Trăm năm trên những đường ray

Khi tuyến đường sắt Lào Cai–Hà Nội–Hải Phòng được xây dựng nay mai, chúng ta ứng xử thế nào với Điền – Việt, tuyến đường tuổi đời trăm năm gắn liền với những lịch sử thăng trầm miền biên viễn?

Đường sắt Điền–Việt là tuyến đường sắt xuyên biên giới đầu tiên ở Đông Nam Á. Ảnh: Phong Lan & Stan BH Tan-Tangbau

Gần 10h sáng của một kì nghỉ lễ, tuyến phố Lê Hồng Phong – một trong số những tuyến phố chính của thị trấn Phố Lu thưa thớt người qua lại. Cây bàng cổ thụ lặng lẽ ôm gọn lấy nhà ga nhỏ bé và cũ kĩ. Dãy nhà khách và ki ốt ở hai bên ga bỏ trống lâu ngày khiến nhà ga càng trở nên đơn độc. Phòng chờ dành cho khách đi tàu không có bóng người, chiếc quạt trần thủng thẳng nhích từng cánh giữa căn phòng. Khó ai có thể hình dung được, nơi này trong suốt hơn nửa thế kỉ đã từng là một thế giới thu nhỏ sôi động suốt ngày đêm giữa lòng trung tâm huyện lỵ Bảo Thắng, là đầu mối giao thương chính để kết nối với các vùng đất còn lại của Lào Cai. Chú Nguyễn Trí Hạc, đã định cư ở nơi đó, nhớ lại: 

Phố Lu ở đầu mối, ga cuối cùng, đến Lu rồi đi khắp các vùng khác. Đi xuống ga rồi đi tiếp Bảo Nhai, Phong Niên, Phong Hải, Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, Gia Phú, Cam Đường, Văn Bàn, Phú Nhuận, Xuân Giao, Tằng Loỏng; ga Nhò, Lạng, Thái Niên.  Ở ga Phố Lu, hầu như người chủ yếu là ở xuôi lên buôn bán. Chú có ba ông cậu lên Phố Lu buôn sắn 1.

Đặc biệt, từ những năm 1980 trở đi, ga Phố Lu không chỉ là ga cuối cùng trên địa bàn tỉnh Lào Cai và là trung tâm giao thương của Lào Cai lúc bấy giờ. Thời điểm này, tỉnh Lào Cai sáp nhập cùng tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ lấy tên chung là tỉnh Hoàng Liên Sơn, trung tâm tỉnh lị đóng tại Yên Bái 2. Kể cả khi tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai được khôi phục cuối năm 1993, ga Lào Cai là ga cuối thì ga Phố Lu vẫn là một trong những ga sôi động nhất của tuyến đường sắt phía Tây. Khách đi tàu đông nên các dịch vụ xung quanh phát triển theo, từ phục vụ ăn uống đến lưu trú, xe ôm, xe khách… 3 Người dân Phố Lu vì thế mà có tiếng là nhạy bén, hoạt bát trong kinh doanh buôn bán. Sau khi tuyến đường bộ cao tốc Nội Bài–Lào Cai đi vào hoạt động cuối năm 2014, nhu cầu đi tàu trên tuyến đường sắt Hà Nội–Lào Cai đã giảm khoảng 15-20% 4


Ngày 2/9/1993, toàn tuyến đường sắt Hà Nội–Lào Cai được khai trương và trở thành con đường huyết mạch kết nối thủ đô Hà Nội và vùng biên giới phía Bắc–Lào Cai trong công cuộc Đổi mới đất nước.

Nằm ở vị trí ngã ba đường sắt, ga Phố Lu là điểm tách, gắn các toa xe đi đến từ ga Lào Cai, Xuân Giao, trung bình một ngày khoảng 20 đoàn tàu nên ga Phố Lu vẫn là một trong số những ga có hoạt động tương đối ổn định 5. Tuy nhiên, hoạt động của tàu khách vẫn vô cùng ảm đạm, tàu khách ngày đã dừng hẳn, chỉ duy trì thường xuyên mỗi ngày một cặp tàu đêm chạy tuyến Hà Nội–Lào Cai, vào những ngày lễ, tết, cuối tuần tăng lên hai cặp một ngày. Tàu đêm cũng chỉ dừng lại khi ga Phố Lu có khách lên hoặc xuống. Trong phương án tuyến và vị trí nhà ga của tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn đang được xây dựng, ga Phố Lu không còn nữa. Quá khứ hoàng kim không khỏi mang đến những niềm tiếc nuối, nhất là những ngưởi đã gắn bó ở nhà ga, với tàu hỏa với mảnh đất Phố Lu. Trong miền kí ức xa xôi, có nỗi khắc khoải về hành trình tiếp nối của một con đường, về số phận của một nhà ga, của một tuyến đường sắt. 

Một thế kỉ Đường sắt Điền – Việt

Từ đền Thượng thuộc phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, đi dọc vườn hoa Thủy Vĩ trong nắng nhẹ buông trên dòng Nậm Thi xanh biếc, chỉ khoảng 10 phút chúng tôi đã tới đầu cầu Hồ Kiều, nhìn theo hướng đường ray chạy qua cầu thấy cả phần đường phía bên kia sông Nậm Thi. Ở đây, chỉ có một trạm gác nhỏ của biên phòng Việt Nam, hải quan đường sắt đặt ở khu vực ga Lào Cai, cách vị trí này tầm hơn một km. Từ đây, theo đường sắt có thể đi lên tới Côn Minh hoặc đi thẳng ra tới biển Hải Phòng. Nếu không có cột mốc biên giới 103 thật khó để phân biệt đâu là Trung Quốc, đâu là Việt Nam. Không gian vùng biên trải dài và rộng theo đường ray tít tắp 6

Đường sắt Điền–Việt là tuyến đường sắt xuyên biên giới đầu tiên ở Đông Nam Á. Toàn tuyến dài 854 km, địa phận Việt Nam dài 389 km bắt đầu từ Hải Phòng đến ga Hà Nội và điểm cuối là ga Lào Cai; địa phận Vân Nam dài 465 km bắt đầu từ ga Hà Khẩu đến ga Côn Minh (Vân Nam phủ). Đoạn chạy từ Hải Phòng cho đến Lào Cai gọi là “Việt đoạn;” đường sắt Hà Nội–Lào Cai là một phần của “Việt đoạn”. Đoạn chạy từ Hà Khẩu đến Côn Minh tỉnh Vân Nam, Trung Quốc gọi là “Điền đoạn.” Năm 1901, những mét đường sắt đầu tiên được đặt tại vùng biển Hải Phòng đến ngày 1/4/1910, tại Côn Minh, giới chức Pháp, Trung Quốc và Công ty hỏa xa Đông Dương và Vân Nam thuộc Pháp đã tổ chức khánh thành toàn tuyến. 

Tuyến đường này nằm trên hành lang Điền–Việt, một hành lang đã tồn tại hàng nghìn năm trong lịch sử với các con đường bộ kết hợp đường sông Hồng. Ảnh: Phong Lan & Stan BH Tan-Tangbau

Tuyến đường sắt bắt đầu từ cảng biển Hải Phòng đi qua vùng đồng bằng Bắc Bộ đến Hà Nội – trung tâm chính trị lớn nhất Đông Dương rồi theo sông Hồng tới trung du Việt Trì. Từ đây, tuyến đường bắt đầu di chuyển trên vùng đồi, núi với những cung đường cong lớn đầy khó khăn, để đến Lào Cai. Từ Lào Cai, tuyến đường sắt xuyên qua biên giới ngược theo thung lũng Nậm Ty, hợp lưu với sông Hồng,  đi qua đèo Milati (cao 1.700 m). Sau khi qua đèo Milati, con đường đi qua Bích Sắc Trại rồi qua Khai Viễn và vào cao nguyên Vân Nam khi đến Nghi Lương. Từ Nghi Lương, đường đến Thủy Đường – đây là nơi cao nhất của cao nguyên Vân Nam và từ đây tiếp tục đi đến Côn Minh – thủ phủ của tỉnh Vân Nam. Hành trình đường sắt xuyên biên giới nối liền biển và núi chỉ mất vẻn vẹn hai ngày. 

Sở dĩ tuyến đường sắt nối liền từ Hải Phòng (Việt Nam) đến Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) có tên gọi Đường sắt Điền–Việt là do tuyến đường này nằm trên hành lang Điền–Việt, một hành lang đã tồn tại hàng nghìn năm trong lịch sử với các con đường bộ kết hợp đường sông Hồng. Từ thời xa xưa, các đoàn ngựa thồ đi từ Côn Minh xuống khu vực phía Nam Vân Nam và dừng chân ở bến Mạn Hảo, rồi tiếp tục sang di chuyển bằng đường sông Hồng trong khoảng từ 7 đến 15 ngày để ra đến cửa biển Hải Phòng. Ở chiều ngược lại, các đoàn thuyền mành từ Hải Phòng đến Mạn Hảo mất độ 20 ngày, rồi từ Mạn Hảo đến Mông Tự mất ba ngày và khoảng chín ngày theo đường ngựa thồ để về đến Côn Minh 7. Hoạt động giao thương diễn ra sôi động trên hành lang Điền – Việt. Đường sắt ra đời như là cách thức thay thế sông Hồng và con đường ngựa thồ để đi thẳng tới trung tâm của Vân Nam, Trung Quốc và cửa biển lớn nhất Bắc Kỳ, Việt Nam. Năm 1943, hoạt động trên đường sắt Điền – Việt ngừng hoàn toàn khi phát xít Nhật vào Đông Dương và Trung Quốc. 

Năm 1946, Trung Quốc giành được quyền quản lý đoạn đường sắt nằm trong địa phận Trung Quốc. Cùng trong thời điểm này, Việt Nam giành được quyền quản lý đoạn đường sắt Hải Phòng–Hà Nội và Hà Nội–Lào Cai. Kể từ sau khi tỉnh Lào Cai được giải phóng năm 1950, để khai thông tuyến biên giới Việt–Trung, mở đường tiếp nhận viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa, các tuyến đường được nhanh chóng phục hồi trở lại. Cầu Hồ Kiều, bị phá hủy lúc chiến tranh, được sửa chữa và đi vào hoạt động từ ngày 15/9/1951. Năm 1957, phía Trung Quốc, đoạn đường sắt Hà Khẩu – Côn Minh đã được khôi phục lại. Ở Việt Nam, năm 1957, tuyến đường sắt phía Tây được khôi phục, tuyến đường sắt xuyên biên giới hoạt động trở lại, Việt Nam có điều kiện xích lại gần với các nước trong khối XHCN và tiếp nhận được viện trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm, vũ khí của các nước XHCN cho cuộc kháng chiến chiến chống Mỹ 8

Năm 1968, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh, ném bom phá hoại miền Bắc, trong đó tuyến đường sắt Lào Cai–Hà Nội bị đánh phá nặng nề, đoạn Lào Cai–Phố Lu tê liệt hoàn toàn. Vết thương cũ chưa kịp lành thì đầu năm 1979, chiến tranh Biên giới phía Bắc diễn ra chỉ trong vòng một tháng nhưng đoạn đường sắt Lào Cai – Phố Lu bị phá hủy và ngưng trệ trong suốt 20 năm. Ngày 2/9/1993, toàn tuyến đường sắt Hà Nội–Lào Cai được khai trương và trở thành con đường huyết mạch kết nối thủ đô Hà Nội và vùng biên giới phía Bắc–Lào Cai trong công cuộc Đổi mới đất nước.

Năm 1996, đường sắt Liên vận Lào Cai–Côn Minh được khai thông trở lại và đến năm 2003, trước khi tàu khách Liên vận dừng hoạt động, ở các ga chính trên tuyến đường đều có gắn bảng giờ tàu Liên Vận đi Côn Minh. Tại ga Phố Lu, trong một chuyến thực địa năm 2008, chúng tôi đã nhìn thấy bảng giờ tàu Liên vận được niêm yết tại nhà ga. Những người ở nhà ga nói rằng: phải quan sát, để ý thật kĩ nếu không có thể sẽ lên nhầm tàu. Từ năm 2003, tàu Liên vận không chở khách mà chỉ có hoạt động tàu hàng trên đoạn Côn Minh–Hà Khẩu. Hoạt động chở hàng cũng chỉ được duy trì trên đoạn Hà Khẩu – Khai Viễn kể từ năm 2014, từ Khai Viễn đến Côn Minh hoạt động tàu hàng trên đuyến đường sắt cũ dừng hoàn toàn.  

Bước sang thế kỉ XXI, đường sắt Hà Nội – Hải Phòng trở thành xương sống trong hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Giai đoạn này, toàn tuyến luôn duy trì 16 cặp tàu (10 cặp tàu hàng và 6 cặp tàu khách). Tàu hỏa là phương tiện thuận tiện nhất để kết nối Lào Cai với các địa phương khác ở dưới xuôi. Ở Việt Nam, kể từ khi tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi vào hoạt động cuối năm 2014, các cặp tàu khách cắt giảm dần. Sau tác động của Covid 19, trên toàn tuyến chỉ duy trì thường xuyên một cặp tàu đêm. 


Từ năm 2020, chính quyền Côn Minh đã tổ chức các hoạt động diễn giải lịch sử của Đường sắt Điền–Việt trong các cộng đồng địa phương nhằm lan tỏa và tác động đến nhận thức của công chúng về di sản đường sắt ở Côn Minh.  

Giữa năm 2024, cùng với những hiệu ứng tích cực của chuyến tàu di sản miền Trung, tuyến đường sắt Hà Nội–Lào Cai cũng bắt đầu khởi sắc trở lại với các toa tàu du lịch và lượng khách du lịch quốc tế lựa chọn tàu hỏa là phương tiện di chuyển chủ yếu ngày càng gia tăng. Cuối tháng 9/2024, chương trình quảng bá, xúc tiến, kết nối du lịch các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), mang chủ đề “Việt – Trung, hai quốc gia sáu điểm đến” với sự tham gia của lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh Lào Cai; lãnh đạo sở du lịch các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội; các doanh nghiệp du lịch là những hoạt động góp phần tiếp tục hiện thực hóa sáng kiến “Hai hành lang, Một vàng đai” sau 20 năm được hình thành 9. Dường như Đường sắt Điền – Việt cũng đang chuyển mình để viết tiếp hành trình mới – hành trình của một di sản. 

Hai hành lang một vành đai – Đường sắt xuyên Á – Một vành đai một con đường

Việc nâng cấp, thậm chí là xây dựng lại tuyến đường sắt đã được xây dựng hơn 100 năm trước là một vấn đề thường xuyên được đề cập để phát huy khả năng kết nối giữa vùng Tây Nam Trung Quốc với Việt Nam và Đông Nam Á. Ngay từ năm 2002, phía Vân Nam bắt tay xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1,345 m kết nối từ ga Côn Minh tới ga Hà Khẩu Bắc được gọi là đường sắt Côn–Hà. Năm 2004, Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc đã khởi xướng sáng kiến “Hai hành lang, Một vành đai Kinh tế.” Theo đó, các hoạt động hợp tác xây dựng hành lang kinh tế “Côn Minh–Hà Nội–Hải Phòng–Quảng Ninh” được xúc tiến thực hiện và duy trì đến hiện nay. Đây là tuyến hành lang có nhiều hình thức, trong đó có tuyến đường sắt Hải Phòng – Côn Minh. Tháng 10/2006, một hiệp định liên chính phủ về “Mạng lưới Đường sắt xuyên Á,” một ý tưởng của Ủy hội Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hợp Quốc (ESCAP), được kí kết giữa 18 nước. Trong đó, đường sắt Việt Nam thuộc mạng lưới đường sắt Đông Nam Á, kết nối từ Côn Minh tới Singapore. Trên lãnh thổ Việt Nam, có hai tuyến chính là nhánh Lào Cai – thành phố Hồ Chí Minh (cùng các nhánh ra cảng biển Hải Phòng, Vũng Áng, Mỹ Thủy, Vũng Tàu, nhánh nối đến Mụ Giạ, Lao Bảo sang Lào, nhánh nối đến Lộc Ninh sang Campuchia, nhánh đi Cần Thơ) và nhánh Hà Nội – Đồng Đăng (cùng các nhánh nối cảng biển Cái Lân, nhánh nối Quán Triều) 10

Con tàu đi qua cầu chữ V ngược ở Km.122, Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: Phong Lan & Stan BH Tan-Tangbau.

Đầu năm 2014, tuyến đường sắt Côn – Hà khổ tiêu chuẩn chính thức khai thông toàn tuyến, chỉ mất sáu tiếng rưỡi để di chuyển giữa Côn Minh và Hà Khẩu 11. Trên lãnh thổ Việt Nam vẫn duy trì đường sắt khổ 1m, hoạt động vận tải quốc tế liên vận phải thực hiện bốc dỡ tại ga Sơn Yêu. Đến giữa năm 2024, Việt Nam có kế hoạch xây dựng ba tuyến đường mới để nâng cấp kết nối đường sắt với Trung Quốc, trong đó trọng tâm trước mắt của Chính phủ Việt Nam là tuyến đường Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Các đơn vị tư vấn đưa hai phương án: 1) lnâng cấp hệ thống đường sắt cũ thành đường sắt khổ tiêu chuẩn; 2) thiết lập một hệ thống đường sắt mới. Sau nhiều khảo sát, đánh giá, cuối cùng phương án hai được lựa chọn và xúc tiến mạnh mẽ. Hiện nay, dự thảo báo cáo giữa kì quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh với quy hoạch hệ thống mạng lưới đường ray, nhà ga, hầm, cầu và độ dài 417 km, vận tốc tối đa 160 km/h với tổng mức đầu tư dự kiến 11,6 tỷ USD. Ban Quản lý dự án đường sắt ngành Giao thông vận tải cho biết dự kiến khởi công xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1,435 m này trong năm 2027. Tương lai của tuyến đường sắt mới thay thế cho Đường sắt Điền – Việt giữ vai trò xương sống trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đang dần được hiện hữu. Điều này đồng nghĩa với việc cần có những ứng xử như thế nào với tuyến Đường sắt Điền – Việt cũ có 125 năm tuổi?  

Trước hết, hãy nhìn sang bên kia biên giới, nơi có tuyến đường mới đã thay thế đường sắt cũ trong hoạt động vận tải để xem “số phận” của nó đang được định đoạt như thế nào? Năm 2010, kỷ niệm 100 năm tuyến Đường sắt Điền – Việt được khai trương, Trung Quốc đã xúc tiến các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn di sản, diễn giải lịch sử đường sắt. Bảo tàng đường sắt Vân Nam là bảo tàng đường sắt lớn nhất trong tổng số 11 bảo tàng đường sắt tại Trung Quốc. Một công viên lịch sử và văn hóa đường sắt Vân Nam (Trung Quốc) – Việt Nam được xây dựng tại Bích Sắc. Hơn 30km trên đoạn đường từ Khai Viễn đến Côn Minh được khai thác để phục vụ phát triển du lịch. Vào tháng 7/2018, huyện Khai Viễn đã khôi phục đoạn đường sắt dài 11,6 km giữa ga Khai Viễn và ga Đại Tháp, hình thành dịch vụ tàu chở khách trong nội bộ huyện với tên “Tàu đưa đón công cộng Bắc – Nam Khai Viễn”. Bốn chuyến tàu trên cả hai chiều được cung cấp hằng ngày, khởi hành ba đến bốn giờ một lần từ các ga cuối đối diện. Từ ga Khai Viễn, tàu dừng ở ga Tương Vân Lộ, ga Hồ Giang Hà, ga 1909 Quảng Trường, ga Cầu 7 Lỗ và kết thúc tại ga Đại Tháp trước khi quay về nửa giờ sau 12. Hành khách được di chuyển chậm rãi trên tuyến đường có lịch sử hơn một thế kỷ, đi qua các đường hầm, cầu vượt, được chiêm ngưỡng khung cảnh đẹp như tranh vẽ kể về quá khứ huy hoàng của thành phố Khai Viễn như một trung tâm đường sắt lớn của Đường sắt Điền–Việt. Toa tàu được trang bị, thiết kế hoài cổ gợi nhớ về thời kỳ hoàng kim của đường sắt. Chính quyền địa phương nhận thức rõ về giá trị di sản của tuyến đường sắt và đã xây dựng Phòng Triển lãm Văn hóa Lịch sử Đường sắt Điền –  Việt giống với nhà ga Khai Viễn cũ để giới thiệu về tuyến đường sắt này. Những hoạt động trải nghiệm di sản đường sắt đang được bắt đầu triển khai 13. Người ta nhận ra rằng dịch vụ tàu hỏa trên đường sắt cũ giờ đã là một sản phẩm di sản đường sắt nổi tiếng. Huyện Hà Khẩu cũng đã phát triển sáng kiến du lịch đường sắt di sản của riêng mình, kêu gọi đấu thầu vào năm 2019 để chuyển đổi một đoạn đường sắt bao gồm ga Nậm Thi, ga Pháo đài Đỉa, ga Sơn Yêu và ga Hà Khẩu, cũng như các đề xuất phát triển các khu vực xung quanh để phục vụ du lịch đường sắt di sản 14. Tuyến đường sắt cũ ở Vân Nam (Điền đoạn) là tuyến đường sắt đầu tiên của Trung Quốc được ghi trong danh sách di sản công nghiệp vào năm 2018. Từ năm 2020, chính quyền Côn Minh đã tổ chức các hoạt động diễn giải lịch sử của Đường sắt Điền – Việt trong các cộng đồng địa phương nhằm lan tỏa và tác động đến nhận thức của công chúng về di sản đường sắt ở Côn Minh.  

Ở Việt Nam, từ năm 2008, tỉnh Lào Cai đã đặt vấn đề nghiên cứu về Đường sắt Điền – Việt trong khuôn khổ cuộc Hội thảo Quốc tế lưu vực sông Hồng. Ý tưởng lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận di sản thế giới cho tuyến đường sắt Điền Việt cũng được Đảng bộ tỉnh Lào Cai đưa vào Đề án thực hiện giai đoạn 2021–2025 15. Những khó khăn về quy trình cho một di sản trải dài qua nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam và Trung Quốc đòi hỏi phải có một quá trình nghiên cứu và đánh giá di sản một cách toàn diện. Gần đây nhất, trong khuôn khổ lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội tháng 11/2023, nhà máy xe lửa Gia Lâm là nơi tổ chức khai mạc, bế mạc của lễ hội. Trong tuần lễ sáng tạo này những chuyến tàu di sản di chuyển từ ga Hà Nội đến Gia Lâm đã trở thành điểm nhấn cho lễ hội với chủ đề “Dòng chảy”16. Sự kiện này làm dấy lên kí ức về tàu hỏa, đường sắt trong cộng đồng người Việt nhiều thế hệ. Trên mạng xã hội, xuất hiện hàng loạt các chia sẻ về chuyến đi cuối tuần hoặc vào kì nghỉ lễ bằng tàu hỏa với lí do: tìm lại cảm giác đi tàu và cho con/cháu thế hệ thứ hai, thứ ba được trải nghiệm tàu hỏa. Ngành đường sắt cũng có những bước chuyển dịch lớn trên hành trình tái cơ cấu với việc đẩy mạnh liên kết ngành và đổi mới hoạt động dịch vụ. Ngày 29/5/2024, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về xúc tiến, thúc đẩy các hoạt động du lịch bằng đường sắt. Tại buổi làm việc, người đứng đầu hai cơ quan đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai đơn vị nhằm xúc tiến, thúc đẩy các hoạt động du lịch đường sắt giai đoạn 2024-2030. Thời báo Kinh tế Việt Nam đã bình luận: “Cái ‘bắt tay’ giữa Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được kỳ vọng mở ra cơ hội để hai bên khai phá tiềm năng còn ‘ngủ yên’ của ngành đường sắt” 17. Vào những ngày cuối tháng 12/2024, tập đoàn chuyên cung cấp các chuyến du lịch bằng tàu hỏa cao cấp trên toàn cầu có trụ sở tại Anh đã cùng hợp tác với PYS Travel, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt, Công ty Cổ phần Xe lửa Gia Lâm và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có ra đời sản phẩm du lịch tàu hỏa hạng sang Sjourney trên cung đường di sản nối liền hai miền Nam Bắc. Những tín hiệu tích cực này mở ra tiềm năng phát triển cho con đường sắt xuyên biên giới cổ nhất Đông Nam Á – Đường sắt Điền–Việt. □

Bài đăng Tia Sáng số 1+2/2025

—————————————

1. Phỏng vấn, Phố Lu, năm 2009.

2. Đài Truyền hình Lào Cai. 2022. “Những dấu mốc trong chặng đường 115 năm thành lập tỉnh: Lào Cai trong tỉnh Hoàng Liên Sơn (1976–1991).” Lào Cai: Đài Truyền hình Lào Cai.

3. Mạnh Dũng. 2024. “Ga Phố Lu thưa vắng những chuyến tàu,” Báo Lào Cai 18/1. https://baolaocai.vn/ga-pho-lu-thua-vang-nhung-chuyen-tau-post378630.htm.

4 HG. 2015. “Tạm dừng chạy 2 tàu tuyến Hà Nội – Lào Cai.” Báo điện tử Đại biểu Nhân dân 25/01. https://daibieunhandan.vn/tam-dung-chay-2-tau-tuyen-ha-noi-lao-cai-post137557.html.

5. Mạnh Dũng. 2024. “Ga Phố Lu thưa vắng những chuyến tàu.” Báo Lào Cai 18/1. https://baolaocai.vn/ga-pho-lu-thua-vang-nhung-chuyen-tau-post378630.html.

6. Ghi chép thực địa tháng 01 năm 2024.

7. Tan-Tangbau, Stan BH. 2021. “Experiencing the Dian–Việt Railway Corridor as Panoramization: A View from the Past.” In China’s Rise in Mainland ASEAN: Regional Evidence and Local Response, ed. Suthipand Chirathivat, Buddhagarn Rutchatorn, and Wasutadon Nakawiroj (Singapore: World Scientific), pp 300-301.

8. Yan Libo and Zheng Xing Cheng. 2014. “The Future of the Yunnan-Vietnam Railway: A Political Economic Perspective.” In Railway Heritage and Tourism: Global Perspectives, ed. Michael V. Conlin and Geoffrey R. Bird (Bristol: Channel View Publications), p 230.

9. Hoàng Thu. 2024. “Lào Cai kết thúc tốt đẹp chuyến khảo sát, xúc tiến, quảng bá du lịch tại Vân Nam.” Báo Lào Cai 28/9. https://baolaocai.vn/lao-cai-ket-thuc-tot-dep-chuyen-khao-sat-xuc-tien-quang-ba-du-lich-tai-van-nam-post391051.html

10. Dẫn theo Dân trí. 2021. “Đường sắt quốc tế quan trọng kết nối Việt Nam với Trung Quốc, xuyên Á – Âu, Báo Lào Cai.” Báo Lào Cai 14/8. https://baolaocai.vn/duong-sat-quoc-te-quan-trong-ket-noi-viet-nam-voi-trung-quoc-xuyen-a-au-post345983.html.

11. Tan-Tangbau, Stan BH. 2022. “Hekou: Where Vietnam Begins and China Ends or Where China Expands into Vietnam?” In China’s Belt and Road Initiative in ASEAN: Growing Presence, Recent Progress, and Future Challenges, ed. Suthiphand Chirathivat, Buddhagarn Rutchatorn, and Anupama Devendrakuma (Singapore: World Scientific), pp 282-5.

12. Zhongguo Ribaowang. 2018. “Yunnan Kaiyuan Nanbei Guidao Jiatong Gongjiao Lieche Zhengshi Kaitong Yunying.” Zhongguo Ribaowang [中国日报网. 2018.《云南开远南北轨道交通公交列车正式开通运营》中国日报网] 21 July. http://yn.chinadaily.com.cn/2018-07/21/content_36619476.htm. Accessed 30 July 2024.

13.  Xiong Jiaxin. 2023. “Yunnan Kaiyuan: Dianyue Tielu huanxin banchang xuxie bainian jiushiguang.” Zhongguo Xinwenwang [熊佳欣. 2023.《云南开远:滇越铁路焕新返场续写百年旧时光.》中国新闻网] 15 February. http://www.chinanews.com.cn/sh/2023/02-15/9954091.shtml. Accessed 30 July 2024.

14.  Tan-Tangbau, Stan BH and Nguyễn Thị Lan Phương. 2024. “The Construction Legacy of a Heritage Railway from Hai Phong to Kunming.” Bản thảo.

Tác giả

(Visited 218 times, 3 visits today)