Tôi hứng thú được dõi theo những người trẻ có tài
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, nổi tiếng với bộ phim giành nhiều giải thưởng quốc tế “Đập cánh giữa không trung”, trò chuyện với Tia Sáng về lý do vì sao chị luôn “hăm hở” xắn tay tham gia các hoạt động cộng đồng của những người làm phim trẻ.
Tìm cảm hứng giữa những người làm phim trẻ
Được biết mới đây chị đã triển khai một dự án đào tạo cho các nhà làm phim trẻ có tên gọi Hà Nội Mùa Xuân. Chị có thể chia sẻ về lý do khởi xướng hoạt động này?
Nhiều khi tôi cũng tự hỏi, vì sao mình làm việc này và mình sẽ làm việc này trong bao lâu, nhưng chưa bao giờ tôi có câu trả lời thỏa đáng. Có những lúc tôi nghĩ mình cần nó như một công việc cứu rỗi bản thân vào những khoảng thời gian bế tắc, không biết phải làm gì. Ở giai đoạn khủng hoảng, có người lánh sang một chỗ, có người muốn nạp thêm. Cá nhân tôi thuộc loại thứ hai. Và tôi nghĩ, cái chỗ hay nhất mình có thể đến và nạp thêm điều gì đó là nơi những người trẻ. Và tôi chạy đến bên họ xem họ đang làm gì, có gì hay, để tìm cảm hứng cho mình. Tôi nghĩ nó bắt đầu trước hết từ một lý do cá nhân rất ích kỷ như vậy.
Nhưng còn có một lý do khác nữa, đó là trong quá trình sáng tác ai cũng có thể gặp bế tắc. Một lũ bế tắc ngồi cạnh nhau thì không có nghĩa mọi việc sẽ hanh thông, nhưng rõ ràng khi có sự gặp gỡ, chuyện trò, cùng xắn tay vào làm với nhau, mọi việc sẽ dễ dàng hơn là mỗi anh ôm một “khối căm hờn” và ngồi ở một góc.
Khóa học Hà Nội Mùa Xuân vừa rồi là khóa đầu tiên tôi tổ chức và đứng ra chăm bẵm từ việc nhỏ nhất. Làm rồi tôi mới thấy không phải một mình mình nghĩ như thế. Bằng chứng là khi tôi gọi cho Nguyễn Khắc Huy – đạo diễn phim “Đường đua” (sau phim này, Huy gần như không sủi tăm) để chia sẻ ý tưởng về workshop, Huy im lặng trong suốt cuộc nói chuyện qua điện thoại, nhưng nghe xong Huy nói: “Trời ơi, đó chính là điều mà em cần.” Huy cũng muốn biết mọi người đang làm gì. Huy có cảm giác giống y như tôi, cảm giác bị bỏ rơi, bởi mình không thuộc về một mạng lưới nào cả, không biết ai đang làm gì và cũng không biết làm cách nào để chia sẻ với mọi người rằng mình đang làm gì. Sau đó, tôi tiếp tục nói chuyện với các bạn làm phim trẻ khác và nhận ra rằng, đối với họ, vấn đề quan trọng nhất bây giờ là họ cần có một mạng lưới để thuộc về.
Hẳn ai cũng biết, để một dự án có thể chạy được thì cần nhiều hơn một lý do. Vậy chị đã bỏ vào đó sự dụng công như thế nào?
Nó mất thời gian – chắc chắn rồi.
Bản chất là khi chưa có Hà Nội Mùa Xuân, tôi đã làm việc với các nhà làm phim trẻ theo nhiều cách khác nhau, bởi tôi thực sự có hứng thú với việc được theo dõi những người trẻ có tài, muốn lắng nghe họ rồi có thể góp ý nếu họ cần, hoặc cùng làm với họ những việc trong khả năng cho phép. Những thứ đó tôi coi là những mối quan hệ sống của mình.
…sự gặp gỡ của chúng tôi không còn là chuyện của cảm hứng nữa, mà là chuyện hiện thực hóa những cảm hứng. |
Nói chuyện với những người bắt đầu làm phim ở Việt Nam, tôi nhận thấy, tài năng trong bộ phận sáng tác không có gì để phàn nàn, cái riêng, sự độc đáo của mỗi cá nhân là rất dồi dào. Nhưng năng lực ở những công việc hoặc nhóm công việc, nhóm ngành nghề thuộc mảng kỹ thuật làm phim thì đang thiếu và yếu. Đầu tiên tôi chỉ nghĩ chỉ riêng mình gặp vấn đề đó thôi, nhưng sau này tôi biết đó là vấn đề chung. Và tôi nghĩ việc học cùng nhau như thế này thực sự hữu ích
Tôi nói với các bạn trong Hà Nội Mùa Xuân rằng, đây là lớp học về sản xuất nhưng không có ai là thầy, không có ai là trò cả. Khi tập hợp 14 bạn làm phim trẻ lại với nhau, ban đầu tôi cũng tưởng tượng mình có thể nói với các bạn rất nhiều kiến thức, nhưng khi nghe các bạn trình bày về dự án của mỗi người, tôi thấy hóa ra chính mình đang phải học các bạn ấy. Có những phương án sản xuất mà các bạn trình bày xong mình “choáng” luôn, chẳng hạn như dự án phim chỉ cần 500 triệu để sản xuất. Nghe những dự án đó tôi hiểu rằng, nếu mình không làm phim ở Việt Nam, nếu mình chưa từng trải qua những chuyện đó thì mình sẽ không thể tin nổi chuyện này. Và chuyện này không ai dạy mình ở bên kia đại dương cả.
Làm phim rồi, mình nhìn thấy rõ Việt Nam là một trường học kỳ quặc, nó có rất nhiều lớp học với rất nhiều buổi thực hành mà bạn không tìm được ở bất kỳ đâu. Không ở đâu như Việt Nam, bạn có thể thực hành việc sản xuất phim, việc phát hành phim trong những điều kiện vô cùng thiếu thốn. Nhưng đó không phải là trở lực, mà nó khiến cho bạn cảm thấy mình không cần thiết đi học ở nơi khác nữa, vì những bài học ở đây nhiều hơn và thách thức ở đây còn lớn hơn.
Học cách “hiện thực hóa cảm hứng”
Hà Nội Mùa Xuân có gì đối trọng với Gặp gỡ Mùa Thu1 cũng của giới làm phim chuyên nghiệp không?
Không có gì đối trọng cả. Bởi Gặp gỡ Mùa Thu nhấn mạnh tính cảm hứng. Còn Hà Nội Mùa Xuân thực dụng hơn, nó là nơi gặp gỡ của những người cảm thấy mình thiếu về kỹ năng để hiện thực hóa dự án. Bạn đang làm phim ở Việt Nam, nếu bạn có một mạng lưới đủ tốt, có những người hiểu cặn kẽ về dự án của mình, đồng thời họ đều được trang bị nền tảng giống mình thì sẽ hỗ trợ được nhau trong dự án của mỗi người. Sự gặp gỡ của chúng tôi không còn là chuyện của cảm hứng nữa, mà là chuyện hiện thực hóa những cảm hứng.
Không chỉ tổ chức một workshop cho 14 người làm phim trẻ, đã và đang có những dự án khả thi, Hà Nội Mùa Xuân còn có phần thưởng cho người thắng cuộc là một chuyến sang Mỹ chào dự án. Người thắng cuộc đó là ai, và họ đã đi tới đâu rồi?
Người chiến thắng trong workshop vừa rồi là bạn Trần Nguyễn Thanh Duy với dự án “Thằng Ròm” mà bây giờ bạn ấy đã đổi thành “Ròm”. Huy đã được mang dự án của mình sang chào tại sáu hãng sản xuất lớn nhất tại Mỹ, hầu hết đều rất quen thuộc với khán giả Việt Nam như Dreamworks, Warner Bros,… Bên cạnh đó, Huy sẽ tham gia một trong những chợ phim lớn nhất thế giới. Thành quả này không chỉ quan trọng với Huy mà còn quan trọng cả với nhóm Hà Nội Mùa Xuân vì chúng tôi cùng ngầm hiểu rằng, bước tiến của những người đi xa hơn sẽ là kinh nghiệm quý giá cho những người còn lại.
Không ở đâu như Việt Nam, bạn có thể thực hành việc sản xuất phim, việc phát hành phim trong những điều kiện vô cùng thiếu thốn. Nhưng đó không phải là trở lực, mà nó khiến cho bạn cảm thấy mình không cần thiết đi học ở nơi khác nữa, vì những bài học ở đây nhiều hơn và thách thức ở đây còn lớn hơn. |
Giai đoạn này của điện ảnh Việt Nam đòi hỏi bạn không cần phải chín ép về mặt tư duy, nhưng bạn phải chín ép về mặt kỹ năng, và bạn phải tìm mọi cách để rút ngắn thời gian học. Cách đào tạo của các trường trong nước không cho bạn cơ hội được học những thứ bài bản nhưng bạn cũng không nên tốn thêm thời gian để trả phí cho việc học vì bạn có một cách khác là học cùng nhau, chia nhau ra để học. Thay vì mình mất thời gian cả năm để lên lớp, đọc những cuốn sách dày hàng ngàn trang thì các bài học sẽ được tổng kết qua thực tiễn. Cho dù cách học này có thể có những bất lợi, nhưng tôi nghĩ, tại thời điểm này đang phù hợp với những người cùng quan điểm “đi mãi sẽ thành đường”. Bằng cách đó, chúng tôi tránh được cho nhau dẫm phải gai nhọn dọc đường đi. Có vui gì khi bạn vừa bước qua được cái hố rồi quay lại thấy bạn mình rơi đúng vào cái hố đó?
Chị thấy mục tiêu ban đầu và kết quả đạt được của workshop đã khác nhau như thế nào?
Ban đầu tôi nghĩ rất đơn giản, những thứ mình chưa biết mình phải đi học. Nhưng thay vì đi học xa quá, mình tìm cách bưng thầy về. Bưng thầy về rồi mà học một mình thì một là chán, hai là đắt, nên tốt nhất là mình tụ tập lại cùng nhau để học. Thứ hai tôi muốn mình có một network, để khi gặp khó mình có thể cùng nhau đối phó.
Bên cạnh đó, lúc đầu các thành viên trong Hà Nội Mùa Xuân đều nghĩ đến hướng sản xuất dự án của mình theo con đường hợp tác quốc tế, bằng việc sử dụng đồng vốn bên ngoài, nguồn lực bên ngoài ở những mảng mình bị thiếu và yếu. Nhưng khi làm việc cùng nhau rồi, chúng tôi mới nhận ra có nhiều dự án hoàn toàn sản xuất được ở nội địa bằng nguồn lực nội địa mà chất lượng vẫn tốt. Công đoạn hợp tác quốc tế nếu có sẽ đến sau chứ không phải ngay ở giai đoạn đầu.
Hà Nội Mùa Xuân lần kế tiếp sẽ diễn ra khi nào?
Tôi không đặt mục đích phải tổ chức nó định kỳ, nhưng tôi biết các bài học tiếp theo sẽ đến rất nhanh chóng thôi, nên chúng tôi có một thỏa thuận là các thành viên luôn giữ liên lạc với nhau. Khi có khoảng bốn – năm dự án của các thành viên đi vào sản xuất thì chúng tôi sẽ gặp lại nhau, để bàn tiếp về giai đoạn mới của các dự án.
Tôi cũng tin rằng các thành viên của Hà Nội Mùa Xuân sẽ sớm trở thành những tên tuổi đạo diễn mà điện ảnh Việt Nam có thể kỳ vọng vào họ. Và thực sự không có lựa chọn nào khác đâu (cười)
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
Kim Sen thực hiện
Hà Nội Mùa Xuân là khóa học sản xuất phim độc lập được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội theo sáng kiến của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch (Quỹ CDEF), Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace) và Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA). Khóa học diễn ra từ ngày 10 đến 17/3. Tại đây, các thành viên khóa học được trang bị các kiến thức cần thiết liên quan đến sản xuất như hợp đồng, bản quyền, lập ngân sách, kế hoạch sản xuất cũng như kiến thức cập nhật về phát hành và hệ thống liên hoan phim quốc tế. Trực tiếp đứng lớp có nhà sản xuất phim nổi tiếng Jon Kuyper; luật sư Rolf Larsson đến từ Thụy Điển; bà Phan Cẩm Tú, đại diện MPA; và giám tuyển phim Marcus Mạnh Cường Vũ. |
Chú thích:
1. Khởi xướng từ năm 2013, Gặp gỡ Mùa Thu do đạo diễn Phan Đăng Di, nhà sản xuất Trần Bích Ngọc và nhà làm phim Nguyễn Mỹ Dung sáng lập. Sự kiện này nhằm phát triển, đoàn kết điện ảnh Việt Nam, mở rộng giao lưu – đối thoại với các nền điện ảnh trong khu vực và tìm cơ hội cho các nhà làm phim trẻ đưa những câu chuyện của mình lên màn ảnh rộng.
Sau hai lần tổ chức, sự kiện đang được nâng tầm trở thành một hoạt động điện ảnh chuyên nghiệp, quy tụ đông đảo nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch quay phim trong nước và quốc tế. Đạo diễn Trần Anh Hùng đã đồng hành cùng Gặp gỡ Mùa Thu trong suốt hai năm qua.