“Tổ quốc tôi” – thông điệp về tình yêu và tự hào dân tộc
Với quan niệm “nếu một người may mắn có được tài năng thiên phú, thì trách nhiệm của người đó là phải góp phần làm rạng danh đất nước”, thể loại thơ giao hưởng được Smetana dùng như một trong những phương tiện truyền bá những ý tưởng dân tộc. Liên khúc thơ giao hưởng Má vlast (Tổ quốc tôi) chiếm một vị trí trung tâm, không chỉ trong phạm vi sáng tác gắn với tình cảm dân tộc mà còn khẳng định vị trí và tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn bộ sự nghiệp âm nhạc của Smetana, cũng như nền âm nhạc Czech.
“Tổ quốc tôi” được xem như cực điểm của tinh thần ái quốc, mà quá trình sáng tác đã phải trải qua rất nhiều gian truân (thời kỳ sức khỏe và đặc biệt là thính giác của Smetana bị hủy hoại). Một cách ngẫu nhiên, người yêu nhạc có thể hình dung khá chính xác hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng trong khúc thơ giao hưởng thứ II – Vltava như hình ảnh biểu tượng về quá trình sang tác âm nhạc của nhạc sĩ, hành trình gian truân của sông Vltava cũng như chính Smetana tích tụ văn hóa dân tộc từ những dòng suối nhỏ nơi hoang vu, vượt qua bao ghềnh thác và trở lực để hòa mình ra biển lớn. Đáp lại những nhà phê bình thủ cựu xem ông vô dụng như một họa sĩ mù, Smetana đã vượt qua và chuyển hóa nỗi đau thể xác và tinh thần vào trong một tác phẩm có tầm mức biểu hiện vô song mà sức mạnh của nó chỉ có thể được ông rút ra từ một thế giới nằm ngoài giới hạn của những âm thanh mà những đôi tai bình thường vẫn thường nghe.
THƠ GIAO HƯỞNG :
Thơ giao hưởng là một thể loại viết cho dàn nhạc trong đó một bài thơ hay một chương trình mang lại cho tác phẩm âm nhạc yếu tố kể chuyện hoặc minh họa. Khởi nguyên của nó có thể tìm thấy trong các overture Egrnont, Coriolan và Leonore No.3 của Beethoven mà trong đó không ít thì nhiều các sự kiện kịch tính được trình bày rõ ràng. Các overture hòa nhạc của Berlioz và Mendelsshohn có thể được coi là những nguyên mẫu trực tiếp của thơ giao hưởng kiểu Liszt. Liszt sáng tác 12 thơ giao hưởng từ năm 1848 đến 1858 trong đó tác phẩm đầu tiên Ce qu’on entend sur la montagne (Tiếng nghe trên núi) dựa trên một bài thơ của Hugo. Thể loại thơ giao hưởng được tiếp tục ở Bohemia và Nga như là phương tiện truyền bá những ý tưởng dân tộc. Năm 1857, Smetana đã bắt tay vào viết một nhóm thơ giao hưởng dựa trên đề tài văn học và chịu ảnh hưởng rõ ràng từ Liszt. Ma vlast (Tổ quốc tôi) của Smetana là bộ 6 thơ giao hưởng dựa trên những tình tiết và ý tưởng từ lịch sử dân tộc Czech. Nó được tiếp nối bằng một lượng phong phú các thơ giao hưởng của những nhà soạn nhạc đồng hương thế hệ sau như Dvorak và Suk. Ở Nga, Kamarinskaya (1848) của Glinka là nguyên mẫu của các thơ giao hưởng của Balakirev, Mussorgsky và Borodin về đề tài dân tộc. Ngược lại, Tchaikovsky lại chọn đề tài văn học cho Romeo and ]uliet, Francesca da Rimini và Hamlet. Trước Liszt, Franck cũng đã viết một tác phẩm cho dàn nhạc dựa trên bài thơ “Tiếng nghe trên núi” của Hugo nhưng thể loại này xuất hiện ở Pháp trong những năm 1870 và được Hội âm nhạc dân tộc Pháp mới thành lập ủng hộ. Những hình mẫu của Saint-Saens trong đó có Le rouet d’Omphale (Sa quay của thần Omphale) và Danse macabre (Vũ điệu ma quỷ) được tiếp nối bằng các tác phẩm của Indy và Duparc. Năm 1876 Franck trở lại với thơ giao hưởng bằng Les Eolides rồi về sau viết thêm Le chasseur maudit và Les Djinns. Trong số những thơ giao hưởng của Pháp, L’apprenti-sorcier (Người học trò phù thuỷ) là một minh chứng chói sáng cho phong cách kể chuyện. Richard Strauss, người ưa thích thuật ngữ “tone poem” hơn, đã đóng góp một lượng lớn các tác phẩm vĩ đại vào vốn tiết mục thơ giao hưởng trong đó có Don Juan, Till Eulenspiegel, Also sprach Zarathustra và Don Quixote. Ông đã đưa vào những tác phẩm đó tài năng phối âm bậc thầy, hòa âm bán cung và âm nguyên, sự tài tình và phong phú trong việc chuyển đổi chủ đề và đan dệt chúng theo lối đối vị trau chuốt. Sibelius có lẽ là nhà soạn nhạc cuối cùng có đóng góp quan trọng vào vốn tiết mục thơ giao hưởng. Sự suy giảm của thơ giao hưởng ở thế kỉ 20 có thể do sự loại bỏ những ý tưởng lãng mạn và thay thế chúng bằng những quan điểm về âm nhạc trừu tượng và độc lập. – NGỌC ANH (nhaccodien.info) |
Hầu hết các nhạc sĩ sáng tác đều coi khinh việc tường thuật lại âm nhạc họ, xem đó như là hạ thấp giá trị nghệ thuật và đánh mất khả năng khơi gợi liên tưởng. Song bất chấp những suy nghĩ đó, Smetana vẫn không thể không thêm vào lời giải thích cụ thể với ngôn từ tự hào và giàu xúc cảm, được gửi kèm cùng với tổng phổ giao hưởng vào năm 1879.
Chương I – Vyšehrad (Thượng thành) lấy theo tên một vách đá dốc đứng nơi có thể quan sát toàn cảnh Prague. Triều đình Bohemian thịnh vượng vào thế kỷ 18 đã ngự trị tại đây dưới thời nữ hoàng Libuše, nhà tiên tri của dân tộc Czech. Khúc nhạc mở đầu với 2 đàn harp dạo ngón tự nhiên như âm thanh cây đàn Varito của người kể chuyện cổ tích gợi nhắc về quá khứ huy hoàng lộng lẫy, với thành trì của vua quan ngày xưa. Motif 4 nốt trang nghiêm như vinh quang hào hùng xa xưa đang hiện diện. Khúc nhạc kết thúc bởi cung điệu bi thương khi trở lại khúc hát người kể chuyện trên nền thành quách hoang phế.
Chương II – Vltava (gọi theo tiếng Đức là Moldau) là thơ giao hưởng nổi tiếng nhất trong tập liên khúc. Tác giả giải thích: “dòng sông Vltava phát sinh từ hai nguồn nước nóng và lạnh. Chúng hợp nhất lại làm thành dòng sông nhỏ chảy qua thảo nguyên và những cánh đồng – nhân dân đang vui mừng ngày hội. Dưới ánh trăng những nàng tiên cá múa điệu Khorovot. Những pháo đài kiêu hãnh, những lâu đài, những cảnh đổ nát với vách đá hoang dại thoáng vụt qua. Dòng Vltava cuộn sóng sôi súc ở thác nước Xviatoian rồi tuôn chảy về Thượng thành. Dòng sông hùng vĩ đưa dòng Vltava đi xa hơn, hòa cùng dòng Elber…”. Khúc nhạc được viết theo hình thức rondon, với phần lặp lại là giai điệu chủ đề sông Vltava, qua mỗi hành trình được biến đổi thể hiện những tính chất khác nhau, khi thì hiền hòa êm đềm, khi hùng vĩ bát ngát, lúc sôi sục cuồn cuộn trước ghềnh thác, chen giữa là những đoạn nhạc mang nhiều tiêu đề khác nhau với lời giải thích cho từng đoạn. Ý tưởng khởi nguồn của Vltava từ 2 dòng suối chảy qua núi có lẽ được ông quan sát trong các cuộc picnic năm 1867, trong khúc nhạc được mô tả bởi sáo và clarinet ( altor đệm cùng bộ dây) với những nét nhạc lấp lánh, được đàn dây bật ngón pizzicato như tô điểm ánh sáng của dòng suối phản chiếu ánh mặt trời. Giai điệu chủ đạo lần đầu xuất hiện du dương tuyệt đẹp, được cho là gần với bài “Hatikva”-quốc ca của người Do thái cổ, vốn dựa trên ca khúc Italia là La Mantovana… dòng sông chảy qua miền quê, vang lên tiếng tù và đi săn. Đoạn “Đám cưới nơi thôn dã” (theo tiêu đề tác giả đặt) xây dựng trên tiết tấu và dáng dấp vũ khúc Polka vang lên từ xa dần dồn dập sôi nổi rồi lùi dần về đằng sau khi dòng song đi xa, tiếng Bassoon báo hiệu màn đêm buông xuống, tiếu tấu chuyển sang trầm lắng, không gian huyền ảo với vũ khúc của các nàng tiên cá. Phần này có sự dụng những yếu tố tạo hình phong phú. Sau khi tái hiện chủ đề “dòng sông” (trong vai trò điệp khúc của thể Rondo) bước vào biến điệu với tương phản căng thẳng thể hiện tiến trình vượt qua ghềnh thác hiểm trở, điệp khúc rondo vang lên trang trọng báo hiệu khó khăn đã qua, motif “Thượng thành” rút ra từ thơ giao hưởng trước đó kết thúc chương nhạc khi dòng sông khuất tầm mắt hòa mình vào sông lớn.
Sau những mở đầu về lịch sử và tiến trình tự nhiên, Smetana trở lại với truyền thuyết “Šàrka” – Chương III, kể về sự trả thù những người đàn ông của nữ chiến binh Amazon – Sarka. Chương nhạc mở đầu đầu bằng cơn phẫn nộ mù quáng của nhân vật nữ chính, rồi trở nên dịu ngọt khi cô quyến rũ hoàng tử Stirat và ru ngủ binh lính của chàng. Âm nhạc căng thẳng và kịch tính về niềm kiêu hãnh cùng sự hung bạo khi Sarka gọi các nữ chiến binh đến trả thù. Khúc nhạc gồm 5 đoạn ngắn tương phản rõ rệt đồng thời biểu hiện tính cách nhân vật cùng các màn kịch (tính cách Sarka, cảnh yêu đương, cảnh chiến trận…)
Chương IV – Z cesýkch luhu a háju (Từ những cánh đồng và dải rừng xanh Bohemian) toát lên giai điệu trữ tình phóng khoáng, mà cụ thể theo lời tác giả là ý nghĩ và tình cảm trong một ngày mùa hè tuyệt đẹp, giữa thiên nhiên với “khí trời tỏa hương, mặt trời sưởi ấm, nước chảy dưới ánh mặt trời và cảm giác thanh bình xâm chiếm tràn ngập cõi lòng…” Khúc nhạc được chia làm 3 đoạn lớn với những chủ đề gần nhau, điệu thức bố trí xen kẽ. Đoạn một bè trầm chơi đồng âm liên tục ngân vang giai điệu hùng vĩ, đoạn hai bắt đầu bằng Fugatto bay biến giàu tính động như gió thổi trên những cánh rừng, tiếp nối bởi chủ đề kèn cor độc tấu và kết thúc với cao trào về cuộc sống nơi thôn dã, hăm hở nắm lấy những khúc hát và điệu nhảy trong tư thế như ngọn gió lướt trôi qua các vùng miền văn hóa.
Sau quãng thời gian 4 năm gián đoạn, Smetana từ Prague về sống ở Jabkenice, trở lại hoàn tất “Tổ quốc tôi”. Chương V – “Tábor” là chân dung của những chiến binh Hussite, trong cuộc chiến tranh anh dũng vào thế kỷ XIV do Jan Hut lãnh đạo, đã dựng lên thành trì, chiến lũy và chiến đấu kiên cường. Tábor chính là tên thành trì của nghĩa quân (thành phố miền Nam Bohemia), Smetana lấy giai điệu từ bài chính ca quân Tábor “Ktož jsú boží bojovníci” (Người là ai hỡi những chiến binh thần thánh) làm cơ sở cho khúc nhạc, những đoạn lento, trận đánh ác liệt (molto vivace), niềm vui chiến thắng (Lento maestoso) tất cả đều được xây dựng trên chủ đề ca khúc đó. Giai điệu lấy từ bài hát chuyển hóa trong những khúc nhạc tráng kiện và oai nghiêm, như vang lên từ dưới lớp lớp sương mù của thời đại, truyền tới hiện tại lời cầu nguyện nồng nhiệt của các chiến binh.
Chương VI – “Blaník” mang màu sắc huyền thoại dân gian về các chiến binh Hussite, được an táng trong lòng núi Blanik nơi xung quanh là thảo nguyên hiền hòa trải rộng. Tương truyền các chiến binh say ngủ sẽ cùng nhau thức dậy và tập hợp lại khi cần để bảo vệ nhân dân. Chương nhạc mở đầu rung chuyển với Choral “ Người là ai, hỡi những chiến binh thần thánh” vang lên nhức nhối rồi chuyển dần sang dạng hành khúc nhịp nhàng, trang trọng – không khí thanh bình bao trùm tiếp nối diễn tấu bởi sáo, clarinet. Âm nhạc chuyển sang kịch tích, cam go như nhân dân đau khổ cần được giải phóng… Chủ đề sử thi của khúc “thượng thành” hòa cùng giai điệu ngợi ca hùng tráng, kết thúc chương nhạc trong những âm hưởng hướng tới tương lai, thể hiện khát vọng của dân tộc Czech và cũng đóng khung lại toàn bộ liên khúc thơ giao hưởng.
Sau khi mỗi chương nhạc được viết xong, chúng đều được hoan nghênh trong những buổi công diễn riêng biệt. “Tổ quốc tôi” trọn bộ được công diễn lần đầu ngày 5/5/1882 trước sự ngây ngất của khán giả và với chính tác giả của nó, người không thể nghe thấy được một nốt nhạc nào. Từ đó tác phẩm trở thành biểu tượng quan trọng trong biên niên sử ngày lễ dân tộc của Czech. Liên khúc hoàn chỉnh dù ít được biểu diễn ở nước ngoài, nhưng gần như tất yếu có tính chất mệnh lệnh với các chỉ huy người Czech và được thu âm rất nhiều lần. Như David Hurwitz khẳng định tác phẩm qua thời gian không chỉ như những tấm bưu thiếp đẹp quảng bá về Czech, đằng sau những âm thanh huy hoàng là những suy tư về cuộc sống và cái chết. “Tổ quốc tôi” như tình yêu vĩnh cửu của Smetana, bất tận như những dòng sông con suối được chuyển hóa từ sự câm lặng tù đày rồi vang lên như dòng thác lũ hiến dâng cho đất nước và nhân dân ông.
“Tổ quốc tôi” tạo ra những cảm nhận phong phú ở vị trí mỗi cá nhân. Với Marta Ottlová, đó là một thứ âm nhạc được thần thánh hóa từ những thứ thiết thân với đời sống tinh thần của Smetana, được lấp đầy bằng trí tưởng tượng và những suy tưởng về lịch sử. Louis Biancolli thì xem đó là bản tuyên ngôn nghệ thuật của Smetana, một tác phẩm âm nhạc chói sáng. Đồng bào của Smetana xem nó như lịch sử huy hoàng cần nhìn nhận và gìn giữ như những báu vật, cùng với tương lai đang hiện hữu bằng những hình dung xác thực từ cuộc sống hiện tại tiếp nối từ quá khứ. Với những người vốn không phải dân Czech, tác phẩm giúp họ hiểu về mảnh đất quê hương Smetana và có thể sẽ trở nên yêu mến nó. Paul Myers thể hiện sự đồng thuận: “Dù nó (Má vlast) đặc trưng là sáng tác của một nhạc sĩ Bohemian, nhưng mang thông điệp quốc tế về niềm tự hào dân tộc và tình yêu tổ quốc nói chung dành cho bất kỳ ai và ở bất cứ đâu, điều mà Smetana gợn giản gọi tên “Tổ quốc tôi”.
(bài viết có sử dụng một phần tài liệu Bedrich Smetana – Những bức thư và hồi ký do František Bartoš biên soạn)