Toan

TOAN là điểm hẹn cũng là nơi gặp chung của sáu những người mang nghiệp vẽ. Nghệ thuật là người. TOAN là người.

Cùng thiên nhiên”, Đoàn Xuân Tặng

TOAN là điểm hẹn cũng là nơi gặp chung của tất cả những người mang nghiệp vẽ, 6 họa sỹ Trần Lê Nam, Lưu Vũ Long, Lý Hùng Anh, Hoàng Hải Anh, Đoàn Xuân Tặng, Doãn Hoàng Lâm gặp nhau để làm nên “bức tranh” Toan. Họ là bạn, là đồng nghiệp, là bạn học thuở trước. Họ đã từng có triển lãm riêng hoặc nhóm. Nay mới có dịp bày chung những tác phẩm mới nhất, chưa từng công bố. Toan là duyên hội ngộ của 6 họa sỹ này với nhau mà cũng là duyên hội ngộ của từng người với hội họa. Chả ai giống ai, mỗi người đều đến với hội họa bằng một lối, mỗi người mỗi đường, mỗi thân mỗi phận, mỗi duyên mỗi phận, phận duyên duyên phận, mỗi nhân mỗi quả. Hiểu ở một cách khác, hiểu đến ngọn nguồn thì nhân đã là quả, nhân quả là một. Cầm bút trước tấm toan và vẽ ấy đã là tồn tại, “tôi vẽ là tôi tồn tại”, đã là sống, sống là vẽ, quả và nhân ở ngay trong tấm toan, trong bức tranh. Vẽ là khởi đầu mà cũng là kết thúc. Sống – vẽ – chết là một.

“Phù thủy và cô tiên”. Lưu Vũ Long

Người ta chỉ nên làm nghệ thuật, nên vẽ khi không thể làm gì khác. Nghệ thuật buộc người ta phải chung thủy, phải toàn tòng, bước vào toan rồi ở lại đến chết với nó. Nếu được như vậy thì không còn sống chết, không còn ngoài toan hay trong toan, không còn người vẽ hay bức tranh. Tất cả đều là một. Toan vừa là “nước Trời”, vừa là thái cực, vừa là Niết bàn. Toan là một.

Như đã nói, mỗi người mỗi đường để đến với Toan, mỗi người một tâm sự, một vui buồn, một ám ảnh, một ẩn ức… nhưng cả 6 họa sỹ đều coi hội họa là nghiệp vẽ, là máu thịt, là hơi thở, là lao động không ngừng nghỉ, tìm tòi, trăn trở, là “mất ngủ”. Họ ví lao động nghệ thuật cũng như người nông dân cả đời gắn bó với thửa ruộng, mảnh vườn của họ. Toan là ruộng vườn của họa sỹ.

Cấu trúc. Trần Lê Nam

Tất cả các tác phẩm của Trần Lê Nam trong triển lãm Toan đều chung một tên là Cấu trúc. Nam bỏ cái nhìn bên ngoài của sự vật để thấy cái bên trong, thấy cái cấu trúc lõi, cấu trúc tinh thần của đối tượng  bằng những vết bay mạnh mẽ, bộc trực, thẳng thắn, không hề đắn đo, âu lo, toan tính.

Tranh của Lưu Vũ Long như một vườn địa đàng đầy ắp tiếng cười thơ trẻ, ánh nhìn thơ trẻ với một bảng mầu nhiều tương phản nóng lạnh. Nói cách khác tranh của Long như minh họa cho một câu trong Kinh Thánh “chỉ có những người có tâm hồn trẻ thơ mới vào được thiên đàng”.

“Bên trong và bên ngoài”, Lý Hùng Anh.

Hạnh phúc không ở trên ngọn núi phía xa, không ở nơi xa mù bên kia đại dương. Hạnh phúc là ở đây và bây giờ, hạnh phúc là ở những điều giản dị ngay quanh mình, ở ngay trong cái hằng ngày, hạnh phúc là bình yên, là con mèo ngồi bên bếp lửa, là con chó nhỏ đứng ở hiên nhà… Đó là những cảm nhận mà người xem có được khi xem những bức tranh mới này của Lý Hùng Anh.

“Đầm súng”, Hoàng Hải Anh.

Hoàng Hải Anh coi Toan là câu chuyện mà anh lý giải về lẽ nhân sinh, ngày đêm, được mất, vuông tròn, thăng giáng, yêu ghét. Anh giãi bày bằng hình, bằng màu trên toan cũng chính là anh đang sống, đang tìm thấy mình mỗi ngày.

Đoàn Xuân Tặng đã nhiều năm chỉ đi và về với cảnh và người của vùng cao, người đấy mà cũng là cảnh đấy, một đám mây phù du bay ngang trời vẫn có thể chở được bao ưu tư của anh về lẽ còn mất, về sự tiếc nuối những giá trị văn hóa của các tộc người thiểu số đang ngày càng mai một.

“Hơi ấm”, Doãn Hoàng Lâm

Những tác phẩm trong triển lãm Toan của Doãn Hoàng Lâm là những tự vấn của anh về cuộc sống hiện đại, khi những giá trị cốt lõi đang bị đảo lộn, khi mà một life-style vật chất đang lên ngôi, đang là mốt. Khi mà những giá trị văn hóa, giá trị tinh thần không còn được coi trọng.

Cho dù nói bằng cách này hay cách khác, cho dù cách lập ngôn bằng hình, màu, bố cục, chất liệu nào thì cái đích cuối cùng của nghệ thuật cũng đều phải hướng thiện, hướng đến những giá trị người. Nghệ thuật là người. TOAN là người.

Triển lãm TOAN của 6 họa sỹ: Trần Lê Nam, Lưu Vũ Long, Lý Hùng Anh, Hoàng Hải Anh, Đoàn Xuân Tặng, Doãn Hoàng Lâm trưng bày khoảng 30 bức tranh sơn dầu. Triển lãm diễn ra từ ngày 25/5 đến hết 31/5/2018 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

 

 

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)