc quyền của thể loại thơ. Những cách nói trong thơ có nhạc, trong họa có thơ, trong thơ có họa, trong văn có thơ, trong thơ có triết… (và những cách gọi tương tự không chỉ có trong tiếng Việt) cho thấy trong tiềm thức văn hóa của nhiều con người trên khắp thế giới luôn có nhu cầu đưa nghệ thuật khỏi tháp ngà thể loại của nó.
Văn hóa đọc thơ có vẻ suy giảm nhưng việc gọi tên “tính thơ” cũng không hẳn vì lí do cứu lại thương hiệu thơ. Với cá nhân tôi, thường phải tuân theo cảm giác trong những lúc cần cảm giác, không lí do nào khác đầy đủ hơn khi biện minh cho lựa chọn gọi khái niệm về yếu tính của nghệ thuật là “tính thơ”.
Ai có cách đặt tên khái niệm này hay hơn, có lý lẽ thuyết phục hơn hay đưa ra một quan niệm khác rộng hơn, chính xác hơn về khái niệm này, tôi cũng sẽ suy xét để có thể gọi theo cách đặt tên mới đó và ứng dụng điều rộng mở hơn đó.
+ Vài câu của Stanislaw:
“Và nếu như trái đất là một cái dấu hoa thị báo hiệu một cước chú mà chúng ta đã không để ý?” (Diễm Châu dịch)
“Không bông tuyết nào trong trận bão tuyết chịu trách nhiệm”
“Tôi chống lại dùng cái chết làm hình phạt, tôi cũng chống lại dùng cái chết làm phần thưởng”
“Ý nghĩ, như bọ chét, nhảy từ người này sang người khác, nhưng không cắn tất cả”
“Có lẽ cần phải có một trăm con mắt để nhắm lại trước mọi sự” (Diễm Châu dịch)
“Mọi thứ nằm trong tay ta, vì vậy, hãy rửa tay thường xuyên”
“Con người bị cái bánh xe làm tan nát sẽ không cảm thấy bớt đau đớn nếu người ta khiến cái bánh xe quay ngược lại” (Diễm Châu dịch)
“Gả tự do cho ai để nó có thể sinh nở?” (Diễm Châu dịch).
+ Vài câu của Oscar Wilde:
“Một nhà thơ có thể chịu đựng mọi thứ trừ một lỗi in sai”
“Một thứ không nhất thiết phải đúng chỉ bởi có người chết cho nó”
“Người bạn chân chính đâm trước mặt”
“Hãy luôn tha thứ cho kẻ thù, chẳng có gì làm họ khó chịu hơn thế”
“Người hoàn hảo không có kẻ thù và cũng chẳng có bạn bè nào thích”
“Ý tưởng không nguy hiểm không xứng được gọi là ý tưởng”
“Lừa dối lẫn nhau là cái thế giới gọi là lãng mạn”.