Tôi quan tâm đến mọi người!

Nghệ sỹ cello huyền thoại Mstislav Rostropovich đã vừa vĩnh biệt chúng ta. Trong thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21 này, Rostropovich không chỉ là chân dung xuất chúng nhất của nghệ thuật đàn cello mà còn là một tấm gương vĩ đại về nhân cách người nghệ sỹ. Rất nhiều nghệ sỹ nhạc cổ điển thành danh hiện nay đều coi ông là hình ảnh cao đẹp nhất mà họ cần phấn đấu để vươn tới.

Julian Lloyd Webber là một nghệ sỹ cello có tiếng người Anh, một người đã đến với cây đàn cello chỉ vì sự ngưỡng mộ vô bờ bến đối với Rostropovich. Một trong những hạnh phúc lớn nhất trong đời của Webber chính là dịp được phỏng vấn Rostropovich. Có lẽ chúng ta nên gọi đây là một cuộc trò chuyện hơn là một cuộc phỏng vấn. Bởi vì người ta vẫn kể rằng, Rostropovich vốn coi trọng con người một cách tự nhiên và nhân hậu, bất kể địa vị cao thấp của họ. Dù là nguyên thủ quốc gia hay một người yêu nhạc thường dân, Rostropovich đều ôm hôn thắm thiết như nhau.
 

Julian Lloyd Webber (JLW): Năm 1963, tôi đã được xem ông chơi Concerto của Dvorak ở Festival Hall. Khi ấy tôi mới 12 tuổi, nhưng đó chính là lúc mà tôi quyết định trở thành một nghệ sỹ cello. Chắc là ông đã nghe câu chuyện này nhiều lần – ông đã tham gia rất nhiều vào câu chuyện của cuộc đời tôi.
Mstislav Rostropovich (MR): Trong cả cuộc đời mình, tôi đã luôn muốn chơi nhạc với tình yêu dành cho tất cả các khán giả. Tôi đã từng chơi Concerto của Dvorak hàng nghìn lần, nhưng cứ mỗi lần chơi đến những đoạn cuối cùng của tác phẩm, đôi mắt tôi lại ngấn lệ, đó là một tác phẩm quá đẹp. Và đây chính là điều mà tôi luôn cố gắng mang đến cho khán giả.
JLW: Ông đã từng có chín buổi hòa nhạc ở London năm 1964, chơi 30 concerto khác nhau chỉ trong có bốn tuần. Tờ chương trình của ông có viết: “Trong thời đại của chúng ta, cello đã trở thành một người hùng.” Đó có phải là cách để ông luôn luôn thấu hiểu được cây đàn cello hay không?
MR: Đúng vậy. Quãng âm của đàn cello khiến nó trở thành người hùng. Giọng hát của nó là giọng tenor (nam cao). Khi đàn cello bước vào trong Concerto của Dvorak, nó giống như một nhà hùng biện vĩ đại.
JLW: Ông đã bao giờ chơi trong dàn nhạc chưa?
MR:  Có một lần duy nhất, đó là khi người bạn thân Dmitri Shostakovich của tôi soạn lại vở opera nổi tiếng của ông là Lady Macbeth, vở này đã từng bị chính quyền Liên Xô cấm biểu diễn. Shostakovich đã gọi phiên bản mới này là Katerina Ismailova. Ông đã nhờ tôi chơi trong dàn nhạc bởi vì có quá ít thời gian để diễn tập và dàn nhạc chơi cũng không tốt lắm.
JLW: Trong lần đầu tiên trình diễn ở Anh, ông đã làm việc với những nhạc trưởng như Sir Adrian Boult và Sir Malcolm Sargent. Ông thấy thế nào?
MR:  Tôi đã rất thích khi đến Anh lần đầu vào năm 1956. Boult thì hơi già và đôi lúc hơi lề mề. Tôi rất thích Sargent, ông ấy rất  đúng với tước hiệu “Sir”, luôn luôn có một bông hoa trên áo vét. Chúng tôi đã thu âm concerto của Miaskovsky – một tác phẩm rất lãng mạn và trữ tình.
JLW: Bố của ông, Leopold cũng là một nghệ sỹ cello giỏi nhưng chưa bao giờ được nhìn nhận một cách xứng đáng. Ông có nghĩ là ông đã học được điều gì từ bố không?
MR: Tôi có một niềm tin tôn giáo rất sâu sắc. Tôi tin là bố tôi vô cùng yêu tôi. Cho nên suốt đời tôi, lúc nào tôi cũng kế tục ông – bởi vì tôi cũng yêu ông. Ông mất khi tôi mới 14 tuổi, khi ấy gia đình tôi rất nghèo. Trong suốt thời gian chiến tranh, gia đình tôi phải sơ tán đến một thị trấn nhỏ gọi là Orenburg, và tôi phải chơi nhạc ở nhà thờ địa phương để kiếm 70 rúp – chỉ đủ mua một hộp bơ. Bây giờ tôi có một núi bơ! Tôi có nhiều thứ hơn là tôi xứng đáng, bởi vì Thượng đế ban cho tôi những thứ mà Người đã không ban cho bố tôi.
JLW: Bây giờ thì tiền có ý nghĩa như thế nào đối với ông?
MR: Tôi muốn sử dụng tiền theo một cách thật hay. Tôi đã lập nên các quỹ ở Nga. Các quỹ này đã giúp tiêm chủng miễn phí cho hơn một triệu trẻ em ở quê hương tôi. Tôi cũng thành lập các chương trình học bổng mang tên những người đồng hương vĩ đại của mình –  Oistrakh, Richter, Gilels, Shostakovich, Prokofiev và Schnittke. Những học bổng này sẽ giúp các nhạc công trẻ đến học ở nhạc viện Moscow. Bây giờ ở Nga không còn đào tạo âm nhạc miễn phí nữa.
JLW: Giống như Pablo Casals, ông cũng không e ngại khi nói ra chính kiến chính trị. Ông đã gửi một bức thư mở rất nổi tiếng đến tờ Pravda để bảo vệ cho Solzhenitsyn. Ông cũng đã kết bạn với các tổng thống Mỹ. Có bao giờ ông bị lôi cuốn vào chính trị không?
MR: Không bao giờ. Mọi người rất sai lầm khi nghĩ rằng tôi quan tâm đến chính trị. Thực ra là tôi quan tâm đến mọi người! Đầu tiên, tôi đã là một “công dân Xô Viết” rất gương mẫu, trước khi Solzhenitsyn gặp rắc rối. Nhưng khi tôi được biết Solzhenitsyn gặp nạn, tôi đã đến thăm và thấy ông ấy bị đối xử rất tệ. Tôi lo cho tính mạng của ông ấy. Tôi đã mời ông ấy về nhà mình để nương náu, và những rắc rối của tôi cũng bắt đầu từ đó.
JLW:  Ông đã từng cộng tác với những nhà soạn nhạc lớn nhất thế kỷ 20: Prokofiev, Shostakovich, Britten. Bây giờ có còn nhà soạn nhạc nào tầm cỡ như vậy không?
MR: Tôi nghĩ là có thể có. Nhưng có lẽ là chúng ta chưa phát hiện ra họ. Tôi ngưỡng mộ Sofia Gubaidulina, nhà soạn nhạc cùng thành phố quê hương Baku với tôi. Ngoài ra tôi còn ấn tượng một nhà soạn nhạc trẻ tên là  Ali-Zadeh. Henri Dutilleux cũng rất hay.
JLW:  Ông và vợ ông Galina (Vishnevskaya) đã sống với nhau hạnh phúc được hơn 50 năm rồi. Ông bà có bí quyết gì không? 
MR: Bí quyết của chúng tôi là chúng tôi có nhiều lúc phải xa nhau! Chính âm nhạc đã đưa chúng tôi đến với nhau, nhưng tôi vẫn phải nói rằng, Galina chính là món quà mà Thượng đế dành cho tôi. Tôi sẽ kể cho anh cái lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Lúc ấy tôi đang ngồi ở tiền sảnh một khách sạn ở Prague thì bỗng thấy một cô gái rất đáng yêu đang chậm rãi bước xuống cầu thang. Sau khi khẩn cầu Thượng đế, tôi đã mạnh dạn cầu hôn với cô ấy ngay lập tức. Bốn ngày sau đó, chúng tôi đã trở thành vợ chồng. Thỉnh thoảng cô ấy có phàn nàn với tôi về những nếp nhăn xuất hiện ở xung quanh mắt của cô ấy, tôi đã pha trò làm cô ấy cười rất nhiều và quên luôn chuyện đó. Gần đây có một tạp chí hỏi tôi: “Có đúng là ông bà đã lấy nhau chỉ sau có bốn ngày hay không?”, tôi trả lời: đúng. Họ lại hỏi: “Bây giờ, sau 50 năm, ông cảm thấy thế nào?”, tôi trả lời: thực ra tôi đã lãng phí mất bốn ngày.
JLW: Lịch trình biểu diễn của ông cả trên cương vị nhạc trưởng lẫn nghệ sỹ cello vẫn còn rất dày. Phải chăng từ “nghỉ hưu” không có trong vốn từ của ông?
MR: Hồi sinh nhật lần thứ 70, tôi đã từng nghĩ là tôi nên làm một chuyến nghỉ mát. Ngày thứ nhất, tôi đã nghĩ rằng: hay đây, mình đang ngồi trên bãi biển. Ngày thứ hai: cũng hay ra phết, mình đang ngồi trên bãi biển. Sang ngày thứ ba, tôi chỉ ước là tôi chết quách đi cho rồi, chán không thể tả được. Bây giờ thì tôi sẽ không bao giờ đi nghỉ nữa – tất nhiên là cho đến khi nào tôi nằm xuống và nghỉ vĩnh viễn!
JLW: Bây giờ ông đã gần 80 rồi, sự nghiệp tuyệt vời của ông đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nghệ sỹ. Ông có nuối tiếc điều gì không?
 MR: [trầm ngâm hồi lâu] Tôi nghĩ là không. Bởi vì chính tất cả những chương bi kịch trong cuộc đời đã làm nên tính cách của tôi.

Mstislav Rostropovich (27/3/1927 – 27/4/2007) sinh ở Baku (Azerbaijan) trong một gia đình gốc Do Thái. Bố ông cũng là một nghệ sỹ cello có tài và từng là học trò của Pablo Casals. Mstislav học ở Nhạc viện Moscow, học cùng với Dmitri Shostakovich và cũng được sự chỉ dạy của Sergei Prokofiev. Đến năm 1945, ông đã trở thành một nghệ sỹ trẻ nổi tiếng khắp liên bang Xô Viết. Năm 1950, ở tuổi 23, sau khi giành được nhiều giải thưởng quốc tế, Mstislav Rostropovich được trao tặng phần thưởng cao quý nhất của nhà nước Xô Viết – Giải thưởng Stalin. Năm 1955, Rostropovich cưới Galina Vishnevskaya, giọng soprano lừng danh nhà hát Bolshoi.
Năm 1964 là năm đánh dấu sự vang danh của Rostropovich ở phương tây khi ông đến Tây Đức và bắt đầu chuyến lưu diễn qua các nước tư bản. Rostropovich được xem là người kế tục xuất sắc vị trí của Pablo Casals – nghệ sỹ cello số một thế giới nửa đầu thế kỷ 20. Hầu hết giới âm nhạc đều thừa nhận rằng, không ai chơi các Concerto của Dvorak và Haydn hay được như Rostropovich. Ông cũng tạo nguồn cảm hứng sáng tác cho rất nhiều nhà soạn nhạc như Shostakovich, Khachaturian, Prokofiev, Britten, Messiaen, Dutilleux, Bernstein, Penderecki, Boulez, Berio, Schnittke và Lutoslawski. Họ đã viết nhiều tác phẩm cello đề tặng ông.
Năm 1970, vì thương người, Rostropovich đã che chở và cứu giúp Alexander Solzhenitsyn khi nhà văn này gặp rắc rối vì có tư tưởng gây hấn với chính quyền Xô Viết. Kết quả là Rostropovich bị cấm ra nước ngoài biểu diễn. Năm 1974, Rostropovich và vợ con rời Liên Xô để sang Mỹ định cư. Ông bị cấm biểu diễn ở quê nhà và thậm chí bị tước quyền công dân Xô Viết vào năm 1978.  Từ năm 1977 đến 1994, ông là nhạc trưởng kiêm giám đốc âm nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Hoa Kỳ. Trong giai đoạn này, ông cũng đã biểu diễn cùng những nghệ sỹ Nga vĩ đại như Sviatoslav Richter và Vladimir Horowitz. Hình ảnh về buổi biểu diễn của ông bên Bức tường Berlin vào thời điểm nó sụp đổ đã được truyền hình đi khắp thế giới. Đến năm 1990 thì quyền công dân Nga của ông được khôi phục. Ông và vợ trở về Nga ngay sau đó và bắt đầu gây quỹ hoạt động xã hội nhân đạo. Tháng 3/2007, đích thân tổng thống Vladimir Putin đã đến thăm Rostropovich nhân sinh nhật 80 tuổi của nghệ sỹ cello vĩ đại. Khi ấy Rostropovich rất yếu, ông đã phải vào viện từ tháng 2 vì bệnh ung thư ruột. Đến ngày 27/4/2007 thì ông mất.
Mstislav Rostropovich yên nghỉ ở nghĩa trang Novodevichye, ông được ở gần Sergei Prokofiev và Dmitri Shostakovich. Lúc sinh thời, những người bạn thân vẫn gọi Rostropovich bằng cái tên “Slava”. Theo tiếng Nga, “Slava” có nghĩa là “niềm vinh quang.”   

Ảnh 1: Mstislav Rostropovich và Julian Lloyd Webber
Ảnh 2: Rostropovich bên Bức tường Berlin năm 1989
Ảnh 3(ảnh box): “Mọi người rất sai lầm khi nghĩ rằng tôi quan tâm đến chính trị. Thực ra là tôi quan tâm đến mọi người!”

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)