Trang báo không có gương mặt người Palestine
Dẫu cho mâu thuẫn ở Dải Gaza có một lịch sử phức tạp, dẫu cho cư dân ở cả hai phía đều chịu đau khổ do chiến tranh kéo dài hàng thập kỷ, nhưng vùng đất này vẫn chỉ được khắc họa một chiều trên báo chí phương Tây.
Thân thể tôi là một cuộc thảm sát
Được cắt cúp cho vừa vặn bản tin
Đó là một đoạn trong bài thơ We Teach Life, Sir ra đời cách đây hơn 12 năm, của Rafeef Ziadah, nhà thơ người Palestine, kể về những nỗ lực của bà và các nhà hoạt động Palestine trong nhiều năm liền đã sống hai cuộc đời: một mặt giận dữ nhìn quê hương bị dày xéo, một mặt khác tìm cách kể câu chuyện Palestine1 theo một cách mà thế giới phương Tây có thể chấp nhận họ, từ đó ủng hộ Palestine.
***
Sau cuộc tấn công bất ngờ và thảm khốc của phiến quân Palestine do quân kháng chiến Hamas chỉ huy tới Israrel vào ngày 10/7/2023, Israel đã đáp trả bằng một chiến dịch quân sự phong tỏa toàn bộ Dải Gaza, ngắt điện, nước, chặn đường xăng dầu và thức ăn tiếp tế.
Đó là ấn tượng ban đầu của chúng ta về cuộc chiến trên Dải Gaza khi đọc trên truyền thông phương Tây. Họ đã bỏ qua bối cảnh rộng lớn của cuộc chiến, khiến người đọc dễ tưởng rằng, nguồn cơn mọi chuyện là từ hành động của Hamas vào tháng 10. Nhưng thực tế không phải như vậy, cuộc chiến này là một phần kết quả của mâu thuẫn kéo dài hàng thập niên giữa Israel và Palestine mà phe yếu thế thuộc về Palestine. Năm 1947, dẫu bị phản đối bởi người Palestine, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc quyết định phân chia Palestine thành hai phần: một phần cho những người Do Thái và một phần cho người Palestine – Ả Rập. Kể từ đó là chuỗi ngày địa ngục với người Palestine. Khởi đầu là sự kiện sau đó một năm, Al Nakba – tiếng A Rập là “Tận thế” khi Nhà nước Israel mới thành lập đã khiến 750 nghìn người2– 80% dân số3 Palestine bấy giờ trở thành những người tị nạn không Tổ quốc. Sau đó là Chiến tranh Tháng sáu vào năm 1967, Israel tiếp tục chiếm đóng phía Đông Jerusalem, Bờ Tây và Dải Gaza, đuổi 300 nghìn người4,5 Palestine khỏi đất của họ, chiếm phía Đông Jerusalem, Bờ Tây và Gaza. Liên Hiệp Quốc liên tục kêu gọi6 Israel dừng bước, nhưng nhà nước này vẫn tiếp tục bành trướng, phá hủy nhà cửa của người Palestine và kêu gọi công dân7 của mình định cư trên đất người Palestine mà quốc tế đã công nhận. Kể từ năm 2004 đến trước cuộc chiến Gaza 2024, Israel đã phá hủy gần 8000 công trình và đẩy hơn 23 nghìn8 người Palestine vào cảnh không quê hương. Giờ đây, ở những vùng người Israel chiếm đóng, cuộc sống của người Palestine bị kiểm soát ngặt nghèo9 tới mức một chuyên gia của Liên Hiệp Quốc gọi đó là “chế độ Apartheid mặc định”10. Ở Bờ Tây, trên đường phố là hai làn tách biệt, một bên dành cho người Do Thái, và một bên, mà người Israel chủ đích xây dựng chồng chất những chướng ngại vật, trạm kiểm tra khiến người Palestine phải vật lộn để đi làm, tới trường, tới bệnh viện.
Có rất nhiều nghiên cứu về sự thiên vị11 của những tờ báo lớn phương Tây đối với người Israel* trong hàng thập niên qua. Trước các xung đột giữa hai bên, bao gồm cả hai cuộc nổi dậy của người Palestine vào 1987-1993 và 2000 – 2004, đại đa số giới truyền thông không chỉ lược bỏ bối cảnh rộng lớn của sự việc mà còn ưu ái phỏng vấn quan chức Israel và tránh dẫn lời phía Palestine, thường mô tả hành động của Israel là “tự vệ”, “chính đáng” trong khi phê phán bên Palestine là “tàn bạo” và “mù quáng”. Người Palestine thường chỉ được khắc họa là kẻ gây hấn. Mặc cho thương vong của phía Palestine cao hơn, những cái chết của họ được nhắc đến ít hơn người Israel. Tình hình này vẫn không thay đổi kể cả khi Gaza trở thành tâm điểm tin tức toàn thế giới. Không gì có thể bào chữa cho tội ác của Hamas vào ngày 7/10 đã giết chết khoảng 700 dân thường12. Nhưng nếu phẫn nộ trước Hamas, ta cũng đừng quên rằng, tính đến cuối tháng hai, chiến dịch quân sự của Israel đã giết chết gần 40.000 người Palestine, 60% trong số đó là phụ nữ và trẻ em13, chưa kể những người bị thương và những người đang trải qua cuộc khủng hoảng lương thực, mất nhà cửa. Hàng chục nghìn cái chết (vẫn tăng lên từng ngày) của người Palestine không được nhắc đến nhiều bằng sự sợ hãi của người Israel trước tên lửa tự chế từ Hamas. Một thống kê của The Intercept14 đối với New York Times, Washington Post và Los Angeles Times trong sáu tuần kể từ 7/10/2023 cho thấy cứ hai người Palestine bị giết thì họ sẽ được nhắc đến 1 lần. Trong khi đó, với mỗi người Israel chết đi, họ được nhắc đến 8 lần. Một cách trần trụi, mạng người Israel đáng giá hơn người Palestine 16 lần.
Nhưng không có cách thiên vị nào tinh vi bằng sự phi nhân hóa người Palestine.
Người Palestine chỉ là con số thương vong
Sự phi nhân hóa đến từ cách dùng những từ ngữ phi nhân và những bản tin không có gương mặt người về Palestine. Ví dụ, hai nhà khoa học về dữ liệu, Dana Najjar và Jan Lietava, đã xem xét15 các bản tin được đăng online của BBC trong từ ngày 7/10/2023 đến 2/12/2023 và phát hiện rằng người Israel, kể cả khi không bị chết, không bị giết thường được nhắc đến bằng các từ như “mẹ”, “bà”, “con gái”, “cha”, “ông”, “cháu trai”… Trong khi đó, người Palestine thường chỉ gọi chung chung là “người” và gắn với từ “bị giết”, “chết”. Nếu trong các câu có đề cập đến cả hai bên, người Israel sẽ có khả năng được gắn với từ “bị giết” nhiều hơn, còn người Palestine thì bị gắn với từ “chết”.
Hãy xem những bài viết trên New York Times trong các tháng qua, xã hội Israel hiện lên với đầy đủ giằng xé như mọi xã hội của những con người đáng được sống khác. Có gì khiến con người trở thành con người bằng việc nhìn nhận họ không chỉ bởi đau đớn thể xác, các nhu cầu sống cơ bản, mà còn bằng nỗi bất an? Trong một ngày 15/12/2023, những người Israel được miêu tả bằng ba lát cắt khác nhau: những người đi mua súng vì nỗi lo lắng sau ngày 7/10, nghệ sĩ chuẩn bị một triển lãm để tưởng niệm các nạn nhân của Hamas, một nạn nhân được Hamas trả tự do kể lại trải nghiệm của mình. Chân dung Israel còn là những người mẹ căng thẳng nhìn con mình ra trận (đăng ngày 3/12), hay nỗi bất an về an ninh sau cuộc tấn công ngày 7/10. Phần lớn các bài trên, trừ nạn nhân bị Hamas bắt cóc, các nhân vật người Israel không chịu vết thương thể xác nghiêm trọng. Còn người Palestine, họ thường chỉ được nhắc đến trong con số tử vong vô hồn.
Những thế hệ tập đọc chữ P trong Palestine
Giữa những bài báo đồng cảm với tâm lý lo âu của những người dân Israel sau sự kiện 7/10, tôi cũng tìm được một tác phẩm hướng về phía người Palestine – một video vì cô bé 11 tuổi Dareen al-Bayaa mất cả gia đình hàng chục người trong cuộc không kích của Israel. Không nghi ngờ gì al-Bayaa sẽ lấy được lòng thương cảm của người đọc, vì sự mất mát, và vì em là một cô bé, em không thể có lỗi lầm.
Trong bài viết đăng trên The Nation ngày 27/11/2023, Mohammed El-Kurd, một nhà thơ sống tại khu vực bị chiếm đóng ở Jerusalem, kể lại việc ông từng là đứa trẻ 11 tuổi xuất hiện trong một bộ phim tài liệu, rồi được bay đi phát biểu trước Nghị viện châu Âu và Quốc hội Mỹ. Đến năm 2021 khi El-Kurd đã là một người trưởng thành, vào cuộc nổi dậy của người Palestine vào tháng 5 năm đó, ông được liên hệ để nhờ “tìm một đứa trẻ Palestine có thể thuyết trình về ước mơ hòa bình”. Cứ như thế, gánh nặng của việc chứng minh người Palestine có một “gương mặt con người” bị đặt nặng lên những đứa trẻ, vì báo chí và công chúng chỉ chấp nhận những đứa trẻ được quyền nói. El-Kurd kể, những đứa trẻ Palestine được gửi đến Quốc hội Mỹ, học thuộc những slide PowerPoint để nói về khát vọng chung sống hòa bình, trình bày hình ảnh vết thương của chính chúng để thuyết phục công chúng rằng gia đình và người thân chúng đáng được sống.
Đó chính là cái bẫy đối với người Palestine trên báo chí: Họ không có nỗi tức giận, không có xúc cảm phức tạp, nhưng quan trọng hơn cả, họ phải hiện lên với sự thánh thiện. Cũng trên The Nation, El-Kurd, trong một bài báo khác vào tháng hai vừa qua, nhắc đến hai anh em Jawad và Thafer Rimawi ném đá vào quân đội Israel khi làng của họ ở Bờ Tây bị quân đội Israel tấn công vào ngày 29/11 vừa qua, họ bị bắn chết. Em gái họ không thể đưa câu chuyện của anh mình lên báo vì “họ đã ném đá”. Ta hẳn đã quen với kiểu “tiêu chuẩn kép” này khi bị áp đặt lên những nạn nhân bị xâm hại tình dục – “cô ấy phải ăn mặc đứng đắn”. Nếu cô ấy có một quá khứ rắc rối, cô ấy “không hoàn hảo”, cô ấy có thể mất tư cách nạn nhân.
Bài thơ của Rafeef Ziadah ra đời từ một cuộc phỏng vấn bà nhận trả lời, cũng giữa lúc Gaza đang bị ném bom. Bà kể đã thức đến 6h sáng hôm đó để tập phát âm chữ P trong “Palestine”, vì “đến cuối buổi, phần lớn người Palestine sẽ mệt mỏi và phát âm P thành B”. Đến sáng hôm sau, một nhà báo đã hỏi bà: “Bà có nghĩ mọi thứ sẽ ổn nếu các bà không tiếp tục dạy trẻ em căm ghét?”. Giữ được phép lịch sự và bình tĩnh trước một câu hỏi xúc phạm như vậy là một chuẩn mực mà những người Palestine, nếu muốn được trao giọng cho trên truyền thông, phải đạt được: Họ phải phát âm tiếng Anh hoàn hảo, ghi nhớ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, phải có một câu chuyện hay và nhân văn, phải không được căm ghét hay tức giận dù quê hương đang bị đánh bom.
Chuông nguyện hồn ai?
Những gì diễn ra trên mặt báo và lời kể của những người Palestine không đưa ra được câu trả lời chính xác cho nguồn cơn quan điểm của báo chí phương Tây, hoặc cụ thể là Mỹ, đối với người Palestine. Việc gộp chung các tòa soạn phương Tây thành một đối tượng đơn nhất cũng loại bỏ đi sự phức tạp bên trong mỗi tờ báo, các động lực và thương thuyết của các chủ thể phía sau mỗi bài báo. Tuy nhiên, nếu xem xét báo chí là một phần cách thức các nhóm thống trị sử dụng để kiến tạo và duy trì sự thống soát về niềm tin trong công chúng, báo chí phương Tây có thể được hiểu là một phần trong hệ thống đó, vừa là kết quả, và là công cụ để duy trì các niềm tin tưởng chừng phổ quát. Greg Shupak, tác giả cuốn sách The Wrong Story: Palestine, Israel and the Media (Tạm dịch Câu chuyện sai lầm: Palestine, Israel và truyền thông16), viết trên tạp chí Jacobin: “Các hãng tin tường thuật về Palestine – Israel được gắn chặt trong một hệ thống của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc do Mỹ thống lĩnh, với Israel là một thành tố quan trọng trong đó”. Ví dụ, các hãng tin Mỹ đưa tin về “quyền tự vệ chính đáng” của Israel – một diễn ngôn đồng nhất với quan điểm của Chính phủ Mỹ – trong khi không nhắc đến quy mô thiệt hại mà các hành động “tự vệ” này gây ra với người Palestine thường lớn hơn rất nhiều lần thiệt hại của phía Israel. Các tờ báo cũng có xu hướng dán nhãn cho các chủ thể theo cách phân chia của chính phủ họ – ví dụ “khủng bố”, khái niệm vốn mang đầy tính kỳ thị và gần như chỉ nhắm vào người Hồi giáo.
Bên cạnh chính trị, Israel đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống tư bản toàn cầu. Vào ngày 26/12/2023, lúc mà con số người Palestine chết sau hai tháng Israel oanh tạc Gaza là 29,124 người, Intel và Israel cùng công bố khoản tài trợ 3,2 tỷ USD của chính phủ cho nhà máy chip trị giá 25 tỷ USD của Intel tại Israel. Cuộc xung đột và sự phân biệt chủng tộc của Israel đối với người Palestine cũng mang lại lợi ích cho nhiều công ty đa quốc gia. Ví dụ rõ ràng nhất là các hãng vũ khí Mỹ cung cấp vũ khí cho việc tấn công Gaza, hoặc các công ty hưởng lợi từ việc xây dựng các khu định cư bất hợp pháp của Israel ở Bờ Tây. Một công ty khởi nghiệp của Israel cung cấp phần mềm để nhận diện khuôn mặt và theo dõi sinh trắc học người Palestine, theo điều tra của NBC và Haaretz, và công ty này nhận 78 triệu USD đầu tư từ Microsoft. HP cung cấp dịch vụ hệ thống cho cảnh sát, nhà tù và cơ quan nhập cư của Israel – bộ phận có chức năng duy trì các hệ thống căn cứ mang tính phân biệt đối xử với người Palestine. Sự áp đảo về quyền lực kinh tế của Israel thông qua hệ thống chằng chịt các quan hệ lợi ích đã khiến diễn ngôn của Israel về một đất nước “dân chủ”, “khởi nghiệp” trở thành diễn ngôn chủ đạo trên truyền thông và trong công chúng các nước phương Tây, thay vì phản ánh khách quan về xung đột phức tạp, sự phân biệt chủng tộc17 đang diễn ra ở đây.
Trong bài viết trên Jacobin, Shupak đã dẫn lại lời Faiza Hirji, một giáo sư truyền thông tại Đại học McMaster, rằng các nhà báo, những người cũng là một phần của hệ thống quyền lực đang thống trị, “đóng góp một cách vô thức vào việc củng cố các quan điểm hiện có về cách thế giới tồn tại” (có thể trong vô thức nhiều nhà báo da trắng đã nhìn người Palestine chỉ là nạn nhân hoặc kẻ khủng bố). Hoặc nói một cách ngắn gọn như Noam Chomsky: “Một phần trong bi kịch của người Palestine là họ không có sự ủng hộ quốc tế. Có lý do. Họ không có tiền. Họ không có quyền lực. Đó là cách thế giới vận hành”. “Ủng hộ quốc tế” theo ý của Noam Chomsky là những hành động thực sự đấu tranh cho quyền và sự tự chủ của người Palestine chứ không chỉ là những tuyên bố bằng lời nói18.
Đầu những năm 2000, mạng xã hội và sự phổ biến của các phương tiện ghi hình đã mở ra một thời đại mới trong cách đưa tin về tình hình tại Palestine. Sự độc quyền tin tức của báo chí phương Tây bị mất dần, những nhà báo không chuyên người Palestine, bằng tài khoản mạng xã hội của riêng họ, có thể đưa bản tin của họ đến trực tiếp với công chúng mà không bị lọc qua lăng kính của một tòa soạn phương Tây. Theo một cách nào đó, mạng xã hội từng mang lại hy vọng rằng những người Palestine có thể thách thức các quan điểm “thâm căn cố đế” trên báo chí chính thống về họ và về Israel, từ đó thay đổi “cách thế giới vận hành”. Các nghiên cứu từ thập niên 2000, 2010 dự báo19 về thách thức mà các tòa soạn phương Tây sẽ gặp khi phải thuyết phục công chúng tin vào góc nhìn thiên vị Israel của họ, tuy nhiên, đến năm 2024, thay vì đánh đổ được góc nhìn đó, người Palestine chỉ có thêm một cuộc chiến mới: đưa tiếng nói của họ vượt qua bức tường thuật toán của các công ty công nghệ để đến với công chúng.
Đến năm 2024, cách người Palestine bị nhìn nhận trên báo chí phương Tây vẫn khiến những công việc của các nhà báo không chuyên khó khăn hơn nhiều chỉ để chứng tỏ rằng người Palestine đáng sống. Những bài báo được đăng trong hàng chục năm, được trợ giúp bởi nạn bài Hồi giáo (dù người Palestine không chỉ có người Hồi giáo), đã khắc họa người Palestine hoặc là vô tội hoàn toàn, hoặc là khủng bố. Những clip từ Gaza mỗi ngày đầy rẫy cảnh trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thiệt mạng, vì đó là cách duy nhất người ta tin rằng cuộc đánh bom là phi chính nghĩa. Sau những tuyên bố như “không ai ở Gaza vô tội” (lời của Tổng thống Israel Isaac Herzog), có cách nào khác để chứng minh một người là vô tội trừ khi đó là đứa bé mới sinh? Chính vì thế, những đứa trẻ Palestine khi còn sống sẽ phải học thuộc những bài thuyết trình về thương tích, khi chết đi, da thịt bất động của chúng lại trở thành bằng chứng trên BBC, CNN hoặc Instagram.
Các nghiên cứu từ thập niên 201020 dự báo mạng xã hội sẽ khiến công chúng ngờ vực hơn về các lập trường của Israel và sự thiên vị của báo chí đối với Israel sẽ ngày càng kém thuyết phục hơn. Thế nhưng, đến năm 2024, người Palestine vẫn phải làm công việc thuyết phục thế giới rằng cuộc đời họ không chỉ là những con số, có thể vì lý do đó mà bài thơ của Ziadah được chia sẻ lại trên mạng xã hội vào năm nay, và nghe nó vẫn như mới.
Bà có đủ tay chân gãy để lên bìa The Sun?
Cho tôi cái chết cùng danh sách tên
Để đăng đủ bản tin nghìn hai chữ.
——-
Bài viết có sự đóng góp ý kiến của Nguyễn Thị Lan Hạnh, Nghiên cứu sinh Đại học Quốc gia Chiao Tung, Đài Loan, người quan tâm đến chủ đề này và đã có nghiên cứu về cách đưa tin về cuộc chiến Gaza 2024 trên báo chí Việt Nam. Độc giả có thể đọc thêm nghiên cứu của Lan Hạnh tại: https://invisiblearmada.ncku.edu.tw/articles/channeling-hegemony
*Sửa lại trên báo in là: Có rất nhiều nghiên cứu về sự thiên vị11 của những tờ báo lớn phương Tây đối với người Israel*
Chú thích
1 Điều này được chia sẻ trong buổi đọc thơ, trong đó có bài We Teach Life, Sir của Rafeef Ziadah tại London vào ngày 12/11/2011: https://www.youtube.com/watch?v=aKucPh9xHtM
2 https://www.ohchr.org/en/press-releases/2023/10/un-expert-warns-new-instance-mass-ethnic-cleansing-palestinians-calls
3 https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/1467-923X.13166 và https://www.fidh.org/en/region/north-africa-middle-east/israel-palestine/israeli-apartheid-the-legacy-of-the-ongoing-nakba-at-75
4 https://apnews.com/article/palestinian-jordan-egypt-israel-refugee-502c06d004767d4b64848d878b66bd3d
5 https://www.un.org/unispal/document/human-rights-council-hears-that-700000-israeli-settlers-are-living-illegally-in-the-occupied-west-bank-meeting-summary-excerpts/#:~:text=From%202012%20to%202022%2C%20the,from%20520%2C000%20to%20over%20700%2C000.
6 Một vài Nghị quyết tiêu biểu của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc: Nghị quyết 242 năm 1967, https://peacemaker.un.org/middle-east-resolution242 yêu cầu Israel rút quân đội khỏi các vùng lãnh thổ nước này đang chiếm đóng trong các cuộc xung đột gần đây và tôn trọng quyền toàn vẹn lãnh thổ của các nước trong khu vực; Trước khi đưa ra nghị quyết 1397 năm 2002, về giải pháp hai nhà nước, Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc lúc bấy giờ là Kofi Annan kêu gọi Palestine dừng những hành động khủng bố và ném bom tự sát và Israel dừng việc sử dụng vũ lực vô tội vạ và chiếm đóng bất hợp pháp trên lãnh thổ của Palestine https://www.theguardian.com/world/2002/mar/13/israelandthepalestinians.unitednations; Nghị quyết 1860 (năm 2009) yêu cầu Israel ngừng bắn và rút toàn bộ lực lượng khỏi Gaza: http://unscr.com/en/resolutions/1860;
Nghị quyết 1850 (2008) yêu cầu các bên sống hòa bình trong vùng lãnh thổ được công nhận: https://digitallibrary.un.org/record/643820?ln=en&v=pdf; Nghị quyết 2334 (2016) bày tỏ quan ngại về sự bành trướng của Israel trên lãnh thổ của người Palestine năm kể từ năm 1967.
7 https://www.un.org/unispal/document/auto-insert-205221/
8 Dữ liệu thống kê có thể xem ở đây: https://statistics.btselem.org/en
9 https://www.ohchr.org/en/press-releases/2022/10/commission-inquiry-finds-israeli-occupation-unlawful-under-international-law
10 https://www.reuters.com/world/middle-east/israel-occupation-makes-palestinian-territories-open-air-prison-un-expert-2023-07-11/
11 https://theconversation.com/bias-hiding-in-plain-sight-decades-of-analyses-suggest-us-media-skews-anti-palestinian-216967
12 https://www.france24.com/en/live-news/20231215-israel-social-security-data-reveals-true-picture-of-oct-7-deaths
13 https://euromedmonitor.org/en/article/6195/Ongoing-genocide-in-Gaza:-Six-indicators-of-Israel%E2%80%99s-failure-to-comply-with-ICJ-ruling
14 https://theintercept.com/2024/01/09/newspapers-israel-palestine-bias-new-york-times/
15 https://uk.news.yahoo.com/scandal-study-shows-bbc-bias-142413982.html?guccounter=1
16 Greg Shupak, The Wrong Story: Palestine, Israel and the Media.
17 https://news.un.org/en/story/2022/10/1129942 và https://www.un.org/unispal/document/israels-housing-policies-in-occupied-palestinian-territory-amounts-to-racial-segregation-un-experts/
18 https://www.tbsnews.net/features/panorama/jewish-voices-reason-how-dissenting-voices-view-israel-palestine-conflict-726886
19 https://www.emerald.com/insight/content/doi/10.1108/13632540510621533/full/html
20 https://www.atlantis-press.com/proceedings/icosi-hess-22/125979807
Bài đăng Tia Sáng số 7/2024