Tranh Rồng của Lê Thiết Cương

Thật là lạ trong thập nhị địa chi tương ứng với 12 con vật biểu tượng thì có mỗi rồng là con không có ngoài đời thực. Thế nhưng rồng lại xuất hiện nhiều nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt suốt từ thế kỷ thứ 10 đến cuối thế kỷ 19.

Múa rồng.

1000 năm trải qua các thời kỳ (từ Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Lê Mạt, Nguyễn) hình tượng rồng đã có nhiều thay đổi, từ tạo hình, bố cục, chất liệu. Dễ nhận thấy những nét chính như sau: Rồng Lý mượt mà, tinh tế, uốn lượn mềm mại. Rồng Trần nhìn bề mặt thì giống Lý nhưng tinh thần thì khác, thô và khỏe hơn. Rồng Lê sơ chú trọng chi tiết, cụ thể, ít chất trang trí cách điệu. Rồng Mạc bỏ hẳn lối uốn khúc hình sin của Lý Trần tuy ít uốn lượn nhưng vẫn mềm mại, gây cảm giác mộc mạc giản dị. Rồng Lê Trung Hưng và Lê Mạt có hai đột phá là phần thân ở đoạn giữa có thêm một nhịp võng xuống tạo thành hình yên ngựa và thứ hai là hình mây lửa ở đuôi, bờm hoặc kết hợp rồng và những đám mây lửa hòa cùng nhau. Rồng Nguyễn là vẻ đẹp của cầu kỳ, kỹ lưỡng, chau chuốt. 

Cá hóa long.

Có người Việt nào mà lại không tự hào về cội rễ Con Rồng cháu Tiên với truyền thuyết Cha Lạc Long Quân, Mẹ Âu Cơ? Có người Việt nào mà không nhớ đến tích Thăng Long rồng bay / thủ đô hơn nghìn năm văn hiến?

Tứ linh

Giáp Thìn 2024, họa sĩ Lê Thiết Cương cho ra mắt bộ sưu tập tranh Rồng trên chất liệu bột màu vải màn bồi giấy dó với các đề tài như: Thăng Long (Rồng bay), Múa rồng, Rước rồng, Cá hóa long, Con rồng cháu Tiên, Cửu Long (9 rồng), Tiên rồng… thay cho lời chúc an lành, chúc vận mới khởi từ Giáp Thìn may mắn và hạnh phúc tới tất cả bạn đọc của Tia Sáng.□

Bài đăng Tia Sáng số 2+3(số Tết)/2024

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)