Trắng
Han Kang, một trong những tên tuổi văn chương Hàn Quốc nổi bật trên văn đàn thế giới những năm qua, đã viết riêng một cuốn sách cho màu trắng vì lẽ đó, vì trên màu trắng, mọi sắc độ khác đều hiển hiện, những sắc độ của nỗi buồn, của hồi ức, của sự mất mát, của niềm cô độc, của bản chất mong manh nơi cuộc sống, của những khoảng lặng im dài ra mãi không ngừng.
“Màu trắng có xu hướng khiến cho mọi thứ rõ nét hơn. Với màu trắng, bạn sẽ thấy nhiều hơn trong những sắc độ, bạn sẽ nhìn ra nhiều thứ hơn. Bạn đánh đổ café vào chiếc áo trắng, vết ố sẽ rất rõ ràng. Bạn đánh đổ vào áo tối màu thì khó nhìn hơn”, Robert Ryman – bậc thầy hội họa về màu trắng, người từng chiết màu trắng từ vô vàn các vật liệu khác nhau: chì, kẽm, bari, titan, phấn, xương, vải liệm, nhiều vô kể – từng nói.
Trắng của Han Kang bắt đầu bằng một danh sách những thứ màu trắng: “tã quấn, áo sơ sinh, muối, tuyết, băng, trăng, gạo, sóng, mộc liên trắng, chim trắng, nụ cười bàng bạc, giấy trắng, chó trắng, tóc trắng, áo liệm.” Nhân vật chính là một phụ nữ, ta chỉ biết có thể, cô đến Warsaw vào một mùa hè và nhận ra nơi mình trốn đến không phải một thành phố phía bên kia bán cầu mà là chính cõi lòng mình. Những màu trắng cứ tỏa ra từ trong hư vô không thể nào ngăn đỡ, bạn hãy tưởng tượng ra một người bị bóp nghẹt bởi một sợi dây thừng bện từ mù sương, hay một người bị trói chặt bằng một ổ khóa đúc từ tuyết, có lẽ đó là cách hình dung tốt nhất về trạng thái của cô. Cái nhấn chìm cô là một thứ gì rất nhẹ, vô định hình, mỗi khi chạm gần tới lại tan ra, và chính vì không thể sờ nắm hay chụp lấy nên không thể thoát ra khỏi nó.
Để sát hơn nữa, thì thứ ấy nhẹ như một linh hồn, linh hồn người chị đã mất của cô, khi mới lọt lòng, rồi được cha cô đem lên núi chôn, khi đi chôn, ông đi một mình. Sự sống luôn được canh gác bởi cái chết – đó là trong hiện thực. Còn trong văn của Han Kang, sự sống luôn có nghĩa là đã có gì đó từng chết, chúng vấn vít lấy nhau, trong Người ăn chay cũng vậy, trong Bản chất của người cũng vậy, và trong Trắng cũng vậy. Như nước và tuyết, phải có tuyết rơi, thành nước, thành biển, thành sóng.
Han Kang có một khả năng là có thể nói về những chủ đề lớn theo cách một người phụ nữ từ trên một ngọn hải đăng nhìn xuống và thấy những chiếc vây cá mập ánh lên giữa năng chiều. Nghĩa là ngay cả những gì thù địch nhất hay những tình trạng thảm thê nhất trong mắt kẻ khác cũng có vẻ vô cùng đẹp đẽ. Thay vì phải cho máu chảy đầu rơi để nói về bạo lực, ở Người ăn chay, cô để một người phụ nữ đột nhiên không ăn thịt nữa, rồi dần dần cô không ăn gì nữa, cô trồng cây chuối, cô chỉ muốn sưởi nắng, hoặc được tưới nước, cô không muốn là một động vật, cô muốn biến thành một cái cây. Thay vì nói về những núi xác người để mô tả hậu quả một cuộc thế chiến II thảm khốc ở Warsaw, ở Trắng, có một chương, cô nói về những cung điện nguy nga và những biệt thự mùa hè của vua chúa một thuở, những công trình đều không có tuổi đời quá 70 năm, những công trình đều được đời sau mô phỏng lại.
Nhà văn Han Kang. Nguồn: NYT
Cô làm điều đó bằng một chất keo mỏng nhẹ, chất thơ. Đúng vậy, dù nổi tiếng trên vai trò một tiểu thuyết gia, Han Kang trước hết là một nhà thơ. Hãy đọc thử một đoạn thơ của Han Kang:
Bầu trời tối đen và trong đêm tối
đám chim cư ngụ
bay lên bỏ lại cơ thể nặng nề.
Phải chết bao lần để tôi có thể bay như vậy?
Không ai nắm lấy tay tôi.
Trong cái chết có một hy vọng được bay, Han Kang là vậy đó. Cuốn Trắng cũng nấn ná giữa một tập truyện và một tập thơ, bởi làm sao tồn tại một thứ gì run rẩy rập rờn và trắng ngần như cánh bướm tới thế lại không có liên đới với thi ca. Từng chương ngắn ngủi như những áng thơ ai đó đang vội vã viết trên bờ cát lúc triều dâng, chỉ kịp viết xong vài dòng là biển đã trào lên xóa sạch nuốt chửng lấy tất thảy. Những chương ấy thậm chí cũng không nhất thiết phải đọc theo thứ tự hay đọc hết, chúng đến và đi theo nhịp điệu của một người thiền định đang từ từ tiến sâu vào bên trong nỗi đau để quan sát nó hiện hữu rồi quan sát nó biến mất không níu kéo.
Cần phải nói một chút về màu trắng trong toàn bộ tập sách này, một thứ cố hữu, mang tính bản thể, và vì không phải là một màu sắc như những màu sắc khác nên nó không thể bị phai mờ, nó nguyên vẹn từ quá khứ đến thực tại, từ ngân hà xuống chiếc bánh trăng tròn trong tay, từ cơn bão tuyết đến viên sỏi nhỏ. Tất cả những hình ảnh mang màu trắng đều biến đổi, riêng màu trắng thì không, nó là cái neo đỡ mà mọi thứ luôn trượt trở về với nó, cái duy nhất có thực. Màu trắng ấy tựa những nốt lặng trong một bản nhạc, không phải nốt lặng nào cũng giống nốt lặng nào, không phải màu trắng nào cũng giống màu trắng nào, có những nốt lặng tò mò, những nốt lặng bối rối, những nốt lặng thảng thốt, những nốt lặng đè nén, những nốt lặng u mang. Màu trắng của Han Kang cũng vậy, có màu trắng cô quạnh, màu trắng mơ màng, màu trắng mong manh, màu trắng câm nín, màu trắng thoát tục, màu trắng cháy bừng. Bởi trong màu trắng và sự im lặng chứa đựng tất cả những ý nghĩa có thể. Sự trống rỗng và gọn ghẽ của thứ màu trắng ấy là phòng chứa của vô tận cả những thứ quan trọng và cả những thứ không quan trọng trên đời, từ mùa xuân đến mùa đông, từ tã đỡ đứa bé lọt lòng đến vải liệm khi nó chết, từ răng đến mây, cái cứng đến cái bông tơi, mọi thứ. Vậy mà, chúng dễ bị bỏ qua, dễ bị làm lơ, nhưng như âm nhạc tồn tại trong những khoảng ngưng buông (nói như Mozart), sự viết tồn tại ở những điều không được nói chứ không phải những điều được nói.
Có người nói cuốn sách có giá trị chính trị ngầm ẩn. Tôi thì luôn đọc nó một cách phi chính trị, bởi người phụ nữ trong cuốn sách này, dù cô có sống ở thời đại nào đi chăng nữa, dù cô có chứng kiến Gwangju hay không, thì ta tưởng như vẫn sẽ thấy cô như thế, một mình bước đi giữa thành phố trắng bên những người xa lạ không quen, nhìn đâu cũng thấy nứt ra một khe hở cho quá khứ luồn vào, một người luôn trong quá trình hồi phục những vết thương, dù đôi khi sự cố gắng cầm máu cho nó lại làm vết thương càng thêm chảy ra lênh láng, một người vẫn luôn sống để đợi đến khoảnh khắc một ngày kia, gặp lại người yêu khi xưa khi tóc đã bạc trắng như lông chim, khi “không còn tuổi trẻ, không còn cơ thể tráng kiện. Không còn thì giờ để mà khao khát. Khi mà sau cuộc gặp gỡ ấy chỉ còn lại duy nhất một cuộc biệt ly, viên mãn bởi cái chết.”
Dẫu sao chính trị chỉ là tạm thời, tuổi trẻ cũng là tạm thời, tuổi già cũng là tạm thời mà thôi, màu trắng, duy màu trắng là vĩnh cửu.