Trao đổi tiếp với Trần Trọng Dương
Nhà nghiên cứu Tạ Đức tiếp tục trao đổi chung quanh bài viết của TS Trần Trọng Dương về tác phẩm mới "Nguồn gốc người Việt-người Mường” của ông.
“…trong nhiều trang của cuốn chuyên luận, tác giả cũng đã tiến hành đồng quy nhiều hiện tượng ngôn ngữ, mà sự đồng quy nhiều khi lại dựa trên bề mặt ngữ âm”. (Dương đưa ra năm ví dụ sẽ nêu cụ thể ở dưới)… Cộng tất cả các đẳng thức từ năm ví dụ trên, ta sẽ có một chuỗi dấu bằng, điều đó khiến không ít người cảm thấy hơi bất thường. Bởi cái gì đẹp quá nhiều khi chưa chắc đã phải là chân lý. Tất cả các đẳng thức trên được tác giả dẫn dụng cứ liệu từ các thư tịch cổ như Hán thư, Hậu Hán thư, Sử ký,… đều không có chỉ số trích dẫn! Còn những trích dẫn từ các học giả khác thì lại là trích theo kiểu đồng quy về dân tộc học, ví dụ: «người Đông Di cùng nguồn gốc với người Việt»… Vậy, tác giả đã dùng những cứ liệu dân tộc học để đưa ra những đẳng thức ngữ âm khá chông chênh. Và để chứng minh/ hay phản biện được những kết luận này thì cần phải có những thao tác phục nguyên… một cách chuyên nghiệp, chứ chưa thể dựa trên những nét hao hao trên ký hiệu văn tự của âm Hán Việt hay phiên âm Latin ở thời điểm hiện tại.“
Quả thực, tôi rất sửng sốt với các nhận xét trên của Dương
Trước hết, cần khẳng định, để có được các đẳng thức trên, tôi đã dựa chủ yếu vào các tư liệu sử học, được củng cố bằng các tư liệu dân tộc học, khảo cổ học và ngôn ngữ học, chứ không hề “ dựa trên bề mặt ngữ âm” hay chỉ vào “cứ liệu dân tộc học” như Dương nói. Tôi sẽ chứng minh cụ thể qua các ví dụ mà Dương nêu.
1- Việt=Di
Để có đẳng thức này, tôi đã dẫn tư liệu từ Đào Duy Anh và các học giả khác, theo đó trong sử sách tên Việt thường đi với tên Di; người Việt có tục cạo tóc xăm mình giống người Di; từ Việt từ Di có âm gần nhau và có thể do Di chuyển thành Việt; người Hoa trước dùng Di, sau dùng Việt chỉ các tộc khác Hoa phương Nam; người Hoa coi Di-Việt cùng gốc, người Việt cũng gọi là Di hay đúng hơn, Di ở phương Nam gọi là Việt; trong các nghiên cứu, văn hóa (Đông) Di tương ứng với văn hóa (Bách) Việt.
Các Phụ lục từ 2A đến 3A cho thấy người Việt – người Di ở cùng một khu vực (ven biển phía Đông Trung Quốc), nói cùng ngôn ngữ gốc (Nam Á) và có chung các nền văn hóa khảo cổ thời Đá Mới. Như vậy, chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định Việt=Di.
2- Việt=Lạc
Đẳng thức này đã được Nhan Sư Cổ, người chú giải Hậu Hán Thư đưa ra khi cho biết: “Lạc là một tên khác của Việt”. Nó lại được củng cố bằng nhiều tư liệu khảo cổ học, ngôn ngữ học cho thấy La=Lạc=Việt (Chương 7) và Lava=Lạc Việt (Phụ lục 4C).
3- Việt = Lạc = Lý = Liêu = Lão = Lộ = Lái = Lai = Lôi = Lê = Thái
Đẳng thức là sự kết nối ba đẳng thức:
Lạc=Liêu=Lão=Lộ: theo Từ Trung Thư (2004) người Lạc (thời Tần-Hán ở Bắc Việt Nam ) là người Liêu thời Ngụy-Tấn, là người Lão thời Đường-Tống. Người Lộ (thời Thanh) ở Quảng Tây là người Lạc
Lạc=Lý=Lái=Lão: theo Nguyễn Duy Hinh (1974) cổ thư Trung Quốc ghi người Giao Chỉ là người Lái, gọi Lý Phật Tử là người Lái, nhưng từ thế kỷ 5 lại ghi là Lý hay Lão.
Lạc=Lai=Thái=Lôi=Lê: theo Benedict (1975) tên gọi các nhóm Lê ở Hải Nam có các dạng Dai, Lai, Loi, Le, D’li và đều có nghĩa Người. Các dạng trên tương ứng với Thái, Lái, Lôi, Lê, Lý.
4- Việt=Giao=Dao=Keo=Táo=Đáo
Theo ngôn ngữ học Nguyễn Văn Lợi (1993), tên Giao Chỉ có gốc từ tên gọi người Giao/Dao ở Bắc Việt Nam và nghĩa gốc của Giao là Người. Trong lịch sử, người Mường gọi người Việt là Táo/Đáo, người Thái gọi người Việt là Keo, các tên đó đều tương ứng với Lao/Giao.
5- Việt = Vu = Âu = Ư = Cổ
Trong thư tịch Hoa, tên gọi nước Ư Việt (Yu Yue) có các dạng Ư Việt/Âu Việt/Vu Việt/Cổ Việt, từ đó suy ra Ư=Âu=Vu=Việt. Yu Yue lại tương ứng với Lava=Lạc Việt.
Như vậy, các đẳng thức trên đều rút ra từ tư liệu thư tịch với sự ủng hộ của các tư liệu khảo cổ, ngôn ngữ, dân tộc học. Hầu hết các tên gọi là từ Hán-Việt được ghi rõ ràng bằng chữ Hán và điều này chắc Dương biết rất rõ. Sự thực là thế nhưng chẳng hiểu sao, Dương lại gán cho tôi rằng đã lập ra các đẳng thức đó phần nhiều “ dựa trên bề mặt ngữ âm” và “những cứ liệu dân tộc học”, từ đó cho rằng chúng là “các đẳng thức ngữ âm khá chông chênh”, tức không chắc chắn (!).
Thực tế, cái “bề mặt ngữ âm” đó lại chính là cảm nhận của Dương. Sự gần gũi về mặt ngữ âm cũng có giá trị nhất định để xác định quan hệ cội nguồn giữa các từ. Nhưng rõ ràng, trong các trường hợp trên, tôi đã không dựa vào chúng.
Từ nhầm lẫn đó, Dương đã có một đòi hỏi hết sức vô lý là phải chứng minh chúng bằng các thao tác phục nguyên. Ôi, sao Dương không biết rằng, trong ngôn ngữ học, người ta chỉ phục nguyên những từ ở thời chưa có chữ viết mà thôi.
Liên quan đến đẳng thức Di=Việt, tôi có cụ thể hóa nhận xét của cụ Đào Duy Anh về sự gần gũi giữa từ Di (Yi) và Việt (Yue) trong tiếng Hoa hiện đại. Dương nói đó là “kiểu so sánh phi lịch đại và không thể dùng hai gần gũi nhau thời hiện đại để chứng minh chúng giống nhau hay là một cách đây mấy nghìn năm.
Tại sao không? Khi hai tên gọi Di-Việt đã được xác định chắc chắn là tên gọi cho một tộc người thời cách đây mấy nghin năm thì sự gần gũi của hai từ thời hiện đại đơn giản chỉ phản ánh qui luật “nhân nào- quả ấy”. Hơn nữa, dựa trên Họ Từ Người, tôi đã xác định từ gốc của Việt là Ya=Người, nhiều biến thể của Ya trở thành tên các tộc người Bách Việt.
Dương nói các đẳng thức đó “khiến không ít người cảm thấy bất thường bởi cái gì đẹp quá nhiều khi chưa chắc đã phải là chân lý”.
Dương ơi, hôm nào Dương “nói nhỏ” cho tôi “không ít người” đó là những ai để tôi gửi lời cảm ơn họ nhé. Tôi thật sung sướng nếu có nhiều người thấy các đẳng thức của tôi “đẹp”. Còn việc họ cảm thấy chúng “bất thường” thì là điều dễ hiểu, bởi cả cuốn sách của tôi đã là một sự “bất thường” rồi.
Dương lại bảo “Tất cả các đẳng thức trên được tác giả dẫn dụng cứ liệu từ các thư tịch cổ như Hán thư, Hậu Hán thư, Sử ký,… đều không có chỉ số trích dẫn!
Đúng là khi nêu ý kiến Việt=Lạc của Nhan Sư Cổ khi chú Sử Ký, tôi đã không dẫn nguồn. Thiếu sót đó có thể sửa ngay ở đây: dẫn theo K. Taylor (1983:42). Nhưng khi xác định Vu=Việt, Âu=Việt, Lạc=Lộ dẫn theo Hán Thư, Thượng Thư, Thuyết văn giải tự tôi đã ghi rõ nguồn là Từ Trung Thư (2004). Sao Dương không lại không thấy nhỉ? Phải chăng vì Dương đọc sách tôi quá nhanh?
Rồi từ những nhận xét có phần võ đoán trên, Dương kết luận: “…việc duy danh vào những cái tên như Bách Việt (một cách gọi ôm đồm của người Hán cho rất nhiều dân tộc phi Hán ở phía Nam) để rồi nhập cái yếu tố Việt ngày nay vào một cộng đồng dao viễn tưởng tượng trong quá khứ là một trò chơi chữ nghĩa bất tận không bao giờ đi đến đích (phần in nghiêng do tôi nhấn mạnh).
Dương nói thế có nghĩa Bách Việt chỉ là một “cộng đồng… tưởng tượng”, việc chứng minh người Việt có nguồn gốc Bách Việt là “một trò chơi chữ nghĩa” vô vọng?
Một lần nữa, tôi lại thấy quan điểm của Dương lồng bóng quan điểm của Liam Kelley/Lê Minh Khải, một nhà Hán-Nôm-sử học Mỹ mà Dương chịu nhiều ảnh hưởng rõ rệt.
Trong một số bài viết cũng được đưa lên mạng (leminhkhai.wordpress.com/, phần dịch tiếng Việt leminhkhaiviet.wordpress.com), Liam đã phủ nhận nguồn gốc xa xưa của người Việt, coi toàn bộ các nhân vật huyền thoại từ Kinh Dương Vương, Thánh Gióng, Hùng Vương, các nước Xích Quỉ, Văn Lang chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của “giới tinh hoa Hán hóa” thời phong kiến sau này, coi việc người Việt nhận mình là con cháu người Lạc Việt hay Bách Việt xưa… là không đúng v.v.
Giờ đây, cuốn sách của tôi lại chứng minh tất cả các nhân vật và các quốc gia trên đều là có thực từ thời xa xưa (tất nhiên đã được huyền thoại hóa ít nhiều và thể hiện bằng những biểu tượng Hán hóa), rằng người Việt là con cháu người Lạc Việt đã có lịch sử hơn 4000 năm, rằng nhiều biểu tượng và truyền thống Việt đã gắn với người Việt từ rất lâu đời…
Cần nhấn mạnh, quan điểm của Liam cũng là quan điểm của trường phái “hiện đại” trong sử học, một trường phái dù có mục đích không tồi là chống lại chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi, nhưng cũng tỏ ra hẹp hòi, cực đoan khi cho rằng tinh thần dân tộc, ý thức quốc gia chỉ là sản phẩm của xã hội hiện đại. Đối lập với trường phái đó là trường phái “biểu tượng tộc người” coi dân tộc, quốc gia là những thực thể có từ thời xa xưa, từ đó nhấn mạnh tầm quan trọng của các biểu tượng, huyền thoại, các giá trị văn hóa truyền thống trong việc hình thành các quốc gia, dân tộc.
Cho dù sau khi cuốn sách của tôi không liên quan gì đến trường phái dân tộc – biểu tượng, nhưng rõ ràng, cuốn sách đã ủng hộ trường phái đó. Vì thế, việc Dương dị ứng và phê phán quá lời một số vấn đề trong sách của tôi là điều có thể hiểu được.
Chỉ có điều tôi chưa hiểu, Liam hay Dương có những quan điểm trên khi chưa biết tới những tư liệu mới, đặc biệt là tư liệu khảo cổ học về nguồn gốc người Việt hay Bách Việt. Dương cũng đã từng khẳng định vai trò quyết định của khảo cổ học trong nghiên cứu lịch sử. Giờ đây, trong sách tôi, dù tôi đã đưa ra những bằng chứng khảo cổ rõ ràng, vì sao Dương vẫn bảo thủ quan điểm cũ?
Nhưng thôi, hãy “trách mình trước, trách người sau”. Ai bảo mình viết sách quá dày, đưa ra quá nhiều vấn đề mới và khó, lại có những quan điểm “lạc dòng”? Những phê phán của Dương như thế vẫn tốt hơn nhiều những kích động vô căn cứ, phi khoa học của một vài người khác.
Và một lần nữa, tôi cảm ơn Dương. Dương từng nói “viết nhiều thì sai nhiều”. Những sai sót của Dương khi phê phán tôi là bình thường và là “chuyện nhỏ”.
Giờ tôi đang chờ đợi sự phản biện của chính Liam Kelley. Tôi cũng hi vọng, sau khi “đọc chậm, đọc kỹ, đọc hết, hiểu đúng, đủ và rõ nội dung từng phần cũng như toàn bộ cuốn sách” như mong muốn của tôi ghi trong “ Lời cảm ơn” đầu sách, Dương sẽ có những thay đổi, dù nhanh hay chậm, ít hay nhiều trong nhận thức về lịch sử người Việt.